- Con hổ bị cảm lạnh nằm thiêm thiếp suốt 3 ngày đêm, đồng tử dãn to. Bác sỹ thú y tiêm đủ các loại thuốc mà không ăn thua, cuối cùng phải chữa mẹo: nhờ cánh đàn ông “tiểu” vào mặt con hổ, thế mà con vật tỉnh lại thật.
Đường vào Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Trung tâm CHĐVHD) giờ không còn khó đi như trước, nhựa đường trải phẳng lì vào đến tận cổng. Hiện trung tâm này đang nuôi dưỡng 3 con hổ: 2 con do lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, thu giữ và chuyển giao lại cho trung tâm; con còn lại đến từ tỉnh Đồng Nai.
Quay trở lại vụ giải cứu 2 con hổ đầu tiên. Qua nguồn tin của trinh sát nắm địa bàn, cảnh sát môi trường Hà Nội đã phát hiện một đường dây buôn bán động vật hoang dã. Nổi lên trong đó là đối tượng Nguyễn Quốc Trượng (trú tại đường Quang Trung, quận Hà Đông) có thâm niên buôn bán mật gấu, cao hổ và Nguyễn Thị Mùi (trú tại xã Văn Mỗ, quận Hà Đông) là đầu mối cung cấp hàng.
Sẩm tối ngày 7/1/2008, hàng chục trinh sát Đội 2.1, Phòng Cảnh sát môi trường (CA TP.Hà Nội) đã chia thành nhiều mũi, mật phục tại nhiều địa điểm trọng yếu mà các đối tượng mua bán hổ có thể đi qua… Đến 21h, mũi trinh sát phục kích tại khu vực xã Tân Triều, huyện Thanh Trì phát hiện một chiếc xe Toyota Zace BKS 29X - 5613 đang lùi vào căn nhà số 49, quốc lộ 70, thuộc xã Tân Triều (căn nhà được xác định là nơi Nguyễn Thị Mùi tập kết hổ) có biểu hiện nghi vấn.
Tiếp tục theo dõi, các trinh sát phát hiện một nhóm người nam giới bước xuống xe, đi vào trong ngôi nhà này và lom khom bê ra xe hai bao tải nặng. Lập tức, các trinh sát đã ập tới kiểm tra và phát hiện trong 2 bao tải dứa là 2 cá thể hổ còn sống đã bị bắn thuốc mê.
Nguyễn Quốc Trượng sau đó đã khai nhận mua 2 cá thể hổ sống của Nguyễn Thị Mùi với giá 320 triệu đồng. Đối tượng Mùi thì cho hay, trước đó 5 tháng đã mua 2 chú hổ non của một người không quen biết, nuôi chúng lớn được khoảng trên 50kg/con, rồi đem bán cho Trượng.
Hai con hổ sau đó được bàn giao lại cho Trung tâm CHĐVHD Sóc Sơn nuôi nhốt, đó là một con cái và một con đực. Được chăm sóc tốt, cả 2 lớn như thổi, chỉ sau có nửa năm con đực đã nặng đến 1,7 tạ, trổ mã lông bóng mượt.
Ông Ngô Bá Oanh - giám đốc trung tâm - nhìn con hổ đực sải bước vòng tròn trong lồng sắt, cười khà: “trông to xác thế cũng từng lăn quay đơ ra vì cảm lạnh đấy”. Hôm đó, buổi trưa, nhân viên cho ăn nó còn đùa giỡn, nhưng đến chiều thì nằm quay đơ ra sàn. Lúc ông Oanh được cấp báo chạy về, đồng tử mắt con hổ đã dãn hết ra rồi. Bác sỹ thú y được huy động đến cấp cứu, tiêm đủ các loại trợ lực.
Ông Oanh hạ lệnh: Cán bộ phải trải bạt nằm cạnh chuồng hổ mà trông; cứ mỗi ngày một lần, làm văn bản hoả tốc đóng dấu đỏ gửi về Chi cục Thú ý Hà Nội về tình trạng sức khỏe của con hổ. Nói trộm vía, con hổ có làm sao thì phải tổ chức khám nghiệm pháp y còn phức tạp hơn người.
Các nhân viên, cán bộ luôn phiên nhau trông liền 3 ngày đêm, con hổ vẫn thiêm thiếp. Chữa thuốc tây y chưa đủ thì chữa theo cách dân gian: Xoa dầu gió khắp thân, hun khói bồ kết, cho ngửi phân gà… Đến đêm thứ 3, tình hình không biến chuyển, cực chẳng đã phải tính đến nước cuối cùng: mấy anh nam giới phải “tiểu” trực tiếp lên mặt con hổ. Thế mà nó tỉnh.
Con hổ thứ 3 thực ra đến Trung tâm CHĐVHD trước 2 con hổ kể trên. Đó là 1 trong 4 con hổ của một trang trại tại Vườn Xoài (huyện Long Thành, Đồng Nai). Theo chủ trang trại thì qua 1 thời gian nuôi dưỡng, đã có 3 con hổ bị chết vì mắc bệnh đường ruột. UBND tỉnh Đồng Nai đã tịch thu con duy nhất còn sống sót và bàn giao lại cho Trung tâm CHĐVHD Sóc Sơn. “Tiếng là bàn giao nhưng chúng tôi phải vào tận nơi để nhận” - ông Ngô Bá Oanh nhớ lại - “Đó là ngày 12/12/2006, tôi trực tiếp cùng với lái xe và bác sĩ thú y đi ôtô vào chở ra”.
Khi tiếp nhận, cá thể hổ này rất yếu chỉ nặng khoảng 40kg, đồng thời bị nấm viêm da, lông rụng cả mảng. Vừa bị bệnh cộng với yếu tố thời tiết khác biệt giữa 2 miền nên sức khỏe của cá thể hổ rất đáng lo ngại.
Ra đến Sóc Sơn, các cán bộ của trung tâm tìm đủ mọi cách chữa trị, tây y không thiếu, đông y cũng nhiều. Tắm rửa thì toàn bằng các loại lá thuốc nam, thế nhưng tình hình chẳng mấy cải thiện, thậm chí con hổ ngày một yếu đi, khiến tình hình trung tâm khi đó khá căng thẳng.Thậm chí trung tâm phải “cậy” đến cả thầy “Tây”. Bác sỹ nước ngoài đến, chữa thêm một thời gian thì không những chẳng mọc được cọng lông nào mà toàn thân con hổ lại bốc thêm mùi nồng nặc, không thể ngửi được.
Cuối cùng, mẫu lông của con vật được gửi ra nước ngoài làm xét nghiệm theo kiểu “còn nước còn tát”, trong khi con vật nằm ở trung tâm rơi vào tình trạng dở sống, dở chết. Thật may là sau khi có kết luận xét nghiệm, gặp “đúng thầy đúng thuốc”, từng mảng lông con hổ bỗng mọc trở lại, con vật khỏe mạnh hơn. Và cho đến thời điểm này thì nó đã hoàn toàn hồi phục, dù rằng màu lông vẫn còn vết tích lốm đốm chứ chưa thể mượt như hai con hổ còn lại.
-
Đỗ Minh