221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1261965
Đẻ 12 con rồi vẫn còn nhiều nước mắt
1
Article
null
Đẻ 12 con rồi vẫn còn nhiều nước mắt
,

- Cũng giống như bao người phụ nữ khác, “người đàn bà đẻ” cũng có một mái ấm nho nhỏ với một gia đình lớn lúc nào cũng “rộn” tiếng trẻ con. Trong căn nhà bé tẹo, nghèo quay quắt ấy luôn thấm đẫm những lo âu và mơ ước.

Nhóp nhép phận nghèo

Vượt qua quãng đường mù mịt bụi trên quốc lộ 6, rồi lại rẽ vào con đường đất hẹp sình lầy trơn tuột bánh xe, đi mãi tận rìa làng mới thấy ngôi nhà của chị Đặng Thị Hải (xã Đồng Mai - Hà Đông - Hà Nội) – người đàn bà “nổi tiếng” vì một nách... 12 đứa con. Đó là một ngôi nhà xây vội, vá chằng vá đụp, quay lưng ra đường chính. Cổng vào nhà chỉ là một lối hẹp, chẳng hề có cánh, cũng chẳng có rào, cứ tuênh huênh như giữa chốn hoang vu.

Mô tả ảnh.
Mái ấm chật chội của 13 con người (Ảnh: Trang Đào)
Trước cửa nhà, trong khoảnh sân nhỏ bề bộn đồ phế liệu, từ cái bánh xe méo vòng, cái khung sắt gỉ hoét đến cái săm thủng, một đàn... tám đứa trẻ con đang nô đùa, đứa nào đứa nấy đều lóc nhóc, nhem nhuốc, áo quần phong phanh trong cái lạnh xứ Bắc cắt da cắt thịt.

Thấy có người lạ, mấy đứa trẻ tạm buông những món đồ chơi lấm lem tự tạo xuống, ngước những đôi mắt tròn xoe tỏ vẻ ngạc nhiên pha chút hồ hởi. Nhà chẳng có ai, người mẹ đã vào làng xát gạo từ sáng để lo bữa trưa cho bầy con trẻ. Cả đàn em lít nhít ở nhà dưới sự trông nom của người chị 13 tuổi. Dẫn chúng tôi vào trong, đứa chị lớn vội vàng thu vén đống quần áo bẩn, đồ chơi, sách vở... của mấy đứa em vứt lăn lóc dưới sàn nhà. Sàn nhà được chắp vá bởi đủ các loại gạch, đủ loại màu sắc nhọ nhem, phải hoa mắt lắm mới tìm được một viên còn nguyên vẹn, bằng không thì toàn những viên sứt chỗ này, mẻ chỗ kia, nửa viên màu này ghép với một phần ba viên màu khác.

Mô tả ảnh.
Em bé này đang chẻ củi giúp mẹ nấu cơm (Ảnh: Trang Đào)
Trong căn nhà rộng chừng 16m2, ba chiếc giường kê gọn lỏn ở ba góc. Trên giường, lùm lùm đủ các loại chăn chiếu, từ cái chăn bông tuột vỏ, cái chăn nỉ sờn cả bốn góc đến cái chăn len lỗ chỗ thủng, tất cả đều nhờ nhờ màu nước dưa và sộc lên hơi ẩm, pha lẫn mùi mồ hôi và mùi... trẻ con tè dầm. Đây là chỗ ngủ của cả 13 con người: 2 người lớn và 11 đứa trẻ (người chị cả 19 tuổi đã đi lấy chồng). Giá trị nhất trong nhà là chiếc tivi sứt sẹo, mỗi lần bật lên là lại cất tiếng rè rè và cái máy bơm cũ lấm lem đất nằm chổng chơ ở một góc nhà. Trên bốn bức tường lở lói không vôi vữa là những tờ lịch đã ố màu tự những năm nảo năm nào được dán chồng chéo lên nhau để che những kẽ nứt. Ba ô cửa sổ không song sắt được bít bằng những tấm liếp dán giấy báo để ngăn những đợt gió mùa cứ ào ào lùa vào căn nhà xộc xệch.

Bọn trẻ đang ríu rít đùa nghịch ngoài sân thì người mẹ về. Theo sau cái xe đạp phượng hoàng cà tàng và cái dáng tất tả của chị là một bao gạo chỉ vừa đủ cho dăm bữa ăn và chừng một cân thịt lợn bèo nhèo những mỡ là mỡ. Cũng vẫn cái dáng tất tả, chị vội vội vàng vàng chạy vào nhà, ôm đứa con nhỏ nhất mới 13 tháng tuổi đang đói sữa ngồi tiu nghỉu một góc giường, vạch lẹ áo cho con bú. Đứa bé mừng quýnh, ngằn ngặt ngoay bầu sữa khô kiệt, dăn deo của người mẹ. Chị vừa nhìn con, vừa trầm ngâm kể chuyện đời.

Trong lúc ấy, con bé lớn học lớp 7 còn đang tất bật với bữa cơm ngoài bếp – bữa cơm với một nồi to gạo, một chảo thịt mỡ rang và một nhúm rau muống mới ngắt ngoài bờ ruộng gần nhà. Còn đứa anh nhỡ mới học lớp 6 thì đang hì hụi bổ mấy thanh gỗ cao bằng người để lấy củi cho chị đun bếp. Hai đứa bé hơn thì đang loay hoay phơi đống quần áo sũng sịu nước lên sợi dây chăng cao quá đầu. Còn lại ba đứa nữa bé quá chẳng biết làm gì thì đang quây lại hí hoáy nghịch chiếc ô tô đồ chơi đã long mất bánh.

Tất cả hành động của lũ trẻ diễn ra chầm chậm, mơ hồ và cũng rất ngay thơ.

Ước mơ chỉ là không uống thuốc

Khi tôi hỏi đã chuẩn bị được gì ăn Tết chưa, chị buồn rầu lẳng lặng đưa mắt nhìn bốn góc nhà. Đã giáp Tết rồi mà nhà chị vẫn bề bộn thế, các con chị vẫn nheo nhóc thế. Chị chỉ cầu trời cho có sức khoẻ để kiếm được cho đàn con bữa cơm no, chứ đừng vội mong đến cái Tết. Bọn trẻ nghe thấy nhắc đến Tết thì đứa nào đứa nấy náo nức hẳn. Chúng chỉ mong đến Tết để được các cô các chú đến cho ăn bánh kẹo, để được diện những bộ quần áo “cũ người mới ta”, để được sang nhà ông bà trẻ, ăn no thịt cá, bánh chưng. Nhìn vẻ mặt háo hức của mấy đứa con, chị lại đắng lòng xót xa.

Mô tả ảnh.
Gia đình "người đàn bà đẻ" vẫn bề bộn cho dù Tết đang sắp tới (Ảnh: Trang Đào)
Rồi bữa cơm nghèo được dọn ra với một bát thịt mỡ, một rổ rau muống luộc và một nồi cơm trắng, với lấy cái bát sứ sứt mẻ và đôi đũa tre cọc cạch to sụ, bọn trẻ ùa xuống hau háu ăn như tằm ăn rỗi. Bồng đứa út đang thiu thiu ngủ trên tay, chị đưa đôi mắt đượm lo âu về phía chuồng lợn – nguồn thu chính của cả gia đình – nơi “miếng cơm manh áo” của vợ chồng và 11 đứa con chị trông cả vào, đang nằm còng queo chờ bữa cám khô đắng.

“Đời tôi khổ lắm, vất vả sinh con giờ lại vất vả nuôi con. Giờ tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả của người sinh nhiều con. Trước mắt tôi chỉ gắng lo được miếng cơm cho các cháu, nhưng sau này khi các cháu đi học, đi làm, lấy vợ gả chồng thì tôi biết làm sao” – chị Hải rớt nước mắt.

Chị bảo: “Nếu sau này không đủ tiền cho con đi học thì vợ chồng chị sẽ cùng mấy đứa đầu đi làm thêm để gắng cho 3 đứa biết chữ”.

Giờ đây, miếng cơm chúng ăn, quần áo chúng mặc do một tay chị làm nên cả. Và chị cũng chỉ ước trong nhà mình không có viên thuốc nào – tức không ai bị ốm để làm việc nhiều hơn.

  • Trang Đào

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,