- Trong khi cả nước tưng bừng đón Tết trong niềm hạnh phúc, đoàn tụ đầm ấm thì làng Minh Lâm (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đón xuân nhuốm màu… tang trong không khí ảm đạm, buồn thê thảm.
Trong 9 nạn nhân ở xã Trường Lâm bị tử vong do sạt lở đất đá tại bãi vàng núi Ma (xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, Quảng
Chiều mùng 3 Tết, không khí ở làng Minh Lâm vẫn ảm đạm, buồn thê thảm.
Gia đình bà Vũ Thị Điểm (56 tuổi) có 3 người con bị chết trong vụ sạt lở đất đá tại bãi đào vàng núi Ma. Trong căn nhà tranh rách nát, bà Điểm ngày đêm thắp hương nghi ngút sưởi ấm cho linh hồn 3 người con xấu số: chị Đỗ Thị Lới (SN 1980) và 2 em trai là Đỗ Thế Tuyền (SN 1982) và Đỗ Thế Hậu (SN 1988).
Bà Vũ Thị Điểm trước bàn thờ hai trong ba người con tử nạn. (Ảnh: Nguyên Bình)
Chị Đỗ Thị Lới theo chồng là anh Hoàng Văn Tùng để phụ giúp chuyện cơm nước cho mấy anh em trong làng làm nghề đào vàng thuê ở khu vực núi Ma. Nay chị mất đi, để mình anh Tùng chịu cảnh “gà trống” nuôi 3 con thơ dại.
Hàng ngày, bà Điểm luôn niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật” để cầu nguyện cho 3 con chết trẻ thương tâm. Nước mắt của bà đã khô cạn, thân hình héo mòn… Đang lúc tỉnh hay trong giấc mơ, bà đều khóc rống lên, khan cả cổ để gọi tên các con của mình. Từ ngày người chồng đã chết vì bệnh ung thư cách đây 3 năm, gánh nặng gia đình “đè” lên vai bà Điểm. Đến lượt 3 con mất đi, bà đã già yếu lại đau đớn nên không làm được công việc gì, suốt ngày ra vào ngẩn ngơ, lo hương khói. Hơn nữa, nhà nghèo nên cũng không thể sắm được cái Tết cho tươm tất.
Ngày hai bữa, cơm cúng các con bưng lên chỉ là lát cá khô, bát canh rau cải và chén nước mắm. Các con ăn xong, mẹ Điểm mới bưng xuống cho mình và con cháu cùng ăn. Bà Điểm buồn rầu: “Tết nhất mà cũng chẳng nấu được bánh chưng hoặc mua cân thịt lợn, kẹo bánh cũng không có. Bạn bè, người thân các cháu và hàng xóm đến thắp hương nên gia đình mới có cái gọi là hương vị ngày Tết”.
Rồi bà nhẩm tính, với 5 sào đất trồng lạc không biết lấy tiền đâu mua lạc giống, các khoản phân bón cho ruộng đồng, chi tiêu sinh hoạt. Bà tâm nguyện, dù sống chết thế nào cũng phải lo hương khói cho các con đầy đủ.
Cũng như nhà bà Điểm, gia đình của 2 anh em ruột cùng tử nạn là Nguyễn Hữu Hợp (SN 1976) và Nguyễn Hữu Tám (SN 1985) cũng vô cùng thương tâm. Anh Hợp là con trai đầu, phải chèo chống cả gia đình gồm mẹ già, 5 em cùng một vợ hai con thay người cha đã mất sớm.
Từ ngày anh Hợp mất, vợ anh là chị Trần Thị Quý (SN 1977) và hai con nhỏ luân phiên túc trực bên bàn thờ lo hương khói. Bà Nguyễn Thị Nên (57 tuổi), mẹ anh Hợp nước mắt ngắn dài chia sẻ: “Khổ lắm cháu ơi, năm nào ăn Tết cũng thiếu thốn. Cứ tưởng năm nay trông mong vào thằng Hợp, thằng Tám đi làm có tiền về sắm Tết tươm tất. Ai ngờ hai đứa gặp nạn. Tết năm nay, nhà tui cũng chẳng sắm sửa được gì”.
Mẹ và vợ (bên trái) nạn nhân Nguyễn Hữu Hợp (SN 1976) trước bàn thờ của hai anh em Hợp và Tám cùng tử nạn. (Ảnh: Nguyên Bình) |
Chị Quý và hai cháu nhỏ ngày nào cũng chít khăn tang cúi đầu lạy anh Hợp và anh Tám. Chị Quý thì gầy yếu, hay ốm đau nên chẳng làm được việc gì, đành nhờ vả cha mẹ họ ngoại phụ giúp nuôi nấng. Gánh nặng hai con nhỏ đang đi học khiến chị càng vất vả, khó khăn.
Đứng bên bàn thờ nạn nhân Vũ Lạnh Tấn (SN 1986) là người mẹ Nguyễn Thị Nhoan (51 tuổi), bà đã khóc khan cả cổ họng. Dù trong nhà không có đồ đạc, thức ăn ngày Tết nhưng bà Nhoan cũng vay mượn khắp nơi để mua bánh, trái, vàng mã, hương… về cúng linh hồn đứa con trai chết trẻ.
Nhà nghèo khó, Tấn và em trai Vũ Đức Lạnh (SN 1993) phải bỏ học giữa chừng đi làm thuê cho các ông chủ đào vàng ở Quảng Nam. Mỗi năm, hai anh em đều gửi về cho mẹ trên chục triệu đồng. Lạnh may mắn hơn anh Tấn khi không gặp nạn trong lúc sạt lở đất đá ở núi Ma. Lạnh dự định sau Tết sẽ xin mẹ tiền làm lộ phí vào Nam kiếm việc làm thêm, phụ giúp gia đình.
Trong số 9 nạn nhân, có 8 người ở làng Minh Lâm, 1 người ở làng Sơn Thuỷ (xã Trường Lâm). Mỗi gia đình nạn nhân ở làng Minh Lâm đều lâm vào hoàn cảnh nghèo khó, rất đáng thương. Đa số nạn nhân đều là thanh niên, những trụ cột của gia đình. Người chết trong đau đớn để lại bố mẹ già, em nhỏ, vợ, con thơ và nỗi chật vật tương lai phía trước. Không những cái Tết thiếu thốn, buồn thê thảm, mà ai cũng lo sẽ sống, sinh hoạt như thế nào trong những ngày giáp hạt đầu xuân đói kém trước mắt.
Xã Trường Lâm là một trong những xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Tĩnh Gia. Đất đai hạn hẹp đã cằn cỗi lại thiếu nước tưới tiêu nên sản xuất nông nghiệp ở đây gặp muôn vàn khó khăn. Hiện nay, toàn xã có đến hàng trăm người phải bỏ xứ đi làm thuê ở xa, mưu sinh, kiếm sống vất vả. Một trong những công việc mà người lao động nơi đây có “truyền thống” làm là đi khai thác vàng thuê ở các tỉnh miền Trung.
Và cái vòng luẩn quẩn của trẻ em nghèo làng Minh Lâm là bỏ học đi làm thuê, lấy vợ sớm, nghề nghiệp bấp bênh.
-
Nguyên Bình