- Có nhiều chi tiết mới cho thấy việc vợ chồng cán bộ BHXH tỉnh Hà Tĩnh ẩu đả với hàng xóm vì mâu thuẫn đất đai. Không chỉ ông Đông bị thương mà con trai ông cũng bị ném đá sưng hàm. Ảnh: Trí Thức Tại hiện trường có 2 đùm có chữ bảo hiểm xã hội, theo bà Hoa thì “dùng để thắp hương trước khi khởi công công trình”. Ảnh: Trí Thức
Như VietNamNet đã đưa tin, sáng 3/2, tại tổ 1, phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh, vợ chồng ông Phan Đình Trinh, bà Phan Thị Quỳnh Hoa (cán bộ BHXH tỉnh Hà Tĩnh) trói bà Phan Thị Lộc và ném đá làm hỏng mắt chồng bà Lộc là ông Bùi Văn Đông.
Ngày 5/2, Trung tá Nguyễn Văn Chương, Trưởng công an phường Bắc Hà (TP. Hà Tĩnh) cho hay: Cơ quan đang tập trung điều tra, chứng minh vấn đề để xử lý theo pháp luật. Trung tá Chương cũng cho biết sẽ triệu tập hết những người nhà ông Trinh và nhóm thợ có liên quan trong buổi sáng hôm đó để phục vụ điều tra.
Sáng 6/2, anh Bùi Việt Nam con trai ông Bùi Văn Đông cho biết: “Hiện bố em chưa ăn được, khi tỉnh khi mê, sức khỏe còn rất yếu, bác sỹ đang theo dõi sức khoẻ nhưng khả năng mắt của bố em bị hỏng. Hàm phải của em bị sưng, khó nhai cơm do bị ném trúng”.
Tại hiện trường vụ ẩu đả có 2 gói ớt bột mà giấy gói có chữ đánh máy mang thông tin về bảo hiểm xã hội. Bà Phan Thị Quỳnh Hoa biện hộ: “Ớt cay cùng với muối và gạo dùng để thắp hương trước khi khởi công công trình”.
Trong thực tế từ xưa tới nay, ít ai dùng ớt cay để tế lễ, cúng bái, vậy sự xuất hiện 2 gói ớt cay bột của gia đình bà Hoa ở đây nhằm mục đích gì (!?).
Ông Phan Đình Trinh đã nhận định có xô xát từ đầu nên ông đã chuẩn bị máy quay phim đến để quay. Trong quá trình đánh nhau hỗn loạn, chạy xô nhau, ông Trinh còn bị sụp chân xuống hố, ông không chứng kiến, không nhìn thấy sự việc bà Lộc bị trói và ông Đông bị thương. Ông Trinh còn cho chúng tôi xem vết thương ở chân trái của ông do xô xát trong ngày hôm đó.
Để có cái nhìn khách quan về vụ việc trên, chúng tôi tìm gặp và trao đổi với nhóm thợ xây ông Trinh thuê đến xây dựng và thu được một số ý kiến như sau:
Ông Hoàng Văn Dũng (60 tuổi, trú TP. Hà Tĩnh), người được thuê đến xây dựng cho biết: “Có nhận hồ sơ giấy phép xây dựng, giấy quyền sử dụng đất, giấy báo xây nhà chứ không có hợp đồng lao động như ông Trinh nói, không có hợp đồng chính thức xây nhà với ông Trinh. Khi xẩy ra sự việc, tui cùng nhóm thợ chạy ra phía bờ hồ, ở ngoài thửa đất tranh chấp”.
Ông Dũng thừa nhận “có vấn đề trói người, nhưng không biết ai trói, trói vấn xung quanh người chứ không buộc từng bộ phận, việc ẩu đả xẩy ra giữa 2 gia đình. Nhóm thợ chạy ra ngoài bờ hồ ngồi, không tham gia đánh nhau, phía trong hỗn loạn, sau đó thấy ông Đông bị chảy máu và ngã xuống đất, sau đó công an đến lập biên bản”.
Ông Dũng cho biết thêm “bà Lộc bị trói giữa vườn đất trống, có người lại đè bà xuống, cuốn dây lại, một người bị bà cắn vào người đau mới thả bà ra”.
Liệu người mà bà Lộc cắn vào chân mà ông Dũng nhìn thấy và vết thương ở chân ông Trinh có liên quan tới nhau hay không?
Một người khác nữa, người được ông Dũng thuê đến xây dựng nhà ông Trinh có mặt tại hiện trường hôm đó là anh Võ Tá Long (SN: 1976, trú TP. Hà Tĩnh) cho hay: “Con ông ấy (tức anh Bùi Việt Nam - PV) chạy ra nói: “Bây đến phá vườn tau”, nghe nói thế tui chạy ra ngoài bờ rào ngồi coi, không biết mấy người. Khi xẩy ra sự việc, thợ của tui chạy ra ngoài hết không ai tham gia đánh người. Tui sợ mang tiếng nên chạy ra ngoài bờ rào, thấy bên nhà ông Trinh có khoảng 3 - 4 người trong đám đất”.
Như vậy, nhóm thợ mà ông Trinh thuê đến cho rằng lúc ẩu đả giữa 2 gia đình, họ ra ngoài khu vực đất tranh chấp chứ không còn ở trong thửa đất mà gia đình ông Đông bị đánh, chỉ có gia đình và người nhà ông Trinh ở trong thửa đất ấy.
Theo như những nhân chứng trên đây kể lại và các chi tiết liên quan đến vụ việc, sự việc gia đình bà Lộc bị trói và bị đánh càng được rõ hơn. Nhưng để có kết luận cuối cùng ai là người đứng đầu, chủ mưu và những người tham gia trói và đánh người hôm đó cần được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra để xử lý đúng người, đúng tội.
-
Trí Thức – Hồng Anh