221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1264246
Nửa đời xúc cơm chăm con bằng… chân và vai
1
Article
null
Nửa đời xúc cơm chăm con bằng… chân và vai
,

- Hoa Xuân Tứ (Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An) mất đôi cánh tay ngày nào nay đã qua cái tuổi sáu mươi vẫn cực nhọc lao động nuôi cô con gái tật nguyền.

“Cuối dòng sông Lam, trên quê hương Bác Hồ, có người bạn nhỏ, mất cả hai tay nhưng vẫn hăng say học hành…”. Đó là một đoạn trong bài hát “Hoa Xuân Tứ” - cái tên đi vào văn thơ, âm nhạc như một huyền thoại về thế hệ trẻ Việt Nam anh dũng trong chiến tranh.

“Nguyễn Ngọc Ký” thời nay

Sinh năm 1950 trong gia đình có tới 6 anh chị em, tuổi thơ của Hoa Xuân Tứ là những ngày tháng mệt nhoài trên cánh đồng phụ giúp cha mẹ làm ruộng. Từ bé, cậu đã làm đủ mọi việc, từ cắt cỏ chăn trâu đến cuốc đất, hái lúa… Tai hoạ ập xuống năm Tứ được 4 tuổi. Trong một lần kéo che ép mía, hai con bò bất ngờ giật mạnh che, đồng thời kéo mất cả hai cánh tay em. Từ đó, cuộc đời cậu bé Tứ lầm lũi đi trong đớn đau cả thể xác lẫn tinh thần.

Mô tả ảnh.
Ngoài việc chăm sóc con, ông Tứ còn dùng cằm, vai để tập viết chữ. (Ảnh: Ngọc Trang - Hồng Nhung)

Năm 6 tuổi, thấy bạn bè gọi nhau đi học cái chữ, Tứ thèm lắm. Thỉnh thoảng, sau việc đồng áng, cậu lén cha mẹ chạy theo bạn đến trường, chỉ đứng ngoài nghe lời giảng đối với cậu thế là cũng sung sướng lắm rồi. Thầy cô giáo trường làng nhìn hai cánh tay khiếm khuyết của cậu bé đã khuyên Tứ về nhà. Nhưng Tứ quyết tâm thử viết bằng hai bàn chân. Hai ngón chân quặp vào viên phấn, cậu cố gắng điều khiển cho nét chữ tròn trịa. Nhưng viên phấn cứng ngắc không chịu nghe lời đôi chân cậu. Tập viết mãi cho đến khi chân mỏi nhừ, cậu mới nghỉ. Mấy tháng sau, các con chữ cứ lần lượt hiện ra từ hai ngón chân khéo léo của Tứ.

Khi viết được bằng chân, cậu lại băn khoăn: “Quyển vở sạch đẹp mới tinh mà cậu lại dùng chân viết lên thì rất khó coi”. Nghĩ là làm, Hoa Xuân Tứ quyết tâm chuyển từ viết chân sang dùng cằm và vai kẹp bút để viết. Viết bằng chân đã khó, nay kẹp bút lại càng khó hơn. Cậu phải tập luyện hàng năm trời, cây bút bé nhỏ mới chịu khuất phục ý chí của cậu. Tập nhiều đến nỗi đôi mắt của Tứ phải nghiêng theo ngòi bút trên vai nên nhìn bị lệch hẳn sang một bên. Có những lần nản lòng cậu ném hết bút, vở không học nữa, nhưng sau đó lại đi tìm cuốn vở và bắt đầu lại từ đầu.

Không năm nào Tứ không dành được bằng khen về thành tích học tập. Những năm học cấp 2,

Mô tả ảnh.

“Trừ cày và cấy ra mọi công việc khác tôi đều có thể tự làm được” – ông Tứ chia sẻ. (Ảnh: Ngọc Trang - Hồng Nhung)

chiến tranh ác liệt ngôi trường phải sơ tán, Hoa Xuân Tứ lại phải bơi qua con sông rộng gần 50m để đến lớp. Những ngày đông lạnh người ta bơi bằng hai cánh tay đã khó cậu bé ấy lại dùng hết sức của đôi chân để bơi qua dòng sông Lam tới trường. Những nỗ lực của cậu đã trở thành tấm gương cho bao thiếu nhi thời bấy giờ.

Năm 1967 Hoa Xuân Tứ vinh dự là đại biểu thiếu niên duy nhất của Nghệ Tĩnh tham gia Đại hội Chiến sĩ thi đua tại miền Bắc. Tại đại hội cậu bé Tứ được gặp Bác Hồ. Đến tận bây giờ Xuân Tứ vẫn còn nhớ y nguyên những câu hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, những lời khuyên của Bác dành cho cậu bé thiếu cánh tay nhưng thừa niềm tin và nghị lực này.

Sau lần gặp ấy Bác đã bảo với giáo sư Tôn Thất Tùng làm cho cậu một đôi tay giả để tiện cho việc học tập và sinh hoạt. Đôi tay giả, quà của Bác đã được Xuân Tứ gìn giữ cẩn thận cho đến năm 1968 trận lụt lịch sử đã cuốn mọi thứ, cuốn theo món quà kỉ niệm vô giá ấy của cậu. Tốt nghiệp THPT Hoa Xuân Tứ dự thi và có giấy báo nhập học đại học nhưng gia đình quá khó khăn, lại bị tật nguyền, muốn theo học cần phải có người đi cùng chăm lo sinh hoạt, không đủ điều kiện để học tiếp. Hoa Xuân Tứ đành gác ước mơ đèn sách để về với cuộc sống hằng ngày và hi vọng về một mái ấm hạnh phúc.

Tuổi già vẫn bộn bề cơm áo cho con

Năm 1971 có cô dân công Lê Thị Sử trong đội thanh niên xung phong tại địa phương ở Nghi Văn, Nghi Lộc vì khâm phục ý chí vươn lên của anh Hoa Xuân Tứ đã đem lòng cảm mến. Yêu anh từ buổi đầu những năm trung học cơ sở, yêu những bài ca về cậu trò anh hùng Hoa Xuân Tứ, chị không ngần ngại dành trọn tuổi xuân và cuộc đời mình để chăm lo, chia sẻ cùng anh.

Chị tâm sự: “Tôi thầm yêu anh qua những lời hát, những vần thơ về một tấm gương thiếu niên anh hùng. Lần anh về thăm chị gái lấy chồng ở Nghi Văn, chúng tôi gặp và yêu nhau. Nhưng ngày đó dù có yêu nhau tha thiết đến mấy cũng không dám nắm lấy tay, hay nhìn vào mắt. Thế mà khi lấy nhau, dù gia đình tôi cũng phản đối vì sợ con gái khổ, về bên ấy không biết sống như thế nào nhưng rồi, nhưng đã mấy chục năm qua vợ chồng vẫn chưa nặng lời nhau bao giờ”. Bằng tình yêu và niềm tin chị đã giúp anh viết tiếp những vần thơ đẹp của cuộc đời.

Mô tả ảnh.
Tư thế uống nước kham khổ của người cha tật nguyền. (Ảnh: Ngọc Trang - Hồng Nhung)
Cưới xong, hai vợ chồng dựng túp lều tranh ở tạm, hàng xóm thương cảm người giúp thanh nứa, người cho tấm rơm, người giúp công dựng lều. 5 người con lần lượt ra đời trong hoàn cảnh khốn khó trăm bề. Hiện nay các con lớn đều lấy chồng, lập nghiệp nơi xa không đỡ đần được gì cho cha mẹ. Riêng cô con gái thứ ba Hoa Thị Sen năm lên bốn tuổi trong lúc chơi đùa đã bị một đứa trẻ hàng xóm ném hòn đá vào đầu gây chấn thương vùng não.

Ba muơi tuổi, cô con gái vẫn trong hình hài một đứa trẻ lên 10 nằm bất động trên giường, ngơ ngác, ngờ nghệch, vô cảm. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều phải nhờ đến cha mẹ. Vợ ông đau yếu liên miên nên những việc xúc cơm, bón cháo cho con ông Tứ đều tự… chân làm. Ông còn kẹp cái thìa vào giữa cằm và vai để xúc từng miếng cơm mớm cho con gái thiệt thòi. Nhiều lúc đương ăn, cô Sen co giật, cơm đổ hết ra giường. Lúc ấy, đôi bàn chân của ông lại thoăn thoắt đưa tấm vải ướt lau khô chăn màn.

Người con gái lớn đi làm thuê xa vì hoàn cảnh khó khăn phải gửi 2 đứa con 7 và 10 tuổi về cho ông Tứ nuôi. Một mình ông đã mất cả hai cánh tay nay lại nuôi thêm người vợ đau ốm liên miên, một đứa con tật nguyền và hai đứa cháu nội còn tuổi ăn tuổi học.

Để có tiền nuôi con và cháu, hai ông bà nhận tới một mẫu ruộng để sản xuất. Hồi chiến tranh, ông làm giao liên tại địa phương. Hòa bình lập lại, 3, 4 năm ông làm nghề đưa thư cho xã. Không còn đôi tay, ông dùng miệng để chuyển thư đến từng địa chỉ. Một mẫu ruộng chỉ với hai nhân công những ngày mùa hai ông bà làm đến tận đêm. Không ngần ngại việc gì, từ việc nhẹ như quét nhà, cho con ăn đến những việc nặng nhọc như xúc đất, gồng gánh, kéo xe… ông đều làm thành thạo nhờ đôi chân hoặc dùng vai và cằm để kẹp đồ vật.

Vợ chồng ông Tứ vẫn luôn bên con. (Ảnh: Ngọc Trang-Hồng Nhung)

Ông cho biết: “Chỉ có việc cấy lúa và cày là tôi không thể làm được còn mọi việc đồng áng tôi đều cố học để làm cho bằng được thì thôi. Người ta làm được mười phần thì tôi cũng phải cố cho được tám chín”. Ông Nhân, một người hàng xóm cho biết: “Ông Tứ làm gì cũng nhanh lắm, dùng bằng chân hay vai và cằm ông cũng bóc lạc, cuốc đất… còn khoẻ khoắn dẻo dai hơn đám thanh niên bây giờ”.

Ngày làm ruộng, tối đến ông còn nhận làm bảo vệ trông coi đồng ruộng cho hợp tác xã, những ngày mùa ông còn thức tới nửa đêm ở ngoài ruộng. Dù nỗ lực đến mấy nhưng những năm thời tiết xấu, mất mùa hai vợ chồng vẫn phải vay mượn vì tiền thuốc men chạy chữa cho con.

Gia đình ông có khoản nợ ngân hàng gần 20 triệu đồng năm sau là hết hạn vẫn chưa biết xoay xở thế nào. Niềm mong ước của ông là được tham gia chương trình “Vượt lên chính mình” để tham gia xoá nợ. Trước sân nhà những viên tap lô được đổ dở dang, ông cho hay gia đình dự định xây thêm cầu thang để tránh lụt nhưng đã hai năm nay vẫn chưa đủ tiền nên tap lô vẫn còn để đấy. Cứ tháng tám nước lên, ngôi nhà chính lại bị nước tràn vào nhà.

Gặp ông trong những ngày đầu năm mới khi cả gia đình quây quần bên mâm cơm và đĩa bánh chưng mặn mà: “Đã có lúc tôi khóc, đã có lúc tôi vấp ngã nhưng tôi vui vì mình chưa bao giờ nản lòng”.

  • Ngọc Trang - Hồng Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,