- Những mối tình nảy sinh ngay sau song sắt, chỉ qua một cái liếc mắt, hay một nụ cười. Tình yêu trong trại giam không có sôcôla hay hoa hồng, chỉ có mì tôm và xà phòng. Tình yêu trong trại giam hoàn toàn không xác thịt, chỉ là những tình cảm mang tính động viên tinh thần. Ở sau song sắt nhà tù, có những mối tình mà cuộc sống đời thường bên ngoài chắc chẳng bao giờ có.
Diễm tình sau song sắt
Tù nhân Đỗ Bích Liên quê ở Hải Phòng đã vào cải tạo ở trại giam Ninh Khánh được hơn 6 năm nay. Chị là một trong những người có một mối tình lâu bền, lãng mạn và nhiều hứa hẹn nhất ở phân trại nữ của trại Ninh Khánh.
Trước khi vào trại, chị đã trải qua vài mối tình trắc trở và một cuộc hôn nhân tan vỡ, và chị bảo chưa có người đàn ông nào đi qua cuộc đời chị khiến chị có những rung động ngọt ngào như người tù kia, dù trong số họ, anh là người nghèo nhất, xấu nhất và kém lãng mạn nhất.
Ngày chị mới vào trại, anh đã cải tạo được vài năm. Anh đi tù vì buôn bán ma túy. Còn chị thì chán nản vì cuộc sống vợ chồng không trọn vẹn rồi sa chân vào con đường nghiện ngập. Ngày đó hai phân trại nam và nữ chỉ cách nhau một bức tường thấp, phía trên chằng dây thép gai chằng chịt. Những buổi chiều sau giờ lao động ra sân đi dạo, chị không thể rời mắt khỏi một người đàn ông dáng vẻ khắc khổ, gương mặt ảm đạm cứ ngồi bần thần ở góc sân phía bên kia. Anh ta hầu như không cười, không nói, ánh mắt xa xăm như đang thoát khỏi thực tại. Sự cô độc biểu hiện trong dáng vẻ của người tù nam ấy khiến mỗi đêm về chị đều thao thức không ngủ, lòng băn khoăn tự hỏi cái gì đã biến anh thành một người như thế.
Một tháng, hai tháng, ba tháng trôi qua như thế, chiều nào chị cũng kiên nhẫn đứng ở bên này bức tường nhìn sang chỗ anh ngồi cho đến giờ cấm trại, không hề thấy chán nản, hay thất vọng, hi vọng có một lần nào đó, ánh mắt lạnh lẽo, băng giá của anh sẽ lướt qua chị, biết đến sự tồn tại của chị; để anh hiểu chiều nào chị cũng trang điểm thật đẹp, đánh má phấn, tô môi hồng cũng chỉ vì muốn được anh để ý tới.
Cái ngày ánh mắt anh ngước lên, nhìn đăm đắm về phía chị và nở một nụ cười hiền – đó là lần đầu tiên chị thấy anh cười trong suốt những tháng ngày tù đày ở đây, lúc đó chị gần như sắp khóc, trái tim run lên, loạn nhịp. Chị và anh bắt đầu thư từ qua lại như hai người bạn. Chị kể cho anh về cuộc sống bất hạnh của chị, về sai lầm của chị. Anh cũng chia sẻ về nỗi buồn u uẩn của anh. Anh nghèo, nhưng vợ anh đẹp. Vì cố đèo bòng cô vợ xinh đẹp, không muốn để vợ đi theo người khác nên anh đi buôn ma túy, mang tiền về để vợ ở nhà tiêu xài, chưng diện. Đến khi anh bị bắt, phải vào đây cải tạo với mức án hơn 10 năm, chị ta lập tức chạy theo người đàn ông khác bên ngoài lắm tiền nhiều của hơn.
Sự bội bạc của người vợ khiến những năm tháng tù đày của anh trôi qua trong day dứt, đau đớn. Anh tưởng trái tim mình đã hóa đá. Cho đến ngày anh gặp chị, một người phụ nữ cùng cảnh tù đày, người sẵn sàng nghe anh chia sẻ mọi tâm sự đau đớn, bất hạnh, anh mới thấy trái tim mình dần hồi sinh.
Chị Đỗ Bích Liên kể rằng hai người người dường như có thần giao cách cảm nên những bức thư anh chị gửi cho nhau thường có nội dung rất giống nhau. Chị viết thư tâm sự với anh về những sai lầm của mình, khi lá thư chưa đến tay anh thì chị đã nhận được thư anh gửi động viên chị cố gắng vượt qua những sai lầm để làm lại cuộc đời. Chị viết thư hỏi anh về hoàn cảnh gia đình, thì gần như ngay lập tức, chị nhận được thư anh tâm sự về bố mẹ, con cái, về người vợ cũ để lại cho anh bao muộn phiền.
Có lần chị đánh bạo viết thư hỏi anh: “Nếu sau này ra khỏi đây, anh có muốn cùng em đi tìm hạnh phúc không?”. Lá thư vừa đưa cho cán bộ quản giáo kiểm duyệt thì thư của anh đã được chuyển đến tay chị, thư viết: “Mấy năm nữa ra khỏi đây, anh sẽ về Hải Phòng xin phép bố mẹ cho anh được đón em về, mình cùng nhau làm lại từ đầu, em đồng ý nhé!”. Mấy năm yêu nhau trong trại giam, cả chị và anh đều thấy thời gian cải tạo như ngắn lại. Họ cùng động viên nhau cố gắng phục thiện để xây đắp tương lai.
Những dịp 8/3 hay ngày Valentine, anh tặng chị khi thì cái nhíp làm bằng gỗ, khi thì cái móc lấy dáy tai bằng tre, lúc thì là con thuyền bằng tăm tre làm rất khéo. Những cái đó anh tận dụng từ những thứ thừa vứt đi ở xưởng dạy nghề của trại. Đó là lúc, người tù nữ ấy hạnh phúc hơn bao giờ hết, chị nói, những món quà xa xỉ trước đây chị từng nhận được chưa bao giờ khiến chị xúc động và nâng niu, trân trọng như thế. Phân trại nam và nữ bây giờ đã được xây dựng ở hai khu riêng biệt, nhưng họ vẫn giữ thói quen viết thư cho nhau hầu như mỗi ngày, vẫn hẹn nhau ngày trở về cùng chung tay xây dựng hạnh phúc.
“Huyền thoại quà” sau song sắt
Dù chịu sự quản lý, theo dõi gắt gao của các cán bộ quản giáo, thì những mối tình trong trại giam vẫn cứ hồn nhiên nảy nở bằng nhiều cách khác nhau, để lại nhiều câu chuyện đã thành giai thoại trong thế giới của các tù nhân.
Trái tim những người tù lầm lạc đang bù đắp cho nhau để tìm đường về nẻo thiện (Nguồn: VietNamNet.vn) |
Các cán bộ giáo dục ở các phận trại kể rằng 80% những lá thư gửi đi gửi lại giữa hai phân trại nam và nữ là thư tình. Và điều đặc biệt là phần lớn họ quen nhau ở trong trại, hay chỉ đơn giản là quen nhau qua lời giới thiệu của những người bạn tù. Phân trại nam và nữ cách nhau một bờ mương, nên đến giờ xuất trại đi lao động, bao giờ hai đoàn phạm nhân nam và nữ cũng gặp nhau ở chính bờ mương đó. Đi qua nhau mỗi ngày, dù không được nói chuyện, họ vẫn nở nụ cười chào người ở “phía bên kia bờ mương”. Có anh phạm nhân nhìn thấy một cô nữ tù nào đó “có nụ cười xinh” hoặc “có cái má núm đồng tiền hay hay” (trích nguyên lời các phạm nhân) là sẽ tìm mọi cách nhờ bạn tù hỏi cho bằng được tên tuổi, địa chỉ rồi viết thư làm quen. Cứ thư qua thư lại như thế, rồi dần dần thành yêu nhau.
Cũng có những cặp tình nhân “áo sọc” biết và yêu nhau qua những buổi văn nghệ được tổ chức mỗi năm một lần. Đó là dịp duy nhất trong năm họ được ngồi cạnh nhau, thậm chí là cùng biểu diễn chung một tiết mục nào đó. Một tù nhân trong trại tâm sự với tôi: “trong trại giam dễ nảy sinh tình yêu nam nữ lắm, dù tình yêu đó không thể thỏa mãn những nhu cầu đòi hỏi xác thịt, nhưng nó động viên tinh thần chúng tôi, giúp chúng tôi có tâm trạng yên tâm cải tạo”.
Nhờ thứ tình cảm kì diệu mang tên tình yêu đó, mà những tù nhân nam tự nhiên chăm chỉ tắm gội, cắt tóc, cạo dâu, quần áo cũng là lượt hơn. Còn tù nhân nữ thì không chị nào là không có đôi ba lọ kem dưỡng, hộp phấn, thỏi son, để mình được xinh đẹp hơn trong mắt người yêu, dù chỉ là 30 giây đi lướt qua nhau mỗi ngày. Tù nhân yêu nhau cũng biết giận hờn, đau khổ. Khổ nhất là các cán bộ quản giáo ở phân trại nữ, mỗi khi có một nữ tù nhân nào đó giận dỗi người yêu rồi “làm nũng” bỏ cơm, “mè nheo” hoặc khóc lóc, thì các cán bộ quản giáo lại phải ra sức dỗ ngon, dỗ ngọt, thậm chí chuyển thư qua thư lại để giúp họ “làm lành”.
Đội trưởng đội giáo dục phạm nhân trại giam Ninh Khánh, Đại úy Nguyễn Việt Hùng có nói với tôi: “nếu nhà báo đến đây vào những ngày lễ như 8/3, hay 20/10, giáng sinh hay lễ tình nhân, sẽ thấy các cán bộ quản giáo phải làm việc rất vất vả để chuyển bằng hết những món quà của các tù nhân ở phân trại nam và nữ chuyển qua chuyển lại cho nhau. Những ngày đó, để động viên tinh thần các phạm nhân ở đây, căng tin phân trại cũng tổ chức bán hoa và bưu thiếp như bên ngoài. Trong những ngày ấy, đó là thứ bán chạy nhất”.
Những dịp như thế thường có rất nhiều câu chuyện đi vào “huyền thoại trại giam”. Có chị tù nhân tên là Mai ở phân trại nữ đã ngất lịm đi vì sung sướng khi nhận được món quà của người yêu ở phân trại nam là một ngôi biệt thự bằng tăm tre được làm rất cầu kì, với lời chúc được ghi trên một tấm bưu thiếp rất xinh cũng làm bằng tăm tre: “ra trại, mình sẽ cùng nhau xây một ngôi nhà to đẹp như thế này và đẻ thật nhiều con em nhé”. Phạm nhân Nguyễn Văn Phu (quê ở Đông Hưng, Thái Bình) thì “chơi sang”, nhờ cán bộ quản giáo mua cả mỹ phẩm, kem dưỡng da để gửi tặng vợ là Nguyễn Hoàng Ngọc Anh ở trại nữ, dù tháng đó kiểu gì cũng phải nhịn ăn, nhịn tiêu vì tiền lưu ký hàng tháng ở căng tin chỉ giới hạn đến mức đó. Nhưng phổ biến nhất vẫn là mỳ tôm và xà phòng. Nhiều cán bộ quản giáo vẫn phải bật cười khi đọc thư của phạm nhân gửi cho nhau, vì sau những lời yêu thương mặn nồng, bỗng nhiên có một câu “anh ơi, em hết tiền rồi, gửi cho em mấy gói mỳ tôm và gói xà phòng”.
Tù nhân Lê Văn Thắng bị bắt vì buôn bán ma túy, gương mặt rất khắc khổ nhưng lại là người lãng mạn. Anh viết thư tình cho người yêu của mình ở phân trại nữ mỗi tuần, lá thư nào cũng nồng nàn, tình cảm. Anh thường động viên chị tích cực cải tạo để sớm trở về làm lại cuộc đời. Thi thoảng anh gửi cho chị một gói bột đậu, một gói xà phòng, dăm ba hộp sữa đậu nành và mấy gói dầu gội đầu. Chị viết thư sang với bao lời tha thiết, yêu thương, tấm tắc khen bột đậu ngon, không quên gửi tặng anh hai gói bột đậu mà chị mua ở căng tin bên này.
Thì ra không phải bản thân món quà mà là tình cảm của người gửi, và cái niềm vui được nhận quà, được quan tâm và chia sẻ, mới là điều cốt yếu làm nên vẻ đẹp và sự ấm áp từ những món quà trong trại giam. Chính vì thế, một gói mỳ tôm hay gói xà phòng, dù giá trị vật chất chẳng đáng bao nhiêu, dù rất thô kệch nếu xét theo đúng nghĩa của cái từ “quà tặng” vẫn được coi là món quà hoàn hảo nhất trong trại giam, là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của những con người đang khao khát tìm về nẻo thiện.
-
Châu Mộc