- 30 năm ròng rã, có một vị tướng Lào vượt bao nhiêu khó khăn để tìm kiếm ân nhân đã cứu mình khỏi tay thần chết từ trong nhà xác chỉ bằng cái tên, mái tóc dài bén gối và đôi mắt to tròn trong sáng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vị tướng Lào đó tên là Khăm Xỉ. Hành trình đi tìm nữ y tá tên Ngọc có mái tóc dài đã hồi sinh anh khi anh đã được xác định là tim ngừng đập hoàn toàn sau một trận chiến ác liệt năm 1972 đã có lúc tưởng như bế tắc, tuyệt vọng. Nhưng sau bao nhiêu mỏi mệt, người lính ấy cuối cùng cũng đã gặp được ân nhân của mình. Câu chuyện của họ như một bài ca đẹp về tình người trong chiến tranh.
Đưa tướng Lào từ cõi chết trở về dương gian
Tướng Khăm Xỉ thăm lại Việt Nam (Ảnh: Ngọc Trang) |
Mùa đông năm 1972, cô y tá Ngọc được tăng cường cho trạm xá T20 để tiếp máu cho các bộ đội bị sốt rét. Lúc ấy có 3 chiến sĩ Lào được chuyển vào điều trị vết thương, trong đó có một chiến sĩ bị sốt rét ác tính và chuyển vào nhà xác sau khi có xác nhận là tim ngừng đập hoàn toàn. Linh tính mách bảo Ngọc sau khi hoàn thành công việc vẫn ngần ngừ ở lại tại trạm xá. Chị đi vào nhà xác kiểm tra lại lần nữa, thấy cơ thể chiến sĩ Lào gầy nhỏ ấy đã chưa lạnh hẳn, đồng tử vẫn chưa dãn hết.
Không kịp đợi suy nghĩ, chị cõng chiến sĩ ấy trên vai quay lại phòng khám và cấp cứu. “Còn nước còn tát”, chị vội vã pha nước chanh, tiêm thuốc, xoa dầu, bón nước cháo cho anh bộ đội. Từ 5h chiều đến 3h sáng hôm sau, cơ thể anh đã bắt đầu ấm trở lại, khả năng sống là 70%. Thở phào nhẹ nhõm, chị tiếp tục dùng các phương pháp sơ cứu và bằng cả tấm lòng, thức đêm chăm sóc cho anh. Chị mượn tấm chăn của một bệnh nhân với lời hứa giản dị: “Nếu người chiến sĩ Lào này mất, tôi sẽ lấy chăn nhà mang trả”. Điều kì diệu cuối cùng cũng xảy ra, ba ngày sau vào lúc 8h sáng người lính ấy tưởng như chết bắt đầu mấp máy môi và hồi tỉnh. Sau khi Khăm Xỉ tỉnh dậy, ông không hề biết ai đã đưa mình từ cõi chết trở về. Ngọc đã ra đi ngay sau đó để làm nhiệm vụ khác.
Thở phào nhẹ nhõm, Ngọc tiếp tục quay về bệnh viện Anh Sơn điều trị thương binh mà không kịp chào người thương binh Lào đang băn khoăn ai đã cứu mình thoát khỏi tay tử thần, cũng không mong đợi một lời cảm ơn.
Khăm Xỉn tỉnh lại nhưng vẫn còn rất mơ hồ. Các bệnh nhân ở trạm T20 kể lại: “Nếu không có cô y tá “Ngọc tóc dài” ở bệnh viện Anh Sơn thì cậu đã chết rồi”. Lúc hôn mê, anh chỉ thấp thoáng thấy hình ảnh một người con gái bé nhỏ có đôi mắt to tròn và mái tóc rất dài. Nữ y tá “Ngọc tóc dài” đã ám ảnh cả cuộc đời còn lại của vị tướng Lào Khăm Xỉ.
Chị Ngọc cho biết, mẹ chị không hiểu vì lí do gì từ thời con gái đã dặn chị không được cắt tóc, nên đến bây giờ, khi đã ngoài 60 mái tóc chị còn dài và dày như mái tóc thiếu nữ. Chính mái tóc dài của cô y tá đã là chi tiết quan trọng giúp chiến sĩ Lào tìm được ân nhân của mình. Sau đó Khăm Xỉ được chuyển về Quân khu 4 để tiếp tục điều trị. Họ mất dấu nhau từ đấy.
Hai năm sau (tức năm 1974) tại bến phà huyện Đô Lương (Nghệ An), cô y tá Nguyễn Thị Ngọc sau một ngày đi chữa trị cho thương binh đang cùng bạn đợi phà qua sông thì thấy Khăm Xỉ và mấy anh bộ đội Lào. Khi ấy chị vẫn chưa biết tên người chiến sĩ mà mình đã cứu hai năm trước, chị nói với cô bạn gái đi cùng: “Anh bộ đội Pathet Lào mình cứu năm trước kìa, không biết bộ đội Lào đi công tác ở đâu đấy”. Lời nói vô tình của chị làm Khăm Xỉ giật mình quay lại và nhận ra ân nhân của mình thuở đó. Họ chỉ mấp máy được mấy câu chào nhau rồi chuyến phà đột ngột rời bến chưa ai kịp trao đổi được tin tức gì. Họ lại mất dấu nhau.
“Tôi cũng từng được cứu như thế!”
Ven con đê nhỏ cạnh khu Chợ Liễu (Xuân Lâm, Nam Đàn, Nghệ An), ngôi nhà mái bằng vừa mới được nâng cấp của nữ y tá Nguyễn Thị Ngọc năm xưa nằm lọt thỏm giữa um tùm cây cối. Bà Ngọc, người nhỏ bé, đôi mắt to tròn nay đã hằn sâu những vết chân chim không thể giấu hết những mệt mỏi sau những đêm không ngủ đang thắp nén nhang cho người chồng đã qua đời vì một cơn bạo bệnh. Người đàn ông đã gắn bó với bà suốt gần 50 năm còn là ân nhân cứu mạng bà trong một lần sẩy chân và luôn động viên bà theo đuổi nghề y tá cứu người.
Bài viết "Người tướng và nữ y tá: Chuyện cảm động của tình hữu nghị" trên báo Vientiane Times về cô y tá Ngọc cứu sống vị tướng Lào Khăm Xỉ trong chiến tranh (Ảnh: Ngọc Trang) |
19 tuổi, Ngọc kết hôn với anh chàng Ngạn đã dũng cảm cứu sống mình năm nào. Kể về mối tình của mình, chị cưòi hiền: “Đối với người khác, họ đến với nhau bằng tình yêu. Nhưng với tôi, trong tình yêu còn có cả lòng biết ơn sâu sắc người đã cứu mình thoát khỏi cái chết năm nào. Mấy chục năm sinh sống, có với nhau 5 mụn con nhưng tôi quyết việc gì ông cũng ủng hộ”.
Học xong lớp 7 trường làng, Ngọc đăng ký học trung cấp Nông lâm và lập gia đình với anh kĩ sư nông nghiệp Nguyễn Thạc Ngạn. Sau 2 năm công tác và có đứa con gái đầu lòng 9 tháng tuổi, chị đăng ký dự thi vào trường y tế Nghệ An rồi lên công tác tại bệnh viện Anh Sơn (Nghệ An) với mong ước “đem cái tâm và những gì được học để cứu người như có người từng cứu mình”. Chị tâm sự: “Có lẽ, chính chồng tôi và lần ngã sông năm nào đã thôi thúc tôi theo học ngành y để cứu tiếp những người bệnh như một việc làm để cảm ơn hành động đẹp mà chồng đã giành cho từ lúc bé thơ”.
Những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, chồng công tác tại Hà Nội, chị gửi 2 đứa con thơ cho hàng xóm để đi vào chiến trường chăm sóc cho các thương binh. Làm việc tại bệnh viện Anh Sơn, những lúc quá tải thương binh, chị lại được điều về T20 và các bệnh xá khác để điều trị truyền máu và xét nghiệm cho các chiến sỹ. Những năm tháng ấy không biết bao nhiêu thương binh qua tay chị chữa trị và vị tướng Lào - Khăm Xỉn cũng được chị “hồi sinh” trong một lần như thế.
- Ngọc Trang – Hồng Nhung
Bài 2: 30 năm nén lòng nói một lời cảm ơn