221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1266387
Những người mẹ “giời đày” ở công viên Thống Nhất
1
Article
null
Những người mẹ “giời đày” ở công viên Thống Nhất
,

- Đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, những người đàn bà ấy vẫn lặn lội sớm hôm, chắt chiu từng đồng sống lay lắt qua ngày, và dành dụm gửi vào nuôi những đứa con trong trại cai nghiện.

TIN LIÊN QUAN

Cái làn nhỏ nuôi con nghiện

Một cái làn nhỏ, một phích nước, vài chiếc cốc, một gói chè, đôi ba bao thuốc, cộng thêm mấy chiếc ghế nhỏ bằng bàn tay… là tài sản, là công cụ kiếm cơm của những người đàn bà khốn khổ. Già yếu, không nơi nương tựa, họ lấy cổng công viên Thống Nhất, cửa nhà văn hóa học sinh sinh viên, và bờ hồ Thiền Quang làm nơi “chôn bước chân, đếm đồng tiền”, kiếm sống qua ngày.

Mô tả ảnh.
Những người khách uống nước gửi quà giúp những người đàn bà bán nước vượt qua cơn khốn khổ (Ảnh: Kiều Trinh)
Xế trưa, người đàn bà có mái tóc bạc trắng, đôi mắt thâm quầng, hốc hác, vẻ mặt mệt mỏi lại gánh hàng từ nhà ra góc phải cổng nhà văn hóa học sinh sinh viên để bán. Vừa lau nhưng giọt mồ hôi còn lấm tấm trên gương mặt khắc khổ, bà vừa nói: “Hôm nay mệt quá nên ra muộn, chẳng đun được nước sôi, phải ra ngoài đây mua, trứng cũng chẳng buồn luộc nữa. Mệt nhưng mà vẫn đi, cho khuây khỏa”. Bà là Lê Thị Tâm, ở phường Trung Phục, Đống Đa, Hà Nội. Đã 70 tuổi, cái tuổi mà người ta được nghỉ ngơi an dưỡng thì dường như ông trời bắt tội, buộc bà phải lặn lội kiếm cơm nhờ cái hàng nước nhỏ teo này.

Nhưng đó chẳng là gì cả, điều đau đớn nhất đối với bà, khiến bà phải suy nghĩ, phải trằn trọc, phải đau khổ là hai đứa con đang trong trại cai nghiện. Cả gánh hàng có 3 chiếc ghế con con, bà bày ra để cho khách ngồi, còn mình thì tìm miếng gạch ngồi tạm, tay phe phẩy chiếc nón ọp ẹp trong tiết trời cuối đông. “Đứa lớn 45 tuổi đã có gia đình, còn thằng em mới sinh năm 1990, nó ngoan lắm, vậy mà bị đám bạn của anh cho dùng thử ma túy rồi bị nghiện lúc nào không biết”, người đàn bà nức nở. Những giọt nước mắt đớn đau trào ra, ướt nhòe khuôn mặt khô héo. Có bốn đứa con, hai đứa tù tội, hai đứa có gia đình cũng chẳng giúp được gì, hai ông bà sống với nhau, lặng lẽ, dật dờ như người vô hồn trong căn nhà nhỏ.

“Khách vắng, ngày nhiều thì được ba, bốn chục nghìn, cũng có ngày được một, hai chục thôi. Đi về đau nhức xương lắm, nhưng không đi thì biết dựa vào đâu, biết lấy gì mà sống”, bà Tâm than thở. Đồng lương hưu ít ỏi của chồng bà chỉ đủ trả tiền điện nước, cả gia đình chỉ trông chờ vào gánh hàng trà nước của bà Tâm. Trước đây, bà có một cửa hàng cơm, nhưng lãi chẳng được là bao, các con thì kéo bạn bè về ăn uống, nhậu nhẹt, đã không trả tiền cho bà chúng nó lại còn xin thêm. Bà đành trả cửa hàng không thì vỡ nợ. Thằng con cả đi tù vì ma túy, vợ nó bỏ đi, đứa cháu gái mới 8 tháng tuổi lại một tay bà nuôi nấng.

Vốn là thủ kho trong ngành xây dựng, chuyện gia đình, con cái làm bà lo nghĩ đến rạc cả người, rồi chẳng còn tâm trí làm việc, bà xin nghỉ. Hàng ngày, bà nấu chè đỗ đen đem ra bán ở hồ Thiền Quang. Nhưng bọn thanh niên nghiện ngập đến ăn không trả tiền, lãi chẳng đủ bù lỗ, bà lại phải chuyển sang bán nước chè xanh cho khách qua đường. “Bị công an đuổi suốt, họ đuổi bên này thì mình chạy qua bên kia đường. Tôi già yếu nên có lúc chẳng chạy kịp, đồ đạc bị công an bắt hết. Giờ chỉ mong có ai thương, cho việc gì nhẹ nhàng mà làm, kiếm mấy đồng đong gạo để sống”.

Cố nuốt nước mắt vào trong, nhưng nỗi tủi thân, đau đớn của người đàn bà ấy cứ chực trào ra. Bà kể: “Tết vừa rồi tôi tưởng không có tiền mua nổi cái bánh chưng, may mà đến sát Tết cô con gái cho 200 nghìn mới có mà sắm cơm cúng ông bà ông vải. Khổ, dành dụm được 700 nghìn, vay mượn hàng xóm được 1 triệu nữa, đã mang lên chia cho hai đứa con trai trong trại ăn Tết hết rồi”.

Phận mù mò mẫm bán từng giọt nước

Quê ở Ý Yên, Nam Định, bà Ninh Thị Ngọc về làm dâu đất Hà thành, nhưng hạnh phúc chẳng tày gang. Khi đứa con trai mới được vài tuổi, ông chồng ruồng rẫy mẹ con bà, đi lấy vợ hai. Bà Ngọc đau đớn ôm con đi thuê nhà ở. Nhưng nghề nghiệp không có, chẳng biết lấy gì nuôi con, bà đành đứt ruột bế đứa con mới 5 tuổi về quê ngoại nhờ mẹ đẻ nuôi, rồi một mình quay về Hà Nội, thuê nhà, chạy chợ kiếm tiền gửi về nuôi con.

Mô tả ảnh.
Bên chiếc làn nhỏ, mẹ Ngọc vẫn ngóng trông khách đến uống nước để có tiền gửi vào trại nuôi con nghiện (Ảnh: Kiều Trin

Một người đàn ông thương hoàn cảnh của Ngọc, thường xuyên qua lại giúp đỡ. Bà đi thêm bước nữa để lấy nơi nương tựa. Nhưng cuộc sống như trêu ngươi, suốt 10 năm trời bà không có con. Người chồng dù rất yêu thương bà cũng đâm chán nản bởi ông thèm có tiếng trẻ con nô đùa. Một ngày nọ, bà chết điếng khi ông đưa một người đàn bà về nhà sinh sống. Dù cố nín chịu đi chăng nữa, cảnh chung chạ cũng nảy sinh mâu thuẫn. Bà và người phụ nữ ấy thường xuyên cãi vã. Tủi thân, bà bỏ nhà ra đi, thuê một căn trọ sống lùi lũi một mình. Những ngày đầu bà xoay xở đủ nghề, khi thì bán quần áo, khi lại buôn giầy dép.

Nỗi đau của người đàn bà càng lớn hơn mỗi khi làm ăn thất bát, lại chẳng biết dựa vào đâu. Bà dùng rượu để giải sầu, quên đi nỗi đau. Nhưng rượu vào mà không ăn cơm khiến bà bị bệnh tật bủa vây. Cách đây 6 năm, đôi mắt của bà cứ mờ dần, mờ dần. Đi khám thì bác sỹ bảo do dây thần kinh bị tổn thương, không chữa được. Cùng thời gian này, đứa con trai của bà khi vào Nam làm ăn đã lao vào con đường nghiện ngập. Chưa phụng dưỡng bà lấy một ngày, đứa con duy nhất ấy đã bị đưa vào trại cai nghiện.

“Nó vào trại đã ba năm, giờ tôi bán hàng nước vừa dành dụm, chắt bóp sống qua ngày, vừa thi thoảng gửi quà vào cho con. Nó ở tận trong Nam, tôi chẳng có tiền vào thăm, dù có giận con nhưng lại càng thương con nhiều hơn”. Chưa dứt lời, những giọt nước mắt mặn chát lại lăn dài trên gương mặt của người mẹ đáng thương.

Câu chuyện cuộc đời cùa bà Ngọc khiến nhiều người hay lui tới công viên Thống Nhất phải day dứt. Có người đàn bà tốt bụng ở Hà Nội đã nhận bà là chị gái nuôi, thường xuyên thăm hỏi, mang cơm cho bà. Cô Lê Thị Vinh, một người bán cơm tốt bụng quê ở Hữu Lũng, Lạng Sơn cho biết: “Ngày tôi còn bán cơm ở bờ hồ, thường mang cơm sang cho bà Ngọc. Mắt bà kém rồi, chẳng thấy đường mà đi. Có khi còn nhịn ăn để lấy tiền đi xem ôm từ nhà ra công viên bán nước”. Bà Ngọc cho biết, mỗi tháng phải dành dụm để trả cho bác xe ôm 360 nghìn đồng công chở đi, về. Mắt bà đã mờ không thể tự đi, vì thế nhịn tiêu thứ gì chứ tiền xe thì không thể nhịn. Cũng may, chủ nhà trọ tốt bụng thương tình chỉ lấy bà 150 nghìn/tháng.

Dù nắng hay mưa bà vẫn dọn hàng ra bán. Có những hôm ở nhà mưa nhỏ, bà ra đến nơi thì mưa to. Đứng dưới cổng cây xa cừ rồi bà vẫn ướt như chuột lột. Đêm hôm ấy về ốm nặng, một thân một mình không ai chăm sóc, bà chỉ biết khóc thương cho cái kiếp của mình. Hàng chục năm rồi bà Ngọc không có Tết. Bà muốn về thăm họ hàng, bà con lắm nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ thuê tiền nhà, tiền xe ôm, còn ăn thì bữa đực bữa cái: “Đêm 30 ngồi nhìn gia đình, con cái người ta chở nhau đi chơi thấy tủi thân lắm. Mình cũng có chồng, có con, nhưng đến tuổi này vẫn vò võ một mình, tự kiếm cái ăn. Không biết vài năm nữa, khi không còn lao động được nữa thì số phận sẽ ra sao?”, bà Ngọc băn khoăn.

Người tóc muối tiêu nuôi thằng vạm vỡ

Mô tả ảnh.
Trong ánh mắt mong mỏi của mẹ Loan, ngày trở về của những đứa con nghiện không còn xa nữa (Ảnh: Kiều Trinh)
Ở xung quanh khu vực này, người ta còn nhắc nhiều đến cuộc đời của bà Nguyễn Thị Loan. 60 tuổi, bà vẫn cực nhọc chắt chiu từng đồng từ tiền bán nước chè để nuôi hai đứa cháu thơ dại và ba đứa con tù tội.

Có bốn đứa con, hai trai, hai gái nhưng bà chẳng được lấy một ngày an phận. Lập gia đình riêng cho cả bốn đứa nhưng giờ đây, vợ chồng con trai cả đều vướng vào vòng lao lý. Chồng buôn bán và sử dụng thuốc phiện, vợ làm gái bán dâm, chúng bị công an bắt ở tù, bỏ lại đứa con nhỏ cho bà nuôi. Thằng con út mới 25 tuổi, cũng nghiện ngập phải đi trại cai nghiện. Còn hai đứa con gái, một lấy chồng Trung Quốc, đứa còn lại thì chết vì sử dụng ma túy. Chồng nó cũng đang chịu án vì tội buôn heroin. Chỉ tội cho đứa cháu ngoại, mồ côi mẹ, phải chuyển về sống cùng bà.

Ngày ngày, bà đi bộ ba cây số từ nhà trọ ra bờ hồ Thiền Quang, tay xách, nách mang những túi đồ lỉnh kỉnh nào phích, nào cốc, nào ấm pha trà. Còn hai đứa cháu nhỏ thất học, đứa lớn 16 tuổi xin đi bán quần áo thuê, còn đứa bé mới 7 tuổi phải lang thang xin ăn. Mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn, trang trải tiền ăn, tiền ở cho ba bà cháu đã là một nỗ lực lớn. Ấy vậy mà bà còn dành dụm tiền để đi thăm con. Thương con, không có tiền đi xe, bà Loan đã cuốc bộ mấy cây số từ nhà lên thăm đứa con út đang ở trại số 1, Sơn Tây. Còn con trai cả đang bị giam ở Thanh Lâm, Thanh Cẩm, Thanh Hóa bà không có tiền đi thăm, chỉ biết cầu mong cho con khỏe mạnh, chờ ngày ra tù hoàn lương về với mẹ già này.

  • Hoàng Thùy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,