- Trong danh sách cấp phát gạo hỗ trợ cho người nghèo ăn Tết tại Nghệ An có tên của một số cán bộ xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương, Nghệ An).
TIN LIÊN QUAN
Năm 2008 – 2009, trong danh sách hộ nghèo tại xã Thanh Xuân có hơn 403 hộ do ông Nguyễn Cảnh Đạo, Chủ tịch UBND xã ký. Trong đó có ghi tên của gia đình ông Nguyễn Cảnh Đạo. Nhưng sự “hóa phép” đã đổi tên thành Nguyễn Cảnh Dao. Không riêng gì ông Đạo mà còn có cả Bí thư xã cũng sửa tên “hô biến” thành hộ nghèo để nhận gạo cứu đói.
Nhưng đến năm 2009 – 2010, một lần nữa cấp gạo cứu đói cho người nghèo trong dịp Tết Canh Dần, “các quan” xã Thanh Xuân trình tên lên huyện thì bị gạch tên ra khỏi danh sách sau khi phát hiện kiểu “dấu đầu hở đuôi”.
Lật mặt “quan xã” ăn chia của người nghèo
Trong danh sách nhận gạo cứu đói cho người nghèo 2009 – 2010, mặc dầu các vị chủ tịch, bí thư đã thay đổi tên. Nhưng đã bị đối chiếu họ tên vợ và con, đều đúng trong danh sách cứu đói của các quan xã nói trên.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Cảnh Đạo, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết : “Tết Canh Dần 2010, UBND xã Thanh Xuân có 403 hộ nghèo, được cấp 10 tấn gạo phân chia trên 17 xóm có trong danh sách hộ nghèo và 5 người bảo vệ cơ quan, trường học cũng được 50 kg gạo cứu đói trong đợt này”.
Khi được hỏi trong danh sách hộ nghèo năm 2009 – 2010, trình lên huyện Thanh Chương có tên gia đình chủ tịch và bí thư xã Thanh Xuân không? Sau một hồi chối quanh, vị chủ tịch Nguyễn Cảnh Đạo đã thừa nhận rằng: “Có ai đó vô tình viết tên cho gia đình tôi và gia đình nhà bí thư xã Nguyễn Đức Tường (thành Nguyễn Đức Tư) vào trong danh sách đó, chứ cái buổi nhạy cảm hiện nay là gần Đại hội rồi tôi có nói sai anh thông cảm cho”.
Danh sách có tên ông chủ tịch xã Nguyễn Cảnh Đạo, đã được sửa tên thành Nguyễn Cảnh Dao trình lên UBND huyện để được nhận gạo cứu đói năm 2010. Ảnh: Q.Huy |
Biện minh cho mình, ông Đạo nói tiếp: “Giá trị pháp lý là cái thẻ hộ nghèo, anh cứ thử lên huyện, tỉnh kiểm tra xem hoàn toàn không có mà. Còn gia đình tôi có trong danh sách hộ nghèo là do anh em tham mưu lên. Tôi thừa nhận là đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra và ký tổng thể khi trình lên cho huyện trong danh sách hộ nghèo”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Ngân, Phó phòng LĐTBXH huyện Thanh Chương qua trao đổi với báo chí cho biết: “Trong năm 2009 – 2010, trong danh sách hộ nghèo gửi lên huyện cũng có tên những cán bộ này. Tuy nhiên, khi lên đến huyện đã bị lãnh đạo huyện phát hiện nên gạt bỏ. Chúng tôi cũng đã nghi ngờ. Nên gửi lại bắt xã phải gạch tên. Tuy nhiên, với chiêu thức lấp tên như năm 2008 - 2009 thì chúng tôi không thể phát hiện được. Có tên trong danh sách có nghĩa là mọi chế độ về hộ nghèo, cán bộ xã là hộ nghèo đều đương nhiên được hưởng”.
Cấp gạo từng cân, trình ký sổ cả yến
Tưởng rằng người nghèo ở xã Thanh Xuân đón một cái Tết ấm lòng hơn. Nhưng tìm hiểu mới biết, mỗi một nhân khẩu nằm trong danh sách hộ nghèo chỉ được nhận từ 0,8kg đến 2kg gạo để cứu đói Tết 2010.
Gia đình ông bà Nguyễn Quang Thoại trong căn nhà tranh rách nát chỉ nhận được 1,8kg trong dịp cứu đói Tết Canh Dần 2010. Ảnh: Q.Huy |
Trong khi đó, theo tiêu chuẩn thì mỗi một nhân khẩu ở trong hộ nghèo sẽ được nhận tối thiểu 6kg gạo. Nhưng hỏi đến ai cũng lắc đầu về chuyện không hay biết về điều đó, cán bộ cho từng nào thì lấy chứ người nghèo không hề hay biết.
Gặp ông Bùi Văn Thắng, ở xóm Xuân Điền đang đi chăn trâu bên đường, ông nói: “Nhà tui có 6 khẩu mỗi khẩu chỉ nhận được 1kg thôi và được nhận 100.000 đồng. Xóm chúng tôi có hơn 500 khẩu đều được chia đều cho 1 khẩu là 1kg, còn 100.000 đồng thì chỉ có hộ nghèo mới được nhận”.
Không chỉ ở xóm Xuân Điền, ở xóm Xuân Dũng 1 cũng tương tự như thế. Ông Nguyễn Cảnh Duyệt, xóm trưởng xóm Xuân Dũng 1 cho biết: “Toàn xóm chúng tôi được cấp 450kg gạo và chia đều cho toàn xóm nhưng chủ yếu là hộ nghèo”.
Con đường gập ghềnh đã dẫn chúng tôi đến căn nhà lá rách tả tơi, cả 2 thân già sống cô quạnh, ông Nguyễn Quang Thoại và bà Cháu cho biết: “Tui thấy cán bộ xóm cấp cho mỗi khẩu là 8 lạng (0,8kg), nhà tui 2 khẩu chỉ được 1,6 lô (1,6 kg) và 100.000 đồng. Nhà nước cho tui mấy thì lấy mấy, chứ tui cũng có đòi hỏi chi mô”.
Gặp anh Nguyễn Trọng Hiền, ở xóm Xuân Dũng 1, anh cũng cho biết: “Năm 2008, được nhà nước cấp cho con bê về nuôi nhưng phải đóng 320.000 đồng chi phí vận chuyển, thuốc men. Còn Tết Canh Dần đứa con tui nó đi nhận về được 6kg gạo cho 6 khẩu gia đình tui đó”.
Ông Nguyễn Cảnh Đạo, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân thừa nhận: "Gia đình tôi có trong danh sách hộ nghèo gửi lên huyện Thanh Chương". Ảnh: Q.Huy |
Ông Nguyễn Cảnh Đạo, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân nói: “Cái chuyện 1 khẩu chỉ được 1 đến 2 kg trong đợt vừa rồi là do ở dưới xóm bình xét chứ tôi đâu có biết chuyện đó. Ở xã thì nhiều lĩnh vực tôi không thể kiểm tra cụ thể hết, chỉ kiểm tra những cái chung thôi”.
Theo đó, khi phát hiện những sai phạm trên, ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã có công văn khẩn cấp gửi đến huyện Thanh Chương có nội dung sau: “Đề nghị chủ tịch, bí thư huyện Thanh Chương kiểm tra tình hình bình xét hộ nghèo và cấp gạo cứu đói Tết Canh Dần năm 2010 trên địa bàn huyện. Đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm sai quy định của Nhà nước”.
- Quốc Huy