- “Bốn cô gái nằm cùng một chỗ dưới đáy hồ, hai cô nằm cạnh nhau còn hai cô chết vẫn ôm nhau… chặt cứng khiến người mò xác nhiều năm như chúng tôi cũng phải giật mình. Lòng hồ lởm chởm đá, thành hồ là những vách đá dựng đứng không chỗ bấu víu, nước hồ lạnh cóng… khiến ai ngã xuống hồ đều khó sống sót”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Qua lời kể của những người thợ lặn vớt xác người chết đuối, hồ đá (xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, Bình Dương) hiện ra với những “vòng xoáy” bí ẩn như “hồ nuốt người” …
Rơi xuống hồ là... chết!
Theo anh Nguyễn Tiến Dũng, thợ lặn ở xã Hóa An, Biên Hòa, Đồng Nai, chỉ 2 năm trở lại đây, nhóm thợ lặn của anh vớt không dưới 20 xác người từ lòng hồ “tử thần”. Dù vớt xác “chuyên nghiệp” không nhớ nổi bao nhiêu lần ở sông, suối, hồ nhưng các anh vẫn không khỏi… giật mình bởi cảm giác ớn lạnh mỗi lần mò xác khu vực hồ đá Đông Hòa.
Hồ “tử thần” được cấu tạo bởi những vách đá lởm chởm, thẳng đứng không chỗ bấu víu. Chỉ cần trượt chân một cái, rơi từ trên cao xuống… là bất kỳ ai cũng khó sống sót. Trong khi đó, hồ đá lại sâu thăm thẳm có nơi đến cả 50m - 60m. “Chưa ai dám lặn xuống chỗ sâu nhất dưới đáy hồ. Nhiều khu vực đáy hồ là các lòng chảo lớn, nơi sâu nhất cũng tới 70m. Các thợ lặn chuyên nghiệp cũng chỉ dám xuống tới độ sâu 30m là nước đã lạnh cóng, cảm giác buốt tới sống lưng rồi” - anh Dũng nói.
Các sinh viên vẫn vô tư tắm trong khu vực hồ đá sau hàng loạt vụ chết đuối dưới hồ. Họ hồn nhiên bơi ra giữa hồ vì cho rằng "có ao phao nên chẳng sợ!". Ảnh: Thái Phương |
Nhóm thợ lặn của anh Thanh gồm 4 người, đều làm nghề đánh bắt cá trên sông khu vực cầu Hóa An, Đồng Nai. Ban đầu chỉ là thấy người chết đuối nhảy xuống cứu, thấy người chết nhảy xuống vớt xác họ lên… Dần dần, các anh trở thành những người “đưa người chết trở về từ “hồ tử thần” khi số người chết ở khu vực hồ này ngày càng nhiều, nhất là khi dân quanh vùng không ai dám mò xác dưới hồ.
Chỉ những người gan lì, không sợ nguy hiểm mới dám lặn xuống mấy “hồ nuốt người” mò xác, chứ dân thường dù lặn giỏi nhưng vẫn… ớn vì hồ nhiều người chết quá rồi. Và cả làng chài chân cầu Hóa An mấy chục hộ nhưng chỉ duy nhất 4 người dám mò xác dưới lòng sông, lòng hồ.
Mỗi lần vớt xác từ lòng hồ lên là một câu chuyện đau lòng nhưng nhớ nhất với các anh vẫn là chuyện 4 cô công nhân bị ngã xuống hồ chết đuối.
“Lần đầu tiên nhận tìm xác 4 người một lúc, nghĩ đến cũng... lạnh sống lưng nhưng không thể để họ nằm ở dưới hồ được. Vậy là mấy anh em lặn xuống đáy hồ tìm. Dù chuẩn bị trước tinh thần là 4 cô gái có thể nằm chung một chỗ vì ngã cùng một lúc nhưng tôi vẫn bị giật mình… Hai cô nằm cạnh nhau còn 2 cô vẫn ôm chặt cứng nhau cho đến chết. Chắc hoảng sợ quá nên họ chỉ còn biết ôm lấy nhau trong lúc đang chìm dần xuống đáy hồ sâu thăm thẳm…” - anh Thanh nhớ lại.
Theo anh Đặng Văn Nhu, có thể trong lúc mải chụp hình họ thấy mỏm đá cao, đẹp bèn chèo lên nhưng không ngờ ngay sau lưng họ là vực thẳng đứng. Và cú sẩy chân đã kéo 2 người rơi xuống hồ. Thấy bạn mình gặp nạn, 2 cô công nhân còn lại cũng lao xuống nước cứu nhưng cả 4 người đều nằm lại dưới lòng hồ lạnh ngắt... Trước đó năm 2009, cả 3 người rủ nhau chạy thử cano trong khu vực hồ đá cũng phải bỏ mạng vì cano lật làm họ chết đuối…
Giải mã “vòng xoáy” bí ẩn trong lòng hồ
Nhiều người cho rằng lòng hồ có những lòng chảo lớn, hố sâu tạo thành vòng xoáy “hút” người khiến ai bị ngã, chuột rút khi tắm đều khó lòng sống sót?
Theo nhóm thợ lặn, lòng hồ khác biệt rất lớn, đứng ở gần bờ, nước chỉ xâm xấp hơn một mét nhưng bước chân ra một chút là người tắm có thể hụt xuống cả hố sâu phía sau lưng. Khi bị ngã xuống hồ, trong lòng hồ không có cây cối mà chỉ là những vách dựng thẳng đứng không chỗ bấu víu…Chưa kể, nước trong hồ rất lạnh so với các sông hồ khác làm người bị ngã có cảm giác “ngộp”, hoảng sợ. “Và càng vùng vẫy, càng hoảng sợ sẽ càng nhanh chìm hơn. Chính vì vậy phần lớn người bị ngã xuống hồ đều không có khả năng sống sót” - anh Dũng nhận xét.
Cả nhà cùng đi câu cá trong "hồ tử thần" bất chấp lời cảnh báo và hàng chục vụ chết đuối xảy ra. Ảnh: Thái Phương |
Chưa hết, mỗi hồ đá cấu tạo khác nhau, có hồ tạo thành từng bậc thang lên xuống, càng xuống sâu càng hiểm trở nhưng có hồ lại bằng phẳng. Với những hồ nước sâu cả 50m, càng bơi ra xa, xuống sâu dưới lòng hồ người bơi càng bị áp lực nước làm ngạt thở. Vì vậy, ở sông thợ lặn có thể lặn xuống cả tiếng đồng hồ nhưng trong các hầm đá thì chỉ khoảng 20 phút, cao nhất là nửa tiếng anh em phải nhô lên mặt nước để thở, lấy sức…, anh Nhu phân tích thêm.
"Nhiều lần đi ngang qua khu vực này, thấy họ ngồi chênh vênh trên mỏm đá, nhìn xuống phía dưới là vách đá dựng đứng, mình thấy còn khiếp mà họ dám ngồi chơi. Vì chỉ vô ý sẩy chân rơi từ trên cao xuống hồ là chết" - anh Dũng lắc đầu ái ngại.
Và không ít trường hợp nhiều người bơi giỏi, chủ quan cũng bỏ mạng ở hồ đá này. Ban đầu, nghĩ mình có thể bơi được, nhìn bờ bên kia gần nên họ thi thố, thách thức nhau nhưng thực ra rất sâu, chỉ bơi khoảng chục mét là đã ngấm mệt. Có lần tôi vớt một người ở hồ đá. Anh này sau khi nhậu với bạn bè liền xuống hồ tắm cho mát rồi… thách nhau bơi qua hồ để uống rau má. Rốt cuộc, bơi được vài mét, người đàn ông này bị đuối sức và nằm lại dưới đáy hồ…
Khu vực hồ đá gần ĐHQG TP.HCM, xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương từ lâu được người dân quanh vùng gọi là “hồ tử thần”, “hồ nuốt người”. Hồ đá gồm 4 hồ nước sâu hình thành sau quá trình khai thác đá suốt mấy chục năm qua. Từ năm 1993 đến nay đã có hơn 40 mạng người nằm lại ở các hồ đá. Chỉ tính từ đầu năm 2010 đến nay có 5 mạng người chết tại khu vực này. Dù chính quyền địa phương áp dụng nhiều biện pháp hạn chế sinh viên, người dân đến đây chơi nhưng những vụ chết đuối vẫn xảy ra. Theo ghi nhận của PV VietNamNet, dù được cảnh báo bằng hàng rào kẽm gai chắn xung quanh 4 hồ, các biển báo cấm, nguy hiểm được dựng lên khắp nơi nhưng hàng trăm sinh viên, người dân vẫn tới hóng mát, thả diều thường xuyên. Thậm chí một số sinh viên vẫn vô tư tới hồ tắm. Khi được hỏi liên tiếp những vụ chết người ở hồ đá xảy ra mà không sợ, có người nói: “Sợ gì đâu chị? Em mang phao mà, phao mới mua còn lo gì nữa”. Vừa nói xong, sinh viên này nhảy ùm xuống nước với đám bạn đang vùng vẫy trong nước mát mà không biết rằng cái chết có thể tới bất cứ lúc nào. |
-
Thái Phương