- Đây là một cuộc tuyển chọn đặc biệt và có một không hai ở Đền Hùng. Các cụ ông từ 61 tuổi đến 70 tuổi trong một khoảng thời gian ngắn trải qua cảm giác ôn bài, lo lắng, hồi hộp của sĩ tử khi đi thi. Đây là cơ hội chỉ có 1 lần duy nhất trong đời...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tâm trạng những “sĩ tử” U60
Đến nay, khi đã lên làm thủ từ ở đền Trung (Khu di tích Đền Hùng, Phú Thọ), hàng ngày đội lễ, cầu khấn cho mọi người nhưng ông Nguyễn Thế Tước vẫn chưa quên được những xúc cảm ngày đi tuyển chọn.
Thủ từ Nguyễn Thế Tước tranh thủ giờ nghỉ trưa chia sẻ cảm xúc cùng phóng viên |
Các cụ từ lo vì họ đều đã ở tuổi ngoài sáu mươi, cái tuổi mà việc học hành công danh dường như chỉ còn là hoài niệm. Thế nhưng, ở những người luôn đặt cái tâm lên hàng đầu, luôn coi việc được trông nom Đền Hùng là niềm tự hào, là ý thức trách nhiệm đối với gia đình, làng xóm thì chuyện học lại trở thành niềm hứng khởi.
Mặc dù, du khách đến dâng hương, dâng lễ rất đông nhưng thủ từ Triệu Công Nông luôn tươi cười, giải thích, chỉ dẫn cho mọi người đặt lễ. |
Để được làm ông từ trông coi Đền Hùng là việc mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Bởi theo các ông thì “được làm ông từ ở đây là được hầu thánh”, nên các ông đã phải vượt qua kỳ sát hạch rất gắt gao để chọn ra 4 ông từ cho 4 đền.
Nói về tâm trạng khi hoàn thành bài thi, thủ từ đền Giếng – Triệu Công Nông, người đạt điểm giỏi trong kỳ tuyển chọn ông từ năm 2010 chia sẻ: “Làm xong bài thi là tôi thấy rất thoải mái, tôi tin chắc chắn mình sẽ đậu vì những kiến thức trong bài về lịch sử, xã hội tôi đều nắm rất chắc.”
Cuộc tuyển chọn vất vả, được làm thủ từ ở mỗi đền đó là kết quả của cả quá trình nỗ lực phấn đầu, là niềm tự hào, hạnh phúc không chỉ cho riêng cá nhân mỗi ông từ. Mà đó còn là niềm tự hào cho cả xã và thị trấn nơi đã tiến cử các ông từ.
Cuộc tuyển chọn có một không hai
Tại Đền Hùng, việc tuyển chọn ra các ông từ trông coi các đền như Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng và Đền Giếng được coi là việc quan trọng nhất trong năm. Đây là những người có trách nhiệm và nhiệm vụ không thể thiếu trong những ngày thường, đặc biệt là ngày rằm và ngày hội.
Như đã nói ở trên, để trở thành các thủ từ và phụ từ ở các đền, họ phải vượt qua chặng đường vất vả như những “sĩ tử” trong cuộc tuyển chọn ông từ của khu di tích Đền Hùng.
Công việc của các ông Từ vất vả, bận rộn hơn trong ngày lễ khi du khách thập phương về giỗ Tổ Đền Hùng ngày càng đông. |
Được biết, tiêu chuẩn đăng ký tuyển chọn ông từ khá khắt khe: người đăng kí tuyển chọn ông từ phải có lý lịch rõ ràng, tuổi đời đủ từ 61 đến 70 tuổi; là người lương thiện, ngoại hình phúc hậu, không bị khuyết tật; có hiểu biết về xã hội, lịch sử di tích Đền Hùng và biết thực hành tín ngưỡng theo truyền thống...
Ngòai ra, còn nhiều tiêu chuẩn khác nữa đòi hỏi các cụ tham gia dự tuyển các ông từ phải đáp ứng được.
Theo tìm hiểu, các ông trong ở xã Hy Cương và thị trấn Hùng Sơn khi đã được cơ sở giới thiệu đạt các tiêu chuẩn trên mới chỉ được coi là qua vòng sơ tuyển và bắt đầu chuẩn bị làm hồ sơ chuyển lên Hội đồng tuyển chọn.
Phần quan trọng và hấp dẫn nhất nhưng cũng đầy cam go đối với các ông từ chính là làm bài kiểm tra sát hạch tuyển ra thủ từ chính cho các đền. Để chuẩn bị cho bài kiểm tra, Hội đồng tư vấn đã tổ chức đợt tập huấn trong hai ngày. Trong đợt tập huấn đó, các “sĩ tử” phải đọc và tìm hiểu về kiến thức xã hội, kiến thức về lịch sử và các nghi thức thờ cúng, hành lễ và lễ hội Đền Hùng xưa nay.
Vượt qua 30 câu hỏi đề ra, các ông từ mới chính thức được lựa chọn trông nom tại các đền.
Thời gian chuẩn bị cho cuộc tuyển chọn rất ngắn nên các “sĩ tử” cao tuổi phải khổ luyện vất vả hơn. Mặc dù, tuổi đã cao nhưng các sĩ tử cao niên vẫn có tâm trạng hồi hộp, lo lắng như mọi thí sinh trong các kì thi tuyển khác.
Đề thi cho các sĩ tử trong cuộc tuyển chọn ông Từ |
“Việc tổ chức tập huấn và tuyển chọn các ông từ hàng năm luôn được quan tâm và thực hiện đúng quy trình nhằm đảm bảo tìm ra người xứng đáng nhất. Các ông từ là người giải thích cho những người đi lễ về các vấn đề liên quan đến Đền Hùng khi họ hỏi. Chính vì vậy mà mỗi ông từ được chọn ngoài các tiêu chuẩn về hình thức, gia đình thì đều phải nắm vững kiến thức lịch sử, xã hội” - bà Lưu Thị Minh Toàn nói.
Đại lễ năm nay được tổ chức với quy mô lớn và kéo dài hơn. Do đó, công việc, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của các thủ từ ở mỗi đền sẽ nặng hơn. Nhưng với lòng say sưa, thành tâm, nhiệt tình cùng với sự giúp đỡ của các phụ từ, các thủ từ tại các đền đã và đang hoàn thành tốt công việc của mình.
-
Quỳnh Trang - Trần Tân