221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1271979
Kỳ 1: Thâm nhập đại bản doanh "nhớt lậu"
0
Article
null
“Công nghệ” biến nhớt thải thành nhớt “zin”
Kỳ 1: Thâm nhập đại bản doanh 'nhớt lậu'
,

- Nhớt thải được gom về, đổ vào nồi đun và khoắng lên. Sau đó cho a-xít vào để lắng cặn. Hớt bỏ phần bọt ở trên và cặn ở dưới, lấy phần có màu nhờ nhờ ở giữa, tẩy lại cho trong, pha thêm mỡ công nghiệp, hạt nhựa hoặc mỡ cá ba sa để có vẻ... nhơn nhớt, là thành dầu nhớt mới tinh. Đó là “công thức” căn bản của các lò nấu nhớt, biến nhớt thải thành nhớt mới.

Càng về sau này, cách chế biến có hiện đại hơn, là đưa vào nồi kín, nấu cho bốc hơi và lắng. Loại này sản phẩm làm ra có sạch hơn, song vẫn chưa thể đảm bảo chất lượng.

Nhan nhản lò nấu nhớt thải

Tại ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, một cơ sở nấu nhớt lấp ló trong ngôi nhà với một số thùng phuy, nồi nấu, ống tuy-ô, dây nhợ chằng chịt ngổn ngang. Trước nhà là một tấm bảng gỗ ghi chữ “thu mua nhớt thải” nguệch ngoạc bằng sơn trắng. Nghe nói khách hỏi bán nhớt thải, người phụ nữ ra đon đả nói chuyện, còn người đàn ông bên trong cánh cửa thò đầu ra nhìn, dò xét.

Một lò nấu nhớt thải ở Xuân Thới Thượng, Hóc Môn. Ảnh: Đặng Vỹ

Trong vai người đi tìm công nghệ nấu và chiết nạp nhớt, chúng tôi bắt chuyện được với Truân, một tay nấu nhớt trên 20 năm trong nghề và nay chuyên dạy nghề, lắp đặt “dây chuyền” chế biến. Truân đưa đi đến các lò nấu, cơ sở chiết nạp. Các huyện Hóc Môn, Củ Chi. Bình Chánh, Nhà Bè, quận 9, quận 2, Thủ Đức... và rải rác khắp nơi trên địa bàn các tỉnh phía Nam đều có cơ sở nấu nhớt thải. Truân đã từng dạy nghề ở TP.HCM, các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, và tận Hải Phòng. Mục sở thị, trong ngày, Truân đã đưa nhóm “khách hàng” đến tận Tây Ninh để chứng kiến một lò nấu nhớt và dây chuyền chiết nạp do chính tay anh lắp đặt. Trên đường đi, có hai người là ông Thành ở phường Tây Thạnh quận Bình Tân và Thông ở thị trấn Gò Dầu (Tây Ninh) cùng đi theo học nghề.

Đứng tại một cơ sở nấu nhớt của ông Rung thuộc kênh số 10, xã Tân An Hội (Củ Chi), Truân cho biết trên con đường này có đến 4 cơ sở nấu nhớt. Cơ sở tái chế nhớt thải của ông Rung nằm trên một vạt rộng trên 1.000 mét vuông đất trong khu rừng tràm. Ông thuê đất 10 năm, giá hiện tại 5 triệu/tháng. Truân cho biết, trên con đường ngắn này có 4 điểm nấu nhớt. Hầu hết thụt sâu vào bên trong, không mấy ai được vào.

Tại quận 2, một chủ lò tên là Đỗ Anh Hải cho biết, anh chế biến ở khu vực Cát Lái, mỗi ngày vài chục phuy. Tại ấp 7, xã Lê Minh Xuân, chủ lò là một thanh niên tên Cường, người vùng này quen gọi là Cường “nhớt”, cho biết, mỗi ngày anh nấu được 20 - 30 phuy nhớt. Tự hào là người nấu nhớt thâm niên và sành sỏi trong nghề, nhưng Cường vẫn thừa nhận rằng, trong “làng nhớt” này anh ta chưa phải là đại gia.

Lò đốt để nấu nhớt thải tại một điểm nấu nhớt ở Củ Chi. Ảnh: Đặng Vỹ


Theo giới chưng cất nhớt thải, đại gia trong làng nhớt được kể đến là Phước “áo đỏ”, mỗi ngày nấu vài trăm thùng phuy. Kế đến là ông Tánh có cơ sở gần cầu Lớn (Xuân Thới Thượng, Hóc Môn) chưa đầy 40 tuổi nhưng đã có cơ sở nấu 120 phuy mỗi ngày. Ít hơn nhưng cũng thuộc hàng có đẳng cấp là ông Lắc, với 3 cơ sở nấu gần trăm phuy nhớt. Còn nấu một hai chục đến dăm bảy phuy/ngày thì chỉ loanh quanh ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, quận 9, quận 2 đã có hàng trăm cơ sở. Truân cho biết, là người trong nghề nên anh biết ở các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai cũng có nhiều cơ sở lớn nhỏ.

Rùng rợn “công nghệ” tái chế

Để đột nhập vào các lò nấu nhớt thải này, PV VietNamNet phải đóng vai làm nhiều dạng: Đi thu gom và bán nhớt thải, mua lại nhớt tái chế, tìm đối tác đầu tư dây chuyền chiết nạp nhớt tái chế để làm nhớt giả tung ra thị trường… và đã chứng kiến cảnh làm nhớt, tái chế nhớt rùng rợn.

Mục sở thị một cơ sở nấu nhớt của ông ở Củ Chi, khó có thể nói được cảm giác khi nhìn thấy một cơ sở chế biến lạ lùng như thế này. Một rừng dây nhợ, ống dẫn, phuy đựng, tất cả đều lấm lem, đặc quánh, đen ngòm. Nhớt đựng trong can, xô, chậu, nồi xoong… bày lăn lóc, ngổn ngang trên mặt đất.

Nhớt thải được thu gom từ các nơi đem về đổ vào thùng phuy hoặc thùng sắt, cho lắng bớt nước, sau đó đưa lên một cái nồi trên cao và đun lửa. Nhiên liệu đun khi là củi, khi thì bằng chính bã thải nhớt sau khi đã nấu và ép hết, nên bụi khói bay đen đặc mù trời và tỏa mùi hắc ô nhiễm cả một vùng. Vì vậy, các lò nấu nhớt đa số đặt sâu trong các khu rừng tràm để tránh dân cư và cảnh sát môi trường phát hiện.

Dầu chưng cất ra từ nhớt thải được để ngoài trời. Ảnh: Đặng Vỹ

Khoảng 10 năm về trước, người ta làm nhớt bằng cách nấu nhớt thải lên, cho axit vào để lắng, tách phần cặn được lắng ra và pha chế thêm mỡ công nghiệp, mỡ cá basa và hạt nhựa để cho có vẻ “nhờn nhờn” rồi mang đi bán.

Tuy nhiên, loại này sau này bị phát hiện phá hỏng máy móc quá dữ, nên cách làm nhớt bây giờ có tiến bộ hơn. Nhớt thải được đưa vào nồi kín, đun cho bốc hơi lên và được dẫn ra một cái thùng khác. Loại này được giới nấu nhớt thải gọi là “dầu cắt”, đã có thể cho vào xe ô tô làm nhiên liệu đốt chạy được. “Dầu này cho vào xe chạy được rồi đó, bốc lắm, hơn cả dầu DO ngoài các cây xăng”, ông chủ lò tích cực giới thiệu cho sản phẩm của mình khi nghe khách giới thiệu là người đi tìm mua "dầu cắt".

Làm dầu đốt không có lãi lớn bằng dầu nhờn, nên “dầu cắt” nấu ra được cho thêm một ít dầu gốc, các loại phụ gia để tạo thành nhớt, chiết vào bình và tung ra thị trường. Tuy nhiên các cơ sở thủ công và quy mô nhỏ vì lợi là chính nên chỉ pha phụ gia chiếu lệ. “Nói cho nhiều nhưng thực ra chẳng có bỏ vào bao nhiêu, chỉ một ít dầu gốc thôi. Như vậy mới có lời nhiều”, Truân nói.

Chuyên, một người chuyên hợp tác với nhiều lò nấu nhớt và dạy nghề chưng cất này, cho biết tất cả các nhãn hiệụ trên thị trường nhớt hiện nay đều lấy loại dầu cắt này, về pha dầu gốc và phụ gia rồi đóng nạp, chiết bình thành nhớt thành phẩm. Bản thân Chuyên ngày đầu làm nhớt thải cũng đã phải chi 5 triệu đồng cho một người làm kỹ thuật ở công ty N để được chỉ cho chỗ mua phụ gia và hóa chất. Còn sau đó khi anh làm cho một cơ sở, công ty V vẫn thường đến lấy dầu cắt về để chế biến thành phẩm.

"Trừ các thương hiệu lớn chỉ dùng 100% dầu gốc loại tốt để làm nguyên liệu, còn lại các cơ sở nhỏ không ai làm như vậy cả, mà đa số dùng dầu cắt tái chế từ nhớt thải", Chuyên cho biết. "Vì dùng 100% dầu gốc giá thành rất cao, không bán được và có bán được cũng không có lời nhiều".

  • Đặng Vỹ

Kỳ 2: Bát quái trận đồ nhớt giả, nhớt dỏm

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,