– Đến huyện Củ Chi, hỏi về Lý Đại Bàng ai cũng biết và đau đớn trước cái tin ông qua đời. Với họ, Lý Đại Bàng không chỉ là huyền thoại SBC (săn bắt cướp) một thời của Công an TP.HCM mà còn là người anh hùng của quê hương "đất thép thành đồng".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quá bất ngờ!
Đến 12h30’ ngày 9/4 thi thể của Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Lý Đại Bàng, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC17) Công an TP.HCM đã được đưa về quàn tại nhà cha mẹ của ông tại KP.2, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi. Trong ngôi nhà này, ông đã cất tiếng khóc chào đời, lớn lên và về cõi vĩnh hằng. Ngay trong ngày, nhiều người dân quê hương "đất thép thành đồng" đã đến chia sẻ nỗi đau cùng với gia đình ông. Nhiều cán bộ công an khắp nơi cũng có mặt để kịp nhìn mặt lần cuối người đồng đội quả cảm của mình.
Thi thể Đại tá Lý Đại Bàng được đưa ra khỏi trụ sở PC17, Công an TP.HCM vào sáng ngày 9/4. |
Đến huyện Củ Chi, hỏi về Lý Đại Bàng ai ai cũng biết. Họ đau buồn trước việc Lý Đại Bàng đột ngột qua đời vào đêm 8/4 rạng sáng ngày 9/4 tại phòng làm việc riêng. Trong ngôi nhà dân dã, thấp thoáng dưới những hàng cau, bà Nguyễn Thị Rót (SN 1962, vợ của Lý Đại Bàng) nước mắt ngắn dài, kể: “Anh Bàng ra đi quá đột ngột. Trước đó, anh ấy vẫn mạnh khỏe bình thường”.
Bà Rót còn chia sẻ, ngày 8/4 Lý Đại Bàng còn về dự đám giỗ của người anh đầu – từng là cán bộ kiểm lâm, bị lâm tặc hành hung và qua đời vào năm 1977. Tại đây Lý Đại Bàng còn gặp bà con họ hàng, chòm xóm trò chuyện vui vẻ.
Kể tiếp câu chuyện của người cha anh hùng, con gái út của Lý Đại Bàng, cháu Lý Thị Thu Trang (SN 1994) ngậm ngùi: “Ba mất quá đột ngột, không kịp trăng trối gì. Ba còn hứa thứ bảy sẽ chở bà nội về chơi thế mà ba chưa kịp thực hiện lời hứa đó”. Trang kể tiếp: “Sau khi đi đám giỗ bác Hai về, 6h chiều ngày 8/4, ba còn nấu cháo đút cho bà nội ăn từng muỗng. Rồi ba nói đến cơ quan trực ca đêm, có ai ngờ đó là lần cuối gặp được ba”. Cả ba người con gái của Lý Đại Bàng cho đến giờ vẫn ngỡ ngàng, không còn tin chuyện ông ra đi đột ngột đến như vậy.
Chiều ngày 9/4, lần lượt nhiều đoàn khách viếng mặc sắc phục công an có mặt tại nhà Lý Đại Bàng để tiễn đưa người đồng chí. Một trinh sát PC17, Công an TP.HCM chỉ biết chia sẻ: “Đến giờ, vẫn không ai tin Lý đại ca qua đời”.
Huyền thoại một người anh hùng của quê hương anh hùng
Bà Nguyễn Thị Thu Nga, (một người dân Củ Chi) khi nghe tin Lý Đại Bàng qua đời cũng đến nhìn mặt lần cuối người con anh hùng của quê hương anh hùng. Bà Nga tâm sự: “Nhìn vào bảng thành tích khi Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (năm 2005) cho Lý Đại Bàng, ai cũng... "sợ" (nể). "Sợ" vì thành tích dũng cảm của Bàng nhưng cũng sợ vì kẻ thù của Bàng vẫn còn đâu đó. Nhưng Bàng không mất đi vì bọn tội phạm mà lại mất vì… cơn đột quị”.
Một pha bắn súng khống chế tội phạm của các chiến sĩ SBC một thời. Ảnh tư liệu |
Nhiều người dân Củ Chi ngồi lại với nhau kể về những chiến tích của Lý Đại Bàng cũng như huyền thoại một thời của đội SBC Công an TP.HCM. Người chị ruột của Lý Đại Bàng cũng bộc bạch: “Từ khi dấn thân vào ngành là cuộc đời Bàng đầy gian khổ cho đến khi qua đời. Nhưng có việc là Bàng đi, không nề hà nguy hiểm”.
32 năm trước, sau khi tốt nghiệp ra trường, Lý Đại Bàng gia nhập ngành công an, về làm cảnh sát hình sự tại Công an Q.5. Đó là năm 1978. Trong giai đoạn năm 1982-1986, khi mà tàn dư giang hồ của chế độ sài Gòn cũ vẫn tay dao, tay súng tung hoành khắp nơi, đội SBC với những thành viên như Phan Thành (tức Ba Tung, đội trưởng) Dương Minh Ngọc (từng dính trong vụ án Năm Cam), Mai Văn Tấn (hiện là trưởng phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TP.HCM)... đặc biệt là Lý Đại Bàng đã làm nên huyền thoại một thời.
Người dân Củ Chi, hàng xóm của Lý Đại Bàng vẫn nhớ như in những chiến tích về đội SBC, mà đặc biệt những phi vụ trấn áp tội phạm trên đường phố của Lý Đại Bàng.
Vào thời đó, những chiếc “xế độ” 67 cùng những chiến sĩ dũng cảm của SBC trên đường phố đã trở thành nỗi ám ảnh, kinh hoàng của bọn tội phạm có trang bị súng, lựu đạn. Những chuyện được thêu dệt thành huyền thoại, được nhiều người truyền tai nhau là sự gan dạ phi thường của những chiến sĩ SBC, trong đó có Lý Đại Bàng. Người ta tin rằng, Lý Đại Bàng đeo “bùa Lỗ Ban” nên súng đạn bắn không thủng người; dùng dây chun cột vào tay ga để giữ nguyên tốc độ xe 67 để 2 tay tiện cầm 2 súng nằm rạp người trên xe bắn trả tội phạm; phóng như bay từ xe của mình sang xe tội phạm để khống chế, tước đoạt súng…
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong cuộc đời dấn thân vào công an của mình, Lý Đại Bàng đã tham gia triệt phá hơn 300 băng nhóm, bắt hơn 400 đối tượng. Điều đặc biệt những tên tội phạm mà Lý Đại Bàng tóm gọn đều thuộc loại hung hãn khét tiếng, có “hàng nóng” như: băng "Nguyễn tàn bạo”, "Hoàng Cần Thơ”, băng đảng Võ Tùng Hội…
Ảnh lưu niệm của các thành viên đội SBC một thời. Ảnh tư liệu |
Cuộc đời “binh nghiệp” của mình, Lý Đại Bàng đã không dưới… 15 lần nhận quyết định điều động đến công tác tại những đơn vị khác nhau. Tuy nhiên ở bất kỳ phòng ban nào, Lý Đại Bàng cũng vui vẻ chấp hành sự phân công đó và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt khi công tác tại PC17, Công an TP.HCM, Lý Đại Bàng cùng những người anh em, đồng chí của mình triệt phá nhiều chuyên án ma túy lớn, đem lại bình yên cho xã hội.
Nhiều lần, người viết đã có dịp gặp Lý Đại Bàng và đề nghị viết toàn cảnh về chân dung ông. Thế nhưng ông cứ khất lần khất lượt. Chúng tôi cảm nhận con người ấy chỉ thích làm chứ không thích nói nhiều về mình.
- Đàm Đệ