-Từ xưa đến nay, hễ cặp vợ chồng nào không sinh được con là mọi tội lỗi đều đổ hết lên đầu người phụ nữ. Đối với bất hạnh của những người đàn bà không được làm mẹ, sự tan đàn xẻ nghé của hôn nhân thiếu vẹn toàn, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM tiên phong mang về Việt Nam như một sự cứu cánh lớn lao.
TIN LIÊN QUAN |
---|
17 năm vô vọng "tìm" một đứa con..
17 năm chung sống nhưng không thể có con, cuộc hôn nhân của cặp vợ chồng 40 tuổi, ngụ tại quận 3 TP.HCM đang đứng bên bờ đổ vỡ. Nghe mách nước có thầy hay, thuốc tốt ở Hà Nội, chị vợ đã giấu không nói vì sợ gia đình chồng lại thêm một lần thất vọng, đặt vé máy bay đi rồi về ngay trong ngày.
Uống hết thuốc mà vẫn chẳng cấn thai, đôi vợ chồng nhìn nhau trong chua xót.
Gia đình thiếu tiếng cười con trẻ trở nên hoang vắng, lạnh lẽo. Người chồng vì điều này đã không thể đối diện với vợ, quyết định sống ly thân, mỗi tối ôm gối ra phòng khách ngủ mặc người vợ hiền nước mắt thâu đêm.
Chị vợ bị gia đình nhà chồng hắt hủi vì là phụ nữ mà không biết…đẻ. Họ ví chị như cây độc không có trái.
Thế rồi, cuộc sống của cặp vợ chồng kia được hồi sinh sau một cú điện thoại của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, lúc đó là Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Khi bác sĩ hỏi có muốn thử phương pháp thụ tinh ống nghiệm để tìm cơ hội có con không thì cả hai vợ chồng đã mau mắn gật đầu.
Câu chuyện đó xảy ra vào năm 1997, năm đầu tiên kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm được bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đem về Việt Nam.
Thế rồi ca thụ tinh ống nghiệm đó đã…thành công trong sự vỡ òa vui sướng của gia đình bệnh nhân và nhiều người. Một bé trai ra đời vào đúng 2h sáng, ngày 30/4/1998 được đặt tên là Mai Quốc Bảo. Đây cũng chính là em bé đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tại Việt Nam.
Có đứa con, được hưởng hạnh phúc làm cha, mẹ quả là quá sung sướng, người chồng bế bé Bảo đi khoe khắp bệnh viện. Chị vợ vừa trải qua sinh nở, dường như không biết mệt, hân hoan, trìu mến ngắm nhìn đứa con yêu. Bé Bảo hiện giờ đã được 12 tuổi, rất khỏe mạnh và thông minh. Sự ra đời của em không chỉ đem lại hạnh phúc cho cha, mẹ mà còn khẳng định một thành tựu trong nền y học nước nhà.
Bé Lưu Tuyết Trân ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm ngày 30/4/1998. Ảnh: Hosrem. |
Bố mẹ của bé Lưu Tuyết Trân, bé gái thụ tinh ống nghiệm, sinh ra cùng ngày 30/4/1998 có lẽ không bao giờ quên được giây phút cô con nhỏ cất tiếng khóc chào đời. 2 vợ chồng chị Trần T. B. T. đã ở cái tuổi 50 nào ngờ vẫn còn được hưởng niềm hạnh phúc cùng con trẻ. Vào giây phút thiêng liêng ấy người cha già của bé Trân đã òa khóc, chắp tay đa tạ vị cứu tinh Nguyễn Thị Ngọc Phượng.
Trường hợp của anh Nguyễn Đức T., gần 50 tuổi, quê ở Hải Phòng cũng "thần kỳ" không kém. Vợ chồng anh khá giả, làm ăn thành đạt, chỉ hiềm một nỗi…hiếm muộn. Trước đây anh T. là lính đặc công, sau hòa bình đã lập gia đình và ly hôn 3 lần chỉ vì không có con cái.
Cuối cùng, anh T. quyết định sống với một người phụ nữ nhưng không đăng ký kết hôn, làm đám cưới, định bụng chờ cho đến lúc cô ta …có bầu.
Anh T. buồn, không dám về quê, kể cả ngày giỗ, Tết vì sợ bà con rèm pha. Thế rồi nghe nói có thể làm thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, anh T. dẫn vợ đến đăng ký. Kết quả thành công ngoài sức tưởng tượng. Lần thụ tinh thứ 1, vợ anh sinh đôi được 2 đứa con trai nhưng vì sinh non nên chỉ giữ được một.
Tết năm đó, anh T. đưa con về quê, bế đi khoe hết làng xóm, họ hàng... cho thỏa những ngày chịu tiếng vô sinh.
Vẫn…thèm con, vợ chồng anh T. tiếp tục thụ tinh nhân tạo thêm lần 2 và được thêm 2 bé trai nữa. Hiện tại, cả 3 con trai anh T. đều rất láu lỉnh và khỏe mạnh.
Người chắp cánh ước mơ cho vợ chồng hiếm muộn
Hơn 40 năm làm việc, trong nghề sản – phụ khoa, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng tiếp xúc với rất nhiều phụ nữ hiếm muộn, chứng kiến biết bao cặp vợ chồng tan vỡ. Khi không sinh được con, xã hội quy kết cho phái nữ tội…không biết đẻ.
Cho đến năm 1984, bác sĩ Phượng được Bộ Y tế cử qua Thái Lan, làm việc với Tổ chức Y tế thế giới. Tại Thái Lan, bác sĩ được hướng dẫn thăm quan cơ sở thụ tinh ống nghiệm rất quy mô. Ấp ủ hy vọng đem kỹ thuật này về ứng dụng tại Việt Nam, bà đã tìm đọc nhiều tài liệu và biết được vào năm 1978, thế giới đã cho ra đời thành công một em bé bằng phương pháp này.
Chuẩn bị cho kế hoạch ứng dụng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam, bác sĩ Phượng đã xây dựng "nền móng" là các chuyên khoa về nội soi, sơ sinh, siêu âm đầu dò âm đạo, xét nghiệm và ngân hàng tinh trùng... Bác sĩ đã đem số tiền lương 1 năm làm giáo sư giảng dạy tại Đại học Y khoa của Pháp cống hiến hết cho công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị của Bệnh viện Từ Dũ.
Năm 1996, bác sĩ cử đội ngũ cán bộ y tế trẻ đi nước ngoài học và ngày 19/8/1997, Giáo sư Đỗ Nguyên Phương, lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định cho phép Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM là nơi thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm đầu tiên của cả nước.
Các học viên đang thực hành kỹ thuật tinh dịch đồ. Ảnh: Hosrem. |
Đúng vào ngày 30/4 lịch sử của năm 1998, 3 đứa trẻ (1 trai, 2 gái) đầu tiên được thụ tinh ống nghiệm đã ra đời. Đó là bé Mai Quốc Bảo, Phạm Tường Lan Thy và Lưu Tuyết Trân.
13 năm trôi qua, Bệnh viện Từ Dũ cho ra đời 3.000 đứa trẻ, 3000 niềm hạnh phúc. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng như một "bà tiên" chắp cánh ước mơ cho biết bao cặp vợ chồng, thổi nguồn sống cho hàng ngàn đứa trẻ.
Khi nhìn lại những gì đã làm được trong mấy mươi năm, bác sĩ Phượng nở một nụ cười đầy mãn nguyện: “Hiện nay, tỷ lệ thành công thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam là hơn 40% - một con số đáng nể (ở Pháp chỉ từ 15 – 17%). Tôi tự hào về đội ngũ bác sĩ trẻ, chính các em đã giúp tôi tiếp tục chắp cánh những giấc mơ!”.
-
Thanh Huyền