- Chiến tranh đã lùi xa nhưng kỷ niệm về những ngày máu lửa vẫn in hằn trong tâm trí người bác sĩ phẫu thuật chiến trường Nguyễn Văn Hoàng Đạo, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175. Các ca phẫu thuật cứu sống phi thường, những câu chuyện cảm động chia ly thời chiến lần lượt được tái hiện sinh động qua lời kể của vị thiếu tướng già.
TIN LIÊN QUAN
Câu chuyện xảy ra vào ngày 25/4/1979, trong cuộc chiến tranh Tây – Nam 31 năm về trước. Lúc bấy giờ bác sĩ Đạo đang là Chủ nhiệm khoa Ngoại Bệnh viện 121 Quân khu 9.
Hôm đó, bệnh viện đón một thương binh tên Nguyễn Văn Lượng, quê ở Bến Tre được đưa đến cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy hiểm. Người chiến sĩ này bị một quả đạn M 79 bắn trúng. Do ở cự ly gần nên đạn chưa nổ mà nằm sâu trong hốc nách...
Thương bịnh Lượng ngay lập tức được cách ly để bảo đảm an toàn cho những người xung quanh. Lúc này mặt các y, bác sĩ ai cũng tái ngắt vì... sợ; quả đạn trong cơ thể người lính có thể nổ bất cứ lúc nào.
Người lính trẻ nằm đó, đơn độc, quằn quại trong đau đớn, máu chảy lênh láng...rất cần một bác sĩ xử lý gấp. Trong cuộc họp hội chẩn với các phẫu thuật viên toàn bệnh viện, bác sĩ Đạo đã xung phong nhận ca phẫu thuật nguy hiểm này về mình.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng Đạo say sưa kể về quãng thời gian làm bác sĩ chiến trường. Ảnh: Thanh Huyền.
Trước khi vào ca mổ sinh tử, bác sĩ Đạo đến thăm vợ và con gái vừa chào đời. Người vợ trẻ nắm chặt tay chồng, nỗi lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt, ánh mắt nhưng vẫn động viên để chồng vững tin bước vào ca phẫu thuật. Cũng là một bác sĩ quân y, hơn ai hết chị hiểu được cứu sống các chiến sĩ hy sinh xương máu bảo vệ Tổ quốc là một sứ mệnh thiêng liêng và cao cả.
Có thể lát nữa thôi, trong ca phẫu thuật, viên đạn bất chợt nổ, bác sĩ Đạo sẽ vĩnh viễn ra đi để lại con thơ và người vợ vừa trải qua sinh nở. Người đàn ông suốt ngày bận rộn công việc, lặng lẽ đút cháo cho vợ ăn. Đâu là lần đầu tiên ông làm như vậy...
Nước mắt trực chờ trào ra khóe mi nhưng bác sĩ cố gắng kìm nén lại, cúi xuống hôn lên trán vợ và con rồi quay gót bước đi.
Rất nhiều đồng nghiệp trong bệnh viện hay tin đều khuyên bác sĩ Đạo không nên nhận ca phẫu thuật này, ai cũng hiểu tình cảnh của ông: vợ trẻ, con mới sinh 1 ngày tuổi. 350 nữ nhân viên bệnh viện khóc rưng rức, nhiều đồng nghiệp nam tuy thấp thỏm, không yên nhưng rất có niềm tin vào người đồng chí dũng cảm.
Không thể thực hiện ca phẫu thuật trong hầm bởi nhỡ đạn nổ sẽ gây hậu quả thiệt hại khôn lường. Ca mổ được tiến hành ở phòng mổ dã chiến bên ngoài, xung quanh chất bao cát chỉ để lại một lỗ rộng 40 cm x 40 cm để bác sĩ Đạo thao tác. Người ta phát cho bác sĩ Đạo một chiếc áo giáp chống đạn, phía xa là chiếc băng ca để sẵn 2 đơn vị máu phòng khi đạn nổ, bác sĩ sẽ được cấp cứu ngay.
Bác sĩ Đạo dùng dao vừa rạch da, vừa cầm máu cho anh thương binh. Quả đạn to bằng cái trứng gà, nằm rất sâu trong hốc nách. Mồ hôi tứa ra ướt đẫm lưng áo và trán của cả người đang tiến hành phẫu thuật lẫn người đứng xem đằng xa.
Khi lấy quả đạn, bác sĩ Đạo rón rén, nhẹ nhàng moi ra, cầm trên tay trái và xoay ngang người để đạn nổ thì cũng chỉ bị cụt tay trái chứ không đến nỗi phải hy sinh.
Một đồng chí công binh nhỏ bé rón rén đi đến, cầm theo chiếc khay bằng thép đựng quả đạn rồi vội vàng mang chôn lấp trong chiếc hố được đào sẵn.
Ca mổ "ngàn cân treo sợ tóc" đã diễn ra thành công trước sự vỡ òa vui sướng, hò reo của nhiều người. Anh thương binh Nguyễn Văn Lượng được cứu sống và tiếp tục cầm súng chiến đấu. Sau này, bác sĩ Đạo còn có dịp gặp lại anh trên chiến trường Campuchia.
Khó khăn như y tế thời chiến..
22 năm làm phẫu thuật viên chiến trường là chừng ấy năm bác sĩ Đạo chứng kiến cảnh khó khăn, thiếu thốn của bộ đội ta thời chiến. Hồi đó, các bệnh viện chiến trường là những hầm sâu che bạt do công binh đào sẵn. Nhiều thương binh phải trải qua 4 đến 5 tiếng đi bộ đường rừng mới đến nơi.
Các ca mổ đều diễn ra dưới hầm, trong điều kiện ánh sáng phát ra từ chiếc đèn (phát ra do một người ngồi đạp xe duy trì) sang hơn thì là đèn từ máy nổ. Thông thường cứ khoảng 15 h chiều là các bác sĩ tiếp nhận thương binh và phân loại. Những ca phẫu thuật diễn ra cho đến tận 2, 3 giờ sáng.
Công việc cứu sống thương binh được các bác sĩ tiến hành như một chiếc máy, không có thời gian nghỉ ngơi. Bản thân bác sĩ Đạo đã thực hiện tổng cộng 800 ca mổ sọ não, 600 ca mổ bụng và vô số ca cắt cụt tay, chân. Mỗi đêm, bác sĩ mổ từ 6 đến 10 ca bệnh.
Các bác sĩ đã biết vận dụng khoa học để khắc phục thiếu thốn về y tế, cứu sống thương binh.
Những trái dừa 7 tháng tuổi đã được lấy xuống, phạt nắp, rồi cắm kim truyền thẳng cho bệnh nhân thay dịch, không có nước muối 5%, bác sĩ dùng nước cất hòa với muối để thay thế.
Thời chiến, khi mổ bụng đâu có thuốc gây mê, bác sĩ quân y phải tiêm hàng lít thuốc gây tê vào ổ bụng của bệnh nhân. Phương pháp này đã từng được ứng dụng trong chiến tranh Thế giới thứ 2 ở Nga.
Hồi đó, một đôi găng tay phẫu thuật phải hấp đi hấp lại để dùng cho 5 tới 6 ca mổ. Các bệnh viện dã chiến thường có một bộ phận nhân viên chuyên giặt những bông băng dính đầy máu, mủ của thương binh, đem khử trùng rồi tận dụng lại.
Chẳng có gì nhiều, chẳng cao xa thế mà không biết bao nhiêu chiến sĩ đã được các bác sĩ quân y cứu sống để rồi tiếp tục cầm súng ra chiến trường làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Có những người lính bị thương nặng đã hy sinh trên đường đi cấp cứu hoặc ra đi ngay khi vừa chuẩn bị phẫu thuật. Thế nhưng, với người lính, cái chết đối với họ chỉ nhẹ tựa lông hồng.
-
Thanh Huyền