221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1273730
TP.HCM: Nóng đổ lửa vẫn phải ngụp lặn trong nước ngập
1
Article
null
TP.HCM: Nóng đổ lửa vẫn phải ngụp lặn trong nước ngập
,

- Thời tiết tại TP.HCM nóng như thiêu như đốt nhưng ở khu tứ giác Cao Đạt- Trần Bình Trọng- Nguyễn Biểu- Đại lộ Đông Tây (P.1, Q.5, TP.HCM) nước ngập đến đầu gối, bốc mùi hôi thối.

TIN LIÊN QUAN



Ngập ngụa triền miên

Trên các con đường, con hẻm trong khu vực người dân đã phải đi lại, sinh hoạt dưới làn nước đen ngòm và bẩn thỉu.

Tại đường Cao Đạt, người dân phải làm cầu vào nhà.


Tại chợ Cao Đạt, một ngôi chợ tự phát trong con hẻm nhỏ thông ra đường Cao Đạt, người mua kẻ bán bì bõm trong nước thải hôi hám. Chỉ mới hơn 8h sáng nhưng sinh hoạt buôn bán chẳng khác nào một phiên chợ chiều vùng quê. Nhiều tiểu thương ngáp vắn ngáp dài: “Ế quá! Nước ngập làm nhiều người ngán ngại không vào chợ. Từ đầu năm đến giờ đã nhiều lần xảy ra như vậy. Chúng tôi đã kêu lên chính quyền sau đó được khắc phục nhưng chỉ vài ngày sau lại tái diễn”.

Nhiều hàng thịt, cá, rau được tiểu thương bày biện chỉ cách mặt nước hơn 10cm. Người đi chợ, người xắn quần kẻ mang ủng qua lại khó có thể tránh được nước văng lên thực phẩm bày bán.

Tại hẻm 155, con hẻm ngập nặng nhất trong khu vực có mực nước lên đến 0.30m. Hầu hết các gia đình cư ngụ tại đây đều rất bức xúc trước tình trạng ngập ngụa triền miên như thế này.

Thực phẩm được để gần mép nước thải.

Bác Nguyễn Văn Minh, một cán bộ hưu trí cho biết nước này là nước thải của hàng ngàn gia đình thải ra nhưng không thoát được vì vướng công trình thuộc dự án “Cải thiện môi trường nước thành phố” đang thi công. Công trình này đã chặn dòng thoát nước của hệ thống cống gây nên tình trạng ngập dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều người dân tại đây cho biết thêm, nước thải trồi lên từ cống, nước rất hôi thối. Trong nước có lẫn rác rến. Nước ngập đã làm sinh sôi nhiều ruồi nhặng nhất là muỗi phát triển rất nhanh.

Trường mầm non số 1 nằm sâu trong hẻm phía sau chợ Cao Đạt bị nước bao vây tứ phía. Nhiều phụ huynh đưa đón con em rất vất vả và đã nhiều người suýt ngã vì trơn trượt và sụp hố. Cô giáo Phan Thị Ngọc Diện, hiệu phó trường nói: “Nước vô tận phòng học khiến trường không thể nhận các cháu. Phải chờ đến khi nước rút, làm vệ sinh lại các phòng mới dám nhận học sinh”.

Càng phạt càng gây ngập

Bà Nguyễn Thị Thúy Ngà, Phó Chủ tịch UBND P.1, Q.5 thừa nhận tình trạng ngập trong khu vực trên đã xảy ra rất nhiều lần. Mỗi lần ngập người dân phản ứng gay gắt nên phường đã mời nhà thầu đến làm việc và sau đó máy bơm được huy động bơm nước khắc phục tình trạng ngập. Thế nhưng cứ hết lần này đến lần khác, nước vẫn cứ ngập người dân cứ kêu và phường cứ…lập biên bản.

Hẻm ngập nước triền miên.

Bà Ngà cho biết từ khi công trình khởi công vào tháng 1/2010 đến nay, đã không dưới 7 lần phường lập biên bản đề nghị Sở GTVT TP xử phạt nhà thầu vi phạm. Theo bà Ngà, mức phạt của phường không đủ sức răn đe nhà thầu nên phường phải đề nghị lên Sở GTVT để có mức phạt cao hơn nhưng rồi đâu cũng vào đấy.

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, công trình dự án cải thiện môi trường nước TP, gói thầu D, xây dựng tuyến cống chuyển tải và cải thiện hệ thống cống hiện hữu do Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước làm chủ đầu tư và nhà thầu Shimizu (Nhật Bản) thi công. Theo biển báo công trình thời gian thi công đoạn rào chắn đường Trần Bình Trọng từ 2/12/2009 đến 10/2/2010 nhưng đến nay, tại công trường vẫn còn ngổn ngang.

Việc thi công một dự án có tính lâu dài phục vụ lợi ích dân sinh là điều mà mọi người dân đều đồng tình. Thế nhưng trong quá trình thi công, nước ngập đã gây ra nhiều hệ lụy trong cuộc sống của người dân. Người dân chỉ mong muốn đơn vị thi công có biện pháp thi công thật hữu hiệu nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống.

  • Trần Chánh Nghĩa
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,