- Ngày 13/4, TAND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Văn Doanh về tội ngược đãi vợ dẫn tới cái chết của chị Nguyễn Thị Lưu. Tòa đã tuyên phạt bị cáo 24 tháng tù cho hưởng án treo và phải bồi thường cho gia đình chị Lưu 19,5 triệu đồng. Sau khi HĐXX tuyên án, người nhà nạn nhân và nhiều người dự toà phản ứng dữ dội, cho rằng mức án trên là quá nhẹ, chưa đúng tội.
Nỗi cay đắng của người vợ bị chồng bạo hành
Trước khi chết, lá thư của chị Nguyễn Thị Lưu (thôn Đạo Thượng, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) gửi đến các cơ quan chức năng ngày 7/6/2007 với những lời lẽ thống thiết: “Tôi không hiểu tại sao gần đây chồng tôi lại hay đánh đập, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, thể xác của tôi bằng những hành động quá tàn bạo”.
Chị Lưu tố cáo anh Nguyễn Văn Doanh, chồng chị, đã có những hành vi bạo hành tàn bạo như sau: Lần 1, khi đi chăn vịt, anh Doanh đã ném mũ cối vào mặt chị Lưu rồi đấm đá túi bụi.
"Dấu tích của những trận bạo hành trên lưng chị Lưu (ảnh trên). Hai vết tím trên cổ chị Lưu khi chị mất đã không được cơ quan điều tra xem xét (ảnh dưới) |
Lần 2, anh Doanh cầm chuôi cuốc thúc mạnh vào cổ chị Lưu khiến chị phải đi viện. Lần thứ 3, chỉ vì thời tiết mưa bão nhiều khiến lúa bị bọ dầy phá hoại, anh Doanh đỗ lỗi cho chị Lưu làm hỏng lúa và đã đi mua xăng về đốt lúa rồi lấy dây cỏ loa đánh túi bụi vào người chị Lưu ở bờ ruộng.
Vào khoảng tháng 4/2004, do ghen tuông, Doanh đã chửi mắng chị Lưu vì khi chị Lưu đi bán hoa quả ở chợ đã có một thanh niên đến mua hoa quả và bắt tay chị.
“Những lời nhiếc móc, những trận đòn phũ phàng, những sự tra tấn tàn bạo có thể ập đến với tôi bất cứ lúc nào khiến tôi luôn sống trong tâm trạng sợ hãi giữa sự sống và cái chết. Nửa đêm, anh ta bắt tôi ngồi dậy và ký vào đơn ly dị. Anh ta chửi mắng tôi là ngu như chó, “mày có chết đi thì tao cũng chỉ mất với mày một cỗ ván với mấy triệu là xong, nửa tháng sau là tao lại có vợ mới”…
Lá thư được gửi đi, nhưng tình hình bạo lực của chồng đối với chị Lưu chẳng hề được cải thiện.
Tối 31/5/2010, chị Lưu được hai con là Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Đức Duẩn phát hiện lên cơn co giật tại nhà. Gia đình và hàng xóm đưa chị Lưu đi cấp cứu tại BV Trung Giã, Sóc Sơn nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó.
Cho rằng cái chết tức tưởi của chị gái mình còn nhiều uẩn khúc, em trai chị Lưu là anh Nguyễn Văn Long đã làm đơn gửi công an đề nghị điều tra làm rõ. Khám nghiệm hiện trường, công an thu được 1 viên thuốc bả chó màu trắng, 1 dây cu roa, 1 quân bài tú lơ khơ.
Kết quả pháp y kết luận, nguyên nhân chết của chị Lưu là "suy tuần hoàn, hô hấp do ngộ độc natri và xyanua". Trong mẫu phủ tạng, dịch dạ dày và máu của nạn nhân có chứa chất cực độc xyanua và natri.
Hơn 2 tháng sau khi xảy ra vụ án, Công an huyện Sóc Sơn mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Doanh, về hành vi ngược đãi vợ gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng cho Doanh tại ngoại vì còn phải nuôi 2 con nhỏ
Phiên tòa nhiều uẩn khúc
Trước đó, khi vụ án mới xảy ra, gia đình nạn nhân đã cung cấp cho cơ quan điều tra và các PV một số tấm ảnh chụp tử thi nạn nhân, trong đó thể hiện 2 vết tím ở hai bên cổ chị Lưu. Song các dấu vết này không được nhắc đến trong biên bản giám định pháp y.
Hai chị em Liên, Duẩn con chị Lưu ở giữa "trận chiến" giữa bố và cậu ruột. Ngày 13/4/2010, hai em ra tòa làm chứng cho cái chết của người mẹ được CQĐT cho là "uống bả chó tử tự"
Hai vết tím ở cổ nạn nhân là do nguyên nhân gì và có ảnh hưởng đến cái chết của chị Lưu hay không, chưa được cơ quan tố tụng làm rõ.
Theo bản cáo trạng của VKS và TAND huyện Sóc Sơn, thì: “Với ý thức coi thường danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của người khác, nên ngày 31/5/2009, Nguyễn Văn Doanh đã có hành vi chửi mắng, đánh vợ là chị Nguyễn Thị Lưu, sau đó đưa chị Lưu sang nhà bố mẹ đẻ của chị là ông Thu và bà Tiền, với mục đích sẽ nói lại việc hai vợ chồng xô xát để ông Thu và bà Tiền chửi mắng chị Lưu dẫn đến việc chị Lưu uất ức đã uống thuốc bả chó (có thành phần natri và xyanua) để tự sát (bị chết)".
Theo LS Nguyễn Văn Tú (VP Luật sư Khánh Hưng – LS bào chữa cho nạn nhân) thì nội dung này của cáo trạng hoàn toàn bịa đặt và sai thực tế.
Bà Tiền – mẹ chị Lưu bức xúc nói trước tòa rằng, ông bà không hề chửi mắng chị Lưu mà chỉ khuyên nhủ hai vợ chồng và còn dặn ngày mai cả hai vợ chồng lên ăn cỗ vì nhà ngoại đổ trần nhà.
Thứ hai, việc chị Lưu có tự uống thuốc hay không thì không chứng minh được. Cho đến nay, việc chị Lưu chết vì sao vẫn không điều tra ra. Giả thiết rằng, nội dung trên mà có thật thì Viện kiểm sát phải truy tố cả ông Thu và bà Tiền đồng phạm với Doanh về hành vi ngược đãi chị Lưu.
Nhưng VKS đã không thực hiện điều này!
Những tố tụng quan trọng bị vi phạm?
Trước tòa, LS Nguyễn Văn Tú đã nêu nhiều chi tiết cho thấy cơ quan chức năng đã vi phạm hàng loạt những tố tụng quan trọng.
Trong biên bản khám nghiệm tử thi: các mẫu vật được lấy mang đi giám định bao gồm dịch dạ dày, máu, tim, dịch phổi… từ thi thể nạn nhân thì không được ký niêm phong. Các lọ nhựa đựng các mẫu vật này không được những người có mặt ký niêm phong và khi mở niêm phong thì họ cũng không có mặt để chứng kiến việc mở niêm phong.
“Do vậy, các mẫu vật được bảo quản, được mang đi giám định có thể không phải là mẫu vật của vụ án hoặc nếu đúng là mẫu vật từ thi thể của chị Lưu thì có thể nó đã không còn tính khách quan nữa” - ông Tú nêu giả thuyết.
Thứ hai, khi mổ giám định tử thi, một người được chứng kiến là anh Minh (em trai ruột của bị cáo Doanh) lại trực tiếp mở tủ lấy viên thuốc bả chó. Trong khi anh Minh không đi găng tay và dùng tay mình sờ trực tiếp vào viên thuốc, vân vê nhiều lần.
Rồi sau đó lại dùng tay mình giúp bác sỹ pháp y mổ tử thi nạn nhân (cũng không đi găng tay). Anh Minh giúp bác sỹ cầm rẻ lau chùi thi thể, cầm chậu hứng máu. Như vậy, rất có thể chất bả chó từ tay anh Minh dính sang mẫu vật?
Đối với viên thuốc bả chó, khi thu giữ có ký niêm phong nhưng khi mở niêm thì những người ký niêm phong lại không có mặt để chứng kiến việc mở niêm phong.
"Đó là những vi phạm tố tụng nghiêm trọng nhất trong vụ án này làm cho sự thật của vụ án không được làm sáng tỏ" - LS Tú phân tích.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lưu phẫn nộ sau khi tòa tuyên án. |
“Chị Lưu chết vì nguyên nhân nào, thời gian chị chết xảy ra khi nào? Ai là người gây ra cái chết cho chị Lưu? Bị cáo Doanh có yếu tố ngoại phạm hay không? Tất cả các vấn đề này đều chưa được làm rõ” - ông Tú cho biết.
Nếu dựa vào hồ sơ hiện nay để trả lời các câu hỏi trên thì chỉ có thể đạt ở mức độ: chị Lưu có thể chết trong khoảng thời gian từ 22 giờ 15 phút đến 22 giờ 45 phút (30 phút) ngày 31 tháng 5.
Trong thời gian từ 22 giờ 15 phút đến 23 giờ chị Lưu chỉ tiếp xúc với một người duy nhất là chồng mình.
Bị cáo Doanh chỉ có thời gian được coi là ngoại phạm từ khoảng 22 giờ 45 phút trở đi. Các lời khai và những thống kê các cuộc điện thoại đến số máy di động của bị cáo Doanh là chứng cứ cho vấn đề này.
Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm đã không chú ý những vấn đề nêu trên. LS Tú đã nêu vấn đề.
Ngòai ra, theo lời khai của cháu Liên thì khi nghe thấy tiếng mẹ khóc và nấc, cháu đã tỉnh giấc rồi gọi em trai ra bật điện, nhưng em không bật được nên cháu lại chạy ra bật điện và thấy mẹ đang lên cơn co giật.
Trước đó, trong tình trạng điện tắt, màn buông, đầu nằm ngược phía tủ búp phê, cháu Liên khai là nghe thấy mẹ lục lọi đồ và nói mẹ đi tìm thuốc. Theo LS Tú, tại sao cháu Liên không nghĩ mẹ có thể tìm cái khác mà lại khai là mẹ đi tìm thuốc bả chó?
Ngày 13/7/2009, anh Nguyễn Văn Long là em trai chị Lưu có đặt máy ghi âm ghi lại cuộc nói chuyện với anh Doanh, theo đó, anh Doanh có nói chị Lưu chết là vì uống thuốc bả chó. Trong khi đó, đến tháng 8/2009 mới có biên bản của cơ quan điều tra kết luận về cái chết của chị Lưu.
Tại tòa, anh Doanh đã loanh quanh chối bỏ mình đã nói điều này, nhưng khi anh Long nói có chứng cớ là băng ghi âm, thì anh Doanh lại bảo là không nhớ đã nói gì. Tuy nhiên, chi tiết này cũng không được HĐXX xem xét và đặt vấn đề liệu có uẩn khúc gì sau những lời khai quanh co của anh Doanh.
Luật sư Tú cũng đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra, truy tố Nguyễn Văn Doanh về tội bức tử, theo Điều 100 BLHS. Theo ông Tú, các cơ quan tố tụng đều kết luận Doanh ngược đãi chị Lưu dẫn đến việc chị uống thuốc bả chó tự tử. Việc ngược đãi mà dẫn đến người bị ngược đãi tự sát chết thì phải chuyển sang truy tố về hành vi bức tử mới đúng tội. Tuy nhiên, đề nghị trên của luật sư và gia đình bị hại cũng không được HĐXX chấp thuận.