– Đêm xuống, lòng sông như biến thành đại công trường, đèn điện sáng choang, xe đào xe xúc đua nhau hoạt động. Và trong khi dân từ các nơi ùn ùn kéo về sông Ba (Phú Yên) đào đãi vàng thì không ít người địa phương đã phải bỏ nhà ra đi.
Băm nát lòng sông
Sông Ba đang oằn mình trong cơn sốt vàng khi có đến hàng trăm người từ các nơi đổ về, đào xới thâu đêm suốt sáng. Tình trạng này đã diễn ra rầm rộ suốt nửa tháng qua.
Một đoạn sông đang bị cày nát. |
Trên khúc sông dài hơn 2 km (thuộc huyện Sông Hinh và Sơn Hòa) đâu đâu cũng thấy những hầm hố ngổn ngang. Theo quan sát của chúng tôi, ở đoạn sông cách cửa xả Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ khoảng 1 km, có tới ba tụ điểm khai thác với khoảng 500 người tham gia.
Đêm xuống, lòng sông như biến thành đại công trường với đèn điện sáng choang, xe đào, xe xúc đua nhau hoạt động. Ban ngày, vẫn có trăm người dùng máng đãi thủ công hì hục đào bới lòng sông để tìm vàng.
“Nghe nói, một người đào mỗi ngày ít nhất cũng kiếm được từ hai trăm đến ba trăm nghìn đồng, còn vô mánh kiếm được cả chỉ vàng” – một người dân địa phương nói.
Chẳng biết thông tin này chính xác tới đâu nhưng hiện giờ, để thuê xe đào 1 mét vuông đá sỏi ở lòng sông (phải đào bỏ lớp đá sỏi trên mặt mới đến lớp cát đãi vàng), dân đào vàng phải trả cho nhà xe cả triệu đồng.
Sạt lở tăng cao, dân phải bỏ nhà
Tìm hiểu, chúng tôi được biết tình trạng đào vàng trên sông Ba đã từng diễn ra từ nhiều năm qua, đầu năm 2010 tạm lắng được một thời gian giờ lại nóng lên. Và trong khi người dân từ các nơi đang ùn ùn kéo về đây đào đãi vàng thì không ít người địa phương đã phải bỏ nhà ra đi vì sạt lở.
Nhiều đứa trẻ cũng bị cuốn vào cơn sốt vàng. |
Anh Nguyễn Thanh, một người dân ở đây cho biết, có đoạn bờ sông đã bị nước "táp" sâu hơn 50 m làm dân trồng trọt mất hết đất canh tác. Hiện tại xã Bình Tây (huyện Sơn Hoà) đã có trên 100 hộ dân phải di dời vì bờ sông bị sạt, lở nghiêm trọng.
Ông Huỳnh Trọng Hòa, ở thôn Tuy Bình (xã Bình Tây) đang canh tác ở mảnh đất sát mé sông Ba, thở dài: “Năm ngoái họ đào vàng sát ngay khu vực trồng mía của tôi. Trồng có 1,8 sào mía mà bị sạt lở, nước lũ cuốn trôi hết 1 sào”.
Bờ sông Ba bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhiều người dân địa phương phải di dời. |
Tại khu vực thuộc xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh), tình trạng sạt lở bờ sông cũng ở mức báo động. Ông Phạm Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho biết, khu vực đất sản xuất nằm dọc theo tuyến sông Ba hằng năm bị sạt lở mất 2-3 ha.
Trao đổi với chúng tôi về việc xử lý những người đào đãi vàng trái phép trên sông Ba, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Hòa nói: “Mới đây UBND huyện đã cho thành lập đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của địa phương đi kiểm tra thực tế tại hiện trường. Qua đó nhắc nhở và mời những người tham gia đào đãi vàng trên sông làm cam kết không tái phạm. Nhưng không hiểu sao tình trạng này lại chưa được chấm dứt”.
-
Tr. Trân - P. Minh