- Việc xử phạt những hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đang gặp phải nhiều trở ngại do những bất cập từ thực tế.
TIN LIÊN QUAN
Theo ông Lê Quang Tạo, Phó Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Chí Linh, Hải Dương, một trong những đơn vị thực hiện tốt quy định cấm thuốc lá kể từ tháng 1/2010 (thời điểm thực hiện quy định cấm thuốc tại nơi công cộng của Thủ tướng), đã có 11 người nhà bệnh nhân bị xử phạt mức 100 ngàn đồng/người, 2 cán bộ bị xếp thi đua mức F (mức thấp nhất) vì hút thuốc lá trong bệnh viện.
Rối vì chưa rõ ràng
Theo ông Tạo, trước khi thực hiện quy định cấm thuốc lá, Bệnh viện Đa khoa Chí Linh, Hải Dương có khoảng 40% cán bộ, nhân viên nam hút thuốc lá. Nhưng thống kê gần nhất thì chỉ còn 3 người hút thuốc, số đã và đang bỏ thuốc lá khá nhiều.
“Kinh nghiệm" của bệnh viện này là thành lập Ban phòng chống tác hại thuốc lá, lồng ghép tuyên truyền quy định cấm hút thuốc vào cuộc họp chuyên môn thứ 5 hàng tuần, yêu cầu bệnh nhân và người nhà ký cam kết không hút thuốc trong quá trình nằm viện.
Hàng ngày, Tổ bảo vệ và Ban phòng chống tác hại thuốc lá cùng 2 chiến sỹ công an thay phiên nhau kiểm tra, người nào hút lá sẽ bị mời vào phòng hành chính lập biên bản, xé biên lai thu tiền phạt 100 ngàn đồng/lần.
Chen nhau đi xét nghiệm ung thư do thuốc lá tại 1 BV tại Hà Nội - Ảnh: Mi Chin
Tự nhận là người tâm huyết với phòng chống tác hại thuốc lá, ông Đỗ Minh Sơn (Sở Tư pháp HN) băn khoăn cho rằng xử lý vi phạm hành chính mức dưới 200 ngàn đồng/lần được áp dụng thủ tục đơn giản, nộp phạt tại chỗ.
Nhưng với hành vi hút thuốc lá tại nơi công công cộng, quy định hiện hành là chỉ Chủ tịch UBND các cấp và thanh tra chuyên ngành y tế được xử phạt. Với lực lượng công an, các chiến sỹ công an chỉ được “lập biên bản”, rồi báo cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt mới phù hợp quy định.
Chính vì quy định rắc rối và có vể khó thực hiện, nên đã sắp qua tháng thứ 5 thực hiện quy định của Thủ tướng về cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng Vụ Pháp chế và Văn phòng phòng chống tác hại thuốc lá (Vinacosh, Bộ Y tế) vẫn cho rằng chưa nhận được báo cáo nào về việc xử phạt hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng.
Trường hợp phát hiện người hút thuốc lá tại địa điểm cấm thì báo cho ai cũng chưa rõ, cho nên theo điều tra tháng 4/2010 do Hội Y tế công cộng thực hiện, 92% người dân được hỏi cho rằng có thấy người hút thuốc tại bến xe, nhà ga.
Tại công sở ở 5 tỉnh thành Hà Nội, Thái Bình, Đồng Tháp, Khánh Hoà, Hà Tĩnh, 43% người lao động vẫn hút thuốc tại nơi làm việc, ngay cả khi có biển cấm hút thuốc, trong số này có 32,4% vi phạm do không thấy có người xử phạt.
Không phạt, khó cấm
Đại diện tổ chức Heath Bridge Canada tại VN cho rằng, nếu không có biện pháp xử phạt, sẽ khó cấm hành vi hút thuốc lá nơi công công cộng. Theo vị này, nhiều nước đã thực hiện rất tốt quy định cấm thuốc lá tại nơi công cộng, cách mà họ đã làm là phạt cả những cơ quan để xảy ra tình trạng hút thuốc lá tại cơ quan.
Để phát hiện người vi phạm lệnh cấm hút thuốc, bất kỳ người dân nào cũng có thể gọi báo cho đường dây nóng thông báo phát hiện vi phạm. “Kinh nghiệm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy đã chứng tỏ nếu không phạt, sẽ khó cấm thuốc lá”- vị này cho biết.
Trong khi đó, đại diện Vinacosh lại cho rằng, ngay tại những nước đã thực hiện quy định cấm thuốc lá tại nơi công cộng nhiều năm, mức xử phạt hành vi vi phạm lên tới trên 10 triệu đồng Việt Nam/lần hút thuốc nơi công cộng bị phát hiện, thì mỗi năm cũng chỉ có 100-200 trường hợp bị phạt tiền, còn lại… nhắc nhở là chính.
Qua điều tra của Hội Y tế công cộng, có tới 93,7% người được hỏi ủng hộ quy định cấm hút thuốc, 75% người dân biết về quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, 43% đề nghị nâng mức phạt lên 150-500 ngàn đồng/lần vi phạm. Thậm chí có ý kiến đề nghị Việt Nam nên làm như Singapore xử phạt người vứt rác nơi công cộng, yêu cầu ra ngân hàng nộp phạt.
Tuy nhiên ông Đỗ Minh Sơn cho rằng, chưa nên tăng mức phạt, mà nếu thực hiện tốt thì mức phạt 50-100 ngàn đồng/lần vi phạm như hiện nay cũng đã có tác dụng cấm hút thuốc rất tốt rồi.
Từ hơn 10 năm nay, mỗi năm VN đều dành 1 tuần để phòng chống tác hại thuốc lá (tuần lễ từ 26-31.5 hàng năm), trong khi thế giới chỉ có 1 ngày (Ngày thế giới phòng chống tác hại thuốc lá 31.5), nhưng nhiều nước đã thực hiện rất tốt quy định cấm thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ người dân.
Muốn cấm thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ, thì chỉ còn một cách là không nửa vời. Nhưng VN dù có dành mỗi năm một tuần phòng chống thuốc lá, thì tỷ lệ người hút thuốc không những không giảm, mà còn tăng ở một số nhóm như thanh thiếu niên, nữ giới (đánh giá của Vinacosh), có phải vì chúng ta nửa vời, ngay như ở quy định cấm thuốc lá nơi công cộng?
-
Đỗ Mi Chin