- Thừa nhận đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương chi phí đắt nhưng theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, nói đây là đường cao tốc "đắt nhất hành tinh" là... phản cảm!
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bên hành lang Quốc hội sáng 31/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng trao đổi với báo chí.
- Thưa Bộ trưởng, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, con đường mà theo các chuyên gia nói là “con đường cao tốc đắt nhất hành tinh”, bởi một km lên đến 250 tỷ, trong khi Trung Quốc chỉ khoảng 70 tỷ, hay Châu Âu chỉ 30-40 tỷ/km. Thế nhưng đường vừa đưa vào sử dụng đã bị lún, ông nói sao?
Tôi đề nghị thận trọng, đừng gọi nó đắt nhất hành tinh. So sánh thế phản cảm!
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng Ảnh:C.Nhật |
Thực tế trong quá trình làm phải thay đổi thiết kế. Có đoạn gặp những túi bùn 30-40m phải xử lý. Từ thiết kế ban đầu nhiều đoạn đi trên mặt hoàn toàn nhưng rút cuộc phải đi bằng cầu cạn 15-20 km, mà đầu tư vào cầu cạn thì giá thành cao hơn mức thông thường.
- Vẫn biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá thành đắt. Nhưng các chuyên gia nói rằng, một yếu tố quan trọng dẫn đến giá thành của tuyến đường này đắt đỏ là do lựa chọn công nghệ Novachip, đắt gấp 7-8 lần so với công nghệ bê tông thông thường. Song “vấn đề” ở chỗ công nghệ này chỉ phù hợp với các đường có nền ổn định, nhưng đây lại là công trình “đã lường trước lún” nên rất không hiệu quả mà tốn kém?
Novachip không phải bê tông nhựa mà là lớp tạo nhám. Nó rất cần thiết với đoạn đường thiết kế tốc độ xe chạy từ 100-120km/h
Tuy nhiên, ở đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, công nghệ này chỉ sử dụng trên cầu cạn, là chỗ không lún, còn những đoạn đường dẫn, đoạn đường chờ lún thì không hề sử dụng Novachip. Lại càng không phải sử dụng công nghệ này cho toàn tuyến như có một số thông tin nêu.
- Như vậy nghĩa là đắt do phải thay đổi, điều chỉnh thiết kế nhiều so với ban đầu?
Đúng là phương án có điều chỉnh so với ban đầu. Ví dụ ban đầu số km cầu cạn ít, sau phát hiện ra nhiều đoạn có túi bùn lớn, phải dùng cầu cạn nhiều. Rồi có nút giao thành phố đề nghị mở rộng ra…
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh:VNN |
- Mới đây, Chính phủ chỉ đạo thanh tra dự án này, và theo ông Chánh Thanh tra Chính phủ thì nói sẽ chú ý vấn đề thiết kế, dự toán…như thế không phải là không có cơ sở vì nghe đâu dự toán đã nhiều lần điều chỉnh, gấp ba so với dự toán ban đầu. Bộ trưởng nghĩ sao?
Cái đó tùy vào Thanh tra Chính phủ họ làm và phải hỏi ông Chánh Thanh tra Chính phủ.
- Bộ trưởng có lần nói, áp dụng công nghệ mới thì phải có “trả giá” là khó tránh khỏi, phải chăng với công nghệ Novachip lần này cũng thế, cũng có “sự cố” và phải trả giá như với công nghệ SMA ở mặt cầu Thăng Long vậy?
Đúng là công nghệ mới khó tránh khỏi vấn đề kỹ thuật. Nhưng tôi khẳng định ở đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thì không có vấn đề gì với công nghệ Novachip.
Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương được thông xe khai thác tạm thời từ ngày 03/2/2010. Qua hơn hai tháng thông xe đã có một số ưu điểm như đã không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông trên QL1 đoạn qua TP.HCM - Long An - Tiền Giang đặc biệt là đã rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khoảng trên một giờ so với thời điểm chưa khai thác đường cao tốc. Ngày 31/5, trao đổi với VietNamNet, Phó Tổng Giám đốc Ban Mỹ Thuận Đỗ Ngọc Dũng cho biết, 4 vị trí lún đã được bù lún xong, và quá trình theo dõi lún vẫn đang được chú ý. (Thái Phương) |
- Chí Hiếu - Cao Nhật (ghi)