- "Do môi trường. Bố mẹ không giáo dục nghiêm khắc từ bé. Ra đường, động một tí là nghe tiếng văng tục, thậm chí chính bố mẹ cũng văng tục trước mặt con cái mình thì bảo sao chúng lại không láo?". Không ít những day dứt như thế này đã gửi về báo VietNamNet khi chứng kiến cảnh teen vừa hút thuốc lào vừa nói xấu thầy cô bằng một thứ ngôn ngữ “kinh dị”
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thầy cô cũng xưng "mày - tao" với HS
Bạn đọc Nguyễn Thị Nguyên, một giáo viên trung học cơ sở ở Hà Nội chia sẻ: "Thực sự tôi thấy vấn đề học sinh hư giờ đang là báo động. Nhiều lúc, thầy cô bó tay với việc HS đánh nhau trong trường, thậm chí thấy đánh nhau là phải tránh xa.
Tôi dạy học ở một trường ngoại thành Hà Nội và mỗi ngày chứng kiến bao nhiêu chuyện HS cãi láo thầy cô, giơ nắm đấm dọa thầy, đứng chửi thầy ngoài cổng trường, kéo phụ huynh xông vào lớp tát, đấm đá, thóa mạ thầy cô… thật không còn một việc gì mà các em không thể làm".
Vừa hút thuốc lào vừa nói xấu thầy cô (ảnh chụp tại khu vực gần KTX ĐH Bách Khoa) |
Độc giả Phạm Hà – Hai Bà Trưng góp thêm: "Bản thân tôi cũng đã được chứng kiến chuyện tương tự, khi đi đón con ở một trường tiểu học nằm trên phố Phương Mai. Vì đến sớm, chưa đến giờ tan trường, nên tôi và một số phụ huynh chọn một quán nước ven đường ngồi đợi.
Gặp một nhóm nữ sinh trung học (mặc quần áo đồng phục) đang ngồi uống nước, chúng "hot" chuyện với nhau bằng những từ không thể tin được. Những từ ngữ tục tĩu, chửi thầy cô được tuôn ra ầm ầm, rồi cùng cười khúc khích, Không thể tin được những từ đó lại được tuôn ra bởi những gương mặt thanh tú, sáng láng đó?".
Một SV năm cuối ĐH Sư phạm không sốc với những chuyện teen chửi thề hay chửi bới thầy cô vì bạn đã gặp quá nhiều những trường hợp như thế. “Trong đợt thực tập của năm cuối ĐH Sư phạm, tôi đã chứng kiến không chỉ HS ăn nói vô văn hóa mà chính một số thầy cô cũng thỉnh thoảng nói tục. Một khi người lớn, kể cả thầy cô giáo xưng “tao”, “mày”, tụi bay – tao… với HS thì thử hỏi làm sao xứng đáng là một tấm gương để HS noi theo học hỏi.
Tôi thấy, thầy cô hiện nay đang thiếu quá nhiều kỹ năng sư phạm, đặc biệt là kỹ năng ứng xử- yếu tố có ý nghĩa đặc biệt trong giáo dục...”.
Bố mẹ cũng văng tục
Để sự việc trên xảy ra, nguyên nhân sâu xa là ở đâu, trách nhiệm chính thuộc về ai?
Một HS cấp 3 ở TP.HCM trăn trở: "Cùng là một học sinh, cháu tin rằng đây là tình trạng chung của ít nhất là 70% học sinh bây giờ, kể cả học sinh lớp 1, lớp 2. Theo cháu thì nguyên nhân là: 1- Do bố mẹ. Những học sinh ấy xưng hô với bố mẹ còn không ra gì, huống chi với thầy cô. Nhưng các bậc cha mẹ cũng coi đó là chuyện bình thường.
2 - Do hiện nay, số hộ gia đình giàu quá nhiều, học sinh sinh ra quan điểm thực dụng: giáo dục là một ngành kinh doanh, mình học, bố mẹ mình trả tiền... Từ đó không coi thầy cô ra gì. Được nuông chiều, học sinh coi mình là nhất. Vì thế bị thầy cô mắng là cảm thấy không vừa lòng.
3 - Do môi trường. Bố mẹ không giáo dục nghiêm khắc từ bé. Ra đường, động một tí là nghe tiếng văng tục, thậm chí chính bố mẹ cũng văng tục trước mặt con cái mình thì bảo sao chúng lại không láo?".
Những chủ nhân tương lai của Việt Nam |
Độc giả Hoàng Lan (Thái Bình) phân tích thêm: "Có thể ngành giáo dục đã mắc thêm một căn bệnh mới và có dấu hiệu ngày càng trầm kha hơn. Tôi không ủng hộ chuyện sinh viên, học sinh chửi thầy cô. Tôi được sinh ra trong gia đình có bố là giáo viên nên tôi hiểu được đạo đức của nghề giáo có vai trò quan trọng như thế nào đến đạo đức của các học trò và rộng hơn là của toàn xã hội. Sự suy đồi của nhiều nhà giáo vô hình chung đánh mất giá trị của hai chữ: “giáo viên” và đó cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến thái độ “coi thường” của HS đối với thầy cô giáo hiện nay".
Phải làm gì?
Xã hội phải làm gì với sự xuống cấp về đạo đức của HS như thế này? Một độc giả phân tích:
"Chúng ta cần trả lời câu hỏi "các em đến trườngg để làm gì?". "Để học". Vậy trách nhiệm giáo dục ở đâu. Các em tuổi còn nhỏ, nhận thức non kém. Trong những độ tuổi nhất định, tâm lý của các em diễn biến phức tạp.
Đọc các dòng trong bài báo này, tôi cảm nhận các em hành xử như vậy là có sự lệch lạc trong suy nghĩ. Mà lệch lạc trong suy nghĩ của các em xuất phát từ sự lệch lạc trong hành vi ứng xử của các thầy cô giáo. Sự bất mãn thường kèm theo thiếu tôn trọng. (Độc giả H.N- Hà Nội) |
Nhiều thầy cô giáo ngày nay cũng nên xem lại vấn đề đạo đức của mình. Hiện tượng chèn ép học sinh, "ăn hối lộ" của học sinh, thể hiện uy quyền quá mức cần thiết đối với học sinh,... đã không là chuyện hiếm thấy nữa".
Độc giả này cho rằng, đổ lỗi, lên án học sinh thì cũng nên nhớ các em hiện là sản phẩm của giáo dục. Quá trình tạo nên sản phẩm nếu xảy ra lỗi hoặc chất lượng kém, đương nhiên có những yếu tố khách quan. Nhưng trước hết, lỗi đó là ở "các nhà sản xuất". Các "nhà sản xuất" trong "guồng máy giáo dục" đó chính là ở "ban quản lý/giám sát" (quản lý giáo dục), "các kỹ sư" (thầy cô giáo), "các chuyên gia" (chuyên gia giáo dục)…
"Giải quyết vấn đề này như thế nào, tôi nghĩ, chỉ có thể các nhà sản xuất mới có câu trả lời xác đáng nhất. Muốn tạo sản phẩm hoàn hảo nhưng không đủ vốn, thiếu công nghệ, thiếu trình độ, kỹ năng, và thậm chí thiếu cả cái tâm của người sản xuất.
Đó là chưa kể các nhà sản xuất gián tiếp (cung cấp nguyên liệu đầu vào) - là cha mẹ của các em - đã không đầu tư cho chất lượng nguyên liệu của mình, đặc biệt là khía cạnh tình cảm, tâm hồn của các em, thì làm sao có sản phẩm giáo dục đạt chất lượng cao được?
Tôi xin lỗi vì ví giáo dục như một guồng máy sản xuất. Nhưng đó đúng là "guồng máy sản xuất đặc biệt". Tôi nghĩ, hình dung như vậy chúng ta sẽ nhìn vấn đề cụ thể hơn. Vì đây là guồng máy sản xuất đặc biệt, nên tôi cũng hiểu là "quá trình sản xuất" rất phức tạp.
Tuy nhiên, một khi chúng ta có một hệ thống điều hành, phối hợp thực hiện tốt, thì tôi tin giáo dục của ta sẽ thành công!".
-
S.K (tổng hợp)