- Giữa công viên, du khách bị chính tiếng đàn vĩ cầm của lão níu chân, để rồi họ lại cùng lão người đàn, người hát vang cả góc đường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tiếng đàn Thạch Sanh
Đã hơn 4 năm qua, mỗi khi có dịp tản bộ qua khu vực công viên 30/4, bên hông nhà thờ Đức Bà, ghé vào uống ly cà phê cóc trên đường Hàn Thuyên, tôi lại bắt gặp một ông lão tuổi đã vào thất thập, tóc cột gọn, hàm râu dài trắng như cước, với chiếc nón cao bồi chễm trệ trên đầu và chiếc đàn violon trên tay. Lão ngồi kéo đàn giữa hàng chục người hiếu kỳ.
Lão tên là Tạ Trí Hải (70 tuổi) nhưng mọi người quen gọi với cái tên thân mật “nghệ sĩ đường phố”. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sau giải phóng, chàng kỹ sư chuyên viên kỹ thuật cấp cao của Tổng cục Cao su miền Nam chuyển công tác vào Sài Gòn sinh sống.
Lão chơi đàn "vui là chính". Ảnh: Trịnh Sơn |
Sau khi nghỉ hưu, lão dành toàn bộ thời gian cho âm nhac. Trong chiến tranh, khi đế quốc Mỹ ném bom Hà Nội, lão cũng cầm súng chiến đấu như bao người, khi máy bay bỏ đi, rời súng lão lại ôm đàn mandoline gảy những khúc ca hào hùng, khí thế rạo rực, hâm nóng tinh thần chiến sĩ.
Lão học đàn từ năm 9 tuổi, do một người em họ có thầy dạy nhạc là người Pháp chỉ lại. Lão tâm sự: “Tiếng đàn của tôi thay đổi theo tâm trạng. Khi tôi vui, tôi gảy những khúc ca hùng tráng, vui vẻ, khỏe mạnh như : 60 năm cuộc đời, Trống cơm, Dậy mà đi… Khi có tâm sự, tiếng đàn gảy lại như tiếng đàn Thạch Sanh”.
Đất nước hòa bình, mỗi lúc nhớ quê nhà, lão lại kéo violon những bài “Mùa thu Hà Nội, Hà nội mùa vắng những cơn mưa, Hà Nội niềm tin và hy vọng …”.
Ngày ngày, lão ra công viên với chiếc xe đạp do một đứa cháu bên Nhật cho mượn. Chiếc xe nhỏ nhưng lại chở rất nhiều dụng cụ để lão biểu diễn. Một chiếc bình ắc quy để gắn micro cho các bạn trẻ hát theo tiếng đàn, 2 cái ba lô hành trang với sổ sách chép bài hát, chiếc đàn mandoline và violon kè kè bên người.
Cây đàn mandoline - “vật bất ly thân” của lão nhìn cũ kỹ, tróc sơn và đứt một dây. Nhưng lão nói đó là vật vô giá đã theo lão qua những năm tháng chiến đấu gian khổ. Cây violon lão đang dùng thì còn mới do vài người bạn góp tiền mua tặng khi nghe tin chiếc đàn violon trị giá 3.000 đô la cũ đã bị mối “xơi” .
Ban đầu, lão chơi đàn chỉ để thỏa cái thú đam mê. Thế rồi, người thưởng lãm lão biểu diễn ngày một nhiều. Người già có, sinh viên có, du khách nước ngoài cũng có.
Cứ thứ Bảy, chủ Nhật, không hẹn mà gặp, lại có rất nhiều người đem đàn ra tấu cùng lão. Gặp người cũng đam mê chơi đàn, đến hòa nhạc cùng, lão xem họ như tri kỷ. Và rồi tại một góc nhỏ của công viên 30/4, lại vang lên tiếng đàn violon, tiếng kèn sacxophone, hòa cùng tiếng guitar... lôi cuốn cuốn lòng người.
Chơi đàn lâu, lão quyết định thành lập câu lạc bộ (CLB) chơi đàn “Ngàn sao” và lão “lãnh ấn” cái chức chủ tịch CLB. Người tới chơi đàn, ca hát cũng lão nghiễm nhiên trở thành hội viên CLB dù rằng không có một giấy tờ ghi chép công bố nào. CLB ngoại khóa, không bàn ghế, sân chơi là công viên nhưng có rất nhiều người tham dự và lão lấy đó là niềm vui tuổi già của mình.
70 tuổi vẫn sẵn sàng "overnight"
Lão đưa tôi xem cuốn sổ ghi chép mà những người đã đến và chơi đàn cùng lão để lại. Đến nay, trong kỷ vật của lão đã có 11 cuốn nhật ký. Những dòng chữ Anh, Pháp, Nga, Nhật, À Rập đều có trong nhật ký. Nhiều nhất là những cảm nhận của các bạn trẻ Việt về lão.
Du khách nước ngoài vô tình bị tiếng đàn của lão núi chân, đứng lại nghe tiếng đàn bay nhảy rất lấy ngạc nhiên vì khả năng giao tiếp của lão. Lão có thể nói rất nhiều ngôn ngữ, từ tiếng Pháp, tiếng Anh cho đến tiếng Nga.
Công viên là sàn diễn, khách vãng lai là thính giả. Ảnh: Trịnh Sơn |
Hai chữ “cám ơn” là từ được nhiều người viết nhất trong cuốn nhật ký của lão. Với các bạn trẻ, âm nhạc của lão như một liều thuốc tình thần, xua tan mệt mỏi, buồn chán. Có rất nhiều bạn đứng đợi hàng giờ ở công viên mong được gặp và để nghe lão đàn.
“Lão có nhiều con lắm, tất cả các con ngồi đây đều là con lão cả” - lão luôn miệng nói thế khi có ai hỏi về gia đình của lão. Lão ở 12 bis- Nguyễn Huệ (khu nhà của Tổng Cục cao su), sống độc thân, không con cái.
Ban ngày lão biểu diễn ở công viên 30/4, tối đến lại đèo con “ngựa sắt” ra công viên 23/9, khu phố Tây trên đường Đề Thám để biểu diễn cho Tây xem.
Lão biểu diễn không lấy tiền, bởi với lão “vui là chính”. Có những buổi sung sức lão chơi “overnight” với đám trẻ.
Lão đàn, người khác hát, người nhảy làm tưng bừng cả khu vực công viên. Một cô gái mới tập chơi đàn, anh sinh viên Nhạc viện thành phố, hay có thể là một ông Tây ba lô không rành tiếng Việt tất cả đều có chung một niềm đam mê, đó là được chơi và thưởng thức âm nhạc với lão.
Ở lão có thứ âm nhạc không lời đầy chất lãng mạn của người Tràng An, sự sôi nổi của người Sài Gòn làm nên chất nhạc riêng cho “lão nghệ sĩ đường phố”.
-
Trịnh Sơn