- Nhiều độc giả sau khi đọc bài "Sốc với teen vừa hút thuốc lào vừa nói xấu thầy cô" đã gửi ý kiến phản hồi đa chiều về tình trạng trên, trong đó có rất nhiều ý kiến mong muốn được cắt nghĩa bản chất của hiện tượng và tìm một hướng giải quyết. Để cung cấp cho độc giả một cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với hai chuyên gia đồng thời cũng là hai người thầy: TS Xã hội học Trịnh Hoà Bình và TS, nhà văn, nhà biên dịch Ngô Tự Lập…
TIN LIÊN QUAN |
---|
- Theo ông, những hành vi của các em học sinh này thể hiện điều gì?
TS Trịnh Hoà Bình: Các em đang bắt chước và thể hiện "cái tôi" mình ngang với mọi người, mình không thèm sợ ai, tỏ ra thạo đời nên tạo ra hàng loạt ngôn ngữ, cử chỉ, phong cách đi đứng, ăn mặc luôn luôn thích độc lập, nổi bật, thời thượng như hút thuốc lào, chửi bậy...
Điều này thấy rằng “tôi” đã lớn, đang “khẳng định” mình nhưng có xu hướng méo mó và lệch lạc.
TS Ngô Tự Lập: Ở các em đang thể hiện thái độ của mình về những người thầy, về cuộc sống. Nếu những người thầy không ra gì thì việc phản ứng như thế chứng tỏ các em biết điều gì là sai, điều gì là đúng và không tôn trọng họ là đáng mừng chứ? Và các em có quyền thể hiện thái độ đó!
- Bản chất của những hành vi và ngôn ngữ này của các em xuất phát từ đâu, thưa TS?
TS Trịnh Hoà Bình: Đó là do môi trường gia đình, xã hội không lành mạnh. Thường ngày các em nghe những từ ngữ đó từ người thân, cha mẹ hay bình luận, đánh giá các sự kiện, hiện tượng đời sống bằng con mắt trần trụi, cơ học, thách đố và vô lương.
TS Trịnh Hoà Bình
Các em đó học từ bố mẹ khi bàn bạc về các đối tác làm ăn, khi bàn về bóng đá, các ca sĩ đều là “thằng này, con kia”... Tôi chắc chắn rằng nhóm cô cậu học trò như thế này nằm trong các gia đình hoặc là thiếu truyền thống hoặc là phiến diện, khuynh hướng giáo dục theo hướng nhét được ít chữ vô đầu rồi chạy vạy. Dùng tiền bạc để giải quyết các mối quan hệ trong xã hội.
Gần đây, trong ngành giáo dục có chủ trương cho học sinh đánh giá thầy. Xu hướng cho phép và cổ suý đánh giá các thầy cô dễ đẫn đến sự quy chiếu hạ thấp thầy cô ở nhóm học trò thiếu văn hoá, thiếu giáo dục.
TS Ngô Tự Lập: Tôi nghĩ rằng nên nhìn nhận vấn đề này trong một quá trình. Khi các em mới 4, 5 tuổi được đưa đến trường mẫu giáo, có ai nói là các em không trong sáng, không tốt đẹp bao giờ đâu. Các em có coi thường ai đâu?
Chính người lớn đã khiến các em thay đổi. Người lớn làm những việc trái với đạo lý đã dạy các em, thử hỏi làm sao các em không biết?
Trong phương pháp giảng dạy của chúng ta, một ví dụ là cách dạy văn cũng là một biểu hiện dạy nói dối. Nếu học sinh nghĩ tác phẩm của nhà văn không hay và chứng minh được điều đó thì phải cho em điểm 10 chứ.
Nhưng đề bài bao giờ cũng áp đặt một đáp án là cái hay, cái đẹp… Các em sẽ thấy tất cả những điều này mình không nghĩ nhưng mình nói dối, thì thầy sẽ cho điểm cao. Nếu chúng ta không dạy con người tử tế ngay từ đầu thì về sau, những điều tồi tệ hoàn toàn có thể xảy ra!
- Kể cả khi người thầy sai và có đạo đức không tốt thì bản thân các em có đúng không khi sử dụng ngôn ngữ thô tục như vậy để nói về người dạy mình?
TS Trịnh Hoà Bình: Tôi cho rằng trong số đó cũng có một số thầy cô bị học sinh nhìn nhận oan. Nhưng chắc chắn có những trường hợp họ có nhiều khiếm khuyết thì họ cũng không đáng bị đối xử, nhìn nhận như vậy. Đã là thân phận học trò mà nhìn nhận, gọi thầy, gọi cô là "thằng này, con kia", nói bậy chửi tục, gán những định ngữ không hay ho vào thầy cô thì điều này cho thấy tương lai của chính những học trò đó không tốt đẹp gì.
Trên thực tế, có không ít các thầy cô “ngã” vào túi tiền của phụ huynh. Bố mẹ của các thành phần bất hảo này vẫn nhìn nhận, bình luận như thế về người thầy, người cô và nó hằn vào đầu của các em. Đây xem như là một sự trả giá!
TS Ngô Tự Lập: Sự hỗn láo của các em đối với người thầy hay bất kỳ ai đều không thể chấp nhận. Chắc chắn là chúng ta đều buồn khi đọc về lối hành xử thiếu văn hóa của một số em đối với một số thầy cô. Nhưng theo tôi, chúng ta cũng cần xem xét trong những trường hợp cụ thể.
Trong một số trường hợp, khi người thầy thoái hóa, biến chất, như trường hợp của Sầm Đức Xương, phản ứng của các em còn chứng tỏ rằng các em đã biết phân biệt đúng sai. Và trong những trường như vậy, các em có quyền thể hiện thái độ khinh bỉ.
- Ông thấy các em đang nhận thức về xã hội như thế nào?
TS Trịnh Hoà Bình: Nhiều khi câu chuyện dạy và học đang nhuốm màu tiền bạc, thị trường hàng hoá. Mà khách hàng là thượng đế cho nên học trò nghĩ rằng bố mẹ "bao" đầy đủ cho thầy cô rồi, hay chính chúng lễ nạp đủ rồi thì chúng có quyền sai khiến. Nếu thầy cô có những hành động không chuẩn mực chứ chưa cần xấu xa thì nó dứt khoát giáng trả bằng những hành động chửi tục như vậy.
TS Ngô Tự Lập |
TS Ngô Tự Lập: Tôi cho rằng các em hiểu rất rõ những việc làm của người lớn: từ bố mẹ, thầy cô đến xã hội. Khi những người lớn chúng ta miệng giảng dạy những kiến thức sách vở đẹp đẽ nhưng vẫn làm những việc trái lương tâm thì chính những kiến thức chúng ta dạy đó trở thành cái để các em giễu cợt, coi thường.
Vậy thì làm sao người thầy dạy các em được? Thầy đã chứng minh một phản đề như thế thì sự tôn trọng của các em cũng theo đó mà tiêu tan.
Nói vậy, không phải em nào cũng coi thường thầy cô. Các em rất sòng phẳng. Các em thường không nhầm tình yêu của thầy cô đối với các em. Các em vẫn ngợi ca những thầy cô đáng tôn trọng.
- Tại sao chúng ta không nghĩ rằng các em có thể tự điều chỉnh bản thân và lựa chọn một cách phản ứng tốt hơn?
TS Trịnh Hoà Bình: Có nhiều cách phản ứng những tiêu cực của thầy cô chứ không nhất thiết duy danh định nghĩa hay cách gán những định ngữ thiếu văn hoá đó cho thầy cô của mình. Vì một chữ cũng là thầy.
TS Ngô Tự Lập: Các em vào trường để học cách lựa chọn và điều chỉnh. Nếu để mặc các em tự điều chỉnh và lựa chọn thì nhà trường tồn tại để làm gì?
- Thưa ông, vậy đâu là điều chúng ta cần suy nghĩ và bàn đến khi giải quyết vấn đề này?
TS Trịnh Hoà Bình: Đối với một bộ phận cô cậu học trò nói tục chửi bậy thầy cô này thì cần chú ý đến môi trường giáo dục. Môi trường giáo dục phải là tam giác gia đình - nhà trường - xã hội.
Một mặt chúng ta quan ngại nhưng cũng không phải lo lắng đến mức khủng khiếp rằng hầu hết những cô cậu nói tục chửi bậy như thế này nhất thiết là xấu. Đến một chặng nào đó, nhưng phải có tác động từ nhiều phía và các em được nhìn nhận thích đáng thì sẽ quay trở lại với tiêu chuẩn chung.
TS Ngô Tự Lập: Việc đầu tiên chúng ta cần làm là trong sạch hóa đời sống tâm hồn. Hãy nghĩ về cách chúng ta ứng xử, nói năng, với tư cách là một người cha, người thầy, người lớn. Tôi nhắc lại, chúng ta hãy trách chúng ta trước, rồi mới trách các em.
Chúng ta là sản phẩm của một hoàn cảnh xã hội cụ thể. Các thước đo về sự đúng sai cũng tùy thuộc vào thời đại. Nếu thời đại thiếu kỷ cương, thì các em sẽ sử dụng thước đo của thời đại thiếu kỷ cương đó. Và ngôn ngữ của các em cũng vậy, các em sẽ nói như những gì được nghe.
- Xin cảm ơn 2 ông!
-
Nguyễn Hường - Quỳnh Trang (Thực hiện)