- Sau sự việc đó, cô bé tỏ ra buồn bã, rồi tìm cách tự tử. Cha mẹ tìm thấy một lá thư tuyệt mệnh được cô bé nắn nót viết vài dòng: “Con bất hiếu đã không đạt được kết quả như mong muốn. Con xin lấy cái chết để tạ lỗi với bố mẹ”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lấy cái chết tạ lỗi cha mẹ
Theo lời của bác sỹ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, vào trước và sau các kỳ thi, thường có nhiều em học sinh được đưa vào trung tâm cấp cứu vì tự tử.
Lý do khiến các em có hành động dại dột thường là vì sức ép lớn về học hành từ phía cha mẹ. Khi cha mẹ tỏ ra thất vọng, hay ngưỡng mộ con mình thái quá mà không có cách cư xử khéo dễ sẽ dẫn đến những hành động tiêu cực của con trẻ.
Vì câu nói của bố, cậu học sinh lớp 11 này đã muốn tìm đến cái chết. |
Vì lý do học hành, cô bé xinh xắn lên 9 từng phải vào viện cấp cứu vì uống thuốc diệt chuột. Cô bé được đưa vào cấp cứu trong tình trạng toàn thân co giật mạnh. Các bác sỹ đã phải cho cô bé uống thuốc chống co giật, trước khi làm các thao tác khác để giành lại sự sống cho em.
Vốn là học sinh giỏi được thầy cô, bè bạn và gia đình kỳ vọng nhưng cô bé không đạt được kết quả tốt trong kỳ thi học sinh giỏi.
Sau sự việc đó, cô bé tỏ ra buồn bã, rồi tìm cách tự tử. Cha mẹ tìm thấy một lá thư tuyệt mệnh được cô bé nắn nót viết vài dòng: “Con bất hiếu đã không đạt được kết quả như mong muốn. Con xin lấy cái chết để tạ lỗi với bố mẹ”.
Rất may, cô bé đã được các bác sỹ ở Trung tâm Chống độc cứu sống, còn cha mẹ em thì được phen "bạt vía kinh hoàng".
Tự tử vì câu nói của bố
Chúng tôi bắt gặp một cậu bé mới lớn với nét mặt rầu rĩ nằm trên giường bệnh tại Trung tâm Chống độc. Cậu có tên Đ.B.L., 17 tuổi, ở Hà Tĩnh, học sinh lớp 11.
Giữa những đống dây dợ y tế lằng nhằng, đôi mắt L. mệt mỏi và lúc nào cũng như chực khóc. Cậu trai mới lớn đã uống thuốc trừ sâu chỉ vì một câu nói của bố.
Hôm đó, khi học kỳ 2 vừa kết thúc, cũng là lúc cha L. biết tin, do học hành yếu kém, L. đã bị đúp. Là con thứ 2 trong gia đình 5 anh em, L. được bố đặt nhiều kỳ vọng nên việc cậu đúp lại lớp khiến người cha bực tức.
Trong cơn giận, người cha đã mắng nhiếc cậu con trai rồi buột miệng thốt: “…Mày chết đi”. Câu nói của bố cứ ảm ảnh L., khiến cậu trai mới lớn tủi thân và nghĩ đến cái chết.
L. đi tìm mua thuốc trừ sâu để uống. Sau khi uống hết chai thuốc, L. đi ra ngoài rồi ngã vật ra đường. Mọi người tìm thấy cậu khi L. đang nằm ở vệ đường, sùi bọt mép. Sau khi được đưa đi cấp cứu, đến ngày 27/5, L. đã qua cơn nguy kịch, dù sức khoẻ cậu vẫn còn yếu, vẫn phải thở bình oxy.
Tôi ghé lại bên giường bệnh, hỏi L.: Em đã thấy việc làm của mình là dại dột chưa?, L. khẽ gật đầu và cho biết, cậu sẽ không bao giờ lặp lại hành động ngu ngốc đó.
Tưởng như L. đã mạnh mẽ hơn sau khi được cứu sống, nhưng khi nhắc đến nguyên nhân khiến cậu hành động dại dột thì L. vẫn chưa hết tủi thân, mếu máo nhắc lại câu nói của bố : “…Mày chết đi”.
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM, từng chia sẻ trên Báo Pháp luật TP.HCM rằng: Những em tự tử sau khi được cứu sống sẽ bị rối nhiễu, trầm cảm hoặc sang chấn tâm lý (chấn thương tâm lý) và kéo dài đến suốt cuộc đời.
Những biểu hiện sau tự tử sẽ dễ gây thương tổn về mặt tâm lý nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc học hành. Sau khi rửa bao tử, dùng thuốc kháng sinh, thuốc an thần..., ít nhiều trí nhớ, tri giác và khả năng tập trung chú ý của các em đều có thể giảm sút, không loại trừ trường hợp có em tự tử đã được cứu sống nhưng lại muốn tự tử tiếp.
“Trẻ tự tử dễ mặc cảm, do vậy tránh nhắc lại những vết đau trong quá khứ. Định hướng hành vi phù hợp, khơi gợi lý tưởng sống để giúp trẻ vượt qua nỗi đau tự tử. Cần thay đổi giá trị, chấp nhận sự thật... để nâng cao lòng tự tin khi trẻ tự tử đã được cứu sống” - tiến sĩ Sơn khuyến cáo.
-
T.Nhung