- “Các con tôi xưa nay hòa thuận, lý do gì mà con rể lại giết con trai tôi? Con tôi, một đứa chết, một đứa bị giam mấy năm rồi. Oan ức quá! Tôi mong tòa xem xét”, cụ ông lọm khọm lên tiếng trước tòa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông là cha vợ của kẻ đứng trước vành móng ngựa nhưng cũng chính là cha đẻ của bị hại đã chết trong vụ án. Con trai chết, con rể vào tù, cả gia đình ông xoáy vào vòng lao lý xung quanh vụ án mạng đau lòng.
Vụ án mạng bên sông
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 21h ngày 25/12/2007, sau khi dự đám giỗ ở nhà cậu vợ, Bùi Văn Lưỡng (34 tuổi, ngụ huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) chở vợ con về nhà. Khi đến nhà em vợ là anh Nguyễn Văn Diển Em thì nghe Em nói có Nguyễn Văn Chăng cùng một số người ở ghe mua tràm đến nhà gây sự do mâu thuẫn trước đó.
Thấy vậy, Lưỡng vội vàng gọi điện báo lại cho anh vợ là Nguyễn Tùng Lâm biết. Hay tin, Lâm kêu em ruột chở về nhà cha ruột là Nguyễn Minh Châu để tìm hiểu sự việc.
Khi về đến nhà, Lâm và bốn người trong gia đình cùng chạy ra bến sông trước cửa nhà ông Nguyễn Văn Việt là nơi đậu ghe mua tràm của ông Nguyễn Văn Bôn (cha của Nguyễn Văn Chăng) để hỏi Chăng lý do gì mà đánh em mình.
Hai bên xô xát, ẩu đả. Thấy hai con bị đánh, ông Nguyễn Văn Bôn cùng các bạn nhậu là Nguyễn Văn Việt, Huỳnh Văn Phương và Lê Văn Đông chạy đến can ngăn.
Khi ông Bôn chạy đến cách nhóm đánh lộn khoảng 3m thì thấy Lưỡng từ phía trên lộ chạy xuống, tay cầm một khúc tràm đánh từ trên xuống 2-3 cái trúng đầu làm Lâm té ngã xuống mé sông. Cùng lúc, ông Việt cũng thấy Lưỡng cầm cây đánh vào đầu anh Lâm nên la lên: “Mày đánh người ta vậy chết còn gì”. Ông Phương thì nói: “Mày đánh nhầm anh mày rồi”.
Vết thương quá nặng, anh Lâm đã tử vong do chấn thương sọ não. Bùi Văn Lưỡng cũng bị bắt và điều tra về tội “cố ý gây thương tích”.
Còn nhiều uẩn khúc!
Liên quan đến nghi án trên, lúc đầu Lưỡng bị TAND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp truy tố về tội “cố ý gây thương tích”. Sau sáu phiên tòa được mở, TAND huyện này đã phải trả hồ sơ điều tra lại. Lưỡng tiếp tục bị thay đổi tội danh truy tố sang tội “giết người” và chuyển lên TAND tỉnh Đồng Tháp xét xử.
Bị cáo Bùi Văn Lưỡng sau phiên tòa. |
Sau 3 phiên tòa khác, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt Lưỡng mức án 10 năm tù về tội “giết người”. Lưỡng kháng cáo kêu oan, đại diện người bị hại cũng kháng cáo kêu oan cho bị cáo, đề nghị tòa hủy án, điều tra lại từ đầu.
Tại phiên tòa, con trai nạn nhân khai thấy chính ông Bôn mới là người đánh bố mình. Vợ nạn nhân thì cho biết không biết ai đánh chồng nhưng đứng cách đó một đoạn chị thấy ông Bôn có cầm khúc cây tràm.Tuy nhiên, ông Bôn phủ nhận điều này.
Cũng tại tòa, ông Việt trước đó khai thấy Lưỡng cầm cây đánh vào đầu anh Lâm nên la lên: “Mày đánh người ta vậy chết còn gì” nhưng tại tòa hôm nay ông lại khai :“Tôi không thấy, chỉ nghe ông Bôn la làng. Tôi không biết gì cả.”
Về quá trình thực nghiệm biên bản hiện trường, ông Dương Huy Hoàng – trưởng ấp với vai trò là một nhân chứng xác nhận ông không có mặt tại hiện trường khi thực nghiệm. Sau khi đã xong biên bản thực nghiệm hiện trường cơ quan điều tra mới mang đến nhà cho ông…ký.
Cơ sở để cấp sơ thẩm xác định Bùi Văn Lưỡng là hung thủ trong vụ án là lời khai của các nhân chứng Việt, Phương, Đông và Bôn. Tại phiên tòa sơ thẩm cả bốn nhân chứng đều khai thấy Lưỡng đánh anh Lâm nhưng đến phiên tòa phúc thẩm, tòa triệu tập tới 5 lần những người này vẫn vắng mặt, buộc tòa phải yêu cầu công an áp giải đến tòa.
Trong khi đó, 5 người gồm vợ, con, chị, em trai của nạn nhân và vợ của bị cáo có mặt tại hiện trường lại khẳng định ông Bôn là người đánh chết Lâm.
Điều đáng lưu ý là các nhân chứng Việt, Phương, Đông là những người có quan hệ làm ăn lâu dài với ông Bôn. Quá trình điều tra vụ án của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng nên tòa đã chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát, chấp nhận kháng cáo của bị cáo và đại diện bị hại, tuyên hủy toàn bộ bản án đề điều tra, xét xử lại từ đầu.
Bị cáo Bùi Văn Lưỡng tiếp tục bị tạm giam đến khi cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.
Nghe tòa tuyên án, những người thân của bị cáo và bị hại mừng rỡ. Tuy nhiên, vụ nghi án trở về vạch xuất phát ban đầu. Vẻ mệt mỏi hằn trên gương mặt người đàn ông đang lầm lũi bước đi trong sự áp giải của công an.
-
Mai Phượng