Không bao giờ "bỏ kiếm lìa tay"
Muốn khai thác vàng “vàng tặc” phải chui xuống những hang hốc đầy hiểm nguy thế này. |
Mỗi bưởng cần có từ 10 đến 30 quân và vài dàn máy. Nơi làm vàng khắc nghiệt, vừa phải hỗn chiến với chính quân làm vàng lại còn luôn phải trốn tránh với người từ chính quyền, công an… nên các bưởng thường dữ tợn khác thường.
Những cái tên như Hải Mến, Chiến Lừng, Hồng Tài, Thảo Con. Thắng Nghiện… chỉ nghe thôi đã thấy kinh hoàng.
Hải Mến là một bưởng như thế, Hải là tên người anh, Mến là tên người em. Tên bưởng, đồng thời là hai anh em được ghép với nhau. Hai anh em Hải và Mến đều là chủ làm vàng. Họ đã có một thời gian rất dài khai thác ở bãi vàng Minh Lương, khi các cơ quan chức năng lập lại kỉ cương ở Minh Lương, họ dắt quân lên Sa Phìn và ngược lại. Chúng tôi có dịp gặp Hải khi bưởng này đem quân ra khỏi bãi vàng Sa Phìn vì quân đã đói, đã mệt lại bị kiểm soát gắt gao.
Trò chuyện với cán bộ Xí nghiệp 304, Hải Mến cứ một điều cán bộ, hai điều cán bộ một cách ranh mãnh. Khi cán bộ Xí nghiệp 304 hỏi: “Nghe nói thời gian trước quân ông làm mạnh lắm, vụ chém cán bộ các ông cũng tham gia phải không?”.
Hải Mến nói đầy khôn ngoan: “À tất nhiên thì nó sẽ bảo vệ cái gì nó cần bảo vệ. Bây giờ máy móc của em ở trong đấy, em đưa quân vào để đưa đồ ra, các anh cứ không tin em thì em chưa rút”.
Cán bộ Xí nghiệp 304 kể lại với chúng tôi: “Dưới sự chỉ đạo khôn ngoan từ đầu óc và kinh nghiệm của chủ vàng, quân làm vàng giấu máy khai thác rất kĩ. Ở ngay dưới nền bếp, đang nấu cơm chúng nhấc tảng gỗ lên và đẩy máy xuống sau đó vẫn nấu cơm như thường. Khi lực lượng kiểm tra đi qua chúng lại nhấc tảng gỗ ra, moi máy lên làm việc tiếp”.
Những thanh niên đào vàng này có thể tham gia hỗn chiến để bảo vệ cho chủ của mình bất cú lúc nào, họ có thể cầm mã tấu và dao rựa để tham dự vào cảnh chém giết như thời Trung cổ. |
Nô lệ của “con ma vàng” và “nàng tiên trắng”
Một số ít người đến đây mong nhen được một chút tươi sáng cho tương lai, số khác họ phải theo vì làm vàng đã khiến họ thành con nghiện. Họ phải chui vào lòng đất trong những chiếc hầm tồi tàn, có thể ụp bất cứ lúc nào. Họ là dân quanh vùng, từ Yên Bái sang, Thái Nguyên lên hay từ Minh Lương (Lào Cai) chạy đến.
T.V.Sính là người Dao từ Yên Bái sang, khi đồng bọn bị truy quét đã bỏ đi thì hắn vẫn kiên nhẫn đục đẽo và đựng nó vào những chiếc gùi, cho vài người đàn bà Dao vẫn đến chỗ hắn thồ quặng và mang đi.
Hắn đang đục thì cán bộ lẻn vào kéo hắn ra. Nhìn hắn không có vẻ gì là dữ, hắn co rúm cái cổ như con mèo hen.
Hỏi gì hắn nói đó, hắn không kể khổ và không lý sự: "Cháu dùng một ngày 1,5 phân (hắn nói đến heroin, giá ở bãi vài 1 phân khoảng 450 nghìn). Vì ban đêm làm ở bên kia chủ trả ít quá nên ban ngày cháu chạy sang bên này làm thêm”.
Để lấy được quặng có vàng, Sính phải sống chui lủi trong những hang sâu và cặm cụi khoét quặng suốt ngày. |
Thành, Minh là hai chàng trai người Kinh cũng nán lại như Sính. Khác với Sính, Thành và Minh ngoan cố hơn, khi bị cán bộ dúi khẩu súng vào đầu thì chúng mới chịu trèo ra khỏi hang nơi đang đục đẽo quặng.
Trước khi đi làm vàng có lẽ họ là những thanh niên trai tráng, khôi ngô nay thì “con ma vàng” đã làm cho họ thành kẻ nghiện nghập. Họ vùi đầu vào những hang vàng và trở thành nô lệ cho ma túy.
“Bố mẹ à, bố mẹ cũng biết nhưng chết hết rồi”, “Chị ạ, không thằng nào không nghiện mà lại chịu chui rúc vào đây đâu chị ạ” - Minh nói bằng giọng cười cợt, như thể người ở xa không thể hiểu được về cuộc sống ở bãi vàng này.
Minh và Thanh bảo rằng, chúng hút 3 phân thuốc một ngày, như vậy mỗi ngày chúng phải có gần 1 triệu để mua thuốc. Với tốc độ hút đó, chúng phải gò lưng đào vàng, hiến thân, hiến xác cho chủ vàng. Không thể bóc tách ma tuý khỏi đời sống của họ.
Bầm rập khổ đau
“Em ơi đợi anh về” những thợ đào vàng dưới sự quản lý của Hải Mến vẫn hát như vậy trong những lần chạy bãi, kiếm tìm tương lai tương sáng hơn cho mình. |
Đi sâu vào các lán trại ở rùng, cách lán trại của Xí nghiệp 304 khoảng 4 giờ đi bộ, chúng tôi gặp rất nhiều cô gái còn trẻ. Thời gian ban ngày các cô có thể đi gùi quặng, ban đêm là gái phục vụ cho các thợ vàng.
Vào bên trong lán trại họ sống, chúng tôi thấy nhiều những bóng hồng uể oải chưa ra khỏi phản ngủ. Họ đang sống cuộc sống chung chạ như bầy đàn với những người đàn ông làm vàng.
“Có nhiều phụ nữ, ngày tôi gặp, họ còn tất tưởi đi lên núi, vẫn có da có thịt và vẫn là "phụ nữ". Thế rồi chỉ sau đó một thời gian khi vô tình gặp lại, tôi đã giật thột. Họ xấu xí, nhem nhuốc đến ám ảnh. Có nhiều cô gái sau hàng năm trời lang bạt ở bãi vàng đã trở về tay không. Không ít cô chìa tay xin cơm nguội, xin dưa thiu, nước lã ở lán của các cán bộ ở để ăn và uống lấy sức đi tiếp” - anh Tuấn Anh, cán bộ của Xí nghiệp 304 kể thêm.
Nếu ai đó còn ảo tưởng và nghĩ rằng nơi có mỏ vàng Sa Phìn là mảnh đất hứa, vàng lấy từ đây giúp thoát nghèo, mang lại ấm lo hạnh phúc thì hãy nhìn lại. Nó dường như chỉ mang đến sự bất hạnh, đói rách và đau khổ. Nó làm hàng trăm con người chẳng còn đường quay lại. Họ phải chạy từ đau khổ này đến đau khổ khác, từ nô lệ của ông chủ này đến ông chủ khác. Những thanh niên bầm dập khổ đau, những phụ nữ đói khát… Đó là một kết cục buồn, rất buồn.
- T.P