Chiều qua, 21/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cuộc họp khẩn cấp Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư ứng phó với cơn bão số 2 đang diễn biến hết sức khó lường, trong khi có dấu hiệu chủ quan ở người dân vùng bão.
Khó lường
Ông Lê Thanh Hải, Phó GĐ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, Chanthu là cơn bão thứ 3 vào khu vực phía tây Thái Bình Dương và là cơn bão số 2 ảnh hưởng đến nước ta trong năm nay. Đường đi của bão số 2 liên tục đảo hướng. Từ sau 7 giờ sáng qua, bão chủ yếu đi theo hướng bắc. Dự báo, trong 24-48 giờ tới, bão đi theo hướng tây bắc và tây tây bắc.
Dự báo về trận bão này, theo ông Lê Thanh Hải, nhiều cơ quan dự báo quốc tế nhận định rất khác nhau. Lúc 1 giờ ngày 20/7, cơ quan của Mỹ dự báo bão số 2 đi lệch theo phía tây Hông Kông, sáng qua chuyển sang hướng đảo Lôi Châu.
|
Bão chanthu diễn biến khó lường, trong khi dân vùng bão lại chủ quan - Ảnh: QN |
Còn theo dự báo của Hồng Kông, lúc 1 giờ ngày 20/7, bão tiến đến phía đông Lôi Châu, nhưng trưa qua, bão xuyên qua đảo Lôi Châu và đi tiếp vào phía Bắc nước ta. Theo xác suất dự báo bão của châu Âu, bão sẽ đi vào vùng phía đông tỉnh Quảng Đông, rồi qua Quảng Tây (Trung Quốc), tiến giáp vùng biên giới Việt-Trung.
Còn cơ quan dự báo Việt Nam cho hay, khoảng chiều nay, 22/7, vị trí tâm bão trên khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc, cách Móng Cái khoảng 240 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Lo dân chủ quan
Ông Lê Thanh Hải cho biết, do ảnh hưởng của bão, sáng 22/7, toàn bộ vùng vịnh Bắc Bộ có gió cấp 6, cấp 7, vùng tâm bão giật cấp 8, 9. Đặc biệt, vùng biển Quảng Ninh, trưa và chiều gió mạnh dần. Hiện nay, một số nơi ở miền núi phía Bắc đã có mưa, trung bình 50-100 mm, có nơi 200 mm.
Chuyên gia khí tượng Việt Nam cho rằng, bão số 2 sức gió không đáng ngại, nhưng mưa lớn. Trưa và chiều nay 22/7, vùng núi phía Bắc và đông Bắc có thể mưa to, đến rất to, đề phòng lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng như năm 2007, 2008 ở Yên Bái, Lào Cai.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát lo ngại tâm lý chủ quan của người dân trước bão số 2, vì những hệ lụy từ thông tin dự báo bão số 1.
Ông Phát nói: “Vì sao trước cơn bão số 1, chúng ta làm thông tin khuyến cáo, thúc giục sớm, khẩn trương như thế mà vẫn để tàu mất liên lạc, có tàu không chịu vào bờ, dẫn đến bị đắm, vỡ. Phải làm rõ trách nhiệm, đặc biệt là các chủ tàu, và chính quyền địa phương, chứ không phải ngư dân”. Đối với cơn bão này, bằng mọi cách phải gọi hết tàu thuyền vào bờ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nói: “Bằng mọi cách phải kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, lên phương án di dân khi cần thiết. Đặc biệt, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Đông Bắc mưa lớn có thể gây sạt lở, lũ quét, nên có kế hoạch di dân vùng xung yếu".
Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, đến 16 giờ hôm qua đã gọi 43.751 tàu (195.414 ngư dân) các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định về hoạt động ven bờ và neo đậu. Còn 2 tàu/27 ngư dân (tàu QNg 9614, QNg 96275) của Quảng Ngãi hoạt động khu vực Hoàng Sa không liên lạc được.
Đến cuối chiều qua vẫn chưa tìm được 17 ngư dân của Quảng Ngãi mất tích trong bão số 1. |
(Theo Tiền Phong)