- Cơn bão số 1 đã đổ bộ diện rộng vào Quảng Ninh - Nam Định chiều tối 17/7 với cường độ mạnh đã gây chìm nhiều tàu thuyền, nhiều nhà dân bị tốc mái.
DIỄN BIẾN CHÍNH CƠN BÃO SỐ 1 QUA TƯỜNG THUẬT CỦA VIETNAMNET:
* Sáng 18/7 bão suy yếu thành một vùng áp thấp Bản tin cuối ngày của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương cho thấy, đêm 17/7 bão số 1 tiếp tục hoành hành tại số tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định, sau đó đi sâu vào đất liền theo hướng Tây Bắc.
Theo dự báo, hồi 22 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
* 19h: Bão càn quét Quảng Ninh - Nam Định
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn TW, vào tối nay, 17/7, bão số 1 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh - Nam Định.
Tại Hải Phòng, cơn bão đã gây thiệt hại nặng cho đảo Bạch Long Vỹ. Thông tin mới nhất cho biết, hiện đã có một số người dân và tàu thuyền bị mất tích.
Trao đổi với PV VietNamNet lúc 19h30, một cán bộ huyện đảo Cát Hải cho biết, tuyến đê biển tại khu vực Tiến Lộc, thị trấn Cát Hải đã bị tràn, một số đoạn có thể bị sụt nghiêm trọng.
Mô tô, xe máy bị đổ giữa cầu Bãi Cháy, Quảng Ninh - Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Cũng đưa tin về sự kiện này, TTXVN đưa tin: Cát Hải cũng đang phải hứng chịu tàn phá của cơn bão số 1 khi tuyến đê khá yếu ở khu vực Hải Lộc, Tiến Lộc thuộc thị trấn Cát Hải liên tiếp bị sóng lớn đánh vào. Hơn nữa cộng thêm việc triều cường lớn nên hiện nay, nước biển đã tràn qua mặt các tuyến đê này từng đợt ập vào các hộ dân khiến tuyến đê này phải đối diện với nguy cơ bị nứt và vỡ.
TTXVN cũng khai thác thiệt hại ban đầu tại huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) qua thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, ông Phạm Xuân Hòe: Ba chiếc tàu du lịch của tỉnh Quảng Ninh đã bị sóng đánh chìm tại vùng biển Cát Bà khi đang neo đậu tránh bão số 1 tại bến phà Gia Luận, chiều 17/7.
(Ảnh tổng hợp từ báo Quảng Ninh, TT, TN) |
Đó là các tàu: Hoàn Cầu QN 4659, tàu Bái Tử Long QN 4698 và tàu Ánh Dương (không có số hiệu) bị sóng đánh chìm vào khoảng 18 giờ ngày 17/7. Do công tác di dời các thuyền viên lên bờ được thực hiện tốt nên không có thiệt hại về người.
Cả ba tàu du lịch này hoạt động trên bến phà Gia Luận phục vụ khách du lịch tham quan tuyến du lịch Cát Bà (Hải Phòng) - Tuần Châu (Quảng Ninh). Ngoài ba tàu du lịch trên bị chìm, tại khu vực Gia Luận, một chiếc tàu đánh cá loại nhỏ cũng bị chìm ngập nhưng may mắn lực lượng cứu hộ đã kịp thời trục vớt.
* 18h30: Mắt bão lớn, ảnh hưởng rộng
Mời bạn đọc chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip cũng như những cảm nhận, cảm xúc về cơn bão số 1, sự khốc liệt của thiên tai tại địa chỉ banxahoi@vietnamnet.vn hoặc hòm thư: hotnews@vietnamnet.vn |
Chiều 17/7, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương nhận định, bão số 1 có mắt bão lớn, vùng tâm ảnh hưởng rộng, trọng tâm là các tỉnh từ Quảng Ninh tới Nam Định, vùng Nghệ An- Thanh Hóa cũng bị đuôi bão quét qua.
Trọng tâm bão đổ bộ trên địa bàn 3 tỉnh, thành là Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình.
Lúc 18h, tâm bão chỉ còn cách bờ biển Hải Phòng - Quảng Ninh gần 30km, nhưng do bán kính ảnh hưởng rộng nên sức phá hoại khá mạnh. Tại đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), gió giật rất mạnh, đã có nhiều ngôi nhà bị tốc mái, cây xanh bị quật đổ...
Tại Đồ Sơn, sóng biển đang dâng cao, nhiều cây xanh bị ngã đổ tràn lan xuống mặt đường. Còn tại Cát Hải, huyện đảo này gần như đang bị cô lập và mất điện hoàn tòan.
Biển động dữ dội, có những con sóng cao đến 4m tại Hải Phòng - Ảnh: VOV |
Cũng theo thông tin các CTV và PV VietNamNet gửi về từ các địa phương, hiện nhiều nơi tâm bão đi qua và trong vùng ảnh hưởng của bão đang bị mất điện. Tại các tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa... sóng biển đang dâng rất cao, gió giật mạnh dữ dội.
Tại Thái Bình, ảnh hưởng nặng nhất là 2 huyện Tiền Hải và Thái Thuỵ, hiện nhiều nơi trong 2 địa phương này đang mất điện, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống bão và di dời dân nếu có tình huống khẩn cấp.
* 17h30: Ba mẹ con được cứu sống
Hiện nay, tại thành phố cảng đang có mưa rất to và gió lớn, giật mạnh. Nhiều biển quảng cáo, cửa sổ phòng làm việc của các công sở, trường học bị hư hại. Đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng đã di dời an tòan gần 8.000 dân ở nơi mất an tòan lên nơi an tòan, các biện pháp khẩn cấp đối phó với cơn bão số 1 đang được triển khai chặt chẽ.
Tại đảo Bạch Long Vĩ đang có mưa to, gió giật cấp 12,13. Cũng tại đây, thông tin mới nhất cho biết, một cần cẩu đã bị gãy đổ, nhiều phòng học trên đảo đã bị tốc mái, hư hỏng nặng. Nhiều cây xanh đã bị quật đổ, nước biển hiện dâng cao 4-5m.
Lúc 10 giờ sáng, biển Đồ Sơn sóng bắt đầu đập mạnh, gió bắt đầu nổi lên liên tục - Ảnh: TN |
Đặc biệt, thông tin mới nhất từ Hải Phòng cho hay, có một bè cá tại huyện Thủy Nguyên đã bị sóng to đánh trôi dạt và mất liên lạc. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, các lực lượng cứu hộ đã tìm được và cứu sống 3 mẹ con chủ bè.
Tại huyện đảo Cát Hải, ông Phạm Xuân Hòe, Chủ tịch UBND huyện cho biết, bão đã tràn vào Cát Hải, hiện trời đang mưa rất to, gió giật mạnh, nước biển dâng cao. Điều lo lắng nhất tại Cát Hải hiện nay là có 3km đê biển xung yếu đang phải chống đỡ với triều cường.
* 16h30: Cách Hải Phòng - Nam Định 60 km
Bão cách bờ biển Hải Phòng - Nam Định khoảng 60km về phía Đông Nam nhưng với tầm bán kính rộng, nên bắt đầu hoành hành tại các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định, Thanh Hóa.
Gió bắt đầu thổi mạnh, các tán cây bị bạt về một phía - Ảnh: TN |
Chiều tối nay, tâm bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
CTV VietNamNet đang có mặt tại Thái Binh điện về cho biết, hiện ở Thái Bình đang có mưa to, gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7. CTV VietNamNet đã trao đổi với ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình về diễn biễn cơn bão và công tác phòng chống bão tại đây.
Bão số 1 còn cách đất liền gần 60 km và với bán kính rộng nên đã gây ảnh hưởng các tỉnh phía Bắc - Ảnh: DV |
Ông Phúc cho biết, hiện tại 1.411 tàu thuyền của tỉnh đã được đưa vào vị trí chống bão an tòan. Có 3 thuyền chưa kịp quay về nhưng cũng đã vào nơi trú ẩn và neo lại tại đảo Cát Bà (Hải Phòng). Có thông tin báo về cho biết, các tàu này đã an toàn.
Tại Thái Bình, có hơn 1.000 lao động ở các bãi ngao của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải đã được di dời vào bờ.
Theo ông Phúc, hiện tại, mọi công tác chống bão tại tỉnh đã được chuẩn bị tốt, sẵn sàng đón bão.
Đang có mặt tại Thái Bình để chỉ huy công tác phòng chống bão, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã quan tâm nhiều đến những diện tích lúa mới cấy, các biện pháp tích cực đối phó với úng ngập, chuẩn bị sẵn sàng các hệ thống máy bơm tiêu úng khi ngập...
* 16h: Diễn biến phức tạp
Ông Bùi Minh Tăng, GĐ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, cơn bão số 1 đang diễn biến hết sức phức tạp. Hiện bão còn cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định gần 100km về phía Đông Nam.
Theo ông Tăng, cường độ bão cũng có sự thay đổi liên tục: Hiện tại, bão đang mạnh cấp 11, đầu cấp 12; số liệu đo tại trạm Bạch Long Vỹ cho hay, gió bão cấp 13, giật cấp 17.
Người dân neo giữ tàu thuyền vào nơi an tòan |
Chiều tối nay, vùng tâm bão nhiều khả năng sẽ đổ bộ rất rộng vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, khi vào đất liền bão sẽ mạnh cấp 10, giật cấp 12,13.
Đêm nay và trong ngày mai (18/7), các tỉnh phía Bắc có mưa to và rất to, lên đến 200-300 mm.
* 15h: Cách 100km, bán kính rộng
Dù cách đất liền 100km nhưng với tầm bán kính rộng, bão Côn Sơn bắt đầu hoành hành tại các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định, Thanh Hóa.
Theo ghi nhận tại các địa phương này, từ 15h ngày 17/7, các vùng ven biển đã có mưa to gió giật mạnh cấp 7, cấp 8.
Tại trạm đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh 30 m/s (cấp 11); giật 40m/s (cấp 13); Cô Tô có gió mạnh 21 m/s (cấp 9); giật 33 m/s (cấp 12). Vùng ảnh hưởng là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, đến mưa to, một số nơi có mưa rất to như Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 128mm; Mai Hóa (Quảng Bình) 122mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 181mm….
Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km. Chính vì thế, sức mạnh của cơn bão là không thể lường hết được.
* 14h: Nhiều nơi mất điện
Bão số 1 cách đất liền 100km về phía Đông Nam, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11; giật cấp 12, cấp 13.
Như vậy, cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Ninh đến Nghệ An; tâm bão sẽ đi vào các tỉnh từ Hải Phòng - Nam Định.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Như vậy khoảng chiều tối nay (17/7), vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Hải Phòng – Nam Định.
Đến 1 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.
Mưa đã bắt đầu ở các xã ven biển huyện Thái Thụy (Thái Bình) từ trưa 17-7 - Ảnh: TT |
Tại Thanh Hóa, một số huyện miền biển đã có mưa, gió giật cấp 4, cấp 5. Các huyện này đã sẵn sàng đón bão. Việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an tòan đã hòan tất, hiện các lực lượng chức năng và người dân đang tiếp tục chằng chống nhà cửa và di dời dân nơi xung yếu.
Tại Nam Định, nhiều nơi đã mất điện. Thông tin liên lạc đang khó khăn. Mưa bắt đầu to trên diện rộng.
Tại Thái Bình, trời cũng đã bắt đầu mưa, gió giật cấp 6, cấp 7. Các công việc phòng chống bão đã được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đang có mặt tại đây để chỉ đạo phòng chống báo tại Ban chỉ huy tiền phương.
Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa vừa, mưa to, thậm chí có nơi mưa to như Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
* 13h: Bắt đầu có mưa, gió giật
Tại các tỉnh, thành được dự doán trong vùng tâm bão như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã có mưa to, gió giật từ 10h sáng.
Tại Hà Nội, xuất hiện gió mạnh từ sáng và đến 13h30 đã bắt đầu có mưa. Dù không nằm trong vùng tâm bão, tuy nhiên Hà Nội lại đang được dư luận quan tâm bởi nguy cơ ngập úng khi mưa to đổ xuống. Nhiều phương án chống ngập đã được các cơ quan chức năng Thủ đô đưa ra từ chiều hôm qua (16/7).
Người dân Hà Nội cũng đã tích trữ lương thực vì ám ảnh về đường ngập, không đi chợ mua thực phẩm được và ngập kéo dài.
Tại bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng), từng cột sóng cao trên 5m liên tục quật vào bờ - Ảnh TN |
Các ngành, địa phương đã sẵn sàng đối phó với bão số 1 dự kiến đổ bộ vào Việt Nam từ chiều và tối 17/7.
Tại Quảng Ninh, báo Quảng Ninh đưa tin, hiện khu vực phố Long Thành, thị trấn Tiên Yên có nguy có sạt lở cao, lãnh đạo UBND huyện, Ban chỉ huy PCLB huyện đã huy động lực lượng quân đội, đoàn thanh niên tổ chức di dời 6 hộ gia đình đang sống tại khu vực trên đến nới tránh, trú an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh (BĐBP tỉnh) đã quán triệt duy trì nghiêm túc chế độ trực, tăng cường trực canh thông tin tìm kiếm cứu nạn, nắm chắc tình hình người, phương tiện họat động trên biển, đặc biệt là các tàu đánh bắt cá xa bờ đang họat động ở khu vực nguy hiểm; phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng, kêu gọi, hướng dẫn cho tàu, thuyền vào nơi tránh, trú bão; kiên quyết không cho tàu, thuyền ra khơi cho đến khi có lệnh mới; các đồn Biên phòng số 24, 16, 4 tổ chức bắn pháo hiệu tại các địa điểm theo quy định; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để kịp thời cơ động triển khai phương án phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Tại TP Móng Cái, bắt đầu từ 10 giờ ngày 17/7 đã xuất hiện mưa vừa đến mưa to kèm theo gió khoảng cấp 5, cấp 6. Mọi sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn vẫn diễn ra bình thường, điện và thông tin liên lạc vẫn ổn đinh đảm bảo thông suốt.Tại huyện đảo Cô Tô, tin từ UBND huyện Cô Tô cho biết, tính đến 12 giờ 30 phút hôm nay, trên địa bàn huyện đảo gió đã bắt đầu to dần từ cấp 8 đến cấp 9 kèm theo mưa lớn, hiện chưa có thiệt hại gì về người và tài sản. Địa phương đã chủ động di dời dân và tàu thuyền đến nơi trú, tránh bão.
* 11h: Thành lập Ban chỉ huy tiền phương tại Thái Bình
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, từ 11g trưa 17-7, tại các xã ven biển của hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải (Thái Bình) đã có mưa lớn, gió giật tới cấp 5-6.
Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra cống Trà Linh, Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: TP |
Theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hạnh Phúc, toàn tỉnh phải di chuyển, sơ tán khoảng hơn 6000 dân, trong đó nhiều nhất là Thái Thụy phải di chuyển hơn 5.370 dân, tiếp đó là huyện Tiền Hải hơn 450 người.
Thái Bình được dự đoán là trọng điểm của cơn bão. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo lập Ban chỉ đạo tiền phương tại đây để trực tiếp chỉ huy phòng chống bão. Ông Phát yêu cầu Thái Bình phải cảnh giác cao độ trong công tác phòng chống bão Côn Sơn, vì 5-6 năm nay, Thái Bình chưa có cơn bão nào tràn qua, người dân có thể chủ quan.
Mối lo lớn nhất của Thái Bình chính là một số tuyến đê xung yếu có nguy cơ bị vỡ khi bão về kèm theo mưa to.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, đến 11g trưa tại huyện Tiền Hải mới có hơn di chuyển được hơn 300 dân. Còn thực tế ghi nhận tại huyện Thái Thụy cho thấy, số đông các hộ dân nằm trong vùng phải di chuyển theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh vẫn "án binh" tại chỗ, đặc biệt là tại khu ngoài đê thị trấn Diêm Điền vẫn còn tới 5.000 dân chưa di chuyển.
Toàn tỉnh có 1411 tàu đã vào bờ trú ẩn tránh bão 100%.
CÁC ĐỊA PHƯƠNG CHUẨN BỊ ĐÓN BÃO:
* 10h sáng 17/7: Bão số 1 cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Thanh Hóa khoảng 180 km về phía Đông Nam
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Thanh Hóa khoảng 180 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Như vậy khoảng chiều nay (17/7), vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Hải Phòng - Thanh Hóa.
Đến 22 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 18/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Tây Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh ngày hôm nay (17/7) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12. Biển động dữ dội. Sóng biển cao từ 5 - 7 mét. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.
* Phải dự báo chính xác hơn nữa!
Liên quan đến công tác dự báo bão, báo Tiền Phong đưa tin, sáng 17/7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Vũ Văn Tám nhắc nhở TT Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phải tập trung dự báo thời tiết chính xác.
Trong đó, phải nói rõ chi tiết cho nhân dân biết: thời gian bão vào; cụ thể hướng, nơi sẽ vào; dự tính chính xác lượng mưa…
Theo ông Tám, cách nói tâm bão có thể làm người dân chủ quan, vì khi tâm bão vào Việt Nam thì thực chất, vùng ảnh hưởng của bão đã đổ bộ vào nước ta trước đó rồi.
* 5 tàu bị nạn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa
Thông báo sáng 17/7 của Ban chỉ huy PCLB&TKCN Trung ương cho hay, tổng số tàu thuyền đang di chuyển vào bờ và trong vùng nguy hiểm: 172 tàu/ 1.320 người (Nghệ An 142 tàu/924 người đang di chuyển vào bờ; Quảng Ngãi 30 tàu/396 người ở Hoàng Sa). Trong đó: tàu thuyền bị hư hỏng, chìm: 6 tàu/70 người (Quảng Ngãi: 5 tàu/68 người; Hà Tĩnh 1 tàu /3 người đã được cứu vớt an toàn).
Người dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) neo đậu tàu thuyền tránh bão (ảnh chụp chiều 16-7) - Ảnh: DV |
Số tàu thuyền vẫn giữ liên lạc: 167 tàu/1.253 người (Nghệ An 142 tàu/924 người đang di chuyển vào bờ; Quảng Ngãi 25 tàu/3297 người).
Hiện nay, quan tâm nhất là 5 tàu/67 người của Quảng Ngãi bị nạn trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đã cứu được 29 người trên 2 tàu, còn 38 người/ trên 3 tàu hiện đang được ngư dân các tàu xung quanh tìm cách tiếp cận, cứu vớt.
Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã có 3 Công hàm gửi Đại sứ quán nước công hoà nhân dân Trung Hoa đề nghị giúp cứu hộ, cứu nạn những tàu và ngư dân Việt Nam bị mắc nạn trên biển khu vực quần đảo Hoàng Sa.
* Cấm biển, sẵn sàng di dân tiếp
Tính đến 6 giờ ngày 17/7/2010, tình hình sơ tán dân tại các tỉnh, thành phố ven biển như sau:
Tổng số dân dự kiến theo kế hoạch sẽ di dời: 151.455 người (Hải Phòng 4.756 người; Nam Định 2.525 người; Thái Bình 6.019 người; Ninh Bình 1.100 người; Thanh Hoá 137.055 người). Trong đó: Số dân đã di dời: 3.394 người (trong đó: Hải Phòng 1.200 người, Thái Bình 434 người; Nam Định 1.660 người, Ninh Bình 100 người).
Số dân chưa di dời: 148.061 người (trong đó: Hải Phòng 3.556 người; Nam Định 865 người; Thái Bình 5.585 người; Ninh Bình 1.000; Thanh Hoá 137.055 người).
Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có lệnh cấm biển trong ngày 16/7/2010.
* Hà Nội phải sẵn sàng ứng phó ngập lụt
Báo Tiền Phong đưa tin, trong phiên họp sáng 17/7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã nhắc nhở Tổng cục Thủy lợi phải phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội để có các biện pháp ứng cứu khi xảy ra úng ngập.
“Cái này khả năng là nhãn tiền rồi” – Thứ trưởng Tám nói về nguy cơ ngập lụt của Thủ đô, qua đó, thúc giục các cơ quan chức năng phải nhanh chóng có các phương án đối phó với mưa, bão.
Trước đó, tại phiên họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương vào sáng qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng lưu ý Hà Nội phải rà soát khẩn trương hệ thống tiêu úng nội đô.
“Chỉ lượng mưa khoảng 150mml như ngày 13-7 vừa qua mà ngập khắp nơi là không ổn. Khi bão vào, lượng mưa lên đến hàng trăm ml Hà Nội xoay trở ra sao. Còn giải thích do quá trình đô thị hóa, đang xây dựng nhiều công trình…dẫn đến bị tắc, tiêu nước chậm thì nói vào thời điểm nào cũng đúng! Hà Nội chưa đánh giá đúng nguyên ngân gây ngập” - Phó Thủ tướng nói.
Cũng liên quan đến công tác chống lụt tại Thủ đô, sáng 17/7, 2 hồ điều hòa trong nội đô đầu tiên được cải tạo theo hình thức xã hội hóa đã được Công ty Vincom hoàn tất và bàn giao cho Hà Nội, và là hồ thứ 3 (sau hồ Thị xã Sơn Tây) trong kế hoạch 46 hồ thành phố kêu gọi doanh nghiệp tham gia cải tạo.
Tổng diện tích 2 hồ Thạch Bàn 1 và 2 là 4,7ha trên địa bàn quận Long Biên, được nạo vét từ tháng 4/2010.
* Quảng Ninh: Không được chủ quan!
Sáng 17/7, báo Quảng Ninh đưa tin, trong buổi sáng cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Ninh đã họp khẩn cấp để tiếp tục triển khai các công tác phòng chống cơn bão số 1. Ông Nguyễn Văn Đọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã chỉ đạo, mặc dù hướng đi của bão có sự thay đổi so với dự báo ban đầu, song trong mọi tình huống, công tác phòng chống phải được đảm bảo thường trực với tinh thần chủ động cao nhất.
Theo đó, từ người dân đến các cấp, các ngành, các địa phương không được chủ quan trong công tác phòng chống bão số 1. Để tăng cường thông tin, ông Đọc yêu cầu, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời cập nhật một cách sớm nhất các thông tin về bão số 1. Với diễn biến hiện tại, cần đặc biệt chú trọng khu vực ven biển, tập trung cao ở huyện Yên Hưng và TX Uông Bí.
Theo báo cáo của Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Ninh, đến nay, 14/14 địa phương đều đã sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến của bão số 1.
Từ chiều qua, 16/7, 11.500 tàu đánh cá tuyến lộng, trong đó có 159 tàu đánh bắt xa bờ đều đã về nơi trú ẩn an toàn. 473 tàu du lịch đã được di dời đến các điểm tránh trú bão theo quy định. Tính đến 7 giờ sáng 17/7, hầu hết các địa phương chưa có diễn biến bất thường về thời tiết. Tuy nhiên, hiện tại, ở huyện đảo Cô Tô đã có gió mạnh cấp 6, 7. Theo dự báo, phạm vi ảnh hưởng của cơn bão số 1 rất rộng; có mưa vừa, mưa to và rất to. Do đó, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ sẵn sàng phương án di dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở.
* Hải Phòng: Đảo Bạch Long Vĩ mất điện
Ảnh hưởng trực tiếp của bão kèm theo gió giật cấp 10 lúc đêm qua đã khiến điện trên đảo bị mất vào rạng sáng nay.
Sóng cuồn cuộn liên tục vỗ vào bờ - Ảnh: TN |
Hiện công tác thông tin liên lạc, chỉ đạo ứng cứu đối với cơn bão đang duy trì bằng máy nổ. Dự kiến, đầu giờ chiều nay sẽ khắc phục xong sự cố mất điện.
Cũng phản ánh thông tin bão tại Hải Phòng, TTXVN đưa tin, trước tình hình mưa bão khẩn cấp, ông Phạm Xuân Hòe, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cát Hải cho biết, đến sáng 17/7, lực lượng công an, biên phòng, quân đội của huyện đã hoàn tất việc di chuyển gần 1.000 hộ dân ở các xã ven biển về nơi trú bão an toàn tại xã Nghĩa Lộ.
Tất cả các bè nuôi thủy sản được đưa về neo đậu tránh bão. Huyện cũng yêu cầu những người già, trẻ nhỏ sống ở các bè nuôi lên bờ trú ở các hộ dân an toàn. Khu vực Cát Bà hiện nay tiếp nhận khoảng hơn 500 tàu, thuyền của các tỉnh khác về đây trú bão.
Huyện Kiến Thụy cũng sẵn sàng phương án di chuyển 1.100 hộ dân ở 2 xã ven biển Đại Hợp và Đoàn Xá nếu tình hình bão có chiều hướng xấu đi
* Nam Định: Gia cố xong đê Thịnh Long
Ngày 16/7, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương có công điện yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Nam Định khẩn trương triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê biển, đặc biệt là những tuyến đê trực diện biển và những khu vực đang thi công như đoạn đê biển huyện Hải Hậu từ K5+400 đến K7+800; tổ chức di dời dân, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định đã triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị và gia cố cho tuyến đê biển Thịnh Long, huyện Hải Hậu tại vị trí cống Phú Lễ; đến 18 giờ ngày 16/7/2010 đã hoàn thành, đảm bảo chống tràn và tiêu úng với lượng mưa khoảng 250mm.
Hà Nội: Tháo cầu phao Đuống khi bão vàoLữ đoàn 249 Bộ Tư lệnh Công binh cho biết, khi xảy ra trường hợp gió bão lớn hoặc nước sông dâng cao, lực lượng công binh sẽ tiến hành tháo dỡ cầu phao Đuống nhằm đảm bảo khí tài quân sự và an toàn giao thông. Do cầu Đuống đang sửa chữa nên trong trường hợp phải tháo dỡ cầu phao các phương tiện sẽ thực hiện lưu thông theo hướng đường đê ra cầu Phù Đổng và qua khu đô thị Việt Hưng. |
-
H.Lê - Vũ Lụa và CTV tại các tỉnh phía Bắc
Mời bạn đọc chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip về cơn bão số 1 tại địa chỉ banxahoi@vietnamnet.vn hoặc hòm thư: hotnews@vietnamnet.vn