Cuộc trò chuyện với tên sát nhân giết người hàng loạt Nguyễn Công Dụng diễn ra trong vòng 1 giờ để lại cho tôi nhiều ấn tượng, chủ yếu là sự ghê sợ. Hắn mô tả từng hành vi giết người cứ “nhẹ như lông hồng”. Nhưng có một điều khiến tôi bất ngờ, là khi sắp kết thúc cuộc trò chuyện, nước mắt đã rơi trên gương mặt tên sát nhân.
Trong dòng tộc họ Nguyễn ở xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh, Phú Thọ, Dụng là vai chú của chị Cao Thị Thơm. Thế nhưng, những mâu thuẫn mới phát sinh từ việc cái tường rào nhà Dụng bị đổ do việc làm đường của nhà chị Thơm, khiến tình cảm chú cháu rạn nứt. Mâu thuẫn phát sinh và trong cơn bấn loạn sau khi cuồng sát anh Chính, chị Chi, Dụng nghĩ đến đứa cháu mấy hôm nay làm hắn bực tức…
Từ đê hữu ngạn dòng Lô giang, đi xuống theo con đường đất nhỏ khoảng 30m là đến nhà chị Cao Thị Thơm. Vài năm trước, vợ chồng Dụng mua được mảnh đất, sát với nhà chị Thơm, trên đó có cái lán nhỏ, thi thoảng Dụng ra đấy ở.
Nhắc đến con, nước mắt đã mọng mi tên sát nhân máu lạnh. Ảnh: Lâm Sơn. |
Mặc dù quan hệ chú cháu, nhưng Dụng chẳng mấy khi ưa cách sống của chị Thơm. Mối quan hệ bất hòa đó lên đến đỉnh điểm khi cách đó mấy ngày, gia đình chị Thơm thuê thợ dùng máy xúc lấy đất từ trên đê xuống để mở rộng lối vào nhà. Trong khi đổ đất, người lái máy xúc chẳng may làm đổ 26m tường khu đất nhà Dụng.
Vốn đã chẳng hòa hợp, nay thấy tường rào bị làm đổ, Dụng liền đòi chị Thơm đền bù. Để giảng hòa, chị Thơm bảo sẽ xây lại bờ tường nhà Dụng, nhưng Dụng không đồng ý và đòi bồi thường 5 triệu đồng. Thấy vô lý, chị Thơm không đồng ý. Trong lúc bực tức, chị có nói với Dụng nhiều câu bất nhã. Dụng nghĩ: “Mình là chú, nó là cháu, thế mà nó dám ăn nói như với con nó như thế, không thể chấp nhận được”. Gã để trong lòng chuyện đó rồi bỏ về.
Cái ngày định mệnh 23/6 đó, sau khi sát hại anh Chính, chị Thơm, trong đầu Dụng nảy sinh ý định giải quyết nốt mâu thuẫn với chị Thơm, vì đằng nào thì cũng phạm tội rồi. Với ý nghĩ đó, Dụng lấy áo cuốn con dao đẫm máu rồi lao về phía nhà chị Thơm. Lúc này, mấy người thợ đang sửa mái nhà phía bên cho gia đình chị, do mải việc nên cũng không hay biết Dụng đi vào.
Đến nơi, Dụng thấy chị Thơm đang đứng trong nhà, hình như đang chuẩn bị nấu cơm trưa cho cánh thợ. Thấy vậy, Dụng hất hàm hỏi: “Thế mày tính giải quyết cái tường rào như thế nào? Ông không có thời gian chờ đợi nhà mày đâu nhé!”. Trước thái độ của Dụng, cộng với ức chế trong lòng mấy hôm nay do xích mích, chị Thơm đáp: “Tôi không làm đổ, ông muốn làm gì thì làm. Còn nếu ông không làm gì được tôi thì sẽ có người làm ông”.
Nghe chị Thơm nói thế, cơn điên nổi lên, Dụng rút dao trong áo, nhằm chị Thơm đâm thẳng. Mặc dù bị mũi dao trúng sườn, nhưng chị Thơm vẫn đưa tay nắm lấy tay Dụng hất ra. Không buông tha, Dụng túm lấy đầu chị, dùng dao cắt cổ nạn nhân.
Dụng kể đến đó thì ngừng lại, đôi mắt mở to, vô hồn. Gã xin thêm cốc nước, ngửa cổ uống rồi lại lặng thinh. “Sao anh giết thằng bé (cháu Nguyễn Đức Thịnh, con chị Thơm - PV), nó đâu có tội gì” - tôi hỏi. Gã trả lời rằng, gã không hiểu tại sao lại giết nó.
Đôi lúc Dụng ngơ ngác như không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình. Ảnh: Lâm Sơn. |
Dụng kể, lúc đang xảy ra chuyện trong nhà, thằng bé thấy Dụng đâm mẹ, nó cầm cái gì đó, hình như là cái búa chạy vào. Dụng đang giằng nhau con dao với chị Thơm, không biết tại sao con dao bật ra đâm trúng cháu Thịnh. Trước câu trả lời quanh co chối tội của Dụng với tôi, Trung tá Sơn chỉ rõ: “Vết dao trên người cháu Thịnh rất gọn, nếu anh không chủ ý sát hại thì không bao giờ có thể đâm như thế được”. Trước lập luận của anh Sơn, Dụng cúi đầu, im lặng.
Sau một hồi trấn tĩnh, Dụng kể tiếp: Sát hại xong mẹ con chị Thơm, Dụng quay trở lại nhà anh Chính, mục đích để tìm chị Chi. Tuy nhiên, do chị Chi lết sang phía nhà bác họ nên Dụng không tìm thấy. Trong cơn cùng quẫn, Dụng ra tay phóng hỏa căn nhà 3 gian của vợ chồng chị rồi chạy lên đê lấy xe máy của ông Cao Văn Phú chạy về hướng xã An Đạo.
Trên đường rẽ vào nhà chị Hằng, người làm cùng vợ Dụng để mượn mũ bảo hiểm, gã cầm con dao bọc trong chiếc áo vứt xuống ao. Sau đó, Dụng đi xe lên Tuyên Quang, vào nhà người anh em họ là anh Dương Tiến Sáu ở thôn Hòa Phú, xã Hòa Phú, huyện Sơn Dương gửi xe máy tại đó. Xong việc, Dụng tìm cách về nhà cô họ ở xã Tứ Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) để ẩn náu và đêm 24/6 thì bị cơ quan công an bắt giữ.
Con đường duy nhất của Nguyễn Công Dụng sẽ dẫn đến cái cột ngắm bắn. Ảnh: Lâm Sơn. |
“Tôi đi tù từ năm 1985, đã xác định khi về thì chí thú làm ăn để nuôi con cái. Ừ thì công danh của bố không còn gì, nhưng ít nhất cũng để sau này chúng nó không phải nghĩ ngợi gì về bố” - Dụng mở đầu về chuyện gia đình như vậy với đôi mắt rơm rớm ướt. Trung tá Sơn hỏi có nhớ vợ, nhớ con không? Dụng trả lời, nhớ con và thương chúng nó. Ước mong lớn nhất của gã lúc này là được gặp hai đứa con. Nói đến đây, gã khóc. Những kẻ sát nhân máu lạnh, khi đã bình tâm trở lại, nhớ đến gia đình, thì một chút lương tri con người vẫn thường hiện ra.
Lúc trở lại với con “người” đó, Dụng cứ ngơ ngác. Trung tá Sơn hỏi gặp con để xin chúng tha thứ hay dặn dò điều gì, Dụng nấc lên: “Tội của con chẳng ai có thể tha thứ được. Nếu được gặp, con sẽ bảo thằng Linh, con Cúc (con của Dụng - PV) cố gắng học hành, để sau này còn giúp đỡ thằng Tuấn, cái Lan (con chị Chi, anh Chính - PV). Bố chết đi thì các con còn có mẹ, nhưng bố mẹ chúng nó đều chết hết, nên các con phải hỗ trợ chúng nó ăn học…”. Nói đến đây, giọng Dụng nghẹn lại, mặt cúi gằm xuống đất.
Nghe những điều Dụng nói, tôi hiểu gã không hàm ý bao biện cho những tội ác “tày trời” mà hắn đã gây ra. Đơn giản chỉ bởi khi đã đối diện với sự thật, với những mất mát quá lớn mà hắn đã gây ra cho các gia đình nạn nhân, Dụng thấy cần phải làm điều gì đó, để thanh thản phần nào trong phần đời còn lại. Cũng như khi Dụng mới bước ra khỏi buồng giam, tôi hỏi mấy người cùng buồng có biết Dụng giết một lúc 4 mạng người không, Dụng trả lời họ đều biết. Hỏi họ có sợ không, Dụng đáp rằng Dụng “cũng chỉ là con người, bị bắt vào đây rồi, đâu có gì đáng sợ”.
Cuộc đối mặt với tên sát nhân đã dừng lại. Tròn một giờ đồng hồ. Trong tôi nhiều cảm xúc khó tả. Tôi ngồi nhìn gã bước đi xa dần khỏi hành lang trại tạm giam. Hai cán bộ áp tải hai bên sườn hắn. Tôi cũng rời Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ khi cơn giông đã tan, bầu trời sáng bừng và trong vắt. Chợt nghĩ đến những con người còn tồn tại sau vụ án kinh hoàng kia, lòng tôi chợt bâng khuâng.
(Theo VTC)