Phòng xử sáng đó đông hơn hẳn mọi hôm. Có đủ người quen, kẻ lạ đối với bị cáo. Người đến theo dõi vì tò mò cũng có mà vì thương cảm bị cáo cũng có.
1. Thằng thanh niên đứng lầm lũi trên vành móng ngựa. Nó có một cái tên đẹp: Bình Minh. Cái tên mà ngày nó chào đời, cha mẹ nó đã đặt, mong ước rằng tương lai nó sẽ tươi sáng như ánh nắng ban mai chứ không vất vả, tối tăm như đời của cha mẹ nó.
Mong ước là vậy mà cảnh nghèo cứ đeo đuổi. Năm nó học hết lớp 8, cha mẹ nó đành để nó nghỉ ở nhà phụ cha làm ruộng. Bản tính lì lợm, khi vừa tròn 16 tuổi, sau một lần đánh nhau khốc liệt, nó đã bị chính quyền địa phương đưa vào trường giáo dưỡng.
Nó cải tạo ở trường, từng tháng người cha vẫn chắt chiu từng đồng còm cõi đi thăm nuôi. Nhìn vóc dáng khắc khổ, gương mặt sạm đen của cha, một lần nó đã bật khóc, dù cố lắm mới thốt được một câu: “Con sẽ về sống đàng hoàng, ba à!”.
Rồi nó ra trường. Ngày về, nó không thấy cha đâu. Căn nhà vắng lặng. Nó hỏi, người mẹ gượng gạo trả lời: “Không biết ổng buồn gì mà hai tháng trước bỏ lên thành phố luôn rồi, giờ không biết ở đâu”...
Bình Minh ra phố huyện xin làm cho một cửa hàng sửa chữa xe máy. Chỉ ít ngày, có người nói thẳng với nó: “Ba mày bỏ đi vì má mày có bồ đó!”. Không chỉ một người, những lời rì rầm của hàng xóm về gã nhân tình giàu có của mẹ nó đã làm nó choáng váng.
Nó hận. Trong đầu nó nảy ra ý nghĩ: Nó sẽ khống chế những kẻ tội lỗi kia kiếm một số vốn, đi tìm cha để cùng đùm bọc nhau làm ăn sinh sống, coi như bù đắp một phần cho những gì mà cha nó và nó phải gánh chịu.
Nó biết được vào buổi tối, khi nó còn chưa đi làm về, nhân tình của mẹ nó vẫn đến nhà nó. Đến ngày đã định, nó xin phép chủ tiệm sửa xe về sớm hơn lệ thường 1 tiếng. 20 giờ, nó về đến gần nhà, thấy chiếc xe máy của người đàn ông kia dựng bên hông nhà hàng xóm, còn đèn điện nhà nó tắt. Nó lại gần cửa sổ, nghe tiếng thì thào của mẹ nó, tiếng một người đàn ông xa lạ. Nhìn qua khe cửa xuống nền nhà, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu mở nhỏ, nó thấy họ đang quấn lấy nhau…
Nó bặm môi trở ra, lần xuống bếp nhà hàng xóm lấy hai con dao yếm, mỗi con dài khoảng 40 cm rồi đi ra chỗ xe của người đàn ông kia xả hết xăng xe để người đó không thể bỏ chạy. Sau đó, nó cầm hai con dao đi vòng ra cửa sau nhà nó, lên nhà trước, bật quẹt gas lên.
Hai kẻ tội lỗi hoảng hốt buông nhau ra. Nó gằn giọng: “Nằm yên, nếu không tao chém chết mẹ!”, rồi đi đến chỗ để quần dài của người đàn ông, kiểm tra lấy được hơn 7 triệu đồng cùng một số giấy tờ. Nó lục tiếp túi áo của người đàn ông, lấy được một cái điện thoại di động.
Rồi nó lấy điện thoại di động chụp ảnh mẹ nó và nhân tình. Sau đó, nó đi ra cửa sau, quăng hai con dao, không quên nói với một câu: “Trưa mai đem 5 triệu đồng đến tiệm sửa xe đưa cho tôi, nếu không tôi gửi ảnh cho vợ ông”.
Nó dự tính sau khi lấy được tiền, nó sẽ không dễ dàng buông tha, nó sẽ trả thù. Nó sẽ gửi những tấm ảnh cho gia đình kẻ kia để gia đình đó rồi cũng sẽ tan nát như gia đình nó. Nghĩ tới đó, Bình Minh thấy hả hê lắm nhưng mắt lại cay xè. Nó khóc vì thương cha nó đang phải tha phương, còn kẻ phá hoại gia đình nó vẫn đang có tất cả.
Sự đời không đơn giản như nó nghĩ, càng không dễ dàng như những toan tính ngây ngô của nó. Nó bị bắt ngay khi vừa cầm cục tiền từ tay người đàn ông kia. Hành vi cưỡng đoạt tài sản đã rõ, nó bị khởi tố, truy tố rồi đưa ra xét xử trong một thời gian ngắn vì vụ án không có gì phức tạp, nó cũng chẳng có gì phải giấu công an...
2. Ngồi nép mình, luôn cúi mặt câm lặng ở hàng ghế thứ hai dưới phòng xử là một phụ nữ trung niên với gương mặt dù không trang điểm, dù bơ phờ, buồn bã vẫn toát lên một vẻ quyến rũ.
Bà là mẹ Bình Minh. Cũng giống bao cô gái cùng trang lứa ở cái vùng quê này, không học được lên cao nên chỉ bước qua tuổi 18, bà đã cất bước lên xe hoa về nhà chồng. Chồng bà đúng là một “anh Hai miệt vườn” thứ thiệt. Hơi lùn, da ngăm đen nhưng được trời ban cho sức lực, lại được cái tính chịu thương chịu khó, “lành như đất”, ông cũng từng được không ít cô gái làng để ý. Dù vậy, ông chỉ thầm thương bà nhưng mặc cảm không dám thổ lộ. Chỉ đến khi bà thi rớt đại học, ông mới có thêm sự tự tin, nhờ người mai mối đến xin cưới bà.
Cha mẹ của bà cũng làm nông, biết rõ bản chất lương thiện của ông nên nhanh chóng gật đầu. Còn bà, trong lúc thất vọng vì mộng giảng đường đại học bị sụp đổ, lại bị sự tác động từ phía gia đình nên cũng chấp nhận yên bề gia thất.
Về làm vợ ông, bà không phải chân lấm tay bùn dù vợ chồng chỉ sống nhờ vào mấy công đất ruộng cha mẹ chồng chia cho. Thương vợ xưa nay chỉ quen cầm viết, cầm tập, ông bắt bà ở nhà lo chợ búa, bếp núc, chuyện làm ruộng đã có ông lo. Sự quan tâm của ông cũng làm tình thương của bà dành cho chồng dần nảy nở. Một năm sau, Bình Minh chào đời càng vun vén thêm cho mái ấm của họ.
Nhưng rồi bao năm vất vả thiếu trước hụt sau đã làm bà chán nản, lắm lúc so sánh chồng với những người đàn ông khác. Một lần bán lúa, bà gặp ông chủ nhà máy xay xát lúa ở xã bên. Người này luôn ăn nói dịu dàng với bà, luôn thoải mái trả giá mua lúa của bà rất cao. Biết số điện thoại của bà, người này thường xuyên điện thoại tán tỉnh, vẽ ra tương lai xán lạn trước mắt bà nếu bà bỏ người chồng quê mùa. Không chỉ có thế, cứ mỗi lần chồng bà đi thăm con trong trường giáo dưỡng là mỗi lần người đàn ông này tìm tới tận nhà thăm bà kèm những món đồ tặng đắt giá.
Những lời ngọt ngào của người đàn ông từng trải, giàu có như mưa dần thấm đất. Bà bắt đầu xao lòng, bắt đầu lén lút phản bội người chồng chân chất. Mọi chuyện cũng đến tai chồng bà. Ông hận vì mình kém cỏi, không lo được cho vợ một cuộc sống đầy đủ, không dạy được thằng con trai duy nhất nên người. Ông bỏ quê lên thành phố, không quên để lại cho bà lá đơn xin ly hôn.
Bà ân hận nên không ký đơn nhưng bà cũng không thể cắt đứt được mối tình vụng trộm khi đã lún quá sâu. Cứ thế cho đến khi con bà trở về. Giờ thì tất cả đều đã ê chề: Chồng bỏ đi biền biệt, nhân tình cũng xa, con sắp vào tù, bản thân bà cũng không còn dám ngước thẳng mặt nhìn người quen mỗi khi ra đường…
3. Trước vành móng ngựa, Bình Minh vẫn lầm lì khi bị tòa tuyên phạt ba năm tù.
Khi bị cảnh sát áp giải rời phòng xử án, nó chỉ ngước nhìn về phía người đã sinh thành ra nó một lần duy nhất. Nó chỉ cười nhạt một lần duy nhất. Người mẹ đầm đìa nước mắt, co rúm lại, thốt lên: “Con ơi!”…
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Dù ít học, dù lạc hậu, nhiều người dân vùng sông nước này vẫn hiểu được điều ấy khi bên cạnh những tiếng tặc lưỡi: “Tội nghiệp thằng nhỏ!”, không ít ánh mắt thiếu thân thiện đã ném về phía người đàn bà cô độc đang ngồi chết lặng kia.
(Theo PL TP.HCM)