- Xen lẫn giữa những chiếc xe tải, xe đông lạnh và đội quân bốc xếp hùng hậu là những đứa trẻ 6– 16 tuổi. Khi thành phố yên giấc, bọn trẻ lao vào cuộc mưu sinh đến rạng sáng.
Cuộc sống trong đêm
19 giờ. Chợ đầu mối thủy sản Bình Điền (P.7, Q.8, TP.HCM) còn khá yên ắng. Tranh thủ lúc xe chở hàng chưa tới, một số đứa vạ vật trên thùng hàng tranh thủ chợ mắt để lấy sức gồng mình cho một đêm trắng mưu sinh mặc cho xung quanh lũ muỗi vo ve chực chờ. Những đứa trẻ khác lảng vảng ở khu vực bãi tập kết hàng.
Những đứa trẻ "mót" cá ở chợ thủy sản Bình Điền. |
Ngồi trong một góc khuất, Nguyễn Thị Tho (13 tuổi) có đôi mắt trong sáng nhưng đầy dáng vẻ trầm ngâm như người lớn. Tho tâm sự, đang học dở lớp 3, nó phải bỏ học để cùng ba mẹ khăn gói từ An Giang lên thành phố kiếm sống. “Ở dưới quê nhà em nghèo lắm, làm không đủ sống thì lấy đâu ra tiền cho em đi học”- giọng Tho buồn buồn. “Có muốn đi học trở lại không?”. “Không”- Tho đáp gọn lỏn, mắt nhìn xa xăm.
“Đi học” đối với Tho giờ đây đã trở thành thứ xa xỉ. 13 tuổi, nhưng Tho đã có “thâm niên” hơn 3 năm trong nghề.
Đêm đến cũng là lúc cả nhà nó bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh. Ba mẹ làm thuê cho các chủ vựa ốc, còn nó đi nhặt cá rơi vãi ở chợ. Cái nghèo, cái đói cứ bám chặt gia đình nó không tha.
Cũng như Tho, khi nói về hoàn cảnh gia đình, Tuấn “gầy” bỗng chùn xuống. Tuấn kể, giọng ráo hoảnh: “Em là dân tứ xứ, không biết đâu là quê hương. Ba làm thợ hồ, bữa làm bữa nghỉ, còn mẹ em bị bệnh không làm được gì”.
Trong cái chợ đêm nổi tiếng phức tạp nhất Sài Gòn này, những mảnh đời như Tuấn, Tho không thiếu. Có nhiều em quê tận Nha Trang, Phan Thiết xa hơn là Cà Mau, Bạc Liêu. Nhà nghèo, chúng làm nghề “hôi cá” để kiếm cái ăn.
Những đôi chân nhỏ phong trần trong mưa
0h sáng, trời bắt đầu đổ mưa. Khung cảnh phố chợ càng trở nên nhộn nhịp, “đội quân” nhí ngày một đông hơn. Chúng chen vào giữa các xe tải, xe đông lạnh đang đậu ở bãi để mót cá và “típ cá”.
Đa phần những em nhỏ mưu sinh nơi phố chợ có tuổi đời khá nhỏ. Đứa lớn nhất khoảng 16 tuổi, nhỏ nhất mới 6 tuổi. Tuổi thơ chúng gắn liền với tiếng chửi nhì nhặng, cộc cằn của những lái buôn, cửu vạn; với mùi hôi của rác rưởi, tanh nồng của cá và những giấc ngủ mỏi mệt phong phanh giữa trời sương.
Nhóm của Tuấn gồm Út, Thanh, Mọi, Quý, Nghiêm, Sái, Khánh… chuyên đi xúc cá thuê cho các chủ hàng. Bọn trẻ đã có sự phân chia rõ ràng, “mối” ai người nấy làm, không tranh giành.
Sái khoe: “Em mới vào nghề 2 tháng nhưng mỗi đêm cũng kiếm được 100.000 đồng, có khi hơn”. Để có được số tiền ấy, mỗi đêm Sái phải xúc tới 3 – 4 xe cá, mỗi xe trên 3 tấn cá.
Với bọn trẻ này, màn đêm buông xuống mới chính là ngày bắt đầu kiếm sống của chúng. |
Những đứa trẻ lanh lợi được các chủ hàng kêu ‘típ” cá, bốc hàng cho các chủ vựa cá và tiền công được trả công là những con cá ươn do vận chuyển đường dài.
Nhưng cách mà chúng kiếm thêm thu nhập là chờ các chủ hàng lơ đễnh liền nhanh chân đá những con cá qua gầm xe khác để cho “đồng bọn” mang đi.
Những đứa trẻ có sức khỏe yếu hơn thì đi nhặt những con cá rơi vãi ở chợ. Bọn nhỏ với bộ “đồ nghề” kiếm cơm đơn giản là một chiếc túi nilông, một đôi ủng, con mắt chúng phải nhanh, lúc nào cũng nhìn ngang, liếc dọc để tìm cá.
Đang trò chuyện với chúng tôi, chợt thấy chiếc xe tải cập vào bãi ở đằng xa, bọn trẻ lao đến như sợ ai tranh hết phần. Chúng chui vào các ngóc ngách của những chiếc xe tải đậu san sát với nhau. Con cá nào văng ra ngoài là lập tức bị bọn trẻ túm lấy.
Số cá chúng thu hoạch được sau một đêm vất vả mưu sinh được bán cho các chủ vựa. “Nhưng hay bị ép giá lắm”- một đứa, tuổi nhỏ nhất trong nhóm của Tuấn lên tiếng. Tuấn bổ sung: “Sau mỗi đêm như vậy, tui (tôi-PV) hay mang cá về đem ra chợ bán lẻ, kiếm được nhiều tiền hơn. Mỗi đêm, tụi tui cũng kiếm được vài chục ngàn, có hôm may mắn được cả trăm ngàn”.
Thấy đám bạn đang tụ tập nói chuyện, một thằng bé chạy đến, mặt hớn hở. “Tao vừa hốt được 3 con cá bông nặng hơn 7kg”. Mấy đứa khác nhìn chiến lợi phẩm của bạn, ánh mắt hiện rõ vẻ thèm thuồng.
Nó là Phúc “nhí”, một tay anh chị của nhóm. Phúc quê ở Đồng Nai, đã 4 năm gắn bó ở cái chợ này. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, không ai đoán được nó 15 tuổi. Phúc vừa “típ cá” vừa kiêm luôn “mót cá”…
Mưa mỗi lúc một nặng hạt, nước chảy lênh láng khắp chợ. Bọn trẻ lấy những chiếc bao tải đựng cá khoét lỗ mặc vào người, rồi lại tiếp tục lao ra mót cá.
Mưa giúp chúng kiếm được nhiều tiền hơn vì chủ cá dễ mất cảnh giác. Chúng chỉ sợ bảo vệ chợ cá- những người “bên kia chiến tuyến”.
-
Trịnh Sơn- Thu Thắm
Kỳ tới: ““Thế giới ngầm” chợ cá Bình Điền
“Rừng nào cọp nấy”. Muốn tồn tại ở chợ cá, Tuấn và đám bạn có lúc phải trả giá bằng máu và những trận mang mã tấu giáp lá cà của những nhóm “típ cá” khác.