221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1302395
Một người Việt hầu toà Singapo vì tội "quấy rối"
0
Article
null
Một người Việt hầu toà Singapo vì tội 'quấy rối'
,

Tháng 9.2009, tòa án Singapore đưa một thanh niên Việt Nam ra trước vành móng ngựa với cáo buộc xâm phạm sự đoan trang của một phụ nữ địa phương. 
Ngày càng nhiều người Việt đến Singapore học tập, sinh sống và làm việc, cũng như đi du lịch, chữa bệnh, đóng góp trí tuệ và tài lực cho nền kinh tế nước này. Trong số đó, có một vài người do vô tình, táy máy hay thiếu hiểu biết mà phạm luật, bị tòa án sở tại xử phạt nặng nề... 

Cái sảy nảy cái ung

Trước đó vài tháng, C. - một kỹ sư trẻ lập gia đình chưa lâu, đến khám tại một trung tâm y tế vì những mụn đỏ trên ngón tay. C. từng đến khám ở đây vài lần bởi chứng bệnh này.

Lần đó, người khám cho C. là một nữ bác sĩ trẻ và phòng khám chỉ có một mình cô. Sự việc được cô bác sĩ, danh tính được tòa án đề nghị giấu kín, khai tại tòa và báo chí thuật lại như sau: Sau khi cô khám ngón tay và kê thuốc bôi, C. yêu cầu được khám thêm ở mông. Cô yêu cầu C. cởi bỏ quần, rồi khám mông và bẹn. Trên mông có những vùng da bị sạm. 

d
 

Bất ngờ, C. “nổi hứng”, nắm lấy tay cô kéo gần lại mình. Cô giật tay ra và trở lại bàn làm việc, trong lúc C. ngồi “tồng ngồng” trên giường khám và hỏi: “Cô khám xong rồi chứ?”. Sau đó C. mặc quần vào rồi đến đứng sau lưng, đặt hai tay lên hai vai cô, cúi sát người cô và nói: “Tôi rất mến cô”. 

Rồi C. chồm sát định hôn cô. Cô la lên, một nữ y tá chạy vào và C. bước ra khỏi phòng. Một lúc sau C. quay lại xin lỗi cô và đặt ngón tay lên môi ra hiệu cô giấu kín chuyện. Sau đó, cô báo cảnh sát, C. bị bắt và được cho tại ngoại hầu tra.

 

Tại tòa, C. phản bác cả 2 cáo buộc rằng anh dùng sức kéo tay bác sĩ về phía mình cũng như định hôn cô. C. khai rằng khi khám bẹn, bác sĩ đặt tay lên đùi khiến anh bị nhột nên có gập người lại, chứ không kéo tay bác sĩ. Trong lúc bác sĩ rửa tay ở bồn thì anh hỏi bác sĩ khám xong chưa. Bác sĩ trả lời “đã xong” thì anh mặc quần vào. 

Sau đó, anh có đến đặt tay lên vai bác sĩ và nói “Tôi rất mến cô”, nhưng bị bác sĩ quát nên anh rút lui và ra khỏi phòng. Cảm thấy bác sĩ bị tổn thương nên sau đó anh quay lại xin lỗi.

Sự thật không ai biết chính xác vì không có nhân chứng độc lập tại chỗ. Phòng khám cũng không có camera, nên câu chuyện càng rối rắm. Luật sư của C. trong quá trình đối chất cũng nêu ra nhiều thắc mắc. Khi ông hỏi bác sĩ có mang khẩu trang lúc C. định “hôn” không, ban đầu cô trả lời “không”, sau bảo “không nhớ rõ”. Luật sư cũng lập luận, nếu đã bị phản kháng ngay tại giường khám, ít có khả năng C. tiếp tục tiếp cận và muốn hôn bác sĩ. 

Mặt khác, thời gian mà C. đặt tay trên vai bác sĩ tới lúc anh định “hôn” , theo lời khai của cô, từ 10-15 giây, là quá dài. Trong lần đối chất gần đây nhất, khi luật sư hỏi cô có chắc diễn biến mọi việc như cô đã khai trước đó 2 lần là chính xác, thì cô ngập ngừng hồi lâu rồi trả lời: “Tôi không nhớ”.

Từ đó đến nay, C. đã nhiều đợt ra hầu tòa, mỗi đợt kéo dài trong nhiều ngày. Hồi tháng 7 vừa rồi, khi phiên tòa vừa tái diễn, C. lập tức bị đuổi việc do một tờ báo địa phương đăng tên một công ty được nói là nơi anh đang làm việc. Thật ra, công ty bị nêu tên chỉ thuê công ty của C. thực hiện một vài hợp đồng. Tờ báo này đã đăng tin đính chính và xin lỗi…

Không lối thoát

Tôi đến dự phiên tòa của C. vào một buổi sáng mưa tầm tã. Cả C. lẫn cô bác sĩ và người nhà của hai bên đều đang ngồi ngoài phòng xử án. Bên trong, luật sư của C. và công tố viên bảo vệ cho bên nguyên đơn đang làm việc với nhau và chờ phiên dịch viên người Việt đến. Trong bộ veston tươm tất như một doanh nhân, nét mặt C. buồn rười rượi. 

Vừa nhận ra tôi là người Việt, C. chủ động bắt chuyện. Vợ C., cũng là người Việt, nhận ra tôi thì mừng rỡ, kéo lại nói chuyện. Cô chia sẻ về nỗi khổ tâm mà gia đình hai bên phải chịu đựng kể từ ngày C. bị đưa ra tòa. Riêng tiền trả cho luật sư đã “bộn bạc”. Về phần mình, cô cũng đang lo sợ bị mất việc bởi liên tục xin nghỉ phép để theo chồng hầu tòa. 

Người mẹ trẻ của đứa con 2 tuổi đã nhiều lần gửi thư cho cô bác sĩ với mong muốn hòa giải và xin lỗi, nhưng đều bị khước từ.

Ngồi sát tôi là một phụ nữ rất đẹp, ăn mặc sang trọng và xách túi đắt tiền. Bên cạnh bà là cô bác sĩ. Trông họ có vẻ như hai mẹ con. Cô gái cũng ăn mặc sang trọng, vóc người và làn da rất đẹp, nhưng gương mặt câng câng khó tạo thiện cảm. Trong khi đối chất với luật sư của C., thi thoảng cô lại nhìn xuống nháy mắt và cười nửa miệng với chàng công tố viên với cử chỉ đắc thắng.

Trong khi đó, vợ C. cay đắng bởi sự đường đột của chồng, lẫn với sự thông cảm và rắn rỏi: “Đến nước này thì phải theo tới cùng thôi”. Hai bên đang tiếp tục viết lại tường trình của mình để nộp lên tòa xem xét trong đợt xét xử tới. Bản án dành cho những người có hành vi sàm sỡ tối đa là một năm tù giam, hoặc phạt tiền, hoặc đánh roi, hoặc kết hợp các hình phạt này.

Cái giá quá đắt

Chiều muộn ngày 2.7 vừa qua, Báo Thanh Niên nhận được thông cáo từ Lãnh sự quán Singapore tại TP.HCM cho hay tòa án Singapore vừa kết án một người Việt 22 tháng tù giam và đánh đòn 15 roi vì tội quấy rối những con nợ vay nặng lãi. Thông cáo của lực lượng cảnh sát Singapore (SPF) nói rằng Mai Thanh Tài, 22 tuổi, nhập cảnh vào nước này ngày 26.5 theo diện khách du lịch và bị bắt sáng 2.6 khi xuất hiện với bộ dạng khả nghi trước một căn hộ ở khu Clementi. Người dân đã lập tức báo cảnh sát khu vực đến khám xét tư trang của Tài. Họ tìm thấy bút lông, sơn và giấy ghi nợ, nên bắt Tài vì nghi rằng Tài được những chủ nợ thuê để quấy rối con nợ vay nặng lãi.

Cũng theo bản thông cáo, Tài từng thực hiện 6 vụ quấy rối con nợ ở nhiều khu vực khác nhau, theo yêu cầu của một người bạn ở VN với thù lao 30 SGD (430.000 đồng)/lần quấy rối. Theo đạo luật Người cho vay, người vi phạm như Tài lần đầu có thể bị tù giam không quá 5 năm, và bị phạt từ 5.000 -50.000 SGD, và phạt từ 3-6 roi. Tổng hợp các lần vi phạm, ngày 28.6, tòa án Singapore tuyên phạt Tài 22 tháng tù giam và đánh đòn 15 roi.

Một người Việt sống nhiều năm tại Singapore khi đọc được bản tin này đã thốt lên: “15 roi và 22 tháng tù cho hành vi quấy rối con nợ ư? Tôi chưa bao giờ thấy mức án nặng như thế đối với người Singapore phạm tội tương tự. Kể cả những tội danh nghiêm trọng hơn nhiều cũng hiếm người nhận đến 15 roi!”. Một người khác tính toán: “Giả sử cậu ta thực hiện trót lọt 6 lần và được trả tiền đầy đủ, được 180 SGD, tức chừng 2 triệu rưỡi đồng, để đổi lấy chừng ấy hình phạt? Nhận đủ 15 roi chắc cậu ta tàn phế mất!”.

Trên một diễn đàn của người nước ngoài tại Singapore, bản tin điện tử tiếng Anh của Thanh Niên được trích đăng lại, nhận được nhiều bình luận. Thành viên có nickname RacNamman viết: “22 tháng tù và 15 roi chỉ vì muốn được trả nợ ư? Singapore đang sống ở thế kỷ nào vậy? Thế kỷ 12 ư?”. Trong khi đó, nhiều thành viên khác cho rằng tòa án cũng cần tìm ra những chủ nợ và trừng phạt họ.

Gần đây, báo chí Singapore cũng đăng nhiều vụ người Việt sang Singapore theo diện du lịch và có hành vi móc túi, trộm đồ ở những cửa hàng thời trang, siêu thị. Cảnh sát cho biết họ đã nắm gọn kẻ phạm tội khi những hành vi khả nghi đầu tiên lọt vào ống kính camera gắn ở khắp các ngóc ngách của cửa hàng, siêu thị, điểm vui chơi, nhà ga, bến tàu... Tuy nhiên, họ chỉ ra tay ở phút cuối và tóm nguyên cả mẻ.

Mới hôm 29.6, cảnh sát bắt một nhóm 8 người Việt gồm 4 nam, 4 nữ tuổi từ 23-40, sau nhiều ngày theo dõi hành vi lấy trộm đồ của từng người ở nhiều cửa hàng thời trang trong khu Orchard.

Hồi tháng 10.2007, cảnh sát Singapore cũng bắt gọn nhóm 5 người Việt tại sân bay lúc họ chuẩn bị về VN cùng toàn bộ áo quần trộm được trong nhiều ngày trước đó. Bản án dành cho họ là nhiều năm tù giam.

Bên cạnh đó, những vụ trộm vặt hay việc “táy máy” của C. khi xuất hiện trên mặt báo lập tức nhận được những bình luận đầy khinh miệt của giới trẻ Singapore. Nó trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của cộng đồng người Việt ở đây, gây phiền toái cho người có nhu cầu nhập cảnh Singapore với mục đích chính đáng...


(Theo Thục Minh - báo Thanh Niên) 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,