- Đối với nhiều người, ông già tên Khang ngồi ở vỉa hè số 61 Hàng Đường xứng đáng với danh phong “đệ nhất chữa phéc-mơ-tuya đất Hà Thành”.
Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Hữu Khang, tuổi nay đã ngoài thất thập. Đã rất lâu rồi, từ những năm 60 đến nay, ông Khang ngồi chữa phéc-mơ-tuya ở số 61 Hàng Đường (Hà Nội). Chính xác hơn, ông ngồi trên vỉa hè, thẳng với bức tường của nhà số 61, kẹp giữa hai cửa hàng bán quần áo đầy màu sắc.
Ông Khang ngồi chính giữa bức tường số nhà 61 Hàng Đường, cặm cụi chữa khoá suốt nửa thế kỷ. |
Đồ nghề gồm có: 1 cái tủ gỗ nhỏ, rộng chừng 60cm- bên trong chứa lỉnh kỉnh những kìm và dao rọc giấy, kim chỉ và cả kính lão. Bên trên nóc tủ để cái quạt con cóc màu xanh chạy vè vè, mà chủ nhân của nó mua từ hồi chỉ có…35 đồng. Ngoài ra là một cái ghế xếp có tựa lưng để ông Khang ngồi.
Tất tật chỉ có thế, ấy thế mà ông Khang có thể tồn tại được với nghề chữa khoá kéo đến tận bây giờ (trong khi những nghề cùng thời như: khắc bút Bờ Hồ, hàn dép…giờ chỉ còn trong dĩ vãng).
Mà khách hàng của ông thì lắm khi đối nghịch hoàn toàn với “ông già cổ lỗ sĩ”: Một cô gái trẻ, xinh xắn phóng xe máy xịch đến, giơ ra cái túi Louis Vuitton: “Bác ơi, cái khoá túi này kéo toàn trượt, sửa giúp cháu với”. Ông Khang giơ tay nhận túi, gật đầu “Cháu đợi 15 phút nhé”.
Lỉnh kỉnh đồ nghề chữa khoá trong chiếc tủ gỗ nhỏ |
Không có chỗ ngồi, cô gái dựng luôn chiếc
Kể cũng lạ, trong cái thời buổi mà hàng thời trang như balô, túi, áo..bày bán ê hề, chưa kể là phéc-mơ-tuya mới tinh của Trung Quốc được bán theo…bó, chỉ cần vài đường khâu máy là xong thì vẫn có nhiều người tìm đến cái số 61 Hàng Đường này để sửa khoá kéo: Ông già bà cả hay hoài niệm, cố giữ lại những chiếc túi chứa đầy kỷ niệm; giới trẻ như cô gái trên thì muốn giữ chất zin cho món đồ của mình…
Thực ra ở Hà Nội người ta có thể tìm đến phố Hà Trung- ở đó cũng có rất nhiều cửa hàng nhận sửa khoá kéo, nhưng đến với ông Khang, người ta còn được ông…bảo hành cho chính cái khoá kéo vừa sửa.
Không tem, nhãn gì song chỉ cần liếc mắt ông đã biết cái túi này từng qua tay mình hay chưa. Hầu như không bao giờ ông khuyên người ta thay khoá mới, dù cho cái khoá cũ đã hở đến cả chục răng.
Kẹp ông Khang ở giữa là 2 cửa hàng bán quần áo đầy màu sắc. |
Còn nhiều tình tiết có thể kể về sự lành nghề của ông Khang: Sau khi dỡ cái khoá cũ ra chữa, rồi may lại, bao giờ ông cũng khâu sao cho mũi kim mới phải đi đúng vào cái lỗ của đường chỉ cũ để đảm bảo thẩm mĩ; thậm chí không cần nhìn (ví dụ như buổi tối mất điện) ông vẫn có thể cấy lại từng răng túi như thường…
Chữa xong, bao giờ ông cũng hơ lửa, bôi nến lên khoá túi, khoá balô, khoá quần áo cẩn thận rồi mới giao cho khách, và không quên dặn họ cách sử dụng để cái phéc-mơ-tuya được bền. Quan trọng nữa là ông lấy công chữa rất rẻ, không vì một cái túi trị giá cả nghìn USD mà “chặt chém” quá 20 nghìn đồng.
Chính sự tận tâm với nghề ấy trong suốt nửa thế kỷ đã đem lại lượng khách lớn cho ông Khang: nhiều khi khách đến đứng đợi ông đầy lòng đường (cũng vì ông ít nhận để túi lại) còn đông hơn cả 2 cửa hàng quần áo bên cạnh.
Quả, ông thực xứng với danh phong “đệ nhất sửa phéc-mơ-tuya đất Hà Thành”.
-
Đỗ Minh