Sự kiện chuyên gia Nguyễn Vũ Tuấn Anh tuyên bố sẽ "ngăn được mưa" dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang được dư luận quan tâm. VietNamNet trích đăng lại bài phỏng vấn của báo VTC News với ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia.
TIN LIÊN QUAN
- Thưa ông, dù việc dừng bắn mây ngăn mưa dịp Đại lễ đã được Chính phủ quyết định dừng, nhưng xung quanh việc này vẫn được mọi người quan tâm và bàn luận, ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Công nghệ phá mây ngăn mưa, Việt Nam chưa làm chủ được, phải đi thuê, vì vậy rất khó triển khai thực hiện trong thời gian ngắn. Để làm được việc này phải nghiên cứu rất kỹ, bởi vì mỗi hiện tượng vật lý xảy ra trong khí quyển đều có quy luật chung, nhưng tại mỗi địa phương, vùng miền khí hậu lại có những đặc điểm riêng. Ví dụ như điều kiện vật lý để mây hình thành và phát triển ở vùng ôn đới có những điểm khác với vùng nhiệt đới.
Phó Tổng Giám đốc, người phát ngôn của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia Phạm Văn Đức
Ngoài ra còn phải kể đến sự tác động của điều kiện địa hình. Để phá được mây người ta phải nghiên cứu, nắm vững đặc điểm của quy luật hình thành và phát triển của nó tại địa phương cần phá.
Chính vì vậy, người ta rất lo ngại việc đảm bảo độ thành công trong việc tác động nhân tạo đối với mây ở vùng mà chưa được nghiên cứu. Hơn nữa, kể cả những nước dẫn đầu về lĩnh vực này như Nga, Mỹ, Trung Quốc, cũng không phải lúc nào cũng thành công trong các dịch vụ tác động nhân tạo vào mây, chính ngay trên quê hương của họ.
- Ngoài việc bắn mây ngăn mưa bằng phương pháp khoa học, ở vị trí công tác của mình, ông đã bao giờ được biết các ý tưởng “phá mây” ngăn mưa khác không?
Về phá mây, ngăn mưa bằng những phương pháp khác tôi chưa được nghe, nhưng tôi nhận được rất nhiều thư gửi đến trình bày những phương pháp dự báo thời tiết bằng tâm linh, kinh dịch, có người viết cả tập dày.
Tôi còn nhớ vào dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh (1998) một cơn bão hình thành trên biển Đông di chuyển rất nhanh về phía bờ biển Nam Bộ, dự báo bão sẽ đổ bộ vào bờ biển Vũng Tàu - TP Hồ Chí Minh đúng vào đêm diễn ra lễ kỷ niệm, nên kịch bản chương trình đã rút ngắn lại và kết thúc trước dự kiến. Sau đó cơn bão chuyển hướng lên phía Bắc, không ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ. Thế nhưng có người viết thư đến cơ quan khí tượng thủy văn nói là “do tôi dùng khả năng riêng ngăn cản bão vào TP Hồ Chí Minh để bảo vệ ngày lễ”!
Quả thực, chúng tôi đọc những thư đó không thấy những chứng lý khoa học, thấy nó thuộc về tâm linh, chúng tôi không đánh giá.
- Mới đây có nhà nghiên cứu lý học Đông phương khẳng định có thể dùng ý thức của mình để ngăn mưa bão trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thậm chí, mới đây còn có thông tin dự báo từ nhà nghiên cứ lý học Đông phương cho biết dịp Đại lễ sẽ có hiện "phản quang rất lạ". Nghe thông tin này ông có suy nghĩ gì?
Về nguyên lý muốn phá mây phải dùng một nguồn năng lượng cực lớn để làm bay hơi các giọt nước trong đám mây, hoặc đẩy nhanh quá trình phát triển của mây để mây gây mưa ngoài vùng cần bảo vệ, hoặc làm thay đổi hướng di chuyển của mây, trong trường hợp này cũng cần một nguồn năng lượng rất lớn để tác động.
Tôi nghĩ rằng nếu Nhà lý học Đông phương chứng minh trên thực tế dùng ý thức của mình tạo ra nguồn năng lượng như vậy thì có thể tin ông ta phá mây đuổi mưa được.
- Nhưng nhà nghiên cứu này đưa ra những luận chứng khoa học để thuyết minh cho ý tưởng của mình?
Như trên tôi đã nói, đây hoàn toàn là lĩnh vực khoa học khác, nếu có thể nói như vậy, chúng tôi không am hiểu lĩnh vực này, nên không dám bình luận. Nhưng nói chung rất khó kiểm chứng - nếu tổ chức cho nhà nghiên cứu đó thử nghiệm.
- Nhưng nếu các cơ quan chức năng quan tâm thì liệu có nên xem xét những ý tưởng ngăn mưa, bão để có được thời tiết đẹp dịp Đại lễ sắp tới không, theo ông?
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc ta, cho nên tôi nghĩ rằng bất cứ ai tự nguyện làm một việc gì đó để đại lễ thành công, mà không tốn kinh phí của Nhà nước thì cũng nên khuyến khích.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo VTC News)
TIN LIÊN QUAN