- "Quý vị đừng nóng ruột, bởi từ nay đến ngày mùng 10/10 là hạn cuối cùng, quý vị sẽ có dịp chứng nhiệm. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được báo chí đưa lên nên mới gây sốc và ngạc nhiên..." - VietNamNet trích đăng những ý kiến tranh luận của độc giả với chuyên gia Nguyễn Vũ Tuấn Anh, người trong thời gian qua được dư luận quan tâm đặc biệt về tuyên bố sẽ "ngăn được mưa, bão" trong dịp diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Độc giả Lê Đình Hiếu, Nam, 57 tuổi: Xin ông cho biết căn cứ khoa học để có thể đuổi mưa, bão 7 ngày trong dịp Đại lễ ?
Độc giả Hmm, nam, 28 tuổi: Tôi không tin vào khả năng mà ông nói là ông làm được và nếu Ông có khả năng đó thật thì sao bây giờ mới công bố, phải chăng chờ dịp trọng đại này thì mới có cơ hội nổi tiếng?
Độc giả Đào Đức Thắng, nam, 58 tuổi: 1-Xin phép được hỏi ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh là ông có khả năng đuổi mưa ngăn bão, vậy khả năng "hô mưa gọi gió" thì ông có làm được không? 2-Nếu "có" thì ông có sẵn lòng thể hiện một chút bản lĩnh của mình bằng cách tạo ra một cơn mưa vào ngày giờ theo yêu cầu của ban tổ chức hay không ( thời gian mưa ,và lượng mưa thì hoàn toàn theo ý ông để tránh lạm dụng thiên ý. 3-Nếu mục 2 mà ông Tuấn Anh đồng ý thì chúng tôi mong rằng ban tổ chức cũng sẵn lòng ủng hộ. Xin gửi ông lời chào trân trọng và tấm lòng cảm phục!!
- Tôi không thể làm được, bởi tôi không phải là người làm xiếc!
Độc giả Đỗ Thành Luân, 18 tuổi: Bất cứ việc gì cũng đều có xác xuất (tỷ lệ %) của nó, vậy việc làm của ông sẽ có bao nhiêu % thành công?
- Đã là 1 phương pháp, không phải là phù thủy, tôi vẫn có thể thất bại
Độc giả Khương Tử Nha, nam, 22 tuổi: Xin hỏi chuyên gia Nguyễn Vũ Tuấn Anh: Đại lễ 1000 năm Thăng Long diễn ra trong 10 ngày, sao không "đuổi mưa" 10 ngày mà lại chỉ là 7 ngày. Có gì khó khăn trong việc "đuổi mưa" 10 ngày và 7 ngày sao? Hay theo "thiên tượng" thì xác suất không mua chỉ có 7 ngày? Xin cảm ơn chuyên gia!
- Điều này thuộc về phương pháp luận của Lý học Đông Phương, theo quan điểm của tôi, hành hỏa đổi số là 7, trong khi trong sách Hán là 9, cho nên tôi chỉ dám cam kết đến 7 ngày. Và chỉ có hành hỏa mới bảo đảm được ánh sáng và không mưa. Tôi giới hạn đến 7 là tôi cố gắng khiêm tốn trong khả năng của tôi. Và đấy cũng là kết quả chắc ăn nhất!
Độc giả Nghiêm Xuân Cháng, nam, 22 tuổi: Làm sao bác có thể đuổi mưa bão? Đó là quy luật tự nhiên, con người đâu có thể ngăn được. Nếu thời tiết những ngày diễn ra Đại lễ tốt thi cháu nghi rằng đó là lòi tiên chi của bác thôi.Vậy bác làm thế nào để đuổi được mưa bão trong nhũng ngày đó ạ. Bác dựa vào phương tiện khoa học ký thuật, hay bác dung sức mạnh cua thần thánh mà người ta vẫn gọi là duy tâm? Dù sao không chỉ cá nhân chác mà nhân dân cả nước cung đang chờ đợi ngày Đại lễ diễn ra trong không khí của tiết trời mát mẻ và thật đẹp. Cháu cảm ơn bác! Mong Đại lễ diễn ra với thời tiết như bác đã hứa.
- Tôi có một quan điểm rất rõ ràng, thuyết âm dương ngũ hành là một thuyết thống nhất vũ trụ, tất nhiên lý thuyết đó phải vượt trội vì cho đến ngày hôm nay, khoa học hiện đại chưa xác định được là có hay không 1 lý thuyết thống nhất vũ trụ. Mặc dù đó là điều mơ ước.
Tôi muốn nói, ngay cả một hiện tượng toán học mà nhà toán học Ngô Bảo Châu vừa mới thành đạt bởi chứng minh được bổ đề toán học thì kiến thức này là kiến thức vượt trội trên nền tảng của trí thức hiện đại. Mọi người đều có thể cảm nhận được điều này mặc dù không phải ai cũng hiểu được cái bổ đề ấy như thế nào.
Tôi tin rằng, ngay cả những người có kiến thức toán học uyên thâm cũng chưa chắc đã hiểu được bổ đề của Ngô Bảo Châu. Bởi, nếu không chuyên sâu về ngành toán học đó thì chưa hẳn đã hiểu được bổ đề của Ngô Bảo Châu. Nhưng điều này vẫn được người ta công nhận bởi vì nó xuất hiện trên nền tảng trí thức hiện đại và được các nhà khoa học hàng đầu thừa nhận thì họ dễ công nhận hơn.
Vậy, với 1 trí thức vượt trội lên trên cả 1 nền tảng hiện đại là 1 lý thuyết thống nhất vũ trụ thì có thể khiến cho mọi người hiểu được một cách phổ biến.
Trong hoàn cảnh đó, có một giáo sư đã đặt 1 vấn đề là nếu đã có lý thuyết thì nó phải giải thích được cả vấn đề về tôn giáo và tâm linh. Thực chất sự phân biệt giữa khoa học và tâm linh chỉ là cái nhìn nhận hiện thời mà thôi, bản chất không có vấn đề gì, không có khái niệm khoa học về tâm linh mà nó chỉ có 1 vấn đề là chân lý đang tồn tại như thế nào.
Có những sự thật chúng ta chưa phát hiện được. Tôi cũng xác định 1 lần nữa rằng không hề có chuyện tâm linh hoặc thần thánh gì trong việc tôi đặt vấn đề là không thể mưa được trong 7 ngày Đại lễ Thăng Long. Nếu coi đây là một lời tiên tri thì cũng được, nhưng ít ra cũng xác định được rằng tôi là người đầu tiên dám tiên tri và công bố điều đó, nếu chẳng may nó… đúng. Vì sự tác động này là sự tác động gián tiếp, không ai có thể kiểm chứng được rằng tôi có làm hay không. Mọi người có thể không công nhận.
Độc giả Nguyễn Trường An, nam, 25 tuổi: Thưa bác Tuấn Anh, Bác nói "ý thức con người tác động được đến các hạt proton" (trên báo điện tử VTC). Cháu công nhận con người đã dùng "ý nghĩ" của mình để di chuyển các đồ vật nhẹ như đồng xu, giấy... nhưng không phải ai cũng làm được chuyện đó, vì ở mỗi người có nguồn "năng lượng tự thân" phát ra ở mức độ khác nhau. Vậy bác dùng "ý thức" thì có gì khác so với dùng "ý nghĩ" không? "Ý thức" của bác truyền vào không khí dưới dạng năng lượng nào mà nó mạnh đến độ có thể ngăn mưa 7 ngày. Bác có thể chứng minh bằng cách ngăn hạt nước tràn ra khỏi ly nước đang đổ không?
- Không, tôi trả lời thẳng thắn là tôi không làm được những chuyện này! Còn chuyện "ý thức con người tác động được đến các hạt proton" không phải là do tôi nói, mà là 1 thí nghiệm trong vật lý điện tử khi người ta cho những hạt proton đi qua 2 khe ánh sáng để tác động vào màn hình thì những người tham gia thí nghiệm đã nhận thấy rằng ý thức của họ đã tác động làm cho các hạt Proton đi qua khe này nhiều hơn khe bên kia.
Điều này là do các tiểu luận khoa học nói đến, tôi lấy điều này ra chỉ để làm 1 thí dụ chứng minh rằng ý thức tác động được, chứ không phải tôi coi ý thức của tôi có thể tác động đến các hạt Proton, cũng như tôi không thể làm cho cái thìa cong lên được. Việc ngăn cơn bão chỉ làm được khi nó mới manh nha chứ không thể ngăn được khi cơn bão đã nổi lên, tức là khi giọt nước đã rơi xuống thì tôi cũng chịu. Và khả năng của tôi cũng chỉ đến đấy. Tôi không phải là thần thánh để mọi người đặt những vấn đề thách đố.
Độc giả Thái Lương Hoàng, nam, 22 tuổi: Chào chú Nguyễn Vũ Tuấn Anh Cháu được biết rằng, dưới sự tác động ý thức của bản thân, ông hoàn toàn có thể thực hiện được việc ngăn mưa, đẩy lùi bão trong những ngày diễn ra Đại lễ vào tháng 10 tới. Cháu biết ý thức tiêm năng con người là vô hạn nhưng việc ma chú nói năm ngoài khả năng, tiêm năng, ý thức của con người.Ngoài trừ sử dụng biện pháp khoa học để làm việc đó. Con người có thế đối trọi với tự nhiên chứ không thể điều khiên được nó chú nghĩ sao ạ?
- Đầu tiên tôi cũng không quan tâm gì đến chuyện mưa hay không mưa, nhưng sau đó có 1 bài báo nói về chuyện bỏ ra 1 tỉ USD để ngăn mưa Đại lễ. Tôi cho rằng tôi có thể ngăn được 7 ngày, những chuyện dự báo này từ trước đến nay tôi cũng đã làm rất nhiều, nhưng chỉ đến lần này khi được báo chí đưa lên, mọi người mới quan tâm nhiều. Nhiều người cho rằng tôi mới đột xuất tiên đoán từ đợt này, nhưng thực ra nó là 1 quá trình rồi. Chính GS. Đào Văn Đức cũng đã thừa nhận tôi đã từng dự đoán nhiều lần rồi.
Độc giả Nguyễn Duy Tân: Thưa ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh! Tôi là người tin vào khoa học thực nghiệm, muốn hỏi ông: Ông đã học ngăn bão, đuổi mưa từ đâu, và đã thực hiện thành công bao nhiêu lần trong tổng số bao nhiêu lần thực hiện? Tại những nơi nào? Xin cảm ơn!
- Để trả lời câu hỏi này, mời quý vị vào trang Lý học Đông Phương để xem, trong đó có lời tiên tri của tôi từ năm 2007 cho đến tận ngày hôm nay, và rất nhiều topic liên quan đến bão lụt. Do thời gian có hạn, tôi không thể thống kê và trả lời ngay được. Còn về cơ sở khoa học thì trước hết chúng ta phải xem thế nào là cơ sở khoa học.
Độc giả Trịnh Đức Độ, nam, 40 tuổi: Cơ sở khoa học nào để ông có thể khẳng định được việc làm trên? - Việc ngăn mưa chỉ nằm ở khu vực trung tâm Hà Nội cũ hay toàn bộ Hà Nội mở rộng? - Nếu không thành công thì ý kiến của ông thế nào?
- Tôi muốn nhắc lại rằng, việc này tôi làm là bằng tinh thần vô tư, và tôi đưa lên mạng cũng như chuyện thường ngày, vì tôi nghiên cứu về lý học Đông Phương, mà một trong những khả năng của Lý học Đông Phương là dự báo tiên tri. Hàng ngày tôi vẫn thường post lên mạng những dự báo về mưa bão.
Ví dụ như đợt hạn hán trong tháng 7 vừa rồi, đài khí tượng thủy văn Trung ương xác định rằng sẽ hạn nặng và sẽ mất mùa, như vậy đài khí tượng thủy văn Trung ương có cơ sở khoa học không? Vậy tại sao lại sai, trong khi tôi nói rằng sẽ không xảy ra điều này, mà đến nay rõ ràng tôi đã đúng. Thế thì cơ sở khoa học là gì, phải chăng là 1 thực tại khách quan được chứng nhận, tôi đúng thì là tôi có cơ sở khoa học. Quý vị đừng nóng ruột, bởi từ nay đến ngày mùng 10/10 là hạn cuối cùng, quý vị sẽ có dịp chứng nhiệm. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được báo chí đưa lên nên mới gây sốc và ngạc nhiên.
Độc giả Nghiêm Xuân Hậu, nam, 31 tuổi: Kính thưa chuyên gia! Đúng là khả năng con người thì nó vô cùng bí ẩn và không thể khám phá hết với trình độ của thế giới hiện nay. Ý nguyện của chuyên gia là rất đáng hoan nghênh và càng trân trọng hơn nếu đó là sự thật. Tuy vậy, nếu thực sự chuyên gia có khả năng đấy thì tại sao suốt thời gian qua, giông bão hoành hành trên đất nước ta gây cảnh tang thương mà chuyên gia không ra tay cứu giúp? Hay là lúc đó chuyên gia chưa đủ khả năng hoặc đang cần một điều kiện gì đó chăng?
- Tôi muốn nhắc lại rằng tôi làm việc này rất vô tư, và tôi cũng đã lặp đi lặp lại việc này rất nhiều lần rồi, nhưng không phải lúc nào tôi muốn là tôi làm được. Nếu gọi là điều kiện thì đó là: cái sự việc đó tôi có quan tâm đến hay không, hoặc là khi nó xảy ra rồi tôi mới quan tâm đến thì tôi cũng không đủ khả năng.
Vì khả năng con người chỉ có giới hạn. Còn điều kiện ngàn năm Thăng long không phải là điều kiện của tôi, vì tôi đưa vấn đề này lên là hết sức vô tư như chuyện thường ngày. Tôi đưa lên mạng và báo rằng ngàn năm Thăng Long sẽ không mưa, và vì chú ý đến ngàn năm Thăng Long nên họ mới chú ý đến câu của tôi, chứ không phải tôi vì ngàn năm Thăng Long để tôi quảng cáo cái này. Nếu báo chí không đưa vấn đề lên thì nó cũng như bao nhiêu lời tiên tri của tôi trước đây, có ai nhắc đến đâu?
Độc giả Trần Mạnh Hùng, nam, 34 tuổi: Mưa nắng là hiện tượng thiên nhiên. Ông noi ông có khả năng ngăn mưa? như vậy ông có khả năng tác động vào thiên nhiên và ngăn chặn thiên nhiên ? Vậy ông có thể ngăn chặn được hiện tượng ấm lên toàn cầu không ? Hay đơn giản hơn ông có thể ngăn chặn hoặc tác động để tới đây những trận mưa to không xảy ra để hà nội không ngập lụt không ? Ông có dám cá cược không ?
- Không, thứ nhất, tôi là một con người, là khắc tinh của cờ bạc, lần nào tôi cá cược cũng đều sai. Và tôi cũng nhắc lại rằng khả năng của con người là có hạn. Việc tôi làm là theo 1 phương pháp riêng tương đối đặc biệt, chỉ áp dụng được trong điều kiện tự thân của tôi, chứ không phải điều kiện bên ngoài. Còn việc nhắc đến chuyện chặn được hiện tượng ấm lên toàn cầu, anh nói ở đây là mang tính thách đố. Và nó nằm bên ngoài khả năng của tôi.
Độc giả Vũ Chính, nam, 38 tuổi: Thưa ông, xin ông cho biết nếu lãnh đạo thành phố tin vào ông thì họ cần phải làm gì? Việc đuổi mưa theo phương án của ông có tốn kém gì không? Có cần huy động thêm người giúp đỡ ông không? Muốn có được sự tin tưởng ông nên đưa ra phương án thực hiện như vậy sẽ có sức thuyết phục hơn. Cám ơn ông!
- Khi tôi đưa vấn đề này lên mạng, tôi không nhằm mục đích quảng cáo, và điều này tôi đã làm nhiều lần trong những lần dự báo tạm gọi là mang tính tiên tri. Điều đặc biệt là tôi thường đưa ra những dự báo ngược với dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn. Việc này tôi cũng không đòi hỏi gì ở lãnh đạo Hà Nội, tôi cũng không đặt vấn đề tôi làm việc này để nhận thưởng.
Độc giả Lê Vĩnh, nam, 24 tuổi: Xin chào chuyên gia NVTA, xin ông cho biết đã đưa ra ý tưởng này như thế nào và cơ quan nhà nước vì sao lại không chấp nhận?
- Tình cờ tôi đọc được thông tin bỏ 1 tỉ USD để ngăn mưa, tôi rất vô tư, tôi không đưa ra nhận đinh để nhằm mục đích nổi tiếng, chỉ là từ khi đó tôi được đưa lên báo chí, và tôi được chú ý đến.
Độc giả Trần Phong, nam, 28 tuổi: Thưa ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, ông đã dựa vào thực nghiệm chưa mà có thể khẳng định như vậy? Hay việc ông quá nhập tâm vào lý học phương đông khiến ông "cuồng tín" dẫn đến cảm tính như vậy? Nếu "thần thông quãng đại" như thế, tôi nghĩ ông có thể làm được những điều kinh ngạc hơn nữa chứ không dừng lại ở công việc của một chuyên gia nghiên cứu. Thêm một câu hỏi riêng tư nữa là liệu ông muốn dư luận gọi ông là dị nhân hay siêu nhân, thưa ông!?
- Việc tôi có thể dựa vào thực nghiệm chưa thì Có thể lên trang web Lyhocdongphuong.org.vn để có thể hiểu rõ. Còn việc gọi tôi là dị nhân hay siêu nhân tôi không quan tâm, đó là tùy quan điểm của mọi người.
Độc giả Ngô Đăng Thục, nam, 56 tuổi: Thưa ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Tôi xin tự giới thiệu, tôi là một nhà khoa học về y học, chuyên ngành Thần kinh học. Mấy ngày vừa qua, trên diễn đàn Internet, tôi thấy ông tuyên bố về khả năng "đuổi được mưa, ngăn được bão". Nói thật với ông và cũng xin lỗi ông trước là lúc đầu tôi cho là chuyện "vớ vẩn".Bởi vì trong y học thỉnh thoảng cũng xuất hiện một số "Đề tài" của một số tác giả, họ tự nhận là khoa học, làm mất rất nhiều thời gian tiền bạc của xã hội,không đem lại lợi ích gì mà thậm chí còn có hại cho sức khỏe người khác. Rồi cuối cùng đó là sản phẩm suy nghĩ hoang tưởng của người bệnh tâm thần. Tôi hy vọng ông không thuộc vào những tác giả của các đề tài như trên tôi vừa nêu. Tất nhiên ông sẽ có những lý luận để bảo vệ cho tuyên bố của ông. Nhưng như ông biết đã gọi là khoa học thì phải có kiểm chứng. Vậy tôi muốn hỏi ông một câu hỏi đơn giản là: Đã có lần nào, khi ông hoặc vợ con ông chuẩn bị đi đâu mà trời lại đổ mưa, ông đã dùng khả năng của ông để làm cho trời không mưa nữa được chưa? Vợ con ông (tôi chưa nói tới các nhà khoa học) có công nhận ông làm được như vậy không? Cám ơn VietNamnet đã tạo điều kiện cho tôi nêu câu hỏi cho ông Nguyễn Vũ Anh Tuấn.
- Có lần trước khi sang Mỹ 1 tuần cùng với bà xã tôi, tôi có nói rằng, trong 21 ngày tôi đi Mỹ bắt đầu từ lúc tôi bước chân lên máy bay cho đến lúc tôi trở về, chặng đường bay hoàn toàn yên bình, toàn bộ thời tiết nước Mỹ phải nắng đẹp. Tất cả những biến động lớn trên nước Mỹ phải không được xảy ra trong 21 ngày đó.
Và tôi đã đúng, cứ cho là tôi chẳng may nói đúng còn bây giờ quý vị muốn kiểm chứng thì cứ việc lên trang web lyhocdongphuong.org.vn tôi đã nói rất rõ. Tôi cũng không dám nói đây là khả năng của tôi, có thể đó chỉ là lời tiên chi của tôi. Mặc dù vậy không phải lúc nào cũng có thể làm được, nó còn dựa vào từng trạng thái xuất thần.
Độc giả Nguyễn Bảo Huy, ĐH BK Hà Nội : Chào ông Tuấn Anh, tôi không có kiến thức về Lý số phương Đông, nên mong ông không trả lời sâu về lĩnh vực này. Điều tôi quan tâm là "cơ sở khoa học" về Vật lý của việc dùng ý thức điều khiển thời tiết mà ông đã phát biểu. Ông dẫn ra kết luận khoa học rằng "ý thức con người có thể tác động đến các hạt cơ bản vi mô", và lập luận "thời tiết gió mưa cũng tạo thành từ các hạt cơ bản ấy nên hoàn toàn có thể dùng ý thức để điều khiển". Vậy xin hỏi ông, vạn vật trên đời này đều được cấu tạo từ các hạt cơ bản, vậy ông có thể dùng ý thức điều khiển được những gì nữa?
- Tôi xin nhắc lại rằng, việc tôi nói “ý thức con người có thể tác động đến các hạt cơ bản vi mô" không phaỉ là phát biểu của tôi, mà đó là kết luận trong một thí nghiệm vật lý. Tôi chỉ lấy đó làm thí dụ để chứng minh cho mọi người rằng ý thức có khả năng tác động được đến các hạt cơ bản vì nó là kiến thức phổ biến mà mọi người dễ hiểu và dễ chấp nhận.
Và bản thân việc ý thức tác động đến vật chất là điều mà không phải đến khoa hoc hiện đại phát triển mà ở các thế kỷ trước trong triết học cũng đã thừa nhận điều này. Sự tác động vào mưa bão thời tiết này chỉ có thể thực hiện được với điều kiện khi nó mới manh nha, và mình phải phát hiện ra và mình quan tâm đến điều đó.
Độc giả Lâm Triết, Hà Nội: Xin ông Tuấn Anh cho biết, trên thế giới, có nước nào nghiên cứu và ứng dụng các năng lực siêu nhiên từ tiềm năng của con người hay chưa? Nếu có, mức độ nghiên cứu và ứng dụng của họ đến đâu? Tự nhiên và các hiện tượng tự nhiên (như mưa, bão) về bản chất đều có chung cấu tạo dưới dạng năng lượng hay lượng tử (mà ông đã gọi là dạng hạt). Về bản chất cấu trúc, tư duy của con người cũng là dạng năng lượng hay lượng tử. Ông có thể nói rõ hơn về khả năng của cá nhân mình khi tác động và điều khiển tự nhiên qua kênh năng lượng này?
- Tôi chưa bao giờ nói rằng có thể ngăn mưa, ngăn bão, lũ lụt ở Hà Nội cả, tôi chỉ nói rằng 7 ngày diễn ra đại lễ sẽ có nắng đẹp, có thể mặc áo vest. Và tôi khẳng định 1 câu rằng nếu chỉ có nắng không mà trời không lạnh thì cũng coi như tôi đã sai. Trời phải hơi lạnh lạnh, và mưa chỉ được phép vào ban đêm, tức là các yếu tố đó phải cùng xảy ra.
Độc giả Lê Anh Xuân, nam, 60 tuổi: Cầu được gió gọi được mưa (hay ngược lại) là mong ước của nhân loại. Từ trước tới nay chỉ thấy trong các chuyện thần thoại. Xin được hỏi: ông có năng lực này từ khi nào, tự thân ông có (bẩm sinh), hay do rèn luyện? Và ông đã thực hiện lần nào chưa? (kể cả làm bí mật mang tính thử nghiệm không ai biết.). Trân trọng cám ơn ông!
Bất cứ cái gì cũng cần có sự rèn luyện, còn việc tôi đã thực hiện tiên đoán lần nào trước đó chưa, thì độc giả có thể tham khảo thông tin trên lyhocdongphuong.org.vn. Và dự báo của tôi thường xuyên trái ngược với dự báo thời tiết của các chuyên gia khí tượng.
-
Ban Xã hội