– Ở Trường Giáo dưỡng số 3 (Đà Nẵng), các “yêng hùng” nhí phải tuân theo nề nếp cực kỳ nghiêm ngặt để tu thân.
Cha làm thầy, con… đốt sách!
Ngồi với tôi trong căn phòng rộng thênh nhưng không một chiếc giường, Trương Bá L. (học sinh Trường Giáo dưỡng số 3 thuộc Bộ Công an, đóng tại Đà Nẵng) cười cười chỉ nền gạch bông sạch sẽ: “Chỗ ngủ của tụi em đó, mùa hè thì mát, nhưng mùa đông… hơi lạnh!”.
Tuy mái tóc húi cua, nước da sạm nắng nhưng vẫn khó tin cậu bé 17 tuổi với đôi mắt to, mũi thẳng, nhất là cái miệng cười rất có duyên ấy lại từng là một tay “yêng hùng” ở xã Hoà Vinh (Đông Hoà, Phú Yên).
Lớp học văn hoá tại Trường Giáo dưỡng số 3 Ảnh: HC |
Nhắc lại những ngày còn ở quê, chợt vẻ mặt L. chùng xuống. Một lúc sau, em lí nhí: “Mới khai giảng phải không anh? Chắc ba mẹ em buồn lắm, nhất là ba em!”. Tôi hiểu, bởi ba của L. hiện là giáo viên cấp 2 của huyện Đông Hoà. Gia đình vốn có nề nếp nên suốt cấp 1, L. đều là học sinh giỏi, tiên tiến. Nhưng khi vào cấp 2, những lời rủ rê của đám bạn xấu bắt đầu đến với em.
Lúc đầu chỉ trốn vài tiết học, lần hồi các quán net thành “bến đỗ” thường xuyên của cậu bé lúc nào không hay. Nghiện game, L. liên tục trốn nhà, trốn học, lấy tiền học phí để chơi. Thói trộm cắp cũng dần dà xâm nhập, bắt đầu bằng việc trộm cắp lặt vặt của hàng xóm. Cha mẹ phiền lòng rầy la, L. đâm ra mặc cảm, tự ti. Đến lớp lại bị thầy cô phê bình, bè bạn chê cười nên L. càng bỏ học, đánh nhau. Hết học kỳ 1 lớp 9 thì em bị đuổi học!
L. bắt đầu tụ tập với đám bạn xấu đi chơi qua đêm, thậm chí có khi bỏ nhà cả tháng. Ba mẹ nhiều lần tìm về nhưng L. lại trốn đi. Để có tiền tiêu xài, L. càng liên tục trộm cắp. Lần này là xe đạp, điện thoại di động và cả những cái lớn hơn. Cậu còn kéo băng nhóm đến đánh học sinh các trường cấp 3, khiến làng xóm không yên.
Học sinh Trường Giáo dưỡng số 3 học nghề xây dựng, gò hàn trong sự giám sát nghiêm ngặt của giáo viên... |
Bằng một giọng thật buồn, L. kể, dù liên tục bị công an mời lên giáo dục, các anh chị ở đoàn xã đến nhà khuyên bảo nhưng em bấp chấp. Biết cha mẹ buồn lắm nhưng không hiểu sao em cứ bỏ ngoài tai. Bị đưa ra kiểm điểm trước bà con láng giềng khiến cha mẹ xấu hổ, em vẫn chứng nào tật nấy. Thế rồi, việc phải đến đã đến, tháng 8/2009, em bị đưa từ Phú Yên ra Trường Giáo dưỡng số 3 để tu thân…
Chuyện về tiền lưu ký
“Khi mới vào trường em rất bỡ ngỡ, sợ hãi vì thấy ở đây toàn là công an rất nghiêm. Em đã quen thói tự do, còn đây mọi việc đều phải có tôn ti trật tự nên lúc đầu rất khó chịu. Ở nhà, chơi đêm, ngủ ngày, chăn màn, quần áo vứt bừa bãi, ai dọn thì dọn. Vào đây, 10g tối phải đi ngủ, 5g30 sáng thức dậy… Lúc trước ai bảo em phải làm như thế, chắc em nghĩ họ… khùng!” – L. thành thật nói.
Theo Hiệu trưởng, Thượng tá Phạm Văn Huynh, hiện Trường Giáo dưỡng số 3 đang quản lý giáo dục, nuôi dưỡng 700 em vị thành niên đã có quá trình làm trái pháp luật. Nhiều em bỏ học, có em tái mù chữ, thậm chí mù chữ. Do sống buông thả, không nghe lời dạy bảo của cha mẹ và gia đình, khước từ sự giáo dục của nhà trường và xã hội nên phần lớn các em lệch chuẩn về đạo đức, lối sống.
... Và rèn luyện bằng lao động |
Để từng bước uốn nắn, trường tổ chức cho các em học văn hoá và các nghề cơ bản như xây dựng, cơ khí gò hàn, sơn nước, sửa xe máy, điện tử, điện dân dụng, may mặc… Đồng thời mời đoàn thanh niên, các trường phổ thông vào sinh hoạt giao lưu. “Ở đây chúng tôi không gọi là học viên mà gọi là học sinh để dễ gần gũi, cảm hoá các em bằng tình cảm thầy trò!” - Thượng tá Huynh cho biết.
Các em có tiến bộ, sau 2/3 thời gian ở tại trường sẽ được xem xét, đề nghị giảm thời hạn xử phạt hành chính từ 1 – 6 tháng. Trường còn khen thưởng bằng cách cho các em về nhà 5 ngày nhân dịp Tết hoặc gia đình có tang; thưởng bằng bánh kẹo, xà phòng… Và thưởng bằng tiền lưu ký. “Các em không được dùng tiền VNĐ vì có thể sử dụng để vi phạm hoặc bỏ trốn. Loại tiền lưu ký được lưu hành trong nội bộ học sinh, các em có thể sử dụng để tự do mua sắm tại căn-tin của trường” - Thượng tá Huynh giải thích.
Nhưng trên hết vẫn là rèn cho các em ý thức nề nếp, kỷ luật, mọi cử chi, hành vi đều chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của giáo viên. Từ 20 – 22g hàng ngày, các em được xem tivi, vui chơi “tự do” trong khuôn viên trường. Khu dân cư nằm ngay bên cạnh nhưng các em tuyệt đối không được ra ngoài dân…
Kinh hãi "tham quan" nhà cách ly để tu dưỡng dành cho những học sinh vi phạm nghiêm trọng! |
Theo em L., sợ nhất là khi bị buộc cách ly trong nhà tu dưỡng. Đó là căn phòng chỉ chừng 4m2, cửa đóng kín mít, chỉ có 1 cửa sổ với những song sắt chắn ngang, chắn dọc. Những em có vi phạm như trộm cắp, đánh nhau gây thương tích trong trường, trốn trường… đã khiển trách, cảnh cáo nhưng vẫn tái phạm sẽ bị đưa vào đây từ 3 – 5 ngày!
Đến khi tỉnh lại thấy đời ngắn ghê…
“Đáng sợ không chỉ vì ăn ở, vệ sinh đều phải làm tại chỗ và có giáo viên giám sát chặt chẽ, mà sợ nhất là khi bị đưa vào phòng cách ly, cha mẹ vượt đường xá xa xôi đến thăm nhưng mình lại không được phép gặp!” - giọng em L. bỗng lạc hẳn đi. Tôi cứ ngỡ L. từng bị cách ly, lúc sau mới biết em chưa từng chịu mức kỷ luật này, nhưng bỗng nhiên em nhớ cha mẹ đến quay quắt.
Dáng vẻ bức rức của L. cho biết em đang rất hối hận. Em đọc mấy câu thơ em viết trong những ngày ở trường giáo dưỡng: “Đêm nay khó ngủ quá trời. Bâng khuâng nhớ lại những ngày đã qua. Một thời không cửa không nhà. Lang thang ngõ chợ, sân ga, góc đường. Mẹ cha khuyên bảo đủ điều. Vẫn đi theo đám bạn lang thang bụi đời. Cuộc đời chẳng biết về đâu. Đến khi tỉnh lại thấy đời ngắn ghê…”.
"Trường em mở lối vào đời. Sạch bùn nhơ lại sáng ngời tương lai!" |
Những câu thơ non nớt nhưng cũng trúc trắc, gập ghềnh như bước chân em vào đời. Rất may trong sự gập ghềnh đó, em cũng đã kịp “tỉnh lại”. Để rồi, tuy thời hạn ở trường này là 24 tháng nhưng như thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Huynh cho biết, sau 12 tháng (hiện em L. đã qua được 11 tháng), nếu L. vẫn tiếp tục tiến bộ như hiện nay thì sẽ được xét giảm.
Nhiều học sinh khác chúng tôi gặp ở đây cũng chung tâm trạng hối hận như vậy. Em Trần Công T. (quê ở Quy Nhơn, Bình Định) vào đây đã 10 tháng, em Phan Giai N. (quê ở Ninh Hoà, Khánh Hoà) vào đã 17 tháng đều vì trộm cắp. Hai em đang cố học nghề xây dựng để khi rời trường có được cái nghề kiếm sống lương thiện… Còn với L.: “Được về nhà, em sẽ xin đi học lại, lấy bằng tốt nghiệp THPT rồi tính tiếp!”.
L. kể, trước cổng trường có câu: “Trường em mở lối vào đời, sạch bùn nhơ lại sáng ngời tương lai”. Lúc đầu em không… tin lắm, cứ nghĩ cuộc đời mình vào đây là… hết. Trải qua 11 tháng, em đã viết thêm 4 câu kết cho bài thơ của mình: “May mắn thay kiếp con người. Được vào giáo dưỡng tại trường số 3. Được học hai chữ làm người. Từ nay em sẽ luyện rèn thật chăm”.
Tôi cũng tin em và nhiều em khác sẽ làm được như vậy, dẫu quá khứ đã có phút bồng bột nhúng chàm...
-
Hải Châu