- Cô Sểnh, cách xưng hô mà cả thôn Phúc Lý (xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội) vẫn thường gọi thân mật. Cả làng, cả xã chẳng ai còn lạ gia cảnh cô - người phụ nữ không chồng, gần như mù cả 2 mắt nuôi cô con gái 10 tuổi thần kinh. Hai mẹ con đang dựa vào nhau sống những ngày cùng cực...
Những cuộc tình cay đắng
Đến thôn Phúc Lý hỏi cô Phạm Thị Sểnh không ai là không biết. Sở dĩ cô được nhiều người biết đến vì cô chẳng có nghề nghiệp gì, trong làng ngoài xã hễ ai nhờ cô làm gì đều làm, miễn sao có tiền.
Bà chủ quán nước ngay đầu thôn nói: “Cô Sểnh thuộc dạng khổ nhất cái làng này! Chẳng có nghề nghiệp gì, mắt mũi lại kém… nhưng được cái chịu khó, thương con. Ngày mùa thì đi cấy, cắt lúa, làm cỏ, cuốc đất thuê. Ngày nông nhàn thì đi rửa bát, gánh đất”.
Nhà cô Sểnh vốn đông anh em, từ nhỏ đã phải sống cảnh “năm cha ba mẹ”. Bố cô ngày đó có những 3 bà vợ và 7 người con.
Với đôi mắt không còn tinh tường, hàng ngày mò mẫm kiếm sống nhưng cô Sểnh vẫn phải lo cho bé Lan từ việc nhỏ nhất. |
Cô run run đưa tay lên con mắt bên phải bị mù từ nhỏ và nói: “Cái mắt mù của chị này cũng là do lúc bố mẹ chị cãi nhau, vợ nọ con kia. Chị bị lên đậu chẳng ai chữa chạy gì thế là mù”. Nói đến đây cô Sểnh nước mắt lã chã: “Mắt kia cũng sắp mù rồi, mờ lắm chú ơi… thế này mà không nhìn thấy gì thì ai nuôi con Lan!”.
Ngại ngùng, xót xa phải nói lại chuyện quá khứ buồn tủi. Nhưng có lẽ cô đang cần, rất cần một người để chia sẻ tất cả những bất hạnh của cuộc đời.
Hồi trẻ, tuy nghèo và tàn tật cô cũng có được 1 tấm chồng. Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi. Người chồng đầu tiên của cô không những không có khả năng sinh con mà còn mang nhiều trọng bệnh. Sống với nhau chẳng được bao lâu, tiền của lần lượt ra đi, chồng cô cũng ra đi vĩnh viễn. Cô Sểnh ngồi lép mình vào góc nhà kể lại: “Số chị nó bạc bẽo thế đấy, sinh ra đã khổ thì chẳng thể tránh được”.
Từ khi chồng mất, cô lủi thủi sống ở ngôi nhà sập sệ khoảng chừng 12 m2, được bố xây cho trên "đất phần trăm" cách đây mấy chục năm.
Cái ngày định mệnh đã đến, cô gặp một người đàn ông (có lẽ cùng cảnh ngộ) thương yêu mình. “Cùng cảnh với nhau, yêu thương nhau. Trước là muốn nương tựa vào nhau để sống, sau chị cũng muốn "vạ" với ông ý một đứa con mong sau này có quả ngọt…”.
Sau những phút giây hạnh phúc hiếm hoi, có ai ngờ ông ta càng ngày càng đổ đốn, sinh ra rượu chè, chơi bời và đánh đập cô.
Hỏi cô bố của Lan hiện đang ở đâu, cô Sểnh vuốt nhẹ lên mái tóc em Lan, nước mắt cứ tràn ra: “Chết rồi! Người như ông ý sống cũng bằng thừa! Chết đi cho mẹ con tôi đỡ khổ!”.
Nhìn vào vẻ mặt của cô, tôi hiểu một điều rằng, bố Lan chưa chết, ông vẫn còn sống nhưng sẽ chẳng bao giờ về với mẹ con Lan...
Hạnh phúc mong manh
Chốt vội cánh cổng, cô Sểnh tất tả mang túi thức ăn mua trên đường đi làm về để chuẩn bị bữa cơm cho con gái. Trong đó có cả thịt, mà như cô bảo là mỗi ngày mua chỉ 5.000 nghìn đồng, vì con thích ăn.
Thần kinh không bình thường nhưng dường như Lan cảm nhận được mẹ đã về. Vứt chiếc radio nhỏ xuống giường, cô bé cùng bốn con chó chạy ra sân.
Nhìn thấy Lan vẫn bình yên vô sự, cô Sểnh thở phào nhẹ nhõm. Hàng ngày cô phải nhốt Lan ở nhà để đi làm thuê kiếm sống. Cô Sểnh đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà. Sở dĩ cô lo cho Lan ở nhà một mình vì em không chỉ bị thần kinh mà còn mắc chứng động kinh từ nhỏ.
Cô cởi chiếc áo lao động vắt lên cây bưởi, nói: “Chị chỉ sợ nó lên cơn, ngã đập đầu vào đâu thì chị chết… Nhưng không đi làm ngày nào là ngày đó mẹ con không có gì ăn”.
Vừa nói, chị vừa sờ mó chiếc ti vi cũ kỹ: “Cái ti vi này chị tích cóp được 400 nghìn mua cho con Lan xem lúc mẹ không có nhà, nhưng giờ nó hỏng mất rồi! Không có ti vi con Lan buồn chẳng biết chơi với ai ngoài mấy con chó”.
Cô Sểnh không thể quên ngày được làm mẹ, đó là cái ngày hạnh phúc nhất: “Chị mừng lắm, chịu bao điều tiếng, tủi nhục cuối cùng cũng được làm mẹ. Chị thầm hứa với bản thân, cho dù phải hy sinh mạng mình cũng phải nuôi con cho tốt”.
Bữa cơm chiều đạm bạc thiếu vắng người đàn ông. |
Nhìn cô con gái ngô nghê đùa với mấy con chó, cô không khỏi xót xa: “Cái số chị nó bất hạnh rồi, tránh cũng không được. Tưởng con Lan nó như chúng bạn. Ai ngờ đầu óc không bình thường lại còn mang chứng động kinh, cơ thể lại yếu ớt…”.
Lôi trong đống quần áo cũ đã bốc mùi ra 1 tập giấy tờ, cô Sểnh cho chúng tôi xem bao nhiêu là... giấy. Toàn những giấy tờ của bệnh viện, đơn thuốc và cả tấm thẻ hộ nghèo. Không kìm nén được lòng, cô bộc bạch: “Cả đời chị gom góp được 7 chỉ vàng, nhưng tất cả đều đùng để chữa bệnh cho con Lan hết”.
Những hôm thời tiết thất thường, cô Sểnh không dám đi làm thuê xa nhà vì lo cho Lan. "Trở trời thế này con Lan hay bị lên cơn động kinh. Tối qua nó lên cơn sùi bọt mép như chó rồ, nằm co quắp mãi mới hồi...".
Với hoàn cảnh khó khăn như vậy, đã có nhiều người khuyên cô gửi con cho trung tâm khuyết tật nào đó. Ở đó Lan sẽ có điều kiện tốt hơn về thuốc thang cũng như môi trường hòa nhập.
Nhắc đến chuyện này, cô Sểnh gạt phắt đi: “Cho đi làm sao được, hai mẹ con đang thế này, nó đi tôi nhớ lắm… Thôi dù đói khổ thế nào mẹ con có nhau là tôi vui rồi”.
Ngồi bên mâm cơm chiều, cô Sểnh xé từng miếng thịt cho con… Vừa ăn cô vừa nói: “Chị chỉ có 1 mơ ước, con Lan nó khỏi bệnh. Nếu có ai thương yêu chị gả cho, hai vợ chồng nó làm ăn tốt sửa sang lại ngôi nhà này mà ở”.
Đó là ước mơ một hạnh phúc chính đáng, cô Sểnh có quyền mơ và quyền có nó, cho dù điều đó là rất mong manh.
-
Quang Anh