221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1312012
Lũ cuốn thủy điện, người chết, nhà ngập
1
Article
null
Lũ cuốn thủy điện, người chết, nhà ngập
,

- Gần chục người chết và bị lũ cuốn, hàng chục người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị ngập, nhiều xã bị cô lập. Lũ lụt đang nhấn chìm nhiều địa phương ở miền Trung...

TIN LIÊN QUAN



Lũ cuốn trôi một tổ máy phát điện

Tại Hà Tĩnh, mưa lũ đã cuốn một chiến sĩ công binh, một cô giáo. Chiến sĩ Đoàn Trọng Giáp (Đại đội 17 công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh) thi công đường hầm trên địa bàn xã Hòa Hải, huyện Hương Khê trên đường về đơn vị đã bị lũ cuốn trôi. Cô Trần Thị Hoa (giáo viên Trường Mầm non xã Hương Thủy, Hương Khê) từ nhà đến lớp dạy học cũng bị lũ bất ngờ ập đến cuốn trôi.

Do mưa lớn, mực nước thượng nguồn tập trung về nhanh. Đến 09 giờ ngày 03/10, mực nước đã tràn qua trên thân đập thủy điện Hố Hô 0,4m. Đến 19h ngày 03/10, mực nước thượng lưu nhà máy thủy điện đã vượt trên đỉnh đập 1,0m.

Nguy cơ vỡ đập thuỷ điện Hố Hô tại Hà Tĩnh

Nước lũ tràn qua nhà máy thủy điện Hố Hô đã cuốn trôi 1 tổ máy và phá hỏng toàn bộ nhà máy phát điện nằm phía sau tràn.

Việc xả lũ của hồ thủy điện Hố Hô có ảnh hưởng rất lớn đến việc ngập lũ vùng hạ du, vì vậy từ sáng ngày 03/10, UBND tỉnh cùng các Sở ngành liên quan đã đi kiểm tra thực địa hồ thủy điện Hố Hô, làm việc với Ban quản lý nhà máy để tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho công trình và đề ra giải pháp phòng lũ cho công trình và vùng thượng, hạ du.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã điện cho UBND tỉnh Quảng Bình về tình trạng của thủy điện Hố Hô để có biện pháp ứng phó; báo cáo Ban chỉ đạo PCLB TW - UB Quốc gia TKCN để có giải pháp chỉ đạo và Ban chỉ đạo PCLB TW - UB Quốc gia TKCN đã giao Bộ Công thương chỉ đạo triển khai ngay lực lượng đảm bảo an toàn cho công trình. Lực lượng của Tổng Công ty điện lực, Quân khu IV đã vào để lên các giải pháp xử lý đảm bảo an toàn cho nhân dân và cho công trình.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân vùng thượng và hạ du công trình biết tình trạng báo động nguy hiểm của đập Hố Hô để chủ động trong công tác ứng phó.

Từ chiều ngày 03/10, Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã ra lệnh cho UBND huyện Hương Khê tổ chức sơ tán nhân dân bị ngập và các vùng có nguy cơ bị ngập; giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động 100 cán bộ, chiến sỹ, 02 xuống cao tốc, 200 áo phao và 20 nhà bạt; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh huy động 100 cán bộ, chiến sỹ và 02 xuồng cao tốc để phối hợp với Ban chỉ huy PCLB huyện Hương Khê thực hiện việc sơ tán dân bị ngập lụt và tạm trú cho nhân dân huyện Hương Khê.

Đến 21 giờ ngày 03/10 đã tổ chức sơ tán khoảng 4000 hộ dân. Hiên nay các Sở, ngành bám trụ với nhân dân vùng lũ để hỗ trợ di dời, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho nhân dân nơi đến sơ tán.

Đến 01 giờ ngày 04/10, trên địa bàn huyện Hương Khê vẫn đang mưa to, tình trạng đập Hố Hô vẫn đang ở mức báo động khẩn cấp.

Nhiều người chết, nhà sập và bị cô lập

Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, liên tục những ngày qua, các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to khiến nước lũ trên các sông ở miền Trung đang lên nhanh và ở mức cao. Đến chiều 3-10, mực nước trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đều xấp xỉ mức báo động 2. Riêng sông Gianh tại Mai Hóa (Quảng Bình) ở mức trên báo động 3 là 0,09 m; nước sông Ô Lâu (Huế) đã vượt mức báo động 3…

Trong ngày 4-10, lũ trên các sông này sẽ tiếp tục dâng cao. Hàng chục ngàn hộ dân ở các vùng trũng các tỉnh Bắc Trung Bộ như Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… ngập trong nước lũ. Đây là đợt lũ đầu tiên ở miền Trung trong năm 2010.

d
Nhiều ngôi nhà ở Hà Tĩnh bị chìm trong lũ

Tại Hà Tĩnh, ông Bùi Lê Bắc, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết từ ngày 29-9 đến 3-10, mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng gây lũ lớn khiến 25 xã bị cô lập, 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương.

Theo ông Trần Lê Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, lũ lớn đang khiến 16/22 xã của huyện này bị cô lập. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện đã phát lệnh sơ tán 2.000 hộ dân với 10.000 người. Ông Phạm Hữu Bình, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, cho biết huyện này hiện có 9/12 xã bị cô lập và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện đã lên phương án di dời dân nếu lũ tiếp tục dâng cao.

Trong ngày 2 và 3-10, Nghệ An liên tiếp có mưa, giông trên diện rộng đã làm ba người chết, trong đó có hai người bị sét đánh và một nữ sinh lớp 10 bị lũ cuốn. Sáng 3-10, giao thông trên địa bàn TP Vinh bị ách tắc nhiều giờ, quốc lộ 48 (đoạn qua xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu) ngập sâu gần 1 m.

Thừa Thiên-Huế: Lên kế hoạch di dời khoảng 20.000 người

Đó là dự tính của tỉnh này với các hộ dân nằm trong vùng ngập nặng, lũ quét, sạt lở. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn cũng kêu gọi người dân vùng lũ dự trữ lương thực, thực phẩm trong thời gian một tuần… Các phường nội thành TP Huế có nơi ngập gần 1 m, giao thông tắc nghẽn, nhiều nơi phải đi lại bằng đò.

d
Nước dâng cao tại TP Huế

Mưa lớn cũng đã làm hàng chục tuyến phố ở TP Huế ngập trong nước; các xã Quảng An, Quảng Phú, Quảng Phước của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế ngập nặng...

Trước diễn biến phức tạp của lũ lụt, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương sẵn sàng kế hoạch sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Quảng Bình: Một người bị nước lũ cuốn trôi

Chiều 3-10, tỉnh Quảng Bình đã có hơn 1.250 ngôi nhà bị ngập và hư hại. Huyện Hướng Hóa đã di dời 170 hộ với 820 người ở hạ lưu công trình thủy điện Hố Hô.

Tại huyện Minh Hóa, vùng đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa bị chia cắt vì nhiều đoạn bị ngập nước, không đi lại được. Tại huyện Bố Trạch, một người dân bị lũ cuốn trôi.

Ông Nguyễn Ngọc Giai, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình, cho biết nước sông Gianh vượt báo động III gây ngập lụt nặng ở một số địa phương dọc theo triền sông và đã có gần 700 nhà bị ngập. Mưa lớn có thể gây vỡ đập thủy điện Hố Hô nên UBND huyện Tuyên Hóa đã sơ tán 170 hộ dân với 820 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm. Nước lũ cũng đã làm cô lập toàn bộ 3 bản với hơn 140 hộ đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa.

Quảng Trị: Một cháu bé chết đuối

Tại Quảng Trị, hơn 2.000 nhà dân bị ngập, nhiều diện tích lúa tại TP Đông Hà và huyện Gio Linh chưa thu hoạch kịp cũng bị ngập úng, một cháu bé chết đuối.

Ông Nguyễn Văn Bài, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết nếu tình hình mưa lũ trong những ngày tới vẫn diễn biến phức tạp, tỉnh sẽ khẩn cấp triển khai di dời dân vùng ngập sâu tại huyện Hải Lăng đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất.

Đường sắt gián đoạn

Hiện tại tàu Thống nhất SE8 từ Sài Gòn ra Hà Nội phải dừng ở ga Đồng Hới chờ đường. Đến 20h tối 3/10, tàu SE5 đi vào các tỉnh phía Nam vẫn phải dừng chờ đường tại Ga Vinh.

Đường sắt Thống Nhất qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lại bị tắc do mưa lớn. Đến 20h tối 3/10, nhiều tàu khách, tàu chở hàng bị tắc từ sáng sớm vẫn chưa thể đi tiếp hành trình.

Tại ga Vinh, tỉnh Nghệ An, trận mưa to chiều 2/10 kéo dài đến sáng 3/10, khiến mực nước các sông suối tại Nghệ An và Hà Tĩnh dâng cao. Do lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn, đường sắt đoạn khu gian Đồng Lê- Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Bình bị ngập, đất đá trên núi đổ xuống gây ách tắc từ 6 giờ sáng.

Dự kiến, trong đêm 3/10, các tàu đi từ ga Vinh (Nghệ An) vào ga Đồng Hới (Quảng Bình) vẫn chưa thể tiếp tục di chuyển, do mưa to, lũ lớn.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, 17h ngày 3/10, chuyến tàu SE3 Hà Nội- TP HCM đã thông đường từ ga La Khê vào ga Tân Ấp, tỉnh Quảng Bình, sau hơn 10h đồng hồ bị tắc.

Tuy nhiên, do mưa to kéo dài làm hồ thủy điện Hố Hô đang thi công ở mực rất cao, tràn qua đỉnh đập hơn 1m, ảnh hưởng đến an toàn cho hành khách, nên nhiều đoàn tàu vẫn chưa được khởi hành.

Công điện khẩn chống lũ

Ngày 3-10, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP từ Thanh Hóa đến Bình Thuận cùng các bộ, ngành liên quan.

Công điện nêu rõ: Trong mấy ngày vừa qua, ở các tỉnh, TP từ Nghệ An đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được từ 7 giờ ngày 2-10 đến 13 giờ ngày 3-10 phổ biến từ 100 mm đến 200 mm, một số nơi có mưa lớn như Chu Lễ (Hà Tĩnh): 269 mm; Hòa Duyệt (Hà Tĩnh): 214 mm; Đồng Tâm (Quảng Bình): 551 mm; Kiên Giang (Quảng Bình): 312 mm; Minh Hóa (Quảng Bình): 610 mm; Trường Sơn (Quảng Bình): 442 mm; Khe Sanh (Quảng Trị): 260 mm; Đắc Rông (Quảng Trị): 250 mm; Bình Điền (Thừa Thiên - Huế): 262 mm.

Hiện tại, mưa vẫn còn tiếp tục và có xu hướng mở rộng ra Thanh Hóa. Dự báo, lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục lên mức báo động II, báo động III, có nơi trên báo động III. Nhiều hồ chứa đã tích đầy nước, riêng hồ thủy điện tại Hố Hô (thuộc Quảng Bình và Hà Tĩnh), mực nước đã tràn qua đỉnh đập hơn 1 m.

Công điện yêu cầu các địa phương, bộ, ngành liên quan triển khai phương án chống lũ theo các cấp báo động và kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán dân...

  • Nhóm PV, CTV và tổng hợp từ các nguồn NLĐ, PL TP.HCM, VOV News
    Quý độc giả có thông tin, hình ảnh về mưa lũ miền Trung, hãy gửi về cho VietNamNet tại địa chỉ: banxahoi@vietnamnet.vn hoặc gửi theo mẫu dưới đây. Chúng tôi sẽ đăng tin, ảnh của quý độc giả trên VietNamNet.
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,