Xây dựng tốt hạ tầng ngầm chúng ta sẽ giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo không gian thông thoáng cho trẻ em, người già, người tàn tật…
Thành phố không dây - chủ trương đúng
Trong pháp lệnh thủ đô từ năm 2005, chính phủ đã ra quyết định phải chú trọng không gian ngầm góp phần xây dựng diện mạo đô thị văn minh hiện đại. Đây là một trong những hạng mục công việc đã được các bộ, sở, ban ngành cơ quan nhà nước nghiên cứu, xây dựng nhưng khi bắt tay vào hành động đã gặp khá nhiều các khó khăn, vướng mắc. Từ năm 2005 các văn bản, chính phủ, của Ủy ban Nhân dân Thành phố liên tục được cụ thể hóa, được bổ sung và sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, điều kiện liên quan đến việc xây dựng “không gian không dây”.
Đại lộ Thăng Long. |
Năm 2009 ngành thông tin truyền thông tham gia đề xuất xây dựng “thành phố không dây” và đầu tiên sẽ tập trung vào hai thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và Tp. HCM. Theo ông Lê Doãn Hợp – Bộ trưởng Bộ TT & TT: “Chủ trương là xây dựng hai thành phố văn minh, lịch sự, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Một trong những công việc cụ thể là phải đưa các loại dây trên mặt đất xuống lòng đất, thành phố phải dần chia tay với các loại dây mạng nhện chằng chịt hiện nay”.
Chủ trương hạ ngầm các đường dây đi nổi hướng tới xây dựng những đô thị không dây là một chủ trương đúng đắn nhưng với đa số người dân nói chung mới chỉ hiểu việc hạ ngầm là làm đẹp cho thành phố chứ chưa hiểu sâu và hiểu rõ về việc tại sao phải hạ ngầm cũng như hiệu quả của việc hạ ngầm? Nhóm phóng viên Vietnamnet đã đi tìm câu trả lời cho thắc mắc này.
Diện mạo đô thị văn minh
Trước hết, hạ ngầm cơ sở hạ tầng là đầu tư hiệu quả cho việc xây dựng đô thị vững chắc trước thiên tai: mưa bão, lũ lụt, sụt lún,… Hệ thống cáp ngầm được bảo vệ chắc chắn bằng những sản phẩm ống nhựa xoắn đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế sẽ giảm thiểu nhiều nhất những thiệt hại hệ thống đường dây cáp do bị cột điện bị đổ, gãy, cuốn trôi,..
Ví dụ trong trận động đất tại Kobe-Osaka (Nhật Bản) làm cho những cây cột điện bị hủy hoại ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Con số thống kê cụ thể những thiệt hại do động đất gây ra: tỷ lệ hư hại của đường dây cáp điện thoại của khu vực này lớn nhất là đường dây đi nổi trên không 2,4% còn dây cáp ngầm thì chỉ bị 0,03%, bằng gần 1/80 của đường dây trên không).
Hạ ngầm giúp diện mạo đô thị trở nên văn minh hơn. |
Khi xây dựng tốt hệ thống cơ sở hạ tầng ngầm, chúng ta sẽ giảm thiểu những thiệt hại và chắc chắn không phải quá sửng sốt với những con số thống kê trong ngành điện tại cơn lũ miền Trung đợt 1 vừa qua. “Tại Hà Tĩnh, mưa lũ đã làm đổ gãy 28 cột điện trung thế, trên 1.000 cột điện hạ thế (chủ yếu ở các xã mới tiếp nhận lưới điện hạ áp), hư hỏng 127 bộ xà trung thế, 865 bộ xà hạ thế, 58 chống sét van, vỡ nhiều sứ cách điện, đứt và hỏng gần 3.000 cáp điện, hư hỏng 01 máy biến áp trung gian 35/10kV và 14 máy biến áp phân phối, hỏng 24 tủ điện và 2413 công tơ điện các loại cùng nhiều phụ kiện đường dây”.
Thứ hai, việc hạ ngầm giúp tạo mỹ quan đô thị và an toàn giao thông. Những người dân sống tại các đô thị chắc chắn sẽ không còn phải bận tâm, lo lắng về những búi “mạng nhện”, “rác trời” giăng trên đầu mình, không còn những tai nạn hay những chiếc thòng lọng bất thình lình từ trên trời rơi xuống gây nguy hiểm khi đi đường. Một minh chứng rõ ràng đó là diện mạo của thủ đô đã phong quang, thoáng đãng hơn khi chào sự kiện trọng đại “kỷ niệm sinh nhật tròn 1000 năm tuổi”.
Chắc chắn rằng, bầu trời của chúng của chúng ta sẽ có không gian cho những trò chơi của trẻ em như: thả diều, hay những cánh chim tự do. Các cơ quan chức năng không phải đau đầu trước những vấn đề tương tự như đèn trời bay trên không mắc vào các đường dây điện gây nguy hiểm về an toàn cháy nổ để rồi phải quyết định cấm trò chơi này.
Đường phố sẽ không những không có các cây cột điện phải gánh trên đầu những búi rác khổng lồ và trên thân mình cũng được khoác những chiếc áo bẩn được trang trí bằng những tờ giấy hay được sơn, vẽ bằng những quảng cáo rao vặt.
Thứ ba, hạ ngầm sẽ giúp hình thành không gian thông thoáng cho người tàn tật, hướng đến xây dựng xã hội bình đẳng cho những người kém may mắn trong xã hội (người tàn tật). Nếu trước đây những cây cột điện làm cho diện tích không gian vỉa hè bị thu hẹp lại gây cản trở người đi bộ và đặc biệt khó khăn cho người khuyết tật thì ngầm hóa sẽ cải thiện được vấn đề này.
Và cuối cùng, hoạt động này góp phần đẩy mạnh việc xây dựng mạng lưới viễn thông. Cáp viễn thông khi được bảo vệ trong những sản phẩm chuyên dụng sẽ làm cho hệ thống mạng viễn thông được truyền với tốc độ cao, dung lượng lớn và ổn định hơn. Hạ ngầm giúp đa dạng hóa các dịch vụ công cộng phù hợp với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin. Ngầm hóa dưới đất sẽ giúp cơ sở thông tin được truyền đi an toàn và có tính bảo mật cao hơn.
Như vậy, diện mạo của các thành phố văn minh không thể có những “vết sẹo” hay những “điểm đen” là những đường dây cáp điện, cáp thông tin chằng chịt, giăng mắc khắp nơi như những “mạng nhện” trên các cây cột điện. Để không còn tồn tại những búi “rác trời” hay những hiểm họa bất ngờ cho sự an toàn của con người rất cần thiết “phải hạ ngầm tất cả những đường dây đi nổi”.
Nguyên tắc xây dựng thành phố văn minh - không dây là những khu quy hoạch mới, những tuyến đường mới thì xây dựng cơ sở hạ tầng trước (cáp ngầm, hệ thống cấp thoát nước, dây điện, viễn thông... trong lòng đất), rồi xây dựng các công trình xây dựng, nhà ở sau. Còn những thành phố, khu vực cũ đã xây dựng từ trước thì sẽ cải thiện theo từng tuyến đường theo nguyên tắc hình thành những đường phố không dây, tiến tới những thành phố không dây.
-
Thu Trang