- "Tôi đã từng hỏi mấy đứa học sinh chứng kiến các vụ đánh nhau rằng, biện pháp xử lý nào hiệu quả nhất? Đứa bảo gọi công an đứa bảo gọi bảo vệ. Tại sao các cháu không chạy ra đường cạnh đó gọi người đi đường vào can? Gọi 10 người nếu 9 người không can sẽ có một người can" - nhà báo, Đại tá Nguyễn Quang Vinh - PGĐ Trung tâm Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh CAND chia sẻ góc nhìn về trách nhiệm xã hội, truyền thông và gia đình với hiện thực ngày càng có nhiều trẻ em rơi vào con đường phạm pháp như hiện nay.
LTS: Những hành động như tạt axit, đánh trọng thương hoặc doạ giết thầy cô của một nhóm học sinh. Những vụ hành xử “xã hội đen” trong trường học được quay clip rồi phát tán lên mạng như một thú vui. Những vụ án con giết cha, cháu giết ông bà, nam sinh giết người tình bằng những thủ đoạn dã man, phi nhân tính đậm đặc chất bạo lực. Những cái chết thảm chỉ vì tức nhau một ánh mắt, nụ cười, lời nói “đểu” của những người xa lạ. Qùy lạy gấu bông giữa phố, diễu hành “náo loạn” đường phố vì một nhóm nhạc Hàn Quốc bị kiện, tuyển “tình một đêm”, rao bán thể xác trên mạng, quan hệ tình dục tập thể… |
Không có đứa trẻ nào hoàn toàn hư hỏng
Thời đại bùng nổ công nghệ, giới trẻ dễ dàng tiếp xúc với các loại hình truyền thông đại chúng từ truyền hình, báo in đến báo mạng điện tử. Đặc biệt là mạng internet, thông tin rất phong phú, đa dạng nhưng phần đông giới trẻ tiếp cận lại chưa biết cách sàng lọc thông tin.
Một hành vi phạm tội của đứa trẻ rất ít khi có âm mưu, kế hoạch từ ban đầu, đa số là phạm tội bột phát. Ở những đứa trẻ được giáo dục tốt thì ít khả năng xảy ra bột phát những hành vi xấu hơn những đứa trẻ sống tự do, tự quyết định mọi thứ trong cuộc đời.
Không có sự định hướng, giáo dục, quan tâm của người lớn, chúng không nhận thức đâu là đúng đâu là sai. Về sau hành vi phạm tội đối với các em sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Không có đứa trẻ nào hoàn toàn hư hỏng (Ảnh minh họa) |
Gia đình thế nào không quan trọng, mà quan trọng là các em được quan tâm hay không. Bố mẹ, anh chị, người thân có bao giờ trò chuyện với các em không. Bố mẹ có quyền áp đặt nhưng nên trò chuyện với con một cách bình đẳng để nó hiểu và tự thay đổi thì tốt hơn rất nhiều. Mình không nên lý tưởng hoá những đứa trẻ này ngoan ngoãn, cũng không nghĩ đứa trẻ này nó hư mãi.
Trên thực tế, có rất nhiều đứa trẻ chưa ngoan đã phấn đấu thành đứa trẻ ngoan. Đó là những đứa trẻ mà tôi gặp ở trường giáo dưỡng. Lúc vào trường chúng là những đứa trẻ hư, nhưng khi ra trường rất nhiều đứa trở thành trẻ ngoan. Nhưng sự ngoan ấy không bền vững nên cần phải tiếp tục giáo dục các em trong một môi trường khác để sự ngoan ấy trở nên bền vững.
Ở trong trường thì nhà trường có trách nhiệm giáo dục, nhưng khi ra trường rồi thì trách nhiệm đó thuộc về ai? Nói về trách nhiệm, chúng ta vẫn có câu cửa miệng là gia đình - nhà trường - xã hội, nhưng theo tôi trách nhiệm thuộc về mỗi chúng ta. Tại sao mình không dành thời gian nói chuyện với con mình, tại sao mình không nói chuyện với những đứa trẻ chợt gặp trên đường có hành vi này hành vi khác.
Với những đứa trẻ giang hồ, 9 phần xấu vẫn có 1 phần tốt. Chúng ta phải nhìn ra những phần tốt đó, đánh thức nó lên. Nếu không ai dừng họ lại, không ai phanh họ lại thì họ sẽ càng trượt dài.
Cách đây khoảng một tháng, tôi có tiếp xúc với đội biệt giam (những đối tượng chờ tử hình) thì có biết một thằng bé 19 tuổi ăn trộm bị chủ nhà phát hiện và tấn công nó. Nó chống cự, trong quá trình giằng co nó đâm ông chủ nhà chết. Ngồi trong xà lim, đợi ngày thi hành án. Tôi nói chuyện với nó, nó hồn nhiên chấp nhận hình phạt. Rõ ràng thằng bé chưa ý thức một cách rõ rệt về cái chết.
Đừng chỉ đánh vào sự tò mò để thu hút độc giả
Ngày xưa, đừng nghĩ là bạo lực học đường ít. Nó ít chỉ vì báo chí không đưa tin, không săn đuổi tin như bây giờ nên người ta không biết. Bây giờ nghe những lời rao bán báo ngoài đường là biết những tờ báo đó đang đi về cái gì. Và độc giả chỉ chăm chăm mua tờ báo để đọc những thông tin cướp, giết, hiếp thì đó cũng không phải sự tò mò tốt.
"Một hành vi phạm tội của đứa trẻ rất ít khi có âm mưu, kế hoạch từ ban đầu, đa số là phạm tội bột phát" (Ảnh minh họa) |
Mức độ phạm tội của người trẻ tuổi và xu hướng bạo lực học đường gia tăng hay không chịu sự ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Nhưng theo cách thông tin của báo chí hiện nay thì dứt khoát là có sự gia tăng.
Tại sao, bên cạnh những vụ bạo lực vẫn có những thông tin giáo dục, biện pháp giáo dục của nhà trường rất tốt, xu hướng tích cực nhưng không mấy báo phản ánh? Chỉ những trường hợp xuất chúng như Ngô Bảo Châu vừa rồi được quan tâm, còn những trường hợp phấn đấu từ một đứa trẻ chưa ngoan thành một đứa trẻ ngoan thì ít người viết và ít người quan tâm.
Tôi phản đối báo chí đưa tin theo cách phản ánh sự kiện mà không lý giải nguyên nhân và không có định hướng. Tôi đã từng hỏi mấy đứa học sinh chứng kiến các vụ đánh nhau rằng, biện pháp xử lý nào hiệu quả nhất? Đứa bảo gọi công an đứa bảo gọi bảo vệ. Tại sao các cháu không chạy ra đường cạnh đó gọi người đi đường vào can? Gọi 10 người nếu 9 người không can sẽ có một người can.
Nếu có người lớn vào can chẳng lẽ nó lại đánh cả người lớn? Tôi nghĩ bọn trẻ nó không tàn bạo đến thế. Vẫn có bà cụ bẩy mấy tuổi đi tập thể dục thấy cảnh đánh nhau, chính cụ ấy là người can. Những người thanh niên nhìn thấy mà lờ đi thì có lỗi với người già, có lỗi với các cháu. Tại sao người ta làm được mà mình không làm được?
Từ bài báo tuyên truyền người can bị đánh như thế làm cho người ta xa lánh những chuyện bất bình. Ai ra đường thấy kẻ cắp, thấy đánh nhau, thấy người vượt đèn đỏ đều ngứa mắt, nhưng không có ai lên tiếng thì nó trở thành hành vi đương nhiên xã hội phải chấp nhận.
Nhà báo phải có trách nhiệm xây dựng xã hội
Trong nhiều trường hợp báo chí lên tiếng thì tốt, nhưng đừng lên án, đừng kì thị. Ví dụ như những trẻ em bị HIV ở trung tâm bảo trợ xã hội Ba Vì. Chính phủ đã quy định là không phân biệt đối xử với những trẻ em có HIV, chúng nó vẫn được vào trường học.
Nhưng trong giờ chào cờ, các em có HIV lại phải ngồi riêng một dãy ghế màu xanh, còn các em khác ngồi ghế màu đỏ. Đó là kỳ thị. Làm thế nào để các em hoà nhập nó là trong ý thức của người lớn. Tất nhiên, vẫn có những biện pháp phòng ngừa để tránh lây lan, nhưng làm thế nào để cho các cháu không phải mặc cảm.
Bộ phim tài liệu "Tiếng gọi từ trên cao" (đạo diễn Chu Phong) là một trong những tác phẩm có tác động rất lớn đến sự thay đổi tâm lý kỳ thị này. Chúng ta rất cần những bộ phim như thế, những tác phẩm báo chí như thế. Từ khơi dậy tình cảm đối với các em có HIV dần dần nuôi lên một ý thức trách nhiệm lớn. Nếu có 10 bài báo, 100 bài báo như thế chắc chắn ý thức xã hội sẽ tốt lên.
Những bài báo tôi viết, tôi luôn cố gắng đề xuất các giải pháp. Không phải đề xuất nào của tôi cũng đúng, nhưng nó xuất phát từ suy nghĩ tình cảm của mình nên sẽ không bị chê trách.
Nhà báo có chức năng phản biện xã hội và xây dựng xã hội, thế nên với mỗi sự kiện, sự việc ngoài việc phản ánh nhà báo còn phải định hướng giáo dục và đề xuất những biện pháp ngăn chặn. Hơn 500 cơ quan báo chí, mỗi nhà báo khi đưa tin mà gắn trách nhiệm công dân của mình vào thì định hướng giáo dục xã hội sẽ tích cực hơn nhiều.
-
La Hoàn (ghi)
“Người lớn cũng sống gấp, sao dạy trẻ con?” Chưa bao giờ xã hội phải chứng kiến cảnh giới trẻ có thói hung hăng, côn đồ như hiện nay. Đôi khi chỉ vì ánh mắt, nụ cười, lời nói nhìn thấy ghét, hay chỉ một va chạm nhỏ, chẳng biết phải trái ra sao, một bộ phận giới trẻ sẵn sàng lao vào đánh đấm, thậm chí giết người. |
’Người lớn vậy, trẻ ngại gì tình một đêm?’ “Người lớn làm gì, trẻ em làm nấy thôi. Ngồi đâu, nói gì, người lớn cũng lớn tiếng bàn chuyện tục tĩu. Vờ đi công tác rồi một đám người cùng cơ quan dắt nhau vào quán mại dâm, thì trẻ em ngại gì mà không tuyển tình một đêm, rao bán thể xác hoặc tình dục tập thể?” – Nhà văn Võ Thị Hảo với góc nhìn sắc sảo về hiện tượng xuống cấp về đạo đức và nhân cách của một bộ phận giới trẻ ngày nay. |