Trong khi tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm luôn nóng bỏng và gây bức xúc trong dư luận xã hội thì đội ngũ thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm hầu như không để lại một dấu ấn gì trên “mặt trận chống độc chất trong thực phẩm”. Lý do là lực lượng này quá mỏng về số lượng, quá yếu về chất lượng, chưa được đầu tư tương xứng với nhiệm vụ và tầm quan trọng.
8 triệu dân, chỉ có 4 thanh tra thực phẩm!
Đây là câu chuyện thực tế tại một trong những thành phố trung tâm, phát triển nhất cả nước - TP.HCM. Thế nhưng TP.HCM vẫn còn may mắn bởi con số 4 thanh tra là đã nhiếu nhất cả nước về số lượng. Ở các tỉnh thành khác, trung bình chỉ có … 0,5 người làm công tác thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm (quản lý trung bình từ 1.000 đến 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm cho khoảng từ 1 đến 5 triệu dân!)
TP.HCM đã được bổ sung thêm 26 thành viên vào lực lượng thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chỉ mới huấn luyện xong nghiệp vụ. Con số này vẫn quá khấp khẩnh nếu nhìn ra thế giới: Riêng thủ đô Bangkok đã có 5.000 người, Nhật Bản có 33.000 thanh tra viên an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thanh tra thực phẩm vừa thiếu vừa yếu, mỗi tỉnh chỉ có 0,5 người làm công tác này! |
Đó là chưa kể đến việc trước khi Quốc hội giao Bộ Y tế là đầu mối quản lý và chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm thì công việc này luôn hiện hữu trong mắt dư luận như một mớ bòng bong giữa các Bộ - ban - ngành (Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Tổng Cục Hải quan, ..) bởi các bên không có cơ chế liên thông phối hợp nhịp nhàng.
Đứng trước thực trạng này, ngày 18/7/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2008/NĐ-CP quy định hệ thống tổ chức, quản lý, tranh tra và kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, cả 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương thành lập xong Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trực thuộc sở Y tế tỉnh, từ đó công tác này sẽ được triển khai theo ngành dọc để đảm bảo đồng bộ.
Chi cục này ra đời nhằm đáp ứng kỳ vọng nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Song sau khi giải quyết xong các thủ tục để các chi cục ra đời chính thức thì một vấn đề mới lại nảy sinh. Đó là nhân lực, chế độ đãi ngộ, cơ chế hoạt động, …
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác kiểm nghiệm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì, hầu hết các tỉnh đều “kêu” rằng nhân lực cho chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh hầu hết là kiêm nhiệm chứ không được tuyển mới những người có chuyên môn nghiệp vụ về thanh tra thực phẩm.
Mặt khác, các tỉnh đều ngao ngán trước tình cảnh đã thành lập chi Cục rồi nhưng trụ sở làm việc riêng không có, toàn phải đi làm nhờ, việc tìm được người đứng ra đảm nhận chức danh Chi cục trưởng là không dễ vì không ai “mặn mà”!
63 tỉnh thành, 0 phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn
Kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là một vũ khí để quản lý chất lượng thực phẩm, song hiện tại vũ khí này của ngành y tế còn chưa đủ mạnh.
Việc phát hiện đâu là thực phẩm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trông chờ rất nhiều vào kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng. Nhưng thực tế, các cơ quan này năng lực lại còn quá yếu so với yêu cầu.
Tại Thanh Hoá có trên 10 nghìn cơ sở thực phẩm, nhưng mỗi năm mới chỉ giám sát, kiểm tra, kiểm nghiệm được 57% số cơ sở.
Kết quả kiểm nghiệm 2.516 mẫu thực phẩm tại tuyến huyện thì có tới 1.405 mẫu không đạt chỉ tiêu về vi sinh, hoá lý. Thực phẩm nhập khẩu chính ngạch vào VN được kiểm soát tốt hơn với số lô thực phẩm nhập khẩu không đạt yêu cầu giảm 31%. Còn các thực phẩm nhập lậu thì hầu như không kiểm soát nổi.
Không có phòng kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm nào trên cả nước đạt chuẩn |
Kết quả khảo sát năng lực kiểm nghiệm của 63 trung tâm y tế dự phòng, do Cục ATVSTP thực hiện năm 2009 cho thấy, năng lực các phòng kiểm nghiệm còn quá yếu. Chỉ có một vài tỉnh có khả năng kiểm nghiệm các chỉ tiêu cơ bản về dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, độc tố vi nấm, kim loại nặng, chất bảo quản.
Việc kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm, đặc biệt là các chỉ tiêu về thành phần dinh dưỡng của thực phẩm chỉ đạt 30%.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến năng lực kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn quá yếu là do trang thiết bị cho kiểm nghiệm còn quá thiếu, một số tỉnh còn thiếu cả các thiết bị cơ bản của phòng kiểm nghiệm là nồi hấp, cân, tủ ấm. Cho đến nay, chưa có phòng kiểm nghiệm nào của 63 địa phương trong cả nước được chứng nhận đạt chuẩn.
Năng lực thanh - kiểm tra, lấy mẫu của thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm cũng mắc rất nhiều lỗi như: Không có biên bản lấy mẫu, không niêm phong, không ký nhận của đại diện cơ sở, không ghi đầy đủ các thông tin về mẫu sản phẩm, lấy mẫu xong lại giao cho chủ cơ sở bảo quản và mang đi xét nghiệm, chỉ kiểm tra trên hồ sơ, không kiểm tra kho nên không phát hiện được nguyên liệu quá hạn.
Thậm chí, khi kiểm tra không quan tâm đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm đạt hay không đạt, mà chỉ quan tâm việc sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn chưa. Đáng nói hơn là tình trạng phát hiện mẫu không đạt và có nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.
Có thể lấy ví dụ: vụ nước uống đóng chai có nhiễm trực khuẩn mủ xanh được phát hiện ở Bến Tre, song cơ quan y tế cho rằng không nguy hại đến người nên đã không công bố kịp thời. Nguyên nhân là do năng lực các thanh tra viên còn quá hạn chế. Lại thêm trang thiết bị thiếu thốn nên hậu quả như trên là hòan toàn có thể xảy ra.
- Ngọc Anh