- Biết tin mình có HIV khi đang là giáo viên mầm non, chị đã gần như gục ngã, tuyệt vọng, giấu không cho ai biết, kể cả người thân trong gia đình.
Chị Tô Thị Tuyết (Bắc Giang) xuất hiện trước mắt tôi với khuôn mặt rạng rỡ, cái nhìn tự tin, giọng nói truyền cảm. Là đồng đẳng viên của phòng khám ngoại trú, CLB tình thương và hy vọng Bắc Giang, trưởng nhóm tự lực Vì ngày mai Tươi sáng Bắc Giang, chị là người tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của tỉnh.
Chị Tô Thị Tuyết (áo cộc đỏ, ngoài cùng) đang lắng nghe BTC phổ biến nội quy cuộc thi tại Hà Nội. |
Bản thân là giáo viên mầm non, sau khi sinh biết mình có HIV tôi phải dừng dạy sau khi hết chế độ nghỉ việc sinh con.
Cuộc sống lúc đầu với tôi gần như bế tắc hoàn toàn, mất niềm tin vào cuộc sống. May mắn bản thân cố gắng vào TT phòng chống HIV/AIDS của tỉnh và các CLB, được làm đồng đẳng viên. Và tôi hài lòng với công việc này vì được giúp đỡ nhiều người có chung hoàn cảnh, vất vả hơn tôi”.
Nói thêm về công việc hiện tại, chị Tuyết cho hay: “Khi đi làm tuyên truyền viên gặp rất nhiều khó khăn về sức khỏe, sự kì thị của tự bản thân và của gia đình người mình tới giúp đỡ.
Trường hợp nhớ nhất là lần tôi đến với bệnh nhân ở thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên. Chị này có HIV và đã có 2 con trai. Chồng đã mất vì có HIV. Bản thân chị biết có HIV nhưng vẫn tiếp tục quan hệ với một người đàn ông ở huyện khác và có cho anh một đứa con. Không may cháu có HIV. Lúc này chị gần như bị bỏ rơi. Gia đình nhà chồng kì thị rất nhiều, không ai chăm sóc.
Có thông tin, chúng tôi đã đến vận động gia đình nhưng họ không hợp tác, chị ấy thì không có tiền, sống nhờ vào bà con trong khu phố quyên tiền giúp đỡ. Chúng tôi đề nghị muốn đưa chị ấy tới bệnh viện nhưng không ai trong gia đình muốn tới chăm sóc. Và chị đã ra đi. Đấy là trường hợp khiến tôi thực sự đau lòng và khổ tâm vì không giúp được gì hơn cho chị ấy.
Khi được hỏi về cuộc sống gia đình thời điểm hiện tại, chị chỉ khiêm tốn: “Mình không dám nhận mình là người hạnh phúc như bao nhiêu người bình thường khác, nhưng bản thân mình đã và đang cố gắng hết mình và mong muốn chồng sẽ thông cảm cho mình hơn nữa”.
Thật may mắn cho chị Tuyết khi vợ chồng chị có hai người con: cháu gái lớn 6 tuổi, cháu trai bé 3 tuổi và cả hai đều không có HIV.
Hôm nay ra Hà Nội tham gia cuộc thi dành cho những người có HIV, mong muốn lớn nhất của chị đó là “vượt qua chính bản thân, khẳng định mình vẫn có ích và giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn”.
Bản thân cũng từng có việc làm nhưng vì sự kì thị mà chị Tuyết đã phải từ bỏ công việc giảng dạy tại trường mầm non của mình |
Là thí sinh cuối cùng lọt vào top 5 người đẹp xuất sắc nhất của hội thi, câu hỏi mà chị nhận được hay cũng chính là nỗi lòng người giáo viên đã bị mất việc vì có HIV: "Mối quan tâm lớn nhất của những người có HIV là việc làm" - Trước hàng trăm khán giả đang lặng im nghe chị trả lời, người phụ nữ ấy đã không giấu được sự nghẹn ngào: "Bởi khi có việc làm thì sẽ có thu nhập, sẽ hỗ trợ con cái và gia đình. Bản thân tôi cũng từng có việc làm nhưng vì kì thị tôi đã mất việc làm".
Có lẽ, đó không chỉ là mong mỏi của riêng chị, mà của tất cả những người có HIV. Nhìn đôi mắt lúc nào cũng buồn buồn như muốn khóc của chị, giọng nói trầm ấm, chứa chan ân tình ấy tôi biết chị còn muốn nói nhiều hơn, kể nhiều hơn nữa về đời mình và số phận éo le của những người cùng cảnh ngộ!
Bản thân những người như chị - xin vẫn được gọi là cô giáo Tuyết, Á khôi 2 của hội thi, có lẽ đây là khoảnh khắc chẳng thể nào quên, vì đó là nơi các chị được "cất cao" tiếng nói, khẳng định tài năng, nghị lực sống phi thường và vẻ đẹp của những người có HIV.
- Văn Chung – Quang Anh