- Trao đổi với VietNamNet về vụ án “xe khách bị lũ cuốn” tại Hà Tĩnh, Đại tá Phan Văn Đán, Trưởng công an huyện Nghi Xuân nói rằng: Tôi đảm bảo sẽ điều tra một cách khách quan, toàn diện nhất. Không bênh vực cho ai cả.
>> Những số 8 bí ẩn trong vụ xe khách bị lũ cuốn
>> Toàn cảnh xe khách bị lũ cuốn
Vụ việc chiếc xe khách mang BKS 48K – 5868 chạy từ Đăk Nông ra Nam Định bị lũ cuốn khiến 20 người thiệt mạng vào sáng ngày 18/10 tại Hà Tĩnh vẫn đang được điều tra.
Trước sự quan tâm của dư luận về vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phan Văn Đán, Trưởng Công an huyện Nghi Xuân, thủ trưởng cơ quan CSĐT.
Đại tá Phan Văn Đán, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh: "... Nếu anh nào cũng nói làm hết trách nhiệm cả thì không được... Tôi bảo đảm điều tra một cách khách quan nhất, toàn diện nhất và không bênh cho ai cả...". Ảnh: Duy Tuấn |
Thưa ông, vụ án xe khách bị lũ cuốn được điều tra đến đâu rồi?
- Anh em vẫn đang làm. Hiện lái xe Trần Văn Trường đang bị tạm giam tại trại tạm giam Cầu Đông, Hà Tĩnh. Trường là một trong hai lái chính của chiếc xe đấy, không phải mới lái mà có hợp đồng với nhà xe này từ năm 2007. Quá trình này đang điều tra. Tại thời điểm đó anh nào lái chính anh ấy phải chịu.
Lái xe Trường có khai là đã có hành vi vượt chốt chặn lực lượng CSGT không?
- Cái đó chưa trả lời chắc chắn được. Phải mất một quá trình thì mới có kết luận chính thức được. Nhiều lúc lời khai rồi nhưng cũng phải có các chứng cứ khác để chứng minh. Ngoài lái xe thì đang còn hành khách trên xe nữa nên chưa vội vàng kết luận được.
Trường đã nhận trách nhiệm khi điều khiển chiếc xe trong lúc đó và dẫn tới tai nạn. Còn trên đường đi thì đang còn nhiều vấn đề khác nữa. Chắc chắn các mảng đều phải điều tra.
Dư luận có nói đến việc chiếc xe này chở gỗ, thực tế thế nào?
- Người dân nói trong chiếc xe có gỗ nhưng thực tế không có. Bây giờ riêng mảng dân sự cũng đã mất rất nhiều thời gian vì hành khách chủ yếu ở các tỉnh khác, rồi công tác đền bù, thiệt hại về chiếc xe đó, tài sản cũng cần được điều tra đánh giá.
Khi vụ tai nạn mới xảy ra 1 ngày, ông có nói rằng: có nhân chứng cho biết, khi xẩy ra tai nạn, lực lượng CSGT ở chốt chặn đó đã không hoạt động, nhiều xe vượt qua?
- Tôi không nói cái đó. Theo như yêu cầu của Cty 487 (thuộc Khu quản lý đường bộ 4) thì Công an Nghi Xuân hối hợp với họ ở một số chốt trên địa bàn, còn barie là của họ. Còn phía Nam thì họ làm thế nào mình không được biết.
Khi nào thì có thể có kết luận điều tra, thưa ông!
- Nếu thời hạn 4 tháng không xong thì gia hạn thêm thời gian để điều tra, làm khi nào đầy đủ nhất.
Đây là vụ việc rất phức tạp. Riêng vấn đề xác định được mực nước tại thời điểm xẩy ra tai nạn là bao nhiêu là việc không dễ làm. Cái này liên quan đến việc chiếc xe khách bị ngập đèn.
Muốn làm rõ có sai không, ai sai, sai như thế nào và ai là người chịu trách nhiệm thì phải căn cứ vào luật, trước hết là Luật giao thông đường bộ. Lúc đó sẽ biết, cơ quan quản lý đường bộ, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông có chức năng nhiệm vụ gì và có làm tròn nhiệm vụ hay không?
Trên cơ sở của luật pháp, tôi bảo đảm điều tra một cách khách quan nhất, toàn diện nhất và không bênh cho ai cả. Muốn như thế thì phải dày công, mất thời gian.
Nếu anh nào cũng nói làm hết trách nhiệm cả thì không được. Mình phải làm rõ cơ quan nào, sai đúng ở góc độ nào, luật nào điều chỉnh và khung hình phạt nào áp dụng.
Ông Trần Đăng Lực, bố nạn nhân Trần Đăng Khoa. Hai cha con cùng đi trên một chuyến xe định mệnh đó, ông may mắn thoát chết nhưng đứa con ông thì vĩnh viễn không quay trở lại. Ngày ông nhận được tin có thi thể nam giới được tìm thấy ở Quảng Trị ông đã vội vã tìm đến. Nhưng người thì đã được chôn cất, những dấu hiệu để lại chẳng biết được có phải là con trai ông hay không. Ông vẫn đang chờ đợi...! Ảnh: Duy Tuấn |
Vậy thưa ông, các cơ quan quản lý đường bộ và lực lượng CSGT có trách nhiệm gì trong vụ việc này?
- Đương nhiên là phải có trách nhiệm chứ! Trách nhiệm là ở chỗ, anh là cơ quan tổ chức giao thông, anh là chỉ huy phương tiện giao thông, tại thời điểm đó như thế nào? Anh thanh tra cũng bảo không, anh tổ chức giao thông cũng bảo không rồi anh CSGT cũng bảo không là không được.
Ví dụ như trường hợp bất khả kháng, đã tổ chức giao thông tốt, có barie, có lực lượng thường trực, hướng dẫn nhưng lái xe cố tình đâm sào chạy thì đấy là một việc khác. Nhưng việc để cho chiếc xe chạy trong lúc có lực lượng là một việc khác.
Chưa thể kết luận một vấn đề gì cụ thể vì nó liên quan đến nhiều người, nhiều cơ quan nên cần phải có chứng cứ. Như việc ai tổ chức, ra quyết định cấm đường, cơ quan nào phối hợp, nhiệm vụ gì, vị trí nào... đều phải được làm rõ. Cái quan trọng nhất vẫn là lực lượng trực của kíp trực tại thời điểm đó.
Xin cám ơn ông!
-
Duy Tuấn – Hoàng Sang (thực hiện)