- Cơn "lũ bùn đỏ" đã qua, nhưng hậu quả có nó để lại vẫn còn hết sức nặng nề. Gia đình chị Mã Thị Bạch (xóm Nà Kéo, xã Duyệt Trung, Thị xã Cao Bằng) vẫn rơi vào cảnh có nhà mà không thể về! Bài toán giải phóng hàng ngàn khối bùn đỏ vẫn đang làm đau đầu lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
>> Hoảng hốt ’lũ bùn đỏ’ xuất hiện bất ngờ
Không phải lần đầu sai phạm
Đã 2 ngày trôi qua nhưng con đường dân sinh vào mỏ Nà Lũng vẫn ngập tràn bùn đất. Ở dưới suối, dòng bùn đỏ quạch vẫn tiếp tục đùn lên đường, người dân qua đường vẫn phải lội bùn nhầy nhụa.
Những người dũng cảm dám phi xe máy qua đoạn đường bị ngập cũng bị bùn đỏ khuất phục, đành phải nhảy xuống mà dắt xe. Suốt hai ngày qua, biện pháp duy nhất mà Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng sử dụng để khắc phục tình trạng tắc đường, là dùng máy bơm bơm nước từ sông vào để dồn bùn ra một con suối nhỏ, rồi từ đó bùn chảy ra sông Bằng.
Gia đình chị Mã Thị Bạch (xóm Nà Kéo, xã Duyệt Trung, Thị xã Cao Bằng) vẫn rơi vào cảnh có nhà mà không thể về! |
Trong khi đó, con sông Bằng lại có hàng vạn người dân đang sử dụng nguồn nước. Nhưng với cách làm này chẳng khác gì “đánh bùn độc ra sông”, nếu giải quyết được chỗ này thì chỗ khác lại ô nhiễm.
Ngồi bất lực trước đống bùn trong nhà, chị Mã Thị Bạch (xóm Nà Kéo, xã Duyệt Trung, Thị xã Cao Bằng), hộ chịu thiệt hại nặng nhất do cơn lũ bùn gây ra than phiền: “Quanh nhà đều là bùn, chẳng biết làm sao cả, đã 2 ngày nước rút nhưng bùn không rút là mấy. Hiện nay, vì mực bùn ở suối ngang bằng với mực bùn trong nhà nên không biết vét bùn đi đâu. Cứ múc đi được một tí thì bùn ngoài suối lại đùn vào. Cả nhà có vài bộ quần áo thì bị vùi lấp mất, giờ chồng em mới đi mua mấy bộ để mặc tạm. Cũng không dám sắm nhiều, vì có nhà đâu để ở, đang phải ở nhờ nhà em gái”.
Cách qua đoạn bùn ngập của người dân |
Công ty đã thừa nhận sai phạm và hứa sẽ tổ chức khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại cho dân. Đáng lưu ý, vào năm 2008, Chi cục đã kiểm tra mỏ này và kết luận lượng nước thải của mỏ vượt quá mức cho phép từ 2 lần đến dưới 5 lần; vi phạm nhiều quy định về bảo vệ môi trường.
Hiện tại, Chi cục chưa phân tích, đánh giá tác hại của chất bùn thải công nghiệp này, nhưng bùn có vụn sắt, ion sắt, có thể có lưu huỳnh gây hại cho cây trồng. Và cungc chưa đánh giá được ảnh hưởng của bùn đến sức khoẻ con người.
Cơn "lũ bùn đỏ" đã qua, nhưng hậu quả có nó để lại vẫn còn hết sức nặng nề. |
Thông tin từ những công nhân trên trùng khớp với thông tin của ông Lê Hồng Hải, Chánh Thanh tra Sở TN-MT Cao Bằng cung cấp: Đó là, vào năm 2008, xí nghiệp này đã bị xử phạt 70 triệu đồng vì có hành vi xả thải trộm.
Theo ông Hải, khi làm việc với nhóm công nhân vi phạm, họ khai: Lãnh đạo xí nghiệp nghe dự báo thời tiết là sẽ có mưa lũ về nên đã ra lệnh cho xả thải trước. Tuy nhiên, năm đó mưa lũ lại không về nên hành động xả thải trộm này đã bị lộ và bị bắt quả tang.
Xử phạt nặng nhất
Sau khi đi kiểm tra con đập chắn thải bị vỡ - tác nhân gây ra cơn “lũ bùn đỏ” và đi thăm một số gia đình bị thiệt hại do cơn lũ gây ra, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Sở TN-MT cùng các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm đối với Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng chỉ đạo, trước mắt, xí nghiệp này cùng chính quyền Thị xã Cao Bằng cần trích ngay kinh phí cho 2 gia đình bị thiệt hại nặng nhất để ổn định cuộc sống và có tiền đi thuê nhà ở.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng yêu cầu Sở TN-MT xác định rõ nguyên nhân và lập biên bản xử phạt một cách nặng nhất.
Qua sự việc trên, có thể nhận định rằng, Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng đã vi phạm nghiên trọng về Luật Môi trường khi tự ý xây dựng bể chắn thải. Nhưng xét về mặt quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng, mà cụ thể là Sở TN-MT, thì Sở này cũng chưa làm tròn hết trách nhiệm nên đã 5 năm trôi qua mà những sai phạm này vẫn không được xử lý triệt để.
Hiện nay, xí nghiệp này lại đang tiến hành xây dựng tiếp đập chắn thải số 5. Với cách xây dựng một cách bất cẩn và công tác giám sát lỏng lẻo như hiện nay của các cơ quan chức năng, thì ai chắc được sự cố vỡ đập có còn xảy ra nữa hay không? Câu trả lời thuộc về ngành chức năng của tỉnh Cao Bằng và chính bản thân xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng cũng như Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam.