Nghị định số 41 được Chính phủ ban hành tháng 3/2007 quy định rất rõ: tất cả những đô thị được quy hoạch xây dựng sau thời điểm ban hành nghị định này đều phải đưa vào thực hiện ngầm hóa hệ thống các đường dây đi nổi như: cáp điện, cáp thông tin, cáp viễn thông,.. đồng bộ với dự án, công trình.
"Việc lẽ ra phải làm từ lâu"
(Ông Hoàng Thái An - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật điện Việt Nam)
Hạ ngầm là việc tất yếu đối với các nước phát triển, lẽ ra chúng ta phải thực hiện từ lâu, nhưng Việt Nam mới đang trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện nên gặp nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Sau những dự án thí điểm tại Hà Nội, các cơ quan ban ngành cùng với Chính phủ đã không ngừng rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện các văn bản chi tiết hướng dẫn công tác hạ ngầm đô thị.
Tôi đồng ý với ý kiến hạ ngầm tại các đô thị mới là việc các cơ quan quản lý phải tính ngay và đặt vấn đề với lãnh đạo Hà Nội, nên coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quy hoạch văn minh đô thị. Quy hoạch không gian ngầm phải được coi là một phần không thể tách rời với quy hoạch tổng thể dự án. Việc triển khai ngay từ ban đầu sẽ tạo nên sự đồng bộ và khi được triển khai ngay từ ban đầu sẽ tránh gây lãng phí cũng như tình trạng tốn kém, lãng phí sau này. Vấn nạn “rác trời” hy vọng sẽ chỉ là câu chuyện của quá khứ, không lặp lại ở tương lai.
Đường Xuân Thuỷ phong quang sau khi hạ "rác trời" - Ảnh: VietNamNet |
"Tránh lãng phí: Quy hoạch tổng thể, phân kỳ đầu tư từng giai đoạn"
(Đại diện ban quản lý dự án hạ tầng đô thị)
Hà Nội là bộ mặt quốc gia nên cần phải chú trọng việc quy hoạch không gian ngầm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Sau quá trình khẩn trương dọn dẹp “rác trời”, “mạng nhện” chào đón Đại lễ 1000 năm, người dân thủ đô đã được hưởng một không gian phong quang, thoáng đãng hơn không còn lo lắng với những hiểm họa bất thình lình trên bầu trời rơi xuống. Các cột điện lực già cỗi gồng gánh quá sức với những búi rác khổng lồ, cột chiếu sáng, bảng bê tông, bị dẹp bỏ; các cột thông tin và hàng trăm tấn dây thông tin vô chủ, ... được thu hồi. Hạ ngầm đã mang lại ý nghĩa thiết thực, cần nhân rộng trong tương lai để Hà Nội có bộ mặt đô thị đẹp hơn, xứng đáng là thủ đô của Việt Nam.
Từ bước đi mạnh dạn ban đầu cùng sự nỗ lực không ngừng đã có kết quả, được đông đảo người dân đồng tình, đón nhận. Sau những dự án ban đầu, nhiều bài học kinh nghiệm lớn được rút ra để những bước đi tiếp theo được nhanh chóng và có hiệu quả hơn. Từ bài học hạ ngầm chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi cho rằng tại các đô thị mới cần có quy hoạch tổng thể bao gồm cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật của không gian ngầm để quá trình phát triển của đô thị sau đó chúng ta không lặp lại tình trạng: đào xới vỉa hè, lòng đường để hạ ngầm những đường dây đi nổi. Để làm được điều đó, rất cần sự phối hợp thống nhất của các bộ, sở, các cơ quan ban ngành có thẩm quyền thuộc các lĩnh vực điện lực, viễn thông, giao thông, xây dựng cùng Thành phố Hà Nội đưa ra quy hoạch tổng thể, dài hạn và đồng bộ, trên cơ sở đó phân kỳ đầu tư từng giai đoạn, tránh lãng phí.
Ảnh minh hoạ |
“Hạ ngầm cáp, đường dây đi nổi tại các đô thị, chung cư cao tầng, các tuyến đường trên trục chính trên địa bàn đô thị”
(Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông)
Để chuẩn bị cho đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội từ năm 2007 các sở - ban - ngành bưu chính, viễn thông, xây dựng, giao thông vận tải, ... đã thống kê đường dây xấu, cũ nát, lên danh sách các phố buộc, bó dây cáp trong nội đô. Tháng 4 năm 2008, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch 37 về việc triển khai thực hiện chương trình chỉnh trang, nâng cấp và tăng cường trật tự đô thị phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Thực hiện việc này, Bộ Bưu chính - Viễn thông, Sở Xây Dựng, Sở giao thông vận tải công chính và một số ban ngành ban hành quyết định 56/2009/QĐ-UBND về quy định quản lý, xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo, sắp xếp lại đường dây đi nổi trên địa bàn thành phố. Được biết kế hoạch của UBND Thành phố sau năm 2010 sẽ báo cáo Thành ủy và khuyến khích Xã hội hóa tiếp tục hạ ngầm các đường dây đi nổi trên các tuyến phố còn lại của Hà Nội và đô thị của cả nước.
Hiện tượng "rác trời", dây cáp chằng chịt tại một số tuyến phố do các doanh nghiệp lâu năm, hay một số doanh nghiệp mới chưa nghiêm túc thực hiện, không có hạ tầng hoặc không có đường cống bể. Để có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, UBND Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt như Chỉ thị số 03/2010 về việc chỉnh trang đô thị phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.Trước tình trạng một số đô thị mới dây thuê bao, truyền hình cáp chằng chịt gây mất mỹ quan, đã có Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BTTTT-BXD giữa Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc lắp đặt, quản lý, sử dụng hệ thống cáp điện thoại và hệ thống cáp truyền hình trong các toà nhà nhiều tầng có nhiều chủ sử dụng.
Tại các đô thị mới, trách nhiệm của ban quản lý, nhà đầu tư phải thực hiện theo quy định 56/2009/QĐ-UBND để triển khai hạ ngầm một cách đồng bộ và dài hạn, bắt buộc khu đô thị, tuyến đường mới mở phải hạ ngầm dây, nghiêm cấm các đơn vị tuỳ tiện lắp đặt đường dây cáp đi nổi.
-
T.M