221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1318238
Ước mơ nhìn thấy bình minh của thiếu nữ mù
1
Article
null
Ước mơ nhìn thấy bình minh của thiếu nữ mù
,

- Số phận không cho em được nhìn thấy những bình minh rạng rỡ, nhưng không làm tắt đi trong em niềm tin vào cuộc đời. Câu chuyện về cô bé 16 tuổi tại trung tâm Hội người mù tỉnh Vĩnh Phúc giản dị nhưng cũng thật phi thường khiến nhiều người sáng phải nghĩ suy về cuộc đời.

Tuổi thơ đẫm nước mắt

Gặp em Lê Thị Yên- 16 tuổi tại trung tâm dạy nghề của Hội người mù tỉnh Vĩnh Phúc, tôi không khỏi bị ấn tượng bởi cô bé nhỏ nhắn, có đôi mắt rất đẹp nhưng lại sớm phải nặng những nỗi đau ấy.

Yên sinh ra ở một ngôi làng nghèo khó thuộc huyện Sông Lô- Vĩnh Phúc. Em sinh ra đã bị dị tật về mắt, nhìn gì cũng chỉ thấy một màu mờ ảo. Bất hạnh ập xuống gia đình khi cậu em trai sinh sau Yên cũng bị mù. Bố Yên lại đau ốm luôn, bao nhiêu lo toan dồn cả lên vai người mẹ tội nghiệp của em.

Lê Thị Yên
“Mẹ em cũng chỉ biết làm ruộng, làm thuê, làm mướn. Nhưng sức mấy để thoát nghèo. Mẹ thương chúng em thật, nhưng cũng chẳng thể săn sóc chúng em như con nhà người ta…” - Yên tâm sự.

Những năm tháng tuổi thơ, hai chị em Yên phải mò mẫm trong bóng tối, thơ thẩn lớn lên trong nỗi đau câm lặng.

“Em may mắn hơn em trai vì còn có thể nhìn mờ mờ khi ghé sát mắt vào sự vật. Hồi tiểu học, em cũng được đến trường. Nhưng đến lớp năm mà vẫn bị bạn bè trêu chọc, đùa cợt quái ác. Nhiều khi vừa đi học về vừa khóc ròng…”.

Yên buồn bã kể lại những tháng ngày thơ ấu mà em rất muốn quên nhưng chẳng bao giờ quên được.

Bố mẹ Yên hết bận đồng áng, lại nai lưng đi làm thuê. Yên bùi ngùi kể về thời thơ ấu: “Em chẳng bao giờ quên được những ngày vừa mò mẫm làm việc nhà, vừa chờ bố mẹ đi làm về. Những lúc gặp tai nạn vì không nhìn rõ, đứt tay, chảy máu, ngã trầy trật… Chẳng có ai ở bên, cũng chẳng có những lời động viên, an ủi. Em trai em bị lòa hẳn, em thương nó, tủi mình nhưng cũng chẳng bao giờ dám nói ra. Khi nào quá tủi, quá buồn em cũng chỉ biết trốn vào một góc nhà ngồi khóc”.

Đau buồn nhất là khi bố Yên qua đời vì bạo bệnh. "Bố em không biết nói năng dịu dàng, không biết an ủi, động viên nhưng lúc nào bố cũng chăm lo cho chúng em từng li từng tí. Thời gian bố ốm bệnh em chưa chăm sóc được cho bố nhiều... Còn bố, em biết, bố em lúc nào cũng canh cánh vì không chăm sóc được chúng em đến nơi, đến chốn, không cho chúng em được cuộc sống bằng bạn bằng bè. Em chưa kịp đền đáp được gì cho bố cả…” Yên nghẹn ngào tâm sự.

“Còn nhớ những lần cuối tháng bố lên trung tâm đón hai chị em về chơi nhà. Trời nắng như lửa hay lạnh cắt da bố vẫn lịch kịch bắt xe đi thăm con. Lần ấy chẳng hiểu sao bố lên đón, đủ tiền xe đi, nhưng không đủ tiền xe cho cả ba bố con lúc về… May có cô giáo trong trung tâm giúp cho tiền xe chúng em mới về thăm nhà được. Bây giờ, mỗi lần nhớ lại kỉ niệm buồn ấy em lại muốn khóc” - Yên trải lòng.

Câu chuyện ngừng lại, đôi mắt Yên đã mọng nước từ bao giờ. Đôi mắt dường như chất chứa trong đó cả một khoảng trời buồn đau lặng lẽ.

“Thế giới vẫn có bình minh”

“Ngày trước em cứ nghĩ, cuộc đời mình sẽ mãi quẩn quanh trong căn nhà nghèo xác xơ, trong thế giới không có bình minh này. Còn bây giờ, em đã nghĩ khác, phải tự mình thắp lên những bình minh cho riêng mình”- Hành trình thắp sáng bình minh của em bắt đầu bằng ý chí vượt qua số phận từ đó.

Lên 12 tuổi, Yên được đưa vào Trung tâm dạy nghề của hội người mù tỉnh Vĩnh Phúc. Đó có thể nói là “bước ngoặt cuộc đời” của cô bé.

k
Yên đang làm việc để vươn lên
“Ngày xưa bị bạn bè xa lánh, trêu chọc, em chỉ biết khóc thầm. Khi vào đây rồi, được gặp những người đồng cảnh ngộ, được dạy chữ nổi, được học nghề, em cũng bớt thời gian sầu não hơn, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều”. Cuộc sống đã mỉm cười với cô bé từ đấy.

“Yên sáng dạ, học nhanh, sau bốn tháng đã có thể làm nghề rất tốt. Bạn bè, thầy cô trong trung tâm cũng rất quý”- cô Nguyễn Thị Chiên, giáo viên chủ nhiệm lớp học của Yên nhận xét.

Kể về quãng thời gian chọn học nghề mát xa, Yên bảo: “Em chỉ nghĩ đơn giản, được mọi người cưu mang, chăm sóc, lại được đi học thì phải cố học cho tốt. Em biết mình thiệt thòi đôi mắt nên quyết tâm học nghề cho giỏi để sau này làm kế sinh nhai. Nếu không thì trở về quê em cũng chẳng giúp được gì cho gia đình, chỉ trở thành gánh nặng mà thôi”.

Nói thì vậy nhưng học mát xa không đơn giản. Người sáng học cũng đã chật vật, với những người khuyết tật như Yên thì việc học càng khó gấp trăm lần.

“Khó nhất là khi học về các thủ thuật, các động tác đòi hỏi sự tập trung cao độ. Nếu nhìn được động tác của thầy cô thì đỡ bao nhiêu, đằng này, chúng em phải dò dẫm từng chút một. Nhiều lúc bất lực vì không hiểu nổi động tác, làm đi làm lại vẫn không đạt yêu cầu… Em cũng đã muốn buông xuôi, mặc kệ. Nhưng có các cô, các chị lớn động viên, hướng dẫn thêm, em cũng đã vượt qua được”.

Và cuối cùng, Yên cũng hoàn thành khóa học, chính thức trở thành nhân viên của Trung tâm mát xa của Hội người mù tỉnh.

“Làm thành thục rồi em còn muốn cố gắng có những sáng tạo riêng để khách hàng được hài lòng. Em cũng đã có một số khách quen, họ thương, quý và rất thông cảm cho em. Quả thực cuộc đời này có rất nhiều người tốt!”.

Câu nói ấy từ một cô bé 16, đủ hiểu em đã, đang tin vào cuộc sống này, tin vào những bình minh trong cuộc đời này như thế nào.

Thế giới vẫn còn có bình minh, bình minh đến với những tâm hồn trong sáng, nghị lực. Hành trình của Yên hẳn còn rất dài rộng phía trước, nhưng chắc chắn em sẽ thành công, ngay từ hôm nay, vì bình minh ấy đã hiện hình rất rõ từ trong tâm hồn em rồi.

  • Quỳnh Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,