221
7683
Chuyển động trẻ
chuyendongtre
/xahoi/chuyendongtre/
1294325
Xuất hiện trào lưu “ra riêng” của giới trẻ
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Xuất hiện trào lưu “ra riêng” của giới trẻ
,

- “Ra riêng” là cách gọi tắt của giới trẻ về chuyện các bạn thuê nhà, sống độc lập với gia đình. Đây là xu hướng đang ngày càng phổ biến để nhiều người trẻ bản lĩnh khẳng định mình.

Hành trình "ra riêng"

Sang kì cuối của năm thứ hai đại học, Nguyễn Thanh Hải - ĐH FPT khiến cả bố và mẹ… điên đầu vì cô đòi ra ở riêng. Hải nói với bố mẹ: “Bố mẹ luôn muốn con tự lập, con sẽ ra riêng để cho bố mẹ thấy con tự lập thế nào”. Nghe cô con gái tuyên bố như đinh đóng cột, bố mẹ Hải chỉ biết ôm đầu…

“Từ nhỏ, mình luôn phải sống giữa những nguyên tắc và những kỳ vọng của bố mẹ. Bây giờ 20 tuổi, mình muốn làm một điều gì có ý nghĩa” - Hải tâm sự. “Ban đầu cũng vất vả vì số tiền mình có rất hạn hẹp. Mọi chi tiêu phải tính toán và tằn tiện. Làm việc nhà cẩu thả, hỏng đồ, bị bỏng, cơm bữa nhão bữa sống… Rồi còn bị trộm “khiêng” mất vài đồ giá trị. Có lúc chán nản đến phát khóc…” - Hải kể lại những ngày chân ướt chân ráo ra riêng, tạo lập cuộc sống chung.

Mô tả ảnh.
Tính độc lập cần được khuyến khích ở giới trẻ Việt (Ảnh minh họa - Nguồn Intermet)

“Nhưng bù lại, mình rất tự tin và… tự hào. Mình sống thoải mái. Có nhớ bố mẹ, thèm cảnh đoàn tụ ở nhà, nhưng cái cảm giác tự do cũng rất tuyệt” - Hải khoe.

Một tuần lại về thăm nhà, Hải thấy mình ở một vị thế khác hẳn trước bố mẹ. Không còn là con nhóc hay nhõng nhẽo, Hải đã biết thương và lo cho bố mẹ hơn.

“Nhiều lúc mẹ cũng dỗ dành mình về, bảo nhà cửa có không ở, đi ở nhà thuê, mang tiếng bố mẹ. Nhưng mình quyết không lung lay...” - cô gái 20 tuổi nói vui, ánh mắt lấp lánh.

Còn với Lan Anh, Học viện Báo chí Tuyên truyền thì hành trình ra riêng còn là cách để cô bắt đầu sự nghiệp của mình. Học nghề báo, Lan Anh luôn khao khát được dấn thân. Những khi đi viết bài, phải đi xa hay về muộn, nhìn cảnh bố mẹ chờ cơm hoặc ngóng ra ngóng vào lo lắng, Lan Anh cũng thấy xót xa.

Sang năm thứ ba đại học, cô mạnh dạn đề xuất ra riêng. Mẹ phản đối kịch liệt, nhưng bố thì ủng hộ. Lan Anh nói: “Vì bố biết con gái nghĩ gì. Bố cũng luôn muốn tôi bay cao và bay xa”. Và Lan Anh dọn ra ở riêng rất nhanh và gọn.

“Điều quan trọng là mình ý thức được mình ra riêng để làm gì. Để tự do làm những điều có ích, những điều cần cho cuộc sống của mình, chứ không phải để tự do thác loạn, tự do chơi bời” - Lan Anh khẳng định.

Không độc lập tài chính, đừng mong “ở riêng”

Nhiều bạn trẻ rất háo hức khi phác họa ra cuộc sống “riêng” của mình, nhưng bước vào thực tế lại bị “khớp”, và không thể duy trì cuộc sống ấy lâu dài được. Lý do đầu tiên chính là “tiền đâu?”. “Nếu không độc lập được tài chính, tốt nhất bạn đừng tính chuyện ra riêng” - Lan Anh đưa ra lời khuyên ngắn gọn.

Cuộc sống riêng không hề đơn giản. Ở với bố mẹ, mọi thứ đều miễn phí, từ bữa ăn sáng đến áo quần bạn mặc, đồ trang sức bạn đeo. Nhưng ra riêng ư, mọi thứ đều gọi đến tiền. “Không có nguồn thu ổn định, hàng tháng lại về xin trợ cấp của bố mẹ thì xin thôi, ở riêng làm gì cho xấu mặt”, Hằng, SV năm cuối trường ĐH Ngoại thương chia sẻ.

Đó cũng là sai lầm của Hằng khi lần đầu tiên cô quyết định ra ở riêng. “Lúc đó mình có đi gia sư tiếng Anh, lương tháng hòm hèm 2 triệu, nghĩ đã là khá rồi. Vậy là đòi nằng nặc ra ngoài. Sau ba tháng không chịu được cảnh mì gói, cơm hàng, sống tằn tiện lại muối mặt xin về… ở chung với bố mẹ. Dù buồn, nhưng cũng nhờ đó mà mình rút ra một kinh nghiệm nhớ đời về chuyện ra riêng!” , Hằng tâm sự.

Mô tả ảnh.
Nhiều HS- SV thể hiện sự tự lập bằng cách xin tách gia đình ra ở riêng (Ảnh minh họa- Nguồn intermet)

“Nhiều bạn sinh viên ở các tỉnh, về Hà Nội thuê nhà trọ sống nhưng vẫn phải có viện trợ từ bố mẹ. Thế không tính là ra riêng. Khi nào bạn tự chủ, được cuộc sống cả về tài chính thì mới được coi là tự lập” - Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan niệm của mình về việc tạo lập sống riêng.

Quyết tâm xin ra riêng, Hải đã phải chăm chỉ “cày cuốc” làm thêm cho một công ty phần mềm 6 tháng trời mới có được chút “vốn” ban đầu. Đến khi “trình bày” ý tưởng ra ngoài ở với phụ huynh, Hải cũng không quên trình cả ngân quỹ lâu dài và trước mắt của mình để bố mẹ yên tâm. “Thấy con gái có khả năng tài chính, bố mẹ mình mới nghe đấy chứ” - Hải chia sẻ.

Lan Anh thì dễ dàng thuyết phục bố mẹ hơn, một phần vì đi viết báo từ sớm, có nhuận bút và lương cộng tác viên ổn định, cô đã sớm không phải xin tiền của bố mẹ.

Ra ngoài ở rồi, bên cạnh việc thu xếp học hành, Lan Anh cũng dành thời gian để đi và viết nhiều hơn: “Vừa tăng thu nhập, vừa là rèn nghề. Nhờ đó mà tôi lớn thêm nhiều!”, Lan Anh cho biết.

Nói về trào lưu các bạn trẻ “vòi” tiền của bố mẹ, ra ngoài ở để tiện tụ tập bạn bè, chui lủi “sống thử” với nhau, Lan Anh khẳng định: “Đó chẳng qua là nổi loạn, là một kiểu vòi vĩnh, mè nheo của những cậu ấm cô chiêu học đòi mà thôi”.

Gắn kết gia đình

Nhiều bạn trẻ cho rằng, ra riêng giúp họ thấy mình lớn thêm, sống tích cực hơn, có trách nhiệm hơn. “Có lần bận quá, ngót ba tuần mình không vác mặt về nhà, lúc về thăm thì bố chỉ im lặng. Rồi bố gọi vào cùng uống cà phê với bố, và chỉ nhẹ nhàng nói: “Thời gian bố mẹ ở bên con chẳng còn nhiều đâu”. Câu nói ấy đủ khiến mình rớt nước mắt, hiểu ra mình đã vô tâm với bố mẹ ra sao. Dù ra ở riêng, nhưng không bao giờ được quên giành quan tâm, thương yêu cho bố mẹ” - Lan Anh kể lại kỉ niệm khó quên của mình.

Và nhiều bạn trẻ đã nhận ra, ra ở riêng, không có nghĩa là lơ là gia đình. Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc, là “tổ ấm” dù bạn có đi đâu, ở đâu. Tìm kiếm sự độc lập, thể hiện bản lĩnh của mình nhưng không quên sợi dây kết nối thiêng liêng với gia đình, đó mới là cách ứng xử thông minh của người trẻ.

  • Quỳnh Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,