- Nam sinh viên này tỏ ra không hiểu, thì chủ nhà thẳng thắn: “Tao lạ gì tụi mày, chú nào chả có vài cái đĩa mát mẻ. Mấy đứa con gái còn xem nữa là...”. Chưa dừng lại ở đó, nhiều hôm ông chủ còn nhờ cậu mở giúp cái đĩa và bảo: “Hay! Đảm bảo xem đã mắt lắm”.
Những "quái chiêu" của chủ nhà
Bùi Thanh Tuấn (Khoa Kinh tế, ĐH GTVT Hà Nội) là sinh viên có thâm niên 3 năm đi ở trọ. Nam sinh viên này đã “kinh qua” nhiều nhà trọ nhưng cậu vẫn còn sởn gai ốc về vị chủ nhà cậu thuê trọ năm đầu tiên.
Sau ngày nhập học, để tiện cho việc yên tĩnh học hành, mẹ Tuấn đã thuê riêng cho cậu một phòng trọ khép kín đầy đủ mọi tiện nghi. Chủ nhà trọ của Tuấn đã bước vào tuổi 60 nhưng vẫn còn rất phong độ. Ông chủ chỉ việc ăn rồi đi thu tiền phòng trọ nên rất rảnh rỗi.
Nhiều lần thấy Tuấn được nghỉ học ông cũng vào nói chuyện tào lao cho hết buổi. Ông chủ còn tâm sự chuyện tế nhị giữa hai vợ chồng khi ông đang “phong độ”, trong khi bà vợ thì đã “tắt lửa” từ lâu.
Có lần, khi thấy Tuấn đang dùng latop lướt web, ông rủ rỉ: “Có phim nào kha khá xem chút cho đỡ buồn”.
Nam sinh viên này tỏ ra không hiểu, thì chủ nhà thẳng thắn: “Tao lạ gì tụi mày, chú nào chả có vài cái đĩa mát mẻ. Mấy đứa con gái còn xem nữa là...”. Chưa dừng lại ở đó, nhiều hôm ông chủ còn nhờ cậu mở giúp cái đĩa và bảo: “Hay! Đảm bảo xem đã mắt lắm”.
Những chủ nhà quái chiêu luôn là nỗi ám ảnh của SV - Ảnh minh họa |
Các nam sinh thuê trọ phòng bên sống ở đây nhiều năm còn tiết lộ, ông chủ nhà này đôi lần còn rủ rê sinh viên nam đi “giải trí” những lúc thấy buồn buồn. Một anh cười bí ẩn: “Ông chủ già rồi mà còn phong độ lắm!”.
Không chỉ nam sinh, nhiều nữ sinh mới nhập học cũng hoảng hốt trước các ông chủ nhà có "máu dê". Họ biết, nhưng chỉ dám phòng tránh, chứ cũng không làm được gì được.
Nếu tìm được chỗ trọ tốt thì chịu khó chuyển, nhưng hầu như nhắc đến chuyển nhà, hầu hết sinh viên đều ngán ngẩm, vì ai cũng muốn tìm được chỗ ổn định lâu dài để tiện học hành.
Bạn Thu Hằng (trọ ở làng Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm) cũng chán nản “điểm lại” những lần chuyển chỗ ở của mình, trong đó có lần vì ông chủ nhà có “máu dê”. Ông chủ nhà này có thói quen lạ lùng là thường “đi tuần canh trộm” vào những lúc ngủ trưa của sinh viên.
Hằng kể, có lần bạn trong phòng trọ đi học buổi trưa, vừa dắt xe ra khỏi phòng đã thấy ông chủ dán mắt vào một phòng trọ trong đó có mấy bạn nữ đang say sưa ngủ ở những tư thế hết sức tự nhiên.
Khi thấy bạn Hằng, lão ta trơ trẽn “Chúng mày ngủ trưa bất cẩn thế này là mất hết”. Bạn Hằng kể, chả biết mất hết đồ đạc hay "mất gì". Nhà ông chủ ở phía trước dãy trọ nhưng thường xuyên than vãn là nhà mất nước rồi xuống bể nước của sinh viên dùng nhờ. Lúc thì rửa cái này, lúc lại lau cái kia.
Hằng nháy mắt: “Rửa ráy gì, cố tình chọn vào các giờ tắm của nữ để tranh thủ đấy!”.
Phòng trọ có “người thứ ba”
Nhiều tân sinh viên bỡ ngỡ với môi trường mới, với những quái chiêu của chủ nhà, bên cạnh đó cũng không ít sinh viên phải dở khóc dở cười với những đôi tình nhân ngay trong phòng trọ của mình.
Hồng Mai là sinh viên Đại học Thủy Lợi. Từ quê ra Hà Nội còn lạ lẫm nên chị gái đã sắp xếp cho cô ở cùng phòng với một người bạn cũ thời cấp 3 của mình (chị Mai về quê làm việc). Hai chị em sống khá thoải mái, tuy nhiên có một chuyện tế nhị mà cô chẳng biết giải quyết thế nào.
Lâm – tên chị gái cùng phòng ấy có bạn trai cũng thuê trọ gần đấy. Anh chàng sau mỗi lần đi làm về đều qua phòng cô người yêu ăn cơm, ngồi chơi cho đến tận đêm mới về.
Tân sinh viên vừa chân ướt chân ráo hòa nhập vào môi trường mới, từ chỗ ăn chỗ ở đến mọi việc nhỏ nhặt đối với họ đều rất lạ lẫm, đặc biệt là sinh viên ngoại tỉnh. |
Điều khiến Mai khó chịu hơn là chị kia còn đưa cho anh chàng này một chiếc chìa khóa phòng, nên có nhiều lần Mai đi học về đã thấy anh này cởi trần trùng trục, thoải mái ra vào như nhà riêng.
Phòng trọ có một gác xép nhỏ buổi tối, Mai học bài thì được "miễn phí" thêm những tiếng rúc rích trêu đùa của hai người ở phía trên.
Thỉnh thoảng, với lí do đã muộn, anh này lại "bất đắc dĩ" ngủ lại qua đêm. Mai cũng đã phải quen dần với cảnh thấy đồ chip của con trai trên dây phơi áo nhà mình hay trong nhà tắm có đến ba cái bàn chải đánh răng...
Một chiều, Mai đi học về, cứ nghĩ không ai ở nhà, cô vào nhà và thay quần áo để chuẩn bị nấu cơm. Đang thay giữa chừng thì anh người yêu của chị kia từ gác xép xuống. Mai hốt hoảng la lên...
Hóa ra anh ta đi làm về rồi qua phòng người yêu nghỉ, vốn có chìa khóa phòng nên anh này vào phòng và thản nhiên làm một giấc đến tối. Mai không biết nên được một phen hồn vía lên mây. Cô vội vã chuyển phòng trọ với lí do tìm phòng gần trường hơn để tiện cho việc đi học.
Đây không chỉ là tâm trạng của nhiều nữ sinh ở trọ mà còn cả những nữ sinh trong kí túc xá. Bích Thủy (Quảng Bình) tỏ ra rất bức xúc khi được hỏi đến vấn đề này: "Em từng ở kí túc xá chưa đầy một tháng thì phải chuyển ra ngoài gấp. Ban đầu nhập học thấy kí túc xá có nội quy cấm người ngoài vào trừ thứ 7 và chủ nhật thì bố mẹ em yên tâm lắm, ai ngờ...".
Phòng của Thủy có 8 người, trong đó nhiều chị có người yêu là nam sinh cùng trường, cùng ở kí túc xá. Vậy là cứ sau giờ học, người yêu của một cô lại đến phòng. Kí túc xá cấm nấu cơm trong phòng thì họ "nấu cơm chui" cứ ríu rít như vợ chồng son. Nhiều hôm đi học về thấy phòng đóng cửa, Thủy gõ mãi mới thấy anh này thò cái đầu bù xù ra mở cửa, còn trong phòng, cô chị khóa trên kia cũng thản nhiên ngồi dậy.
Nhiều hôm Thủy ngồi học trong phòng còn hai anh chị kia thì "tâm sự" ở giường trên. Anh chàng còn ngó xuống giường Thủy hỏi: "Hôm nay em không đi đâu chơi à?". Chịu không nổi, Thủy cũng phải bỏ ra ngoài.
Tân sinh viên vừa chân ướt chân ráo hòa nhập vào môi trường mới, từ chỗ ăn chỗ ở đến mọi việc nhỏ nhặt đối với họ đều rất lạ lẫm, đặc biệt là sinh viên ngoại tỉnh. Bởi vậy, nhiều cô cậu sinh viên đã lâm vào không ít chuyện phải dở cười dở khóc...
- T.Mai