- "Hôm nay trời lành lạnh, có chút hơi cay thì ngủ ngon phải biết". Được lời của một nữ sinh, ngay lập tức 5 bạn cùng phòng rủ nhau ra cổng kí túc xá uống rượu ốc, dù đồng hồ đã điểm gần 22 giờ đêm.
Nhậu để... "quên sầu"
Vốn là học sinh giỏi của một trường chuyên có tiếng, Hoa (CĐ Công nghiệp Hà Nội) hoàn toàn suy sụp khi biết mình trượt đại học. Quyết tâm năm sau thi lại, Hoa không gửi nguyện vọng 2 vào các trường cao đẳng.
Nhưng lời xì xầm về một học sinh giỏi trường chuyên trượt đại học càng ngày càng nhiều, không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng khiến Hoa muốn trốn đi đâu đó thật xa. Và Hoa quyết định nhập học hệ trung cấp của trường CĐ Công nghiệp Hà Nội để được xa nơi mình đang sống.
Khi còn ở nhà, dù buồn và tuyệt vọng đến đâu Hoa cũng chỉ lặng lẽ khóc một mình. Xa nhà rồi, khi buồn Hoa vẫn khóc, nhưng thêm vào đó là uống rượu để "quên đi". Từ một lần say trong sinh nhật của một bạn cùng xóm trọ, Hoa đã khám phá ra công dụng "giải sầu" của rượu. Từ đó cứ mỗi lần có chuyện buồn, Hoa lại rủ bạn ra quán ốc nhậu, không ai đi cùng thì tự mua rượu về phòng trọ uống.
Không thua kém đấng mày râu, nhiều nữ sinh ngày nay cũng "chén chú chén anh". Rượu không chỉ là vị thuốc giải sầu mà còn là niềm vui. (Ảnh minh họa) |
Thu Hiền (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lại có cô bạn tìm đến rượu vì thất tình. Hiền kể: "Năm nhất với cô bạn mình là thời kỳ đen tối nhất, toàn đi nhậu nhẹt đến 1, 2 giờ sáng mới về. Có lần đi thâu đêm luôn, sáng về mặt mũi bơ phờ, toàn mùi rượu".
Giải thích cho sự "say xỉn" của cô bạn, Hiền kể tiếp: "Vừa mới ở quê lên Hà Nội nhập học, cô bạn mình đã yêu ngay một chàng giảng viên trẻ. Lúc đầu anh chàng ấy chiều nó lắm. Yêu một thời gian chàng ta "dở chứng" đòi chia tay. Chàng ta còn nói những lời thoá mạ nó, khiến nó tổn thương. Một đứa con gái mới biết yêu lại bị "đá" đau nên nó sầu đời, rồi tìm rượu để quên".
"Vui vui thì uống"
Đó là lời giải thích của Linh (ĐH Thương mại Hà Nội) khi được hỏi lý do Linh vào quán rượu dù đồng hồ đã điểm 22 giờ đêm. Chả là Linh chuẩn bị đi ngủ thì cô bạn cùng phòng thốt ra câu "Hôm nay trời lành lạnh, có chút hơi cay thì ngủ ngon phải biết". Thế là 6 đứa con gái kéo nhau ra cổng kí túc xá uống rượu ốc "lấy khí thế ngủ cho ngon".
"Thỉnh thoảng có đêm trăng đẹp hoặc trời trở lạnh phòng mình vẫn đi uống thế này. Vui lắm. Lúc về ngà ngà say rất dễ ngủ. Với lại chúng mình cũng phải tập uống rượu cho quen. Sau này ra trường đi làm, có lúc phải tiếp khách bằng rượu mà mình lại gục trước còn làm ăn gì nữa?", Linh nói.
Với suy nghĩ biết uống rượu là có lợi cho công việc mai sau, nhóm bạn của Linh ra sức "tập luyện" cho thành thạo. "Lúc đầu mới uống đứa nào cũng chỉ được 1, 2 chén là liêu xiêu. Bây giờ cứ phải hết hơn nửa chai Vodka mới ngà ngà. Có đứa còn uống hơn cả con trai cơ đấy", một bạn trong nhóm của Linh nói.
Mượn rượu giải sầu, uống quá chén rồi không làm chủ được mình luôn để lại những hậu quả khó lường. (Ảnh minh họa) |
Không thua kém đấng mày râu, nhiều nữ sinh ngày nay cũng "chén chú chén anh". Rượu không chỉ là vị thuốc giải sầu mà còn là niềm vui. Từ tiệc sinh nhật, liên hoan chia tay đến những cuộc họp mặt lớp đều có ít nhiều sự xuất hiện của rượu. Thậm chí "gió mát trăng thanh" cũng là một lý do để nữ sinh làm bạn với rượu.
Uống rượu không xấu, nhưng...
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu việc uống rượu là thưởng thức đúng nghĩa và biết dừng đúng lúc. Mượn rượu giải sầu, uống quá chén rồi không làm chủ được mình luôn để lại những hậu quả khó lường.
Một thời gian dài đắm mình trong hơi men, cô bạn của Thu Hiền xuống sắc thấy rõ, mặt đầy mụn, mắt thâm quầng.
Những hôm quá chén say tới sáng chưa tỉnh cô bạn lại bỏ học. Điều khiến Hiền sợ hơn là những lần cô bạn say rồi khóc lóc cả đêm.
"Có lần say quá, về đến phòng là bạn ấy nói lảm nhảm, chửi bới um tỏi cả khu trọ. Có lần thì khóc tu tu ngay ở quán rượu, càng can thì bạn ấy càng gào. Sợ nhất là lần bạn ấy đập đầu vào tường đòi tự tử, cũng may là đã say mèm nên không có sức nếu không đã xảy ra chuyện lớn rồi", Hiền kể lại.
Nhóm bạn của Linh giờ đã thành "cao thủ uống rượu", nhưng mỗi khi nhớ lại những "chiến tích" khi say, mấy cô bạn không khỏi rùng mình. Linh hồn nhiên kể: "Mấy đứa mình say thì lăn ra ngủ hết, chỉ có một đứa là quậy thôi.
Cứ mỗi lần say là nàng ấy lảm nhảm, nói hết chuyện nọ đến chuyện kia. Lại còn có tính đập đồ nữa chứ, nàng ấy đập vỡ một cái điện thoại rồi đấy". Và đi kèm với mỗi bữa "nhậu tới bến" là say là nôn, sáng hôm sau cả phòng lại phải "tổng vệ sinh".
Còn với Hoa (CĐ Công nghiệp Hà Nội), từ một học sinh giỏi ở trung học phổ thông khi theo học trung cấp Hoa vẫn chỉ là một sinh viên bình thường, thậm chí có môn phải thi lại. Thêm vào đó, cái tên của Hạnh giờ đây đã được gắn thêm một chữ "nát".
Nhiều ý kiến cho rằng con gái có thể uống rượu nhưng nên dừng lại ở mức độ cho phép. Trương Văn Toàn (Lớp kế toán doanh nghiệp 53C, ĐH Nông nghiệp Hà Nội) chia sẻ: "Thỉnh thoảng mình vẫn thấy con gái ở khu trọ uống rượu.
Gần đây nhất một nhóm uống mừng báo cáo thành công cũng là để chia tay, gần 10 bạn nữ. Tất cả đều say mềm, người đi ngủ, người thì nói lảm nhảm náo động cả xóm trọ. Con gái cũng có thể uống rượu nhưng không nên uống say như thế. Uống cho vui thôi, phải có điểm dừng chứ đừng nên quá chén".
Thế kỷ 21, mọi thứ đều bình đẳng. Con gái hay con trai đều có thể uống rượu nhưng phải biết lượng sức mình và dừng lại đúng lúc. Đặc biệt là nữ sinh càng không nên quá chén, đừng để cánh mày râu phải thốt ra câu "con gái mà như thế à, chẳng có ý tứ gì hết".
- Kim Minh