- Cuộc sống chảy trôi và biết bao thứ đã thay đổi, Hà Nội nay cũng đã khác xưa rất nhiều. Trong không khí mừng Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, nhiều bạn trẻ hoài cổ đã tìm đến những đồ chơi dân gian, thăm lại các di tích lịch sử để cảm nhận những dư vị đọng lại của Hà Nội xưa.
Về với trò chơi dân gian
Đến hồ Hoàn Kiếm vào những ngày Đại lễ, hẳn không ít người nhận ra sự xuất hiện khá dày đặc của những gánh tò he. Ghé vào gánh hàng không chỉ có các em nhỏ mà có nhiều những thanh niên trẻ tuổi. Với cảm nhận của nhiều người, tò he mang theo một nét văn hoá gợi nhắc về Hà Nội xưa.
Nguyễn Phương Anh (Học viện Bưu chính viễn thông) bồi hồi: "Ông bà ngoại mình sống ở phố cổ, thỉnh thoảng mình vẫn được nghe bà kể về cuộc sống thời trước. Hồi còn nhỏ, tò he là thứ đồ chơi mơ ước của bà mỗi dịp lễ, tết. Có mùa trung thu, bà khóc cả một ngày vì sáng dậy con tò he của bà bị chuột gặm mất. Bây giờ những gánh tò he ngày càng ít đi, nhưng mỗi lần nhìn thấy tò he mình đều nhớ đến câu chuyện của bà".
Không lớn lên ở Hà Nội, nhưng tuổi thơ và quãng đời sinh viên 3 năm sống ở Thủ đô cũng đủ để Vũ Minh (ĐH Văn hoá Hà Nội) nhớ tiếc về những nét văn hoá gắn liền với người Tràng An.
Minh chia sẻ: "Mình nhớ hồi còn tiểu học, thấy mấy chú bán tò he thích lắm. Nào Tôn Ngộ Không, nào Trư Bát Giới thơm nồng mùi bột nếp. Mẹ mình bảo mấy chú ấy là người Hà Nội nên mới khéo tay thế. Lúc đó mình tự hỏi Hà Nội ở đâu, tại sao người Hà Nội lại khéo tay, Hà Nội nhiều tò he lắm nhỉ? Rất nhiều câu hỏi kiểu trẻ con như thế. Đến tận bây giờ tò he vẫn là một nét rất riêng mỗi khi mình nhắc về Hà Nội".
Xin câu đối của ông đồ 9X |
Ở Bờ Hồ, bên cạnh những gánh tò he, nghệ thuật thư pháp cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Nhiều ông đồ tuổi đời cũng còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8x. Người ngắm chữ, người xin chữ, phần đông trầm trồ thán phục trước tài thư hoạ của chàng trai trẻ.
"Mình cứ nghĩ ông đồ thì phải râu tóc bạc phơ cơ. Không ngờ một bạn cùng thế hệ với mình lại am hiểu về chữ Hán và thư pháp đến thế. Dù không biết tiếng Hán nhưng nhìn vào đường nét của những chữ này mình cảm thấy có một cái gì đó rất cổ kính. Có lẽ vì chữ Hán gắn liền với cả một thời kỳ lịch sử đã qua", Vân Thuỳ (CĐ Y tế Hà Nội) chia sẻ.
Thăm di tích lịch sử
Sau những ngày trì hoãn vì bận thi cử, nhóm bạn gồm 15 người của Trần Văn Nghị (Lớp 509412A, Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Phương Đông, Hà Nội) đã có dịp hoà chung không khí của Đại lễ. Điểm đến đầu tiên của các bạn là Hoàng Thành Thăng Long - nơi lưu giữ những chứng tích lịch sử của cả một nền văn hoá Việt.
Sở dĩ nhóm bạn của Nghị chọn Hoàng Thành là điểm đến đầu tiên vì đây là cơ hội để các bạn tìm hiểu, sống lại một thời kỳ lịch sử của Hà Nội.
Nhóm bạn ĐH Phương Đông thăm Hoàng thành Thăng Long |
"Nhiều người chỉ tò mò nên đến đây xem thế nào, ít ai hiểu được hết ý nghĩa của những hiện vật trưng bày ở đây. Thực sự là những kiến thức lịch sử về Hoàng Thành mình cũng ít tìm hiểu. Dịp này là cơ hội tốt để mình hiểu hơn về lịch sử Hà Nội. Chúng mình đã đến thăm lại một loạt các di tích như Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Cột cờ Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám", Nghị chia sẻ.
Đến Hoàng Thành Thăng Long một mình, Nguyễn Mạnh Thắng (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ tập trung vào khu vực lưu giữ hiện vật và phòng tái hiện lịch sử. Là người mê tìm hiểu lịch sử Hà Nội, Hoàng Thành Thăng Long đón khách vào thăm là cơ hội ngàn năm có một của Thắng.
Thăm viện bảo tàng lịch sử |
Thắng chia sẻ: "Mỗi lần có việc đi qua đường Phan Đình Phùng, nhìn cánh cổng của Hoàng Thành mình đều ước dịp nào đó được vào thăm. Nay thật sự đã thoả lòng. Dù nhiều nơi đã được xây mới nhưng nét cổ kính của Hoàng Thành vẫn được lưu giữ. Đặc biệt là cổng thành, nhìn rất uy nghiêm. Mình thích nhất là phòng tái hiện lịch sử qua các thời kỳ. Đọc rồi mới hiểu hết được Hà Nội đã trải qua những bước thăng trầm như thế nào".
"Hôm trước mình cũng có đến thăm lại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Mình đã đến Văn Miếu nhiều lần rồi nhưng vẫn muốn đến. Đại lễ mà, chỉ những nơi cổ kính thâm nghiêm mới cảm nhận được cái hồn của Hà Nội", Thắng chia sẻ thêm.
-
La Hoàn